Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 24

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP.

HCM

KHOA SAU ĐẠI HỌC

TIỂU LUẬN

Môn: DINH DƯỠNG CÂY TRỒNG

“NGHIÊN CỨU DINH DƯỠNG GIỐNG LÚA


NÀNG THƠM CHỢ ĐÀO”

Giáo viên hướng dẫn: PSG. TS. HUỲNH THANH HÙNG

Học viên thực hiện: ĐINH THỊ THẢO QUYÊN

Khóa: 2020 – 2022

Chuyên ngành: BẢO VỆ THỰC VẬT

Tp. HCM – 06/2022


1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Cây lúa (Oryza sativa. L) là loại cây trồng phổ biến và lâu đời nhất, gắn liền với
quá trình vận động và phát triển của con người. Trồng lúa là một nghề truyền thống
nhân dân của Việt Nam từ thời rất xa xưa. Kinh nghiệm sản xuất lúa đã hình thành,
tích lũy và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của dân tộc ta. Những năm
gần đây, Việt Nam đã tham gia vào thị trường lúa gạo quốc tế với sản lượng gạo xuất
khẩu hằng năm đứng thứ 2 – 4 trong số các nước xuất khẩu gạo. Xuất khẩu lúa gạo
là mũi nhọn của kinh tế nước ta, chính vì thế đã có rất nhiều công trình nghiên cứu
khoa học về cây lúa đã được triển khai ở cả nước mà trọng tâm là ĐBSCL.

Gạo xuất khẩu đòi hỏi phải có phẩm chất tốt như: thơm, mềm cơm, có vị ngọt.
Nàng Thơm Chợ Đào (NTCĐ) là một thương hiệu gạo nổi tiếng có phẩm chất tốt,
cơm mềm, thơm, có vị ngọt từ lâu của Chợ Đào thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước,
tỉnh Long An. Những phẩm chất mà gạo NTCĐ có được là nhờ giống do nông dân
tuyển chọn sau nhiều vụ và nhờ có sự giao hòa dòng nước ngọt của sông Rạch Đào
(từ sông Vàm Cỏ Đông) và dòng nước mặn của rạch Nha Ràm (từ sông Rạch Cát)
nên vùng đất Chợ Đào có những đặc tính thổ nhưỡng riêng biệt. Để đạt năng suất và
chất lượng ổn định theo thời gian thì kỹ thuật canh tác và nhu cầu phân bón là một
trong những ảnh hưởng lớn.

Phân bón đóng vai trò hết sức quan trọng trong thâm canh tăng năng suất lúa,
đầu tư phân bón đúng mức sẽ cho năng suất cao và có hiệu quả kinh tế. Nhưng đầu
tư quá mức sẽ gây thất thoát phân bón, không những lãng phí tiền đâu tư mà còn gây
áp lực sâu bệnh cho cây lúa. Trong giai đoạn hiện nay khi mà vật giá vật tư phân bón
tăng cao, chúng ta cần phải tính toán lượng phân bón một cách hợp lý để đạt được
vừa có năng suất cao, vừa có hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy tiểu luận “Nghiên cứu
dinh dưỡng giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào” được thực hiện nhằm mục đích hiểu
rõ về nhu cầu phân bón của cây lúa cũng như các nghiên cứu đã và đang được thực
hiện đối với giống NTCĐ.

1
2. TỔNG QUAN

2.1. Giới thiệu về giống lúa

2.1.1. Tổng quan về cây lúa

* Nguồn gốc cây lúa

Lúa là cây trồng thân thiết, lâu đời nhất của nhân dân ta và nhiều dân tộc khác
trên thế giới, đặc biệt là các dân tộc ở Châu Á và cũng là loại lương thực chính của
người dân Châu Á (thế giới cũng có khoảng 40% dân số lấy lúa gạo làm lương thực
chính).

Cây lúa trồng đã trải qua một lịch sử tiến hóa rất dài và khá phức tạp, với nhiều
thay đổi rất lớn về đặc điểm hình thái, nông học, sinh lý và sinh thái để thích nghi với
điều kiện khác nhau của môi trường thay đổi theo không gian và thời gian. Sự tiến
hoá này bị ảnh hưởng rất lớn bởi 2 tiến trình chọn lọc: chọn lọc tự nhiên và chọn lọc
nhân tạo. Hiểu biết về nguồn gốc cây lúa giúp ta hình dung được quá trình tiến hóa
và hiểu được điều kiện môi trường cùng những yêu cầu sinh thái tự nhiên mà cây lúa
cần cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển đặc biệt của nó. Điều này sẽ rất cần thiết
cho công cuộc nghiên cứu cải tiến giống và các biện pháp kỹ thuật để gia tăng năng
suất lúa trồng (Nguyễn Ngọc Đệ, 2008).

* Sơ lược về lúa mùa

Lúa mùa là nhóm giống lúa có cảm ứng với quang kỳ, chỉ ra hoa trong điều kiện
ánh sáng ngày ngắn thích hợp, tức là lúa chỉ trổ và chín theo mùa. Tùy mức độ mẫn
cảm với quang kỳ nhiều hay ít, mạnh hay yếu mà người ta phân biệt: lúa mùa sớm,
lúa mùa lỡ hoặc lúa mùa muộn.

+ Lúa mùa sớm là các giống lúa cảm ứng yếu với quang kỳ, sẽ bắt đầu ra hoa
khi ngày bắt đầu ngắn dần, tức tháng 9 – 10 dương lịch và cho thu hoạch vào tháng
10 – 11 dương lịch khi trồng trong điều kiện của Đồng bằng sông Cửu Long. Khi

2
trồng trái vụ vẫn trổ được và thời gian sinh trưởng thay đổi không nhiều như: lúa
Tiêu, Sóc so, Sa mo, Sa quay,...

+ Lúa mùa lỡ là những giống lúa có phản ứng trung bình đối với quang kỳ, trổ
vào tháng 11 dương lịch và chín vào tháng 12 dương lịch. Trong điều kiện ở Đồng
bằng sông Cửu Long lúa mùa lỡ trồng trái vụ có thể trổ được nhưng thời gian sinh
trưởng thay đổi nhiều và lúa phát dục không bình thường như: Nàng nhuận, Nàng co
đỏ, Tất nợ, Lúa phi,...

+ Lúa mùa muộn là những giống lúa có phản ứng rất mạnh đối với quang kỳ. Các
giống lúa thuộc nhóm lúa này chỉ trổ vào khoảng thời gian nhất định trong năm, khi
quang kỳ ngắn nhất vào tháng 12 hoặc có khi đến tháng 1 dương lịch. Thời gian sinh
trưởng của các giống này thay đổi rất lớn tùy theo thời điểm gieo cấy sớm hay muộn
và có 1 số giống sẽ không thể trổ được nếu như trồng trái vụ như: Tài nguyên, Nanh
chồn, Nàng thơm muộn,... (Nguyễn Ngọc Đệ, 2008).

Đặc tính quang cảm rất hữu ích trong công tác chọn giống lúa thích nghi với
chế độ nước ở một khu vực sản xuất cụ thể. Ở những vùng đất cao, ven biển canh tác
nhờ nước mưa, các giống lúa mùa sớm và lỡ tỏ ra rất thích hợp vì chúng trổ và chín
khi dứt mưa và nước ngọt đã cạn. Mặn có thể xâm nhập làm thiệt hại các ruộng lúa
nếu sử dụng các giống lúa muộn. Ngược lại, ở những vùng trũng, nước ngập sâu và
rút muộn khi mùa mưa chấm dứt, các giống lúa mùa muộn mới thích hợp. Các giống
lúa mùa sớm trồng trong những vùng này sẽ trổ bông khi mực nước trên ruộng còn
cao và cho thu hoạch khi ruộng còn nhiều nước gây thất thoát rất lớn. Tuy nhiên, đặc
tính quang cảm sẽ gây trở ngại rất lớn cho việc thâm canh tăng vụ vì các giống lúa
này chỉ có thể trồng được 1 vụ/năm (Nguyễn Ngọc Đệ, 2008).

2.1.2. Giới thiệu Nàng Thơm Chợ Đào

Nàng thơm Chợ Đào là một giống lúa nổi tiếng với chất lượng cao mùi thơm
đậm thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Lúa Nàng thơm Chợ Đào có
thể trồng được ở nhiều nơi, nhưng không ở đâu có hương vị thơm, dẻo, ngọt, ngon

3
bằng trồng ở cánh đồng xung quanh Chợ Đào. Gạo Nàng Thơm Chợ Đào hạt dài,
thon, ở giữa có một khối trắng đục, hơi hồng mà người ta gọi là “hột lựu”. Thời gian
sinh trưởng của Nàng Thơm Chợ Đào từ 170 - 185 ngày chỉ sản xuất được 1 vụ trong
năm, năng suất 3,5 tấn/ha. Khi đem giống lúa Nàng Thơm trồng nơi khác chỉ sau một
mùa là “hột lựu” đã biến mất và chất lượng gạo theo đó cũng giảm đi rất nhiều (Võ
Công Thành và ctv, 2019).

2.1.3. Điều kiện canh tác của khu vực

* Vị trí địa lý

Huyện Cần Đước nằm ở phía Đông Nam, thuộc vùng Hạ của tỉnh Long An, là
một huyện ven biển, ba phía được bao bọc bởi sông Rạch Cát và sông Vàm Cỏ. Phía
Đông giáp huyện Cần Giuộc có sông Rạch Cát làm ranh giới, phía Tây giáp huyện
Tân Trụ và huyện Châu Thành có sông Vàm Cỏ làm ranh giới, phía Nam giáp Thị
xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang có sông Vàm Cỏ làm ranh giới, phía Bắc giáp
huyện Bến Lức. Huyện Cần Đước được chia làm 01 thị trấn (Cần Đước) và 16 xã
(Long Định, Long Cang, Phước Vân, Mỹ Lệ, Tân An, Tân Chánh,...).

* Địa hình

Huyện được chia thành 2 vùng: vùng thượng gồm các xã Long Trạch, Long
Hòa, Long Khê, Phước Vân, Tân Trạch, Mỹ Lệ, Long Cang, Long Sơn, Long Định;
vùng hạ gồm các xã Tân Chánh, Phước Đông, Phước Tuy, Long Hựu Đông, Long
Hựu Tây.

* Điều kiện khí hậu

Cần Đước mang đặc điểm chung của khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
với hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô, đồng thời chịu ảnh hưởng của thời tiết vùng
cận biển. Nằm trong vùng đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhiệt
độ trung bình trên địa bàn xấp xỉ 27 độ C; ẩm độ bình quân 79% và chênh lệch cao
giữa mùa khô và mùa mưa (20 – 90%). Số giờ nắng bình quân 2.700 giờ/năm.

4
Mùa mưa thường từ tháng 4 âm lịch đến tháng 11 âm lịch, lượng mưa bình quân
khoảng 1600 mm/năm, trong tháng 9 – 10 lượng mưa rất lớn, trùng với thời điểm lũ
cao gây ra hiện tượng ngập lụt trong vùng. Giữa mùa mưa có hiện tượng hạn kéo dài
khoảng 15 ngày trong tháng 7 hoặc tháng 8 (gọi là hạn Bà Chằng).

Cần Đước chịu ảnh hưởng chế độ gió mùa, cũng thay đổi theo 2 mùa rõ rệt. Gió
mùa Đông Bắc vào mùa khô, với tốc độ trung bình 5 – 7 m/giây. Gió mùa Tây Nam
vào mùa mưa, tốc độ trung bình 3,2 m/giây. Cần Đước ít có bão, đôi khi do ảnh hưởng
của bão hoặc áp thấp nhiệt đới có mưa lớn xảy ra.

* Đất

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất trẻ được hình thành không quá
10.000 năm, do phù sa sông Mekong bồi đắp và do tác động của hiện tượng biển lùi.
Tác động của dòng chảy của sông Cửu Long và triều biển đã hình thành nên vùng
phù sa ven sông và đất phèn từ nhẹ đến nặng tại các vùng trũng Đồng Tháp Mười, Tứ
giác Long Xuyên, vùng trũng Tây Nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau. Nhìn một cách
tổng quát, có thể chia đất Đồng bằng sông Cửu Long làm 4 nhóm chính: đất mặn, đất
phèn, đất phù sa, đất đồi núi và than bùn.

Đất trồng lúa cần nhiều dinh dưỡng, nhiều hữu cơ, tơi xốp, thoáng khí, có khả
năng giữ nước, giữ phân tốt, tầng canh tác dầy để bộ rễ ăn sâu, bám chặt vào đất và
huy động nhiều dinh dưỡng để nuôi cây. Loại đất thịt hay đất thịt pha sét, ít chua hoặc
trung tính (pH = 5,5 – 7,5) là thích hợp đối với cây lúa. Tuy nhiên, muốn trồng lúa
đạt năng suất cao, đất cần bằng phẳng và chủ động nước. Trong thực tế, có những
giống lúa có thể thích nghi được trong những điều kiện đất đai khắc nghiệt như: phèn,
mặn, khô hạn, ngập úng rất tốt (Nguyễn Ngọc Đệ, 2008).

Đất phù sa có tầng sinh phèn sâu chiếm diện tích nhỏ chủ yếu là những phần
tiếp giáp với xã Tân Trạch (thuộc ấp Cầu Chùa và ấp Mỹ Tây) và một phần tiếp giáp
với thị trấn Cần Đước (thuộc ấp Cầu Tam Bình và ấp Vạn Phước). Đất phù sa phát
triển trung bình là loại đất được phân bố khắp các ấp, trong khi đó đất phù sa tập trung

5
phân bố nhiều ở một số nơi như ấp Cầu Làng, ấp Cầu Tam Bình, ấp Long Mỹ, ấp
Vạn Phước và một phần ở ấp chợ Mỹ.

* Dưỡng chất trong đất


Kết quả phân tích đất (Bảng 1.1) cho thấy hàm lượng đạm tổng số trong đất biến
thiên từ (0,21 – 0,25%) thuộc nhóm giàu đạm. Hàm lượng N-hh trong đất ở khoảng
(27,06 – 58,26%) là một trong những dinh dưỡng quan trọng cung cấp cho cây sinh
trưởng và phát triển. Theo Đỗ Thị Thanh Ren (1999), đạm được xem là một nguyên
tố quan trọng cho việc gia tăng năng suất.

Hàm lượng lân dễ tiêu dao động thấp nhất ở giai đoạn trổ 8,48 mg/kg (Bảng 1.1)
thuộc nhóm nghèo lân. Cả 3 giai đoạn cấy phát triển chồi tối đa và thu hoạch lân dao
động từ (15,99 – 31,18 mg/kg) giàu lân (Ngô Ngọc Hưng và ctv, 2004) . Các đất
nghèo lân dễ tiêu nhất ở đồng bằng là đất phèn, đất xám và đất cát. Đất giàu lân nhất
là đất phù sa được bồi đắp hàng năm (Ngô Ngọc Hưng và ctv, 2004). Theo đánh giá
của Harris (2003), hàm lượng lân thấp khi có hàm lượng từ 1 - 15 ppm. Mặt dù có
bón thêm lân thì cây cũng không thể hấp thụ được do các ion Fe, Al và Mn cao, chúng
phản ứng nhanh chóng với ion H2PO4- tạo thành hợp chất lân không hòa tan.

Hàm lượng kali trao đổi tại ruộng thí nghiệm xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh
Long An dao động từ 297,21 – 425,78 mg/kg. Lượng kali trao đổi cao nhất ở giai
đoạn phát tiển chồi tối đa (425,78 mg/kg) và thấp nhất ở giai đoạn trổ (297,21 mg/kg).
Hàm lượng kali trong đất tại ruộng được đánh giá giàu kali ở đầu và cả cuối vụ. Hàm
lượng Kali trao đổi là nguồn kali chính cho cây trồng trong đất. Các loại đất đồng
bằng sông Cửu Long có hàm lượng khá và lượng kali này luôn được bù đắp bởi lượng
kali tổng số dồi dào trong đất (Ngô Ngọc Hưng và ctv, 2004). Kali là nguyên tố đa
lượng rất quan trọng đối với sự sinh trưởng của cây trồng sau đạm và lân. Kali là chất
duy nhất duy trì áp suất của tế bào. Trong cây giữ nhiều vai trò quan trọng là hoạt hóa
các enzyme, tham gia tổng hợp protein, vận chuyển cacbohydrate (Ewans và Wildes,
1971).

6
Hàm lượng Bo không phát hiện trên ruộng lúa thí nghiệm (Bảng 1.1). Bên cạnh
đó Bo có vai trò quan trọng trong sinh tổng hợp và cấu trúc vách tế bào và tính nguyên
vẹn của màng plasma. Nó cần thiết cho sự trao đổi hydratcacbon, vận chuyển đường
lignin hóa, tổng hợp nucleotit, hô hấp và khả năng tồn tại của phấn hoa. Cần bổ sung
Bo để đạt năng suất tốt hơn.

* Hàm lượng độc chất trong đất


Từ kết quả trình bày ở (Bảng 1.1), độ dẫn điện dung dịch đất (ECe- bão hòa) dao
động thấp ở 3 giai đoạn phân tích mẫu (1,07 – 1,88 mS/cm). EC là độ mặn của đất,
biểu thị trực tiếp hay gián tiếp đến nồng độ muối hòa tan trong dung dịch đất, cản trở
quá trình hút nước và dinh dưỡng trong của cây trồng giảm lượng nước hữu dụng
trong đất, phá hủy cấu trúc đất (Tất Anh Thư, 2006). Theo H. Eswaran (1985), cây
lúa rất nhạy cảm với độ mặn, cây lúa sẽ không phát triển được nếu trên đất lúa nước
có EC > 6 mS/cm. EC = 4 - 6 mS/cm ảnh hưởng đến sự phát triển của lúa, nếu EC <
2 mS/cm cây lúa sẽ phát triển và sinh trưởng bình thường. Hàm lượng ECe- bão hòa
tại ruộng thí nghiệm không ảnh hưởng đến sự phát triển và sinh trưởng của lúa.

Hàm lượng sắt dao động từ 447,80 – 1253,97 mg/kg (Bảng 1.1) cao nhất ở giai
đoạn cấy 1253,97 mg/kg và thấp nhất ở giai đoạn trổ 447,80 mg/kg. Đánh giá lúa bị
ảnh hưởng bởi sắt ở nồng độ cao (Theo thang đánh giá Achim Dobermamn vàThomas
Fairhurst, 2000). Với hàm lượng sắt cao trong đất ảnh hưởng mạnh đến sự sinh trưởng
và phát triển của lúa. Đặc biệt ở giai đoạn sinh trưởng (giai đoạn cấy) hàm lượng sắt
lên đến 1253,97 mg/kg. Hạn chế việc phát triển chồi, lúa dần chuyển màu đặc trưng
của ngộ độc sắt (Achim Dobermamn và Thomas Fairhurst, 2000).

Hàm lượng SO42- là dạng lưu huỳnh tồn tại trong đất tại vùng nghiên cứu biến
thiên từ 36,69 – 3855,03 mg/kg (Bảng 1.1) được đánh giá mức phèn ít ở 2 giai đoạn
đầu 36,69 – 222,65 mg/kg (cấy và phát triển chồi tối đa), phèn nhiều ở giai đoạn trổ
và thu hoạch hàm lượng sulfate từ 848,19 – 3855,03 mg/kg (Ngô Ngọc Hưng và ctv,
2004). Hàm lượng SO42- là thành phần chính của các muối trong đất phèn (Acid
sulfate soils). Hàm lượng sulfate trong đất càng cao, đất nhiễm phèn càng nặng (Ngô

7
Ngọc Hưng và ctv, 2004). Trong điều kiện bình thường lưu huỳnh là dinh dưỡng cho
cây (trong cây tích lũy 0,1 – 0,15% tro thực vật). Trong đất ngập nước sự khử sulfate
tạo ra H2S làm giảm khả năng acid hóa của rễ cây ảnh hưởng xấu đến việc hấp thu
dinh dưỡng của rễ. Ion SO42- rửa trôi chậm, gây độc cho cây, gây khó khăn cho sản
xuất (Lê Văn Khoa, 2004).

Qua kết quả phân tích hàm lượng độc chất trong đất tại vùng nghiên cứu cho
thấy, ruộng thí nghiệm chịu ảnh hưởng cả 2 hàm lượng sắt và sulfate trong đất, lượng
sắt trong đất rất cao (1353,97 mg/kg) và lượng sulfate lên đến (3855,3 mg/kg), thuộc
nhóm đất nhiễm phèn sắt và lượng sulfate cao làm cho đất nhiễm phèn nặng hơn. Hạn
chế khả năng acid hóa của rễ làm ảnh hưởng sự hấp thụ dinh dưỡng qua rễ dẫn kết
hợp ngộ độc sắt làm hạn sự phát triển chồi ở giai đoạn đẻ nhánh (Achim Dobermamn
và Thomas Fairhurst, 2000). Với độ mặn (EC) trong đất ở mức thích hợp không làm
giảm năng suất của lúa thí nghiệm. Vậy, lúa bị ảnh hưởng bởi độc sulfate và phèn sắt.
Nên bón vôi kết hợp với việc tiêu nước ở giữa vụ đặc biệt ở giai đoạn đẻ nhánh. Bổ
sung Bo bằng cách bón vãi và bón kết hợp Bo ở dạng hòa tan (0,5 – 3 kg Bo/ha).

8
Bảng 1.1 Kết quả phân tích hàm lượng độc tố và dinh dưỡng trong đất
STT Tên chỉ tiêu Đơn vị PP thử Giai Phát Giai Thu
đoạn triển đoạn trổ hoạch
cấy chồi tối
đa
1 pH H2O - 5,43 5,80 5,24 4,93
2 pH KCl - 4,27 4,70 3,72 3,75
3 EC-bão hòa mS/cm 1,49 1,07 1,26 1,88
4 CEC meq/100g 19,70 21,39 20,24 20,23
5 Al3+ Meq/100g KPH KPH KPH KPH
6 SO42- mg/kg 222,65 36,69 848,19 3855,03
7 Cl- mg/kg 409,44 14,01 151,91 145,81
8 Fe- tự do mg/kg 1253,8 1162,72 477,80 545,92
Soil
9 N- tổng số % 0,24 0,25 0,21 0,22
analysis
10 N-hh mg/kg 33,54 58,26 34,15 27,06
procedures
11 P- tổng số % 0,05 0,06 0,05 0,05
12 P-dễ tiêu mg/kg 19,55 31,18 8,48 15,99
13 K - tổng số % 1,63 1,85 1,75 1,90
14 K- trao đổi mg/kg 336,81 425,78 297,21 300,03
15 Fe2+ mg/kg 382,77 457,32 163,17 213,50
16 Fe3+ mg/kg 3498,9 3107,8 2684,86 3588,17
17 CHC % 3,06 3,44 1,44 1,69
18 Bo mg/kg KPH KPH KPH KPH
19 Co mg/kg 4,03 3,96 3,94 3,64
20 Cu mg/kg 19,38 19,06 17,47 17,52
Chú thích: KPH: Không phát hiện (Nguốn: Tài liệu Đại học Cần Thơ)

* Tài nguyên nước và chế độ thủy văn

Tài nguyên nước của huyện Cần Đước phân bố không đều. Nguồn nước mặt
được hình thành từ hệ thống sông Vàm Cỏ, sông Rạch Cát và hệ thống kênh rạch
chằng chịt trên địa bàn, do đó nguồn nước thường bị mặn vào mùa khô. Nguồn nước
mưa chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 11, cung cấp nguồn nước ngọt chủ yếu để sản xuất

9
nông nghiệp và dùng cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân địa phương.
Nguồn nước ngầm có độ sâu trên 140 m đến 300 m có hàm lượng sắt trong nước cao,
chất lượng nước kém, nồng độ muối có trong nước khá cao nên việc khai thác nguồn
nước ngầm phục vụ cho đời sống và sản xuất của địa phương phải qua nhiều khâu xử
lí, các khâu xử lí tốn nhiều thời gian và khá tốn kém. Hiện nay nguồn nước ngầm trên
địa bàn của huyện có 5 xã là Long Định, Long Cang, Tân Trạch, Long Sơn và Phước
Tuy.

Thủy văn: Chế độ thủy văn của huyện chịu tác động mạnh mẽ theo chế độ thủy
văn bán nhật triều của Biển Đông. Vào mùa khô thủy triều đưa nước mặn từ cửa sông
Soài Rạp theo sông Vàm Cỏ và sông Rạch Cát vào nội đồng. Địa hình huyện Cần
Đước thấp từ Bắc xuống Nam, trung bình từ 0,6 - 0,8 m so với mực nước biển, tuy
nhiên cũng có nơi khoảng 0,3 - 0,5 m nên nước mặn dễ xâm nhập vào trong nội đồng.

Do nguồn nước của huyện phân bố không đều. Vùng thượng có nguồn nước khá
dồi dào nên thuận lợi cho chuyên canh cây lúa và rau màu. Còn vùng hạ, nguồn nước
bị nhiễm mặn do kênh Nước Mặn và gần biển nên vùng hạ gặp khó khăn trong việc
trồng lúa và rau màu nên vùng hạ chủ yếu sản xuất thủy sản như tôm, cá.
2.2. Vai trò của phân bón đối với cây lúa

Để cây lúa sinh trưởng và phát triển bình thường thì cần có nhiều loại dưỡng
chất. Có những chất cây cần với số lượng lớn, gọi là chất đa lượng như: N, P, K, Ca,
Si, Mg và những chất cây cần với lượng rất ít, gọi là chất vi lượng như: Fe, Cu, Zn,
S. Thiếu hoặc thừa một trong các chất này, cây lúa sẽ phát triển không bình thường.
Nhưng ba loại dưỡng chất chính mà cây lúa thường dùng là N, P, K (Nguyễn Ngọc
Đệ, 2008).

* Chất đạm (N)

Đạm là chất tạo hình cây lúa, là thành phần chủ yếu của protein và chất diệp lục
làm cho lá xanh tốt, gia tăng chiều cao cây, số chồi và kích thước thân lá. Do đó, dựa
vào màu sắc và kích thước lá, chiều cao và khả năng nở bụi của cây lúa, người ta có
thể chuẩn đoán tình trạng dinh dưỡng đạm trong cây. Việc nghiên cứu ứng dụng bảng

10
so màu lá để bón phân đạm hợp lý cho lúa đã được thực hiện ở Nhật Bản, Viện nghiên
cứu Lúa quốc tế (IRRI) và Việt Nam (Nguyễn Ngọc Đệ, 1998). Hiện nay kỹ thuật
này được sử dụng phổ biến và rất rộng rãi trong sản xuất lúa ở ĐBSCL góp phần làm
giảm chi phí sản xuất, giảm thiệt hại do sâu bệnh, tăng năng suất và hạn chế lưu tồn
nitrat trong đất và trong nước do bón dư thừa đạm.

Theo Nguyễn Như Hà (2006), thì đạm là yếu tố cơ bản của quá trình đồng hóa
cacbon do có tác dụng kích thích sự phát triển của bộ rễ và việc hút các yếu tố dinh
dưỡng khác của cây. Đạm giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động sinh học, là
thành phần của protein và acid amin vì chất nguyên sinh sống của tế bào là protein.
Đạm còn giữ vai trò quan trọng trong việc cấu trúc nên các chlorophyll (Nartea,
1990).

Khác với các loại cây trồng khác, cây lúa có thể sử dụng cả dạng đạm là nitrat
(NO3-) và ammonium (NH4+), nhưng chủ yếu là ammonium và nhất là trong giai đoạn
sinh trưởng ban đầu. Cây lúa thích hút và hút đạm ammonium nhanh hơn nitrat. Dù
vậy, cây lúa vẫn không tích lũy ammonium trong tế bào lá, lượng ammonium dư thừa
sẽ được kết hợp thành asparagin ở trong lá. Ngược lại, khi nồng độ nitrat trong môi
trường cao thì cây lúa sẽ tích lũy nhiều nitrat trong tế bào. Điều đó làm cho người ta
cho rằng, cây lúa có khả năng tích lũy nitrat thấp hơn đối với ammonium.

Ở các giai đoạn sinh trưởng ban đầu, đạm được tích lũy chủ yếu trong thân lá,
khi lúa trổ khoảng 48 – 71% đạm được đưa lên bông. Nếu thiếu đạm cây lúa lùn hẳn
lại, nở bụi ít, chồi nhỏ, lá ngắn hẹp, trở nên vàng và rụi sớm, cây lúa còi cọc không
phát triển. Giai đoan sinh sản, nếu thiếu đạm cây lúa sẽ cho bông ngắn, ít hạt, hạt nhỏ
và có nhiều hạt thoái hóa (Nguyễn Ngọc Đệ, 2008).

Thừa đạm cây lúa sẽ phát triển thân lá quá mức, mô non, mềm, dễ ngã, tán lá
rậm rạp, lượng đạm tự do trong cây trồng cao, nên cây dễ nhiễm bệnh, làm giảm năng
suất rất nhiều. Trong đất ngập nước, lượng phân đạm bón vào thường bị mất đi do
nhiều nguyên nhân khác nhau (Nguyễn Ngọc Đệ, 2008). Theo De Datta (1979), thì ở
vùng nhiệt đới tỷ lệ đạm cây hút được trên lượng đạm bón vào chỉ khoảng 30 – 50%,

11
tùy thuộc vào tính chất đất, phương pháp, số lượng, thời gian bón đạm và những kỹ
thuật canh tác khác. Tỷ lệ này có xu hướng cao khi mức đạm bón thấp và bón đạm
sâu vào trong đất hoặc bón thúc ở các thời kỳ sinh trưởng về sau.

Tsunoda (1964), cho rằng các giống lúa phản ứng với phân đạm thấp có bộ lá
dài, rộng, mỏng, cong rủ, màu lá xanh nhạt, thân cao và yếu rạ (nhóm lúa địa phương).
Các giống lúa phản ứng với phân đạm cao có lá ngắn, hẹp, dày, thẳng đứng, màu lá
xanh đậm, thân thấp và cứng rạ (nhóm lúa cao sản ngắn ngày).

Năng suất càng cao, lượng đạm yêu cầu càng lớn và tiêu tốn đạm/tấn sản phẩm
càng nhiều. Hiệu lực của đạm ở vụ Đông Xuân thường cao hơn vụ Hè Thu. Kết quả
của nhiều thí nghiệm bón phân cho cây lúa vụ Đông Xuân và Hè Thu ở liều lượng
100 – 120 kg N/ha và 40 kg P2O5/ha cho năng suất 6 tấn/ha (Vũ Cao Thái, 2004)

* Chất lân (P)

Lân là chất sinh năng (tạo năng lượng), là thành phần của ATP, NADP,... Thúc
đẩy việc sử dụng và tổng hợp chất đạm trong cây, kích thích rễ phát triển, giúp cây
lúa mau lại sức sau khi cấy, nở bụi mạnh, kết nhiều hạt chắc, tăng phẩm chất gạo,
giúp cây lúa chín sớm và tập trung hơn. Cây lúa cần lân nhất là trong giai đoạn đầu,
nên cần bón lót trước khi sạ cấy. Khi trổ, khoảng 37 – 83% chất lân được chuyển lên
bông. Đối với năng suất hạt, hiệu quả của phân lân ở các giai đoạn đầu cao hơn các
giai đoạn cuối, do lân cần cho sự nở bụi. Nhu cầu tổng số về lân của cây lúa ít hơn
đạm.

Theo Đỗ Thị Thanh Ren (1999), lân là thành phần của lipid đặc biệt là
phospholipids, hợp chất này là thành phần chính của thành tế bào. Theo Gros (1967)
lân tham gia trực tiếp vào hoạt động sinh lý của cây. Không có lân, chất đường bột
để tổng hợp protein không di chuyển được và các biến chuyển quan trọng cũng không
tiến hành được do thiếu năng lượng.

Theo Nguyễn Như Hà (2006), lân có tác dụng thúc đẩy việc ra hoa và hình
thành quả (hạt) ở cây, làm mau chín, tăng tỷ lệ năng suất thương phẩm (hạt) so với

12
năng suất không thương phẩm rơm rạ ở cây trồng, tăng phẩm chất nông sản, khi cây
trồng được cung cấp đủ lân sẽ cho giá trị thương phẩm cao hơn trong tổng năng suất
sinh vật, hàm lượng đạm protein được tăng lên, ăn ngon hơn. Lân là yếu tố quyết định
đến phẩm chất hạt giống, làm cho hạt giống có tỷ lệ nảy mầm cao, hạt đầy đặn, màu
sắc đẹp, hấp dẫn. Nhu cầu lân cho cây lúa để tạo ra 1 tấn thóc là khoảng 7,1 kg P2O5
trong đó tích lũy chủ yếu vào hạt (5 kg). Cây lúa hút lân mạnh nhất vào thời kỳ đẻ
nhánh và thời lỳ làm đòng nhưng xét về cường độ thì cây lúa hút lân mạnh nhất vào
thời kỳ đẻ nhánh.

Hiện tượng thiếu lân thường xảy ra ở đất phèn, do bị cố định bởi các ion sắt,
nhôm hiện diện nhiều trong điều kiện pH thấp. Thiếu lân, cây lúa cũng lùn hẳn lại,
nở bụi kém, lá rất thẳng hẹp và màu sậm hơn bình thường hoặc ngả sang màu tím
bầm, lúa sẽ trổ và chín muộn, hạt không no đầy và phẩm chất giảm. Trong tự nhiên
lân không ở dạng tự do mà thường ở dạng hợp chất oxit hóa (P2O5). Các loại phân lân
phổ biến hiện nay là super lân 18 – 20% P2O5 dễ tiêu, lân Văn Điển 8 – 10% P2O5 dễ
tiêu. Lân cũng hiện diện trong nhiều loại phân hỗn hợp như DAP
(18N – 46 P2O5 – 0 K2O), NPK,…

* Chất kali (K)

Kali còn được gọi là bồ tạt (potassium), kali giúp cho quá trình vận chuyển và
tổng hợp các chất trong cây, duy trì sức trương của tế bào, giúp cây cứng cáp, tăng
khả năng chống sâu bệnh, chỗng đổ ngã, chịu hạn và lạnh khỏe hơn, tăng số hạt chắc
trên bông và làm hạt no đầy hơn. Kali tập trung chủ yếu trong rơm rạ, chỉ khoảng 6
– 20% trên bông. Kali cần thiết cho sự tổng hợp protein ở thực vật thượng đẳng, kali
tham gia vào nhiều bước của tiến trình giải mã, bao gồm sự liên kết ARN vận chuyển
tới ribosome (Evans và Wildes, 1971, trích dẫn Nguyễn Bảo Vệ và Nguyễn Huy Tài,
2010). Kali còn làm tăng chất lượng nông sản và góp phần làm tăng năng suất của
cây. Kali còn có tác động tốt trong việc làm gia tăng năng suất và phẩm chất nông
sản do ion K+ đóng vai trò quang trọng trong sự căn bằng cation - anion.

13
Thiếu kali (K) cây lúa vẫn có chiều cao và số chồi gần như bình thường, lá vẫn
xanh nhưng mềm rủ, yếu ớt, dễ đổ ngã, dễ nhiễm bệnh. Thiếu kali thường xảy ra ở
đất thoát thủy kém, đất trầm thủy, do các độc chất sinh ra trong điều kiện yếm khí đã
ngăn cản sự hấp thụ kali của cây lúa. Ở đất phèn cây lúa thiếu kali thường kết hợp
với triệu chứng ngộ độc do sắt. Nhu cầu kali đối với giai đoạn sinh trưởng ban đầu
của cây lúa cao, sau đó giảm xuống và lại tăng lên ở giai đoạn cuối. Ngoài ra, do cây
lúa cần kali với số lượng lớn nên việc bón bổ sung phân kali cho cây lúa kéo dài đến
lúc trổ bông là rất cần thiết (Nguyễn Như Hà, 2006).

Natri có thể thay thế Kali trong một số quá trình rất quan trọng như để duy trì
sức trương của tế bào, nên khi kali bị hạn chế, bón muối NaCl cũng có thể cải thiện
được sinh trưởng của cây lúa. Ảnh hưởng đối kháng của natri đến sự hấp thu kali của
cây lúa thay đổi theo mức kali bón vào. Chỉ khi nào bón kali với số lượng cao, thì
natri mới làm giảm sự hấp thu kali. Tuy nhiên bón NaCl để thay thế kali lâu dài có
thể phá hủy cơ cấu đất, làm đất chai cứng hơn và có thể gây ngộ độc do mặn (Nguyễn
Ngọc Đệ, 2008).

Theo Buchholz và Brown (1993), hơn 98% kali trong đất có nguồn gốc từ sự
phân hủy của khoáng slicate. Nhưng kali lại phóng thích rất chậm từ sự phong hóa
các khoáng chất này mặc dù nhu cầu kali cho cây trồng lại cao.

* Chất Silic (Si)

Cây lúa hấp thụ silic nhiều hơn bất kỳ chất dinh dưỡng nào (từ 890 – 1018
kg/ha/vụ). Trong cây, silic tập trung chủ yếu trong thân lá (khoảng 60%), một phần
trên bông (khoảng 20%). Silic có vai trò quan trọng trong cây, làm tăng bề dày của
vách tế bào, giúp cây cứng cáp, chống đỗ ngã, kháng sự xâm nhập của mầm bệnh và
sự tấn công của côn trùng, làm lá thẳng đứng, nhiều bông, giảm thoát hơi nước giúp
cây chịu hạn khỏe hơn.

Silic cũng làm tăng lực oxid hóa của rễ và ngăn cản sự hấp thu Fe và Mn quá
mức. Ngoài ram cây lúa còn cần nhiều chất khác nhưng với lượng ít và đất có thể

14
thỏa mãn hầu hết các nhu cầu này. Thiếu Mg cũng làm cho lá bị mềm yếu do làm
giảm sức trương của tế bào (Huỳnh Trung Tính, 2013).

* Chất Sắt (Fe)

Sắt là thành phần cấu tạo của Chlorophyll (diệp lục tố) và một số phân hóa tố
trong cây. Cây lúa cũng cần sắt nhưng với lượng nhỏ. Thiếu sắt xảy ra ở đất trung
tính, đất kiềm và thường xảy ra ở đất cao, đất rẫy hơn là đất ngập nước. Tuy nhiên, ở
nồng độ Fe2+ cao trên 300 ppm cây lúa lại bị độc. Triệu chứng độc do sắt điển hình ở
cây lúa là sự xuất hiện những đốm rỉ màu nâu đỏ từ chóp lá và lan dần dọc theo gân
lá xuống các phần bên dưới làm cả lá bị đỏ, bụi lúa còi cọc, rễ không phát triển, màu
vàng nâu.

Ngộ độc sắt thường xảy ra ở đất có pH thấp (đất phèn) nên thường được gọi là
lúa bị phèn. Nồng độ sắt cao làm bộ rễ bị hư hại, giảm sự hấp thụ dưỡng chất, nhất là
lân và kali nên ảnh hưởng đến cây lúa càng trầm trọng hơn. Các giống lúa khác nhau
thì tính chịu phèn cũng khác nhau. Cần đào mương thoát phèn. Bón vôi cải tạo đất,
ngăn sự bốc phèn trong mùa khô, đồng thời bón thêm phân lân và phân kali cho lúa.

Tanado và Yoshida (1978), cho rằng rễ lúa có khả năng phản ứng với tác dụng
độc hại của sắt nhờ khả năng oxid hóa trong vùng rễ làm giảm nồng độ Fe2+, khả năng
loại trừ và khả năng giữ sắt trong rễ.

1.3. Nghiên cứu trong và ngoài nước về giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào

Do Nàng Thơm Chợ Đào là giống lúa đặc trưng tại địa phương được người nông
dân trồng và chọn tạo các giống có chất lượng tốt chắt chiu qua từng năm để tạo nên
thương hiệu của riêng mình. Nên không có nhiều nghiên cứu ngoài nước được công
bố về giống lúa này trên các bài báo khoa học hay các trang thông tin điện tử.

Theo FAO, phân bón hóa học làm tăng năng suất cây trồng từ 35 – 45% và nhờ
phân hóa học sản lượng nông nghiệp thế giới tăng 4 lần trong vòng 50 năm. Tổng kể
của FAO cho thấy lượng phân hóa học sử dụng tăng rất nhanh và đến nay thế giới
cần 155 triệu tấn phân hóa học mỗi năm.

15
Koyama (1981); Sarker và ctv (2002) cho rằng: “Đạm là yếu tố xúc tiến quá
trình đẻ nhánh của cây, lượng đạm càng cao thì lúa đẻ nhánh càng nhiều, tốc độ đẻ
nhánh lớn nhưng lụi đi cũng nhiều”

Giống mới yêu cầu về phân bón nhất là lân cao hơn so với giống cũ. Bón lân
làm tăng khả năng hút đạm và kali, là cơ sở để tăng năng suất cây trồng. Để đánh giá
khả năng cung cấp lân của đất cho cây trồng, người ta dựa vào hàm lượng lân tổng
số, phân lân bón cho lúa có hiệu quả đứng thứ hai sau đạm, nhưng trong một vài
trường hợp, ở những đất nghèo dinh dưỡng thì phân lân lại làm tăng năng suất nhiều
hơn đạm. Bón lân làm cho lúa cứng cây và tăng khả năng chống đổ (De Datta và
Burush, 1989; Koyama, 1981; Sinclair và ctv, 1989).

Các thí nghiệm của Patrick và Mahapitra (1986), đều cho thấy kali có vai trò
quan trọng trong giai đoạn trước và sau làm đòng, thiếu kali ở giai đoạn này năng
suất lúa giảm mạnh. Theo quan điểm của Koyama (1981), kali xúc tiến tổng hợp đạm
trong cây. Thiếu kali cây lúa dễ bị bệnh đạo ôn, thối rễ, bạc lá, thân cây yếu dễ bị đổ.
Lúa được bón đầy đủ kali, lá chuyển màu xanh vàng, lá dài hơn và trổ sớm hơn 2 – 3
ngày. Kali có tác dụng làm tăng số nhánh hữu hiệu, tăng chiều cao cây, bông dài hơn
và phẩm chất hạt tốt hơn.

Theo kết quả nghiên cứu của Sarker và ctv (2002), giai đoạn đầu hiệu suất của
kali cao sau đó giảm dần và đến giai đoạn cuối lại cao. Do lúa cần lượng kali lớn nên
cần bón kali bổ sung đến giai đoạn trổ, đặc biệt ở giai đoạn hình thành hạt là rất cần
thiết.

Lượng dinh dưỡng có trong đất có trong đất thường không đủ cung cấp cho cây
để đạt năng suất và chất lượng mong muốn. Do vậy, bón phân để cung cấp đủ nhu
cầu dinh dưỡng cho cây là rất cần thiết. Việc bón bố sung cho cây phụ thuộc vào đặc
điểm cây trồng và cơ cấu cây trồng, đất, mùa vụ, kỹ thuật canh tác. Do chế độ canh
tác khác nhau nên hiệu quả phân bón thường biến động lớn. Một trong những phương
pháp tiến bộ trong bón phân cho cây lúa đã được áp dụng hiệu quả là quản lí dinh

16
dưỡng theo vùng đặc thù (SSNM: Site Specific Nutrient Management) (Witt và ctv,
2002).

Các nghiên cứu trong nước về giống lúa NTCĐ được công bố không quá nhiều.

Giai đoạn 2000 – 2010, đây là giai đoạn nghiên cứu phân bón cho cây lúa vùng
ĐNSCL đi vào chiều sâu, tập trung nghiên cứu bổ sung những hạn chế của phương
pháp bón phân theo SSNM, đồng thời tìm giải pháp phù hợp và đơn giản hóa những
thành tựu nghiên cứu này để đưa ra ứng dụng trong sản xuất một cách nhanh chóng
và rộng rãi nhất (Trần Văn Phúc, 2014).

Qua thử nghiệm thực tế đồng ruộng từ 2000 – 2004, bón phân theo SSNM vẫn
cần thiết phải điều chỉnh lượng đạm theo nhu cầu của cây, bằng cách sừ dụng bảng
so màu lá LCC (Leaf colour chart) theo đề xuất (Balasubramaniam và ctv, 2000). Bón
phân theo SSNM và điều chỉnh lượng đạm theo yêu cầu của cây bằng LCC đã giúp
bón phân đúng lúc, đúng lượng một cách chính xác hơn nhiều so với khuyến cáo
trước đây (Phạm Sỹ Tân, 2008).

Cây lúa phản ứng rất tốt với phân đạm, tuy nhiên chúng phụ thuộc rất nhiều tới
điều kiện thời tiết khí hậu và môi trường đất đai. Đối với đất phù sa ngọt ĐBSCL,
phân đạm được khuyến cáo sử dụng khoảng 100 – 129 kg N/ha trong vụ Đông Xuân
và 80 – 100 kg N/ha trong vụ Hè Thu. Đối với đất phèn lượng phân đạm được khuyến
cáo thấp hơn so với đất phù sa. Vụ Đông Xuân bón 80 – 100 kg N/ha và vụ Hè Thu
bón 60 – 80 kg N/ha. Ngoài hai vùng lúa chín này, một phần nhỏ diện tích lúa ở ven
biển từ Long An đến Cà Mau chủ yếu trồng lúa mùa, lượng đạm khuyến cáo bón
khoảng 30 – 50 kg N/ha (Phạm Sỹ Tân, 2001 và 2008).

Phân lân và kali đã được chú ý nghiên cứu trong những năm từ 1985 – 2000,
với mục tiêu là nâng cao hiệu quả của lân và kali. Phân lân được khuyến cáo bón
khoảng 40 – 80 kg P2O5/ha sẽ cho năng suất cao và hiệu quả đầu tư cao. Bón thấp
hơn mức này năng suất cũng không tăng thêm. Bón càng tăng thì hiệu quả đầu tư
phân lân càng giảm (Phạm Sỹ Tân và Nguyễn Văn Luật, 1995). Tùy theo đất, lân cho

17
lúa được khuyến cáo bón khác nhau. Đất phù sa bón 40 – 60 kg P2O5/ha, đất phèn từ
60 – 80 kg P2O5/ha. Lâm được khuyến cáo bón lót trước khi sạ nếu là phân lân khó
tan như lân nung chảy và bón thúc khoảng 7 – 10 ngày sau sạ (NSS) nếu là phân dễ
tan như DAP, lân super. Trên đất phen, do độc tố sắt, nhôm cao cho nên phân lân còn
được khuyến cáo bón thêm một lần tiếp theo vào khoảng 25 NSS (Mai Thành Phụng
và ctv, 2005).

Nguyễn Như Hà (2006), khi nghiên cứu quan hệ giữa năng suất với lượng kali
bón cho thấy: Hiệu lực của kali còn phụ thuộc rất lớn vào năng suất, trên đất phù sa
sông Hồng khi năng suất dưới 2,5 tấn/ha hiệu lực của kali thường không rõ; năng suất
từ 2,5 – 4,5 tấn/ha, bón 20 – 30 kg K2O có hiệu lực rõ; năng suất lớn hơn 4,5 tấn/ha
nhất thiết phải bón kali. Trên ruộng lúa năng suất 8 tấn/ha số lượng kali lấy đi trong
hạt thóc khoảng 40 – 45 kg K2O. Nếu vùi trả lại rơm rạ và bón 10 tấn phân chuồng
thì sự thâm hụt về kali không lớn, vì vậy nước tưới có thể là nguồn kali chính cho lúa.
Hàm lượng kali trong nước tưới đạt 40 ppm có thể đáp ứng nhu cầu kali cho lúa ở
mức năng suất 10 tấn/ha.

Trần Phú Toàn (2011), đã ghi nhận sự đa dạng về nguồn gen của 72 dòng NTCĐ
thu thập tại xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước với hệ số đa dạng của kiểu gen là 0,403 thông
qua 100 dòng NTCĐ bằng dấu chỉ thị phân tử SSR (Simple Sequence Repeat) với 6
cặp mồi được sử dụng trong nghiên cứu bao gồm: RM42, RM223, Primer Wx,
RM112, RM458 và RM166, kết hợp với đánh giá đặc tính 15 kiểu hình với chỉ số đa
dạng H’ là 0,37 cho thấy rõ được sự đa dạng của giống. Tuy nhiên tương quan kiểu
hình giữa các dòng trong nhóm chưa được rõ.

Năm 2013, Võ Thị Ngọc Thanh đã đánh giá về ảnh hưởng của quang kỳ lên một
số khu vực gần cao tốc Trung Lương bị ảnh hưởng bởi đèn lên giống lúa NTCĐ. Tác
giả đã tiến hành đo cường độ ánh sáng của đèn cao áp tuyến cao tốc Tp.HCM – Trung
Lương và tìm hiểu nguyên nhân gây ra hiện tượng không trổ bông của lúa thông qua
giải thích cơ chế: giai đoạn nào florigen tích lũy nhiều nhất và tác động của Hd3a ở
tuổi lá nào nhiều. Dùng phương pháp điện di SDS – PAGE (Theo quy trình Bộ Nông

18
Nghiệp Nhật, 1980) để tìm ra vị trí của phytochrome và sự hiện diện của một số
protein Hd1, Ehd1, OsGl,… liên quan đến thời gian trổ hoa của lá, qua đó xác định
Hd3a biểu hiện giai đoạn lá bao nhiêu ngày tuổi. Hd3a hiện diện trong mô phân sinh
của chồi non, mẫu lá được lất phân tích là lá non. Dựa vào kết quả phân tích, giải
thích sự chuyển hóa phytochrome từ giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng sang giai đoạn
sinh trưởng sinh dục, qua đó sẽ giải thích cơ chế ảnh hưởng của cường độ ánh sáng
đến hiện tượng không trổ hoa ở lúa mùa. Kết quả thí nghiệm tác giả nhận định NTCĐ
bị ảnh hưởng của cảm ứng quang kỳ mạnh, giai đoạn phân góa đòng (35 NSKG) cho
cảm ứng quang kỳ mạnh nhất khi xử lý ánh sáng, làm kéo dài thời gian trỗ chậm hơn
so với đối chứng 17 ngày. Hd3a và florigen trên cây lúa cao nhất vào giai đoạn phân
hóa đòng.

Nguyễn Phúc Hảo (2020), đã tiến hành xử lý gây sốc nhiệt ở mức 500C trên
giống lúa NTCĐ được tiến hành vào giai đoạn hạt nẩy mầm (thời điểm quá trình phân
bào nguyên nhiễm đang diễn ra mạnh mẽ và hạt lúa rất mẫn cảm với nhiệt độ) sau
khi đã được làm thuần nhằm mục đích tạo ra được giống lúa mới không bị ảnh hưởng
bởi quang kỳ. Sau khi được xử lý sốc nhiệt ta tiến hành trồng lúa vào mùa thuận tạo
ra thế hệ M1. Thế hệ M2 được trồng vào mùa nghịch, thu hoạch cá thể trổ không bị
ảnh hưởng của quang kỳ, chín sớm có đối chứng. Thế hệ M3 được trồng vào mùa
thuận, ghi nhận sự phân ly, chọn lọc cá thể biểu hiện các tính trạng mục tiêu. Tiếp tục
trồng mùa nghịch, loại bỏ cá thể không trổ, tiếp tục ghi nhận sự phân ly chọn dòng
theo mục tiêu ở thế hệ M4. Thế hệ M5, tiến hành trồng mùa thuận trong nhà lưới,
đánh giá các chỉ tiêu nông học, ngoài ra còn điện di SDS – PAGE để tăng hiệu quả
chọn lọc hàm lượng amylose, protein và kiểm tra nhanh độ thuần. Khảo nghiệm ngoài
đồng nếu các dòng có biểu hiện thuần. Sau thế hệ M5 ta tiếp tục chọn lọc cho đến khi
có dòng thuần ưu tú. Kết quả tác giả đã chọn lọc được tổng cộng 7 dòng lúa NTCD
mới không bị ảnh hưởng bởi quang kỳ ở thế hệ M6 được tách dòng từ thế hệ M5 có
thời gian sinh trưởng từ 105 – 110 ngày, chiều cao cây dao động từ 95 – 105, hàm
lượng amylose đạt từ 12,5% – 13,9%, chiều dài hạt gạo biến thiên từ 6,6 – 6,8 mm

19
và đặc trưng mùi thơm của các dòng là thơm và thơm nhẹ. Ngoài ra tác giả còn đánh
giả khả năng chống chịu của NTCĐ trong điều kiện phèn, mặn.

Để nâng cao năng suất trên giống lúa NTCĐ đáp ứng cho thị trường, người dân
đã có những thay đổi về kỹ thuật canh tác, sử dụng phân thuốc hóa học không phù
hợp, làm cho chất lượng giống NTCĐ ngày một mất đi. Năm 2018, Võ Công Thành
và ctv đã tiến hành thí nghiệm khảo sát mức ảnh hưởng bởi 5 mức độ phân đạm (4
mức độ đạm: 45, 55, 65, 75kg N và 1 nghiệm thức đối chứng không sử dụng đạm) và
4 mật độ cấy (30 bụi/m2, 35 bụi/m2, 40 bụi/m2, 45 bụi/m2) trên giống lúa NTCĐ bước
đầu được thực hiện tại xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước. Qua bước đầu thử nghiệm tác giả
đã nhận định mật độ cấy 30 bụi/m2 ở nhân tố không bón đạm (N0) và 45N/ha (N1)
đạt tốt nhất (Nguyễn Thị Ngọc Tuyền, 2018).

Năm 2019, Võ Công Thành và ctv đã tiếp tục tiến hành thử nghiệm sử dụng
giống lúa phục tráng để đánh giá hiệu quả của việc sử dụng phân đạm và mật độ cấy.
Thí nghiệm cũng được bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 2 nhân tố : gồm 4
mức mật độ cấy và 5 mức lượng phân bón, gồm 20 nghiệm thức với 3 lần lặp lại.
Nhân tố thứ nhất: 4 mật độ cấy: 30 bụi/m2, 35 bụi/m2, 40 bụi/m3, 45 bụi/m2. Nhân tố
thứ 2: 5 mức độ phân đạm: 0, 45, 55, 65, 75 N. Tác giả khuyến cáo nên cấy ở mật độ
từ 30 – 35 bụi/m2 (đối với mạ sân 21 ngày) và hạn chế bón đạm. Tăng cường sử dụng
phân hữu cơ (Nguyễn Bùi Chinh, 2019) .

3. KẾT LUẬN

Chưa có nhiều nghiên cứu về giống lúa NTCĐ, các trung tâm nghiên cứu cũng
như các trường đại học chưa có nghiên cứu rộng rãi. Các nghiên cứu của trường Đại
học Cần Thơ chủ yếu tập trung vào việc lai tạo giống mới, chưa thực sự quan tâm đến
nhu cầu phân bón của giống.

Đề nghị: Mong muốn có nhiều nghiên cứu liên quan về giống lúa NTCĐ để
giống lúa ngày càng phát triển tốt hơn, tăng năng suất, chất lượng. Cũng như tránh
mất đi những đặc điểm tốt của giống do canh tác của người dân.

20
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Như Hà, 2006. Giáo trình bón phân cho cây trồng. Nhà xuất bản Nông
Nghiệp.
2. Vũ Cao Thái, 2004. Quan hệ giữa độ phì nhiêu của đất, phân bón và năng suất lúa
trên một số loại đất chính ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Trung tâm TTTNN -
CNTP. Viện lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long.
3. Buchholz, D. D and J. R. Brown, 1993. Potassium in Missouri Soils. Agricultural
Publication, 9, 185.
4. Mai Thành Phụng, Nguyễn Đức Thuận và Nguyễn Văn Thạc, 2005. Bài học kinh
nghiệm của bón phân cho lúa ngắn ngày. Báo cáo hội thảo bón phân theo
SSNM. Thành phố Hồ Chí Minh. 17 – 18/2/2005.
5. Nguyễn Ngọc Đệ, 2008. Giáo trình cây lúa. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành
phố Hồ Chí Minh. Tp. Hồ Chí Minh.
6. Phạm Sỹ Tân, 2001. Nghiên cứu phân vùng địa lý sinh thái hiệu lực phân bón Việt
Nam. Báo cáo đề tài cấp Nhà nước Khoa học Công nghệ - 08 – 08.
7. Phạm Sỹ Tân, 2008. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phân bón lúa ở ĐBSCL.
Trong hội nghị phân bón bộ NN & PTNT, ngày 18/07/2008. Tp. Hồ Chí Minh.
8. Balasbramaniam, V., A. C. Morales, R. T. Cruz, N. N. De, P. S. Tan and Z. Zaini,
2000. Leaf colour chart (LCC): A simple decision tool for nitrogen
management in lowland rice. Poster presented at the American Society of
Agronomy meeting. Minneapolis. Minnesota. 5 – 9 November 2000.
9. De Datta, S. K. and R. J. Buresh, 1989. Intergrated nitrogen management in
lowland rice. Adv. Soil science. 10: 143 – 169.
10. Koyama, J., 1981. The transformation and balance of nitrogen in Japanese paddy
fields. Fert. Res 2: 261 – 278.
11. Patrick, J. W. H and I. C. Mahapitra, 1968. Transformatines and availability to
nitrogen and phosphorus in waterlogged soils Advances in Agronomy. 24: 323
– 259.
12. Sarker, M, A, Z., S. Murayama, Y. Ishimine and E. Tsuzuki, 2002. Effect of
nitrogen fertilization on photosynthetic characters and dry matter production
in F1 hybrids of rice (Oryza sativa L.). Plant. Prod. Sci. 5: 131 – 138.
13. Sinclair, T. R. and T. Horie, 1989. Leaf nitrogen, photosynthesis and crop
radiation use efficiency: A review. Crop Sci. 29: 90 – 98.
14. Witt, C., V. Balasubramanian, A. Dobermann and R. J. Buresh, 2002. Nutrient
management. In: Fairhurst T. H. and C. Witt Rice: A practical guide to
nutrient managenment. PPI/PPIC and IRRI. Pp. 1 – 45.
15. Trần Phú Toàn, 2011. Đánh giá tính đa dạng nguồn gen lúa Nàng Thơm Chợ
Đào. Luận văn thạc sĩ, ngành Công Nghệ Sinh Học, Đại học Cần Thơ. Thành
phố Cần Thơ.
16. Võ Thị Ngọc Thanh, 2013. Nghiên cứu cơ chế ảnh hưởng của quang kỳ trên cây
lúa mùa. Luận văn tốt nghiêp cao học. Ngành Khoa Học Cây Trồng. Đại học
Cần Thơ. Thành phố Cần Thơ.
17. Võ Công Thành và Nguyễn Phúc Hảo, 2019. Tuyển chọn các dòng lúa thơm
chống chịu phèn tại Mộc Hóa và Kiến Tường, tỉnh Long An. Tạp chí Khoa
học trường Đại học Cần Thơ. 55(3B): 24-332.
18. Võ Công Thành và Nguyễn Phúc Hảo, 2020. Làm mất ảnh hưởngcủa quang kỳ
trên giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào. Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần
Thơ. 56(4B): 89-96.
19. Trần Văn Phúc, 2014. Xác định hiệu lực trực tiếp của phân đạm tồn dư và cộng
dồn của phân lân, kali trên đất 2 vụ lúa huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Luận
văn tốt nghiệp Cao học. Ngành Khoa Học Cây Trồng. Đại học Cần Thơ. Thành
phố Cần Thơ.
20. Huỳnh Trung Tính, 2013. Ảnh hưởng của silic hữu cơ phân hóa học đến sự xuất
hiện của sâu bệnh sinh trưởng và năng suất của giống lúa IR 50404 trên vùng
đất phù sa Bình Minh – Vĩnh Long. Luận văn tốt nghiệp Cao học. Ngành Khoa
học Cây Trồng. Đại học Cần Thơ. Thành phố Cần Thơ.
21. Nguyễn Thị Ngọc Tuyền, 2018. Khảo sát mật độ cấy và mức độ phân đạm thích
hợp cho giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào vụ mùa 2018 tại xã Mỹ Lệ, huyện Cần
Đước, tỉnh Long An. Luận văn tốt nghiệp đại học. Ngành Nông học. Đại học
Cần Thơ. Thành phố Hồ Chí Minh.
22. Nguyễn Bùi Chinh, 2019. Khảo sát mật độ cấy và mức độ phân đạm thích hợp
cho giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào vụ mùa 2019 tại xã Mỹ Lệ, huyện Cần
Đước, tỉnh Long An. Luận văn tốt nghiệp đại học. Ngành Nông học. Đại học
Cần Thơ. Thành phố Hồ Chí Minh.
23. Đỗ Thị Thanh Ren, 1999. Giáo trình phì nhiêu đất và phân bón. Nhà xuất bản
Nông Nghiệp. Đại học Cần Thơ. Thành phố Cần Thơ.
24. Lê Văn Khoa, 2004. Sinh thái và môi trường đất. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia
Hà Nội.
25. Ngô Ngọc Hưng, 2004. Giáo trình thực tập Thổ nhưỡng. Tủ sách Đại học Cần
Thơ. Thành phố Cần Thơ.
26. Shouichi Yoshida, 1981. Cơ sở khoa học cây lúa. Nhà xuất bản Viện Nghiên Cứu
Lúa Quốc Tế (IRRI). Người dịch Trần Minh Thành, 1992.
27. Shouichi Yoshida, 1985. Những kiến thức cơ bản của khoa học trồng lúa. Nhà
xuất bản Nông Nghiệp. Người dịch Mai Văn Quyền.
28. Tất Anh Thư, 2006. Giáo trình thực tập hóa lý đất. Xác định nhôm trao đổi và
Acid tổng số trong đất, Đại Học Cần Thơ. Thành phố Cần Thơ.
29. H. Eswaran, 1985. Physical and chemical soil condition. Soil physics and rice.
International rice research institute Losbanos, Languna Philippine. pp 42
30. IRRI, 1996. International Rice Research Institue (1996), Standard Evaluation
System for rice, Los Banos, Philippines.
31. André Gros., 1967. Hướng dẫn thực hành phân bón. Nhà sản xuất bản Nông
Nghiệp. Người dịch Nguyễn Xuân Hiển, Võ Minh Kha, Vũ Hữu Yêm.
33. Nguyễn Bảo Vệ và Nguyễn Huy Tài, 2010. Dinh dưỡng khoáng cây trồng. Nhà
xuất bản Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. 140 trang.
34. Nguyễn Như Hà, 2006. Giáo trình phân bón cho cây trồng. Bộ giáo dục và đào
tạo Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, trang: 97 - 113.
35. Nguyễn Như Hà, 2006. Giáo trình thổ nhưỡng nông hóa. Nhà xuất bản Hà Nội.
36. Evans, Hoj. And K. A. Wildes., 1971. “Potassium and its role in enzyme
activation” Parc. 8th Collop. Int. Potaash ints. Bern, pp: 13 - 19.

You might also like