Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 16

VIỆT BẮC

Hoàn cảnh sáng tác VB :

Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị, thơ ông diễn tả những tinh cảm CM
thật nhẹ nhàng mà cũng thật đậm sâu. Bài thơ Việt Bắc là đỉnh cao của
thơ tố Hữu và cũng là thành tựu xuất sắc của thơ ca kháng chiến chống
Pháp. Bài thơ ra đời nhân một sự kiện lịch sử tháng 10 năm l954, những
người kháng chiến rời căn cứ miền núi trở về miền xuôi. Từ điểm xuất
phát ấy, bài thơ ngược về quá khứ để tưởng nhớ một thời cách mạng và
kháng chiến gian khổ mà anh hùng, để nói lên nghĩa tình gắn bó thắm
thiết với Việt Bắc, với Đảng và Bác Hồ, với đất nước và nhân dân - tất
cả là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để dân tộc ta vững vàng bước tiếp
trên con đường cách mạng. Nội dung ấy được thể hiện bằng hình thức
đậm tính dân tộc. Bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu.

Thân bài

Mở đầu đoạn thơ là hai câu thơ giới thiệu nội dung bao quát cảm xúc
chung của đoạn thơ:

"Ta về mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người"

Câu thơ đầu tiên sử dụng câu hỏi tu từ "mình có nhớ ta", câu thơ thứ hai
là tự trả lời, điệp từ "ta" lặp lại bốn lần cùng với âm "a" là âm mở khiến
câu thơ mang âm hưởng ngân xa, tha thiết nồng nàn. Với Tố Hữu, người
cán bộ ra đi không chỉ nhớ đến những ngày tháng gian khổ "bát cơm sẻ
nửa chăn sui đắp cùng", mà còn nhớ đến vẻ đẹp đáng yêu của Hoa cùng
Người. Ở đây, hoa tượng trưng cho vẻ đẹp thiên nhiên Việt Bắc. Còn
con người là con người Việt Bắc với tấm áo chàm nghèo khổ nhưng đậm
đà lòng son. Hoa và Người quấn quýt với nhau trong vẻ đẹp hài hòa
đằm thắm để tạo nên cái nét riêng biệt, độc đáo của vùng đất này. Chính
điều ấy đã tạo nên cái cấu trúc đặc sắc cho đoạn thơ. Trong bốn cặp lục
bát còn lại câu sáu dành cho nhớ hoa, nhớ cảnh, câu tám dành cho nhớ
người. Cảnh và Người trong mỗi câu lại có những sắc thái đặc điểm
riêng thật hấp dẫn.

Nhắc đến mùa đông ta thường nhớ đến cái lạnh thấu xương da, cái ảm
đạm của những ngày mưa phùn gió bấc, cái buồn bã của khí trời u uất.
Nhưng đến với Việt Bắc trong thơ Tố Hữu thì thật lạ. Mùa đông bỗng
ấm áp lạ thường:

"Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng"

Điểm xuyết trên cái nền màu xanh bát ngát bao la của cánh rừng, là màu
hoa chuối đỏ tươi đang nở rộ lung linh dưới ánh nắng mặt trời. Từ xa
trông tới, bông hoa như những bó đuốc thắp sáng rực tạo nên một bức
tranh với đường nét, màu sắc vừa đối lập, vừa hài hòa, vừa cổ điển
vừa hiện đại. Cái màu "đỏ tươi" - gam màu nóng của bông chuối nổi lên
giữa màu xanh bát ngát của núi rừng, làm cho thiên nhiên Việt Bắc trở
nên tươi sáng, ấm áp và như tiềm ẩn một sức sống, xua đi cái hoang sơ
lạnh giá hiu hắt vốn có của núi rừng. Câu thơ làm ta liên tưởng đến màu
đỏ của hoa lựu trong thơ Nguyễn Trãi:

"Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương"

Từ liên tưởng ấy ta thấy, mùa đông trong thơ Tố Hữu cũng lan tỏa
hơi ấm của mùa hè chứ không lạnh lẽo hoang sơ bởi màu đỏ của hoa
chuối cũng như đang phun trào từ giữa màu xanh của núi rừng.

Cùng hiện lên với cái lung linh của hoa chuối ấy là con người của vùng
chiến khu lên núi làm nương, phát rẫy sản xuất ra nhiều lúa khoai cung
cấp cho kháng chiến "Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng" . Trước thiên
nhiên bao la, con người dường như càng trở nên kỳ vĩ, hùng tráng hơn.Ở
đây nhà thơ không khắc họa gương mặt mà chớp lấy một nét thần tình
rực sáng nhất. Đó là ánh mặt trời chớp lóe trên lưỡi dao rừng ở
ngang lưng. Ở đây câu thơ vừa mang ngôn ngữ thơ nhưng lại vừa mang
ngôn ngữ của nghệ thuật nhiếp ảnh. Con người như một tụ điểm của ánh
sáng. Con người ấy cũng đã xuất hiện ở một vị trí, một tư thế đẹp nhất -
"đèo cao". Con người đang chiếm lĩnh đỉnh cao, chiếm lĩnh núi rừng, tự
do "Núi rừng đây là của chúng ta/ Trời xanh đây là của chúng ta". Đấy là
cái tư thế làm chủ đầy kiêu hãnh và vững chãi: Giữa núi và nắng, giữa
trời cao bao la và rừng xanh mênh mang. Con người ấy đã trở thành
linh hồn của bức tranh mùa đông Việt Bắc.

Đông qua, xuân lại tới. Nhắc đến mùa xuân ta liên tưởng ngay đến sức
sống mới của cỏ cây, hoa lá, của trăm loài đang cựa mình thức dậy sau
mùa đông dài. Mùa xuân Việt bắc cũng vậy:

"Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang"

Bao trùm lên cảnh vật mùa xuân là màu trắng dịu dàng, trong trẻo,
tinh khiết của hoa mơ nở khắp rừng: "Ngày xuân mơ nở trắng rừng".
"Trắng rừng" được viết theo phép đảo ngữ và từ "trắng" được dùng như
động từ có tác dụng nhấn mạnh vào màu sắc, màu trắng dường như
lấn át tất cả mọi màu xanh của lá, và làm bừng sáng cả khu rừng bởi
sắc trắng mơ màng, bâng khuâng, dịu mát của hoa mơ. Động từ "nở"
làm sức sống mùa xuân lan tỏa cả khu rừng và tràn trề nhựa sống.

Mùa xuân càng trở nên tươi tắn hơn nữa bởi sự xuất hiện của hình ảnh
con người với hoạt động "chuốt từng sợi giang". Con người đẹp tự nhiên
trong những công việc hằng ngày. Từ "chuốt" và hình ảnh thơ đã nói lên
được bàn tay của con người lao động: cần mẫn, tỉ mỉ, khéo léo, tài hoa,
nhanh nhẹn, chăm chút đó cũng chính là phẩm chất tần tảo của con
người Việt Bắc.

Mùa hè đến trong âm thanh rộn rã của tiếng ve, bức tranh Việt Bắc lại
sống động hơn bao giờ hết:
"Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình"

Thời điểm ve kêu cũng là thời điểm rừng phách đổ vàng. Động từ "đổ"
là động từ mạnh, diễn tả sự vàng lên đồng loạt của hoa phách đầu hè.
Màu của cây phách đổ vàng cả suối ngàn dường như làm cho ánh nắng
của mùa hè và cả tiếng ve kêu râm ran kia nữa cũng trở nên óng vàng ra.
Đây là một bức tranh sơn mài được vẽ lên bằng hoài niệm, nên lung
linh ánh sáng, màu sắc và rộn rã âm thanh. Tố Hữu không chỉ có biệt
tài trong việc miêu tả vẻ đẹp riêng của từng mùa, mà còn có tài trong
việc miêu tả sự vận động đổi thay của thời gian và cảnh vật. Chỉ trong
một câu thơ trên mà ta thấy được cả thời gian luân chuyển sống động:
tiếng ve kêu báo hiệu mùa hè đến và cây phách ngả sang màu vàng
rực rỡ. Đây chính là một biểu hiện đặc sắc của tính dân tộc.

Hiện lên trong cái thiên nhiên óng vàng và rộn rã ấy, là hình ảnh cô gái
áo chàm cần mẫn đi hái búp măng rừng cung cấp cho bộ đội kháng
chiến: "Nhớ cô em gái hái măng một mình". Hái măng một mình mà
không gợi lên ấn tượng về sự cô đơn, hiu hắt như bóng dáng của người
sơn nữ trong thơ xưa; trái lại rất trữ tình, thơ mộng, gần gũi thân
thương tha thiết. Hình ảnh thơ cũng gợi lên được vẻ đẹp chịu khó chịu
thương của cô gái. Đằng sau đó, ẩn chứa biết bao niềm cảm thông, trân
trọng của tác giả.
Thu sang, khung cảnh núi rừng chiến khu như được tắm trong ánh trăng
xanh huyền ảo lung linh dịu mát:

"Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung"

Thiên nhiên dường như rất ưu ái cho mùa thu xứ bắc với sự tròn đầy,
viên mãn của ánh trăng. Không phải là ánh trăng bình thường, mà trăng
nơi đây là trăng của hòa bình, ánh trăng tri kỉ rọi chiếu những năm
tháng chiến tranh gian khổ. Chính ánh trăng ấy đã mang đến vẻ đẹp
riêng của mùa thu Việt bắc. Tố Hữu nhìn trăng, nhớ người, nhớ tiếng
hát gợi nhắc ân tình và thủy chung. Đây cũng chính là tiếng hát của Việt
Bắc, của núi rừng, của tình cảm mười lăm năm gắn bó thiết tha mặn
nồng.
Vâng! Bức tranh mùa thu Việt Bắc đã làm hoàn chỉnh bức tranh tuyệt
mỹ của núi rừng và khép lại đoạn thơ bằng tiếng hát "ân tình thủy
chung" gợi cho người về và cả người đọc những rung động sâu xa của
tình yêu quê hương đất nước.

Với những nét chấm phá đơn sơ giản dị, vừa cổ điển vừa hiện đại, đoạn
thơ trên của Tố Hữu đã làm nổi bật được bức tranh cảnh và người qua
bốn mùa của chiến khu Việt Bắc. Cảnh và người hòa hợp với nhau tô
điểm cho nhau, làm cho bức tranh trở nên gần gũi thân quen, sống động
và có hồn hơn. Tất cả đã tan chảy thành nỗi nhớ nhung quyến luyến thiết
tha trong tâm hồn người cán bộ về xuôi.
Dù dòng thời gian vẫn miệt mài chảy trôi, bao đời người dâu bể, bao thế
kỷ thăng trầm, âm thầm cái công việc của nó là phủi bụi, xoá bỏ tất cả
nhưng những gì là thơ, là văn, là nghệ thuật sẽ còn sống mãi trong đó có
những vần thơ của Tố Hữu mãi mãi trường tồn.

Phân tích 8 câu thơ đầu trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

Mở đầu đoạn trích, tác giả đã thay lời muốn nói của những người ở lại
để thể hiện cho hết cung bậc nhớ thương, tình cảm:

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn? ”

“Mình – ta” thường được dùng để thể hiện mối quan hệ gần gũi như vợ
chồng, lứa đôi. Thế nhưng tác giả đã dùng cặp từ ấy cho đồng bào Việt
Bắc với những người lính cán bộ. Chẳng phải vợ chồng nhưng tình
nghĩa đôi bên cũng keo sơn, bền chặt tựa như vậy. Những câu hỏi dồn
dập, nào là có nhớ ta, nhớ cây nhớ núi nhớ sông nhớ nguồn không. Điệp
từ “nhớ” được nhắc lại nhiều lần trong câu hỏi tu từ càng xoáy sâu vào
trong lòng người đọc. “Mười lăm năm” là chi tiết thực chỉ độ dài từ
những năm 1940 cho đến thời gian ấy, hơn một thập kỷ chúng ta đã
cùng nhau ăn, cùng nhau cười, cùng nhau chiến đấu. So với những cuộc
kháng chiến khác, mười lăm năm ấy chẳng phải là dài. Thế nhưng cái
quan trọng ở đây, khoảng thời gian ấy đã tích tụ, bồi đắp biết bao tình
cảm, có thể đong đầy bằng cả đời người. Câu hỏi chất chứa tình cảm
lưu luyến, bao lời dặn dò của người ở lại cho người ra đi. Trở về với
phố hội phồn hoa, mong người đừng quên “cây núi sông nguồn chốn
đây”. Những cảnh vật tuy vô tri vô giác, thế nhưng đã cùng “mình” với
“ta” trong suốt bao năm qua lúc vui kể cả lúc buồn. Cây và sông là biểu
tượng của không gian miền xuôi, với vùng cao đầy núi và nguồn. Sự
chia ly có thể bị ngăn trở bởi khoảng cách thế nhưng “ta” vẫn luôn hi
vọng “mình” sẽ chẳng bao giờ quên những chốn kỉ niệm ấy. Tố Hữu
đặc biệt sử dụng những từ “thiết tha”, “mặn nồng” càng làm tăng giá trị
của những thứ tình cảm ấy. Phải thật trân trọng, đáng quý xiết bao mới
khiến con người ta không khỏi nuối tiếc nếu phải đánh mất đi.

Nếu như đối với người ở lại, những tình cảm ấy chất chứa trong hàng
ngàn lời nói thì người ra đi chỉ biết dùng hành động để thể hiện nỗi
lòng. Tình cảm ấy, họ đã quá hiểu nhân dân Việt Bắc. Vì sự nghiệp đất
nước vẫn đang đợi chờ các anh nên buộc lòng các anh phải ra đi, tuy
chẳng nỡ nhưng cũng đành xa cách:

“Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi”


Những cặp từ láy “bâng khuâng”, “bồn chồn” diễn tả trạng thái tâm lý
nhớ thương, luyến tiếc khiến lòng chẳng thể yên. Như Tú Xương đã
viết:

“Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai...”

Tiếng “ai” ấy lại chất chứa biết bao yêu thương, chẳng thể chỉ cụ thể
một người, bởi tình cảm ấy là dành cho cả đồng bào Việt Bắc. Tố Hữu
đã khai thác tiếng “ai” ấy một cách xuất sắc, khi để lại âm vang trong
lòng người về. Nó khiến cho tâm trạng con người càng trở nên nôn nao,
những dòng cảm xúc cứ ào về không thôi. Nhưng những tâm trạng nhớ
thương ấy chỉ biết kìm nén chặt trong lòng, chẳng thể nào dùng lời lẽ
bày tỏ, hay thét lên cho nguôi ngoai những nỗi buồn.

Tâm trạng bâng khuâng bồn chồn ấy còn được thể hiện hết sức tinh tế
qua nhịp điệu hai câu tiếp theo:

“Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”

Cặp thơ lục bát được tác giả góp thêm một chút nhịp điệu, như một đảo
phách trong âm nhạc. Màu “áo chàm” đặc trưng của những con người
chân chất miền núi Tây Bắc, hình ảnh thật đơn sơ, mộc mạc của chốn
quê nghèo, nghèo vật chất nhưng luôn giàu tình cảm. Tấm áo ấy đã chất
chứa biết bao mồ hôi, khó khăn vất vả, một nắng hai sương để chiến
đấu, nuôi dưỡng các anh lính cụ Hồ để các anh an tâm đánh giặc. Chẳng
phải áo bào, áo gấm để tiễn đưa, cảm ơn công lao của các anh, chỉ là
bóng dáng của những con người lao động nhưng sao vẫn khiến cho ta
không khỏi cảm kích, biết ơn. Tình cảm bịn rịn ấy còn được thể hiện
qua hình ảnh “cầm tay”. Đôi bàn tay của những con người cầm súng ôm
ấp, nâng niu đôi tay của những người lao động. Những đôi tay vất vả,
sờn lên vì những khó khăn khác nhau, nhưng giờ phút ấy, đôi ta đều
chung một nỗi tâm tình. Hình ảnh giàu tính gợi hình, gợi cảm xúc,
chẳng cần phải giãi bày nhiều vì có quá nhiều điều muốn nói, nhưng lại
chẳng biết bắt đầu từ đâu. Nỗi lòng ấy, xin người để “ta” chôn chặt
trong tim nhưng tình cảm sẽ sống mãi trong khoảnh khắc “cầm tay” ấy.

Đoạn thơ mở đầu của bài Việt Bắc đã vẽ nên những cung bậc cảm xúc
hết sức đa dạng, sâu lắng của người đi kẻ ở. Nhịp thơ nhẹ nhàng, du
dương để diễn tả một cách trọn vẹn, khéo léo những tình cảm chân
thành ấy đã cho thấy tài năng nổi bật của Tố Hữu trong số những thi sỹ
tài hoa của Việt Nam.

SÓNG
Phân tích 4 khổ thơ đầu
Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của tâm hồn người phụ nữ nhiều trắc ẩn,
vần thơ của bà vừa chân thành đằm thắm, vừa nồng nàn mãnh liệt và
hơn hết luôn bật lên khát vọng da diết về hạnh phúc bình dị đời thường.
Bài thơ “Sóng” ra đời năm 1967 trong chuyến đi thực tế của nhà thơ về
vùng biển Diêm Điền tỉnh Thái Bình và lúc này thì bản thân nhà thơ
cũng vừa trải qua một sự đổ vỡ trong tình yêu. Bài thơ được in trong tập
“Hoa dọc chiến hào” năm 1968. Tình yêu là điều bí ẩn nên ngàn đời vẫn
cuốn hút con người, tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh chính là những
bông hoa dọc chiến hào làm dịu đi sự khốc liệt của chiến tranh.

Bốn câu thơ đầu là những cung bậc của sóng và cũng là những cung bậc
trong tình yêu của người phụ nữ:

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”.

Hai câu thơ đầu với nghệ thuật đối: “Dữ dội – dịu êm”; “Ồn ào – lặng
lẽ” đã làm hiện lên vẻ đẹp của những con sóng biển ngàn đời đối cực.
Những lúc biển động, bão tố phong ba thì biển “dữ dội – ồn ào” còn
những giây phút sóng gió đi qua biển lại hiền hòa trở về “dịu êm – lặng
lẽ”.
Nghệ thuật ẩn dụ ở hai câu đầu là ẩn dụ cho tâm trạng người con gái khi
yêu. Xuân Quỳnh đã mượn nhịp sóng để thể hiện nhịp lòng của chính
mình. Tình yêu của người phụ nữ cũng không chịu yên định mà đầy
biến động, khao khát. Đúng như vậy, tình yêu của người con gái nào
bao giờ yên định bởi có lúc họ yêu rất dữ dội, yêu mãnh liệt hết mình
với những nhớ nhung, đôi khi ghen tuông giận hờn vô cớ. Nhưng cũng
có lúc họ lại thu mình trở về với chất nữ tính đáng yêu, họ “lặng lẽ”,
“dịu êm” ngắm soi mình và lặng im chiêm nghiệm.

Hai câu tiếp theo tác giả sử dụng nghệ thuật nhân hóa để nói đến hành
trình đi tìm tình yêu của sóng:

“Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”.

Ba hình ảnh “sông”, “sóng”, “bể” như là những chi tiết bổ sung cho
nhau: sông và bể làm nên đời sóng, sóng chỉ thực sự có đời sống riêng
khi ra với biển khơi mênh mông vô tận. Sóng không cam chịu một cuộc
sống đời sông chật hẹp, tù túng nên nó làm cuộc hành trình ra biển khơi
bao la để thỏa sức vẫy vùng.

Mạch sóng mạnh mẽ như bứt phá không gian chật hẹp để khát khao một
không gian lớn lao. Hành trình tìm ra tận bể chất chứa sức sống tiềm
tàng, bền bỉ để vươn tới giá trị tuyệt đích của chính mình. Tình yêu của
Xuân Quỳnh cũng vậy, tình yêu của người phụ nữ cũng không thể
đứng yên trong một tình yêu vi kỉ, hẹp hòi mà phải vươn lên trên tất
cả mọi sự nhỏ hẹp tầm thường để được sống với những tình yêu cao
cả, rộng lớn, bao dung. Đây là một quan niệm tình yêu tiến bộ và
mạnh mẽ của người phụ nữ thời đại. Có thấy ngày xưa quan niệm tình
yêu cổ hủ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” thì mới thấy hết được cái mới
mẻ trong quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh: Người phụ nữ chủ
động tìm đến với tình yêu để được sống với chính mình.

Khổ thơ thứ hai, nhà thơ khẳng định: Tình yêu mãi mãi là khát vọng của
tuổi trẻ, nó làm bồi hồi, xao xuyến rung động trái tim của lứa đôi, của
con trai con gái, của em và anh.

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ”

Hai câu thơ đầu, từ “Ôi!” cảm thán là nỗi thổn thức của trái tim yêu.
Nghệ thuật đối lập “ngày xưa” – “ngày sau” càng làm tôn thêm nét đáng
yêu của sóng. Sóng là thế muôn đời vẫn thế vẫn “dữ dội ồn ào” vẫn “dịu
êm lặng lẽ” như tình yêu tuổi trẻ có bao giờ đứng yên:

“Có những khi vô cớ

Sóng ào ạt xô thuyền

Bởi tình yêu muôn thuở


Có bao giờ đứng yên”

(Xuân Quỳnh)

Hai câu thơ sau, nhà thơ khẳng định tình yêu luôn song hành với tuổi
trẻ. Bởi tuổi trẻ sinh ra là để yêu: “Làm sao sống được mà không yêu/
Không nhớ không thương một kẻ nào” (Xuân Diệu). Tình yêu là khát
vọng là ước mơ của bao người. Sẽ như thế nào nếu thế giới này không
có tình yêu lứa đôi? Nếu thật vậy thì cuộc sống chẳng còn gì ý nghĩa.
Tình yêu luôn làm cho tuổi trẻ phải bồi hồi, điên đảo. Xuân Quỳnh đã
từng viết “Những ngày không gặp nhau/Lòng thuyền đau rạn vỡ”. Có
yêu nhau mới thấy được cồn cào của vị nhớ, mới thấy được thế nào là
bồi hồi trong ngực trẻ.

Khổ thơ thứ ba, Xuân Quỳnh băn khoăn nghĩ suy về anh và em, về nơi
tình yêu bắt đầu:

“Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?”

Câu thơ đầu, Xuân Quỳnh nhìn về biển khơi “Trước muôn trùng sóng
bể”. Nhìn những con sóng vô hồi vô hạn đang hướng vào bờ chị chợt
bâng khuâng nghĩ suy về anh và em “Em nghĩ về anh, em” rồi lại hướng
nghĩ suy về biển lớn “Em nghĩ về biển lớn”. Những nghĩ suy ấy tất cả là
để đặt một câu hỏi lớn: Từ nơi nào sóng lên?

Khổ thơ thứ tư, nhà thơ lý giải về nguồn gốc của sóng của gió, và qua
đó tự bâng khuâng về khởi đầu của tình yêu:

“Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau”

Câu thơ đầu nhà thơ tự lý giải nguồn gốc của sóng là từ gió “Sóng bắt
đầu từ gió” nghĩa là sóng biển là khởi đầu từ gió, nhờ gió mà có sóng
lên. Nhưng ở câu thơ thứ hai nhà thơ lại không lý giải được nguồn gốc
của gió “Gió bắt đầu từ đâu”. Đến lúc này thì đúng là nhà thơ phân vân
thật sự và đành lắc đầu bất lực “Em cũng không biết nữa”.

Lí giải được ngọn nguồn của sóng thì dễ bởi “Sóng bắt đầu từ gió”
nhưng để hiểu “Gió bắt đầu từ đâu” thì thi nhân lại ấp úng “Em cũng
không biết nữa”. Cũng như tình yêu của anh và em nó đến rất bất ngờ
và tự nhiên bởi “tình yêu đến trong đời không báo động”. Câu thơ
“Khi nào ta yêu nhau” như một cái lắc đầu nhè nhẹ, rất ư là nữ tính. Kì
lạ quá, diệu kì quá, em và anh yêu nhau bao giờ nhỉ? Câu hỏi này muôn
đời không ai lí giải nổi nhất là những bạn trẻ đang yêu và đắm say trong
men tình ái.
Tình yêu là vậy, khó lí giải, khó định nghĩa. Xuân Diệu – ông hoàng của
thi ca tình yêu cũng đã từng băn khoăn khi định nghĩa về tình yêu “Đố
ai định nghĩa được tình yêu/ Có khó gì đâu một buổi chiều/Nó chiếm
hồn ta bằng nắng nhạt/Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”. Chính vì không
thể lí giải rõ ngọn ngành nên tình yêu vì thế mà trở nên đẹp và là cái
đích để cho muôn người đi tìm và khám phá. Càng khám phá càng
thú vị, càng khám phá càng đẹp.

Thành công của đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung đó là nhờ vào
một số thủ pháp nghệ thuật: Thể thơ năm chữ tạo âm điệu của những
con sóng biển. Nghệ thuật đối lập, nhân hóa, ẩn dụ… Tất cả đã tạo nên
những vần thơ tình yêu hay nhất mọi thời đại.

Tóm lại, 4 khổ thơ đầu bài thơ Sóng là những khổ thơ hay nhất của bài
thơ. Qua đoạn thơ, người đọc cảm nhận được trái tim yêu của Sóng và
người phụ nữ rất nồng nàn say đắm, mãnh liệt cuộn trào nhưng cũng rất
nữ tính đáng yêu. Đoạn thơ giúp ta hiểu được tình cảm và hồn thơ Xuân
Quỳnh, dù trong mọi hoàn cảnh như thế nào thì tiếng thơ của chị vẫn là
tiếng thơ hồn hậu với những khát vọng hạnh phúc đời thường.

Bốn khổ thơ đầu bài “Sóng” là sự tuôn trào của mạch cảm xúc. Thể
hiện một hồn thơ Xuân Quỳnh luôn rạo rực và khao khát được yêu
thương, sống với tình yêu một cách mãnh liệt nhất. Đây cũng là nét đẹp
chung của những người phụ nữ Á Đông.

You might also like