Căn Cứ Phát Sinh Trách Nhiệm BTTH

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 13

CĂN CỨ PHÁT SINH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

1. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng
Việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng dựa trên các cơ sở
sau:
+ Có hành vi trái luật của người có nghĩa vụ;
+ Có thiệt hại thực tế xảy ra;
+ Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế;
+ Lỗi của người vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng.
2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
2.1. Thiệt hại do hành vi của con người gây ra
Khoản 1 Điều 584 BLDS 2015 quy định:
“Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài
sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường,
trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”
Như vậy, đối với thiệt hại do hành vi của con người gây ra, trách nhiệm bồi thường thiệt
hại ngoài hợp đồng phát sinh khi có đủ 3 căn cứ sau:
Thứ nhất, có thiệt hại thực tế xảy ra;
Thiệt hại xảy ra là tiền đề của trách nhiệm bồi thường thiệt hại bởi mục đích của việc áp
dụng trách nhiệm là khôi phục tình trạng tài sản cho người bị thiệt hại, do đó không có
thiệt hại thì không đặt ra vấn đề bồi thường cho dù có đầy đủ các điều kiện khác. Thiệt
hại là những tổn thất thực tế được tính thành tiền, do việc xâm phạm đến tính mạng, sức
khoẻ, danh dự, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức. Trong trách nhiệm hình sự đối với
một số tội có cấu thành hình thức thì không đòi hỏi có hậu quả vật chất. Ngay đối với một
số tội có cấu thành vật chất thì trong một số trường hợp cá biệt, hậu quả chưa xảy ra
nhưng do tính chất của hành vi nguy hiểm có khả năng gây ra hậu quả lớn cũng đã cấu
thành tội phạm hoặc ngược lại, đối với một số tội như tội thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc
vi phạm các quy định về an toàn giao thông thì phải có thiệt hại nghiêm trọng mới cấu
thành tội phạm. Nhưng trong trách nhiệm dân sự chỉ cần có thiệt hại dù không nghiêm
trọng cũng phải bồi thường. Thiệt hại là điều kiện bắt buộc phải có trong trách nhiệm bồi
thường thiệt hại ngoài hợp đồng, không có thiệt hại thì không phải bồi thường.
Trước tiên cần xác định thế nào là thiệt hại. Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và
thiệt hại về tinh thần. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 02/2022/NQ-
HĐTP:
“Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được của chủ thể bị xâm
phạm, bao gồm tổn thất về tài sản mà không khắc phục được; chi phí hợp lý để ngăn
chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do tài sản,
sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác bị xâm
phạm.”
“Thiệt hại về tinh thần là tổn thất tinh thần do bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh
dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích nhân thân khác mà chủ thể bị xâm phạm hoặc
người thân thích của họ phải chịu và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp
tổn thất đó.”
Đời sống tinh thần là một phạm trù rất rộng, không thể trị giá được bằng tiền theo nguyên
tắc ngang giá trị như trong trao đổi và không thể phục hồi được và với mục đích an ủi,
động viên đối với người bị thiệt hại về tinh thần, cũng như một biện pháp giáo dục nhằm
ngăn chặn người có hành vi trái pháp luật, BLDS quy định người xâm hại phải: “bồi
thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần” cho người bị thiệt hại, người
thân thích gần gũi của người đó phải gánh chịu.
Để một thiệt hại được coi là thiệt hại thực tế, phải đáp ứng 3 tính chất sau đây:
+ Tính chắc chắn: Thiệt hại phải có tính chắc chắn trong hiện tại và trong tương lai. Thiệt
hại dẫn đến trách nhiệm dân sự, phải là thiệt hại hiện hữu chứ không phải là thiệt hại giả
định hoặc thiệt hại dự kiến trong những hoàn cảnh không chắc chắn sẽ xảy ra trong tương
lai. Ví dụ: Một người mất một con ngựa đua không thể kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
do mất giải thưởng với lý do nếu con ngựa không bị mất thì chắc chắn sẽ chiến thắng
trong cuộc đua sắp tới và mang lại cho chủ sở hữu một món tiền lớn.
Một cách ngoại lệ, những thiệt hại không hiện hữu về mặt vật chất nhưng rõ ràng là
không thể tránh khỏi cũng được coi là thiệt hại chắc chắn và có thể được bồi thường. Ví
dụ: tình trạng mất năng lực lao động sau một tai nạn (thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
theo Điều 590 BLDS 2015) chắc chắn dẫn đến việc mất thu nhập thường xuyên do lao
động.
+ Tính chính đáng: Hành vi gây thiệt hại xâm hại lợi ích chính đáng. Trong nhiều trường
hợp, thiệt hại là có thật, nhưng việc yêu cầu bồi thường lại tỏ ra không chính đáng. Ví dụ:
Một tên trộm bị tai nạn giao thông khi đang trên đường tẩu thoát và bị bắt; tất nhiên, tên
trộm vẫn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khoẻ do tai nạn
gây ra; nhưng, chắc chắn, tên trộm không thể yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị bắt, dù
rõ ràng, nếu không bị tai nạn giao thông, thì tên trộm đã có thể chạy thoát (và nếu sau
này giải nghệ hoàn lương, thì tên trộm đã có một cuộc sống bình thường ở nơi nào đó
cho đến khi hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự).
+ Tính xác định được: Thiệt hại phải xác định được trên cơ sở khách quan, không được
suy diễn chủ quan; khi xác định thiệt hại phải đặt thiệt hại đó trong mối liên hệ về mặt
không gian và thời gian của thiệt hại. Thiệt hại phải được tính toán một cách cụ thể, chi
tiết vừa làm căn cứ cho việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có
phát sinh hay không, đồng thời là cơ sở để xác định phạm vi bồi thường hay ấn định mức
bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.
Thứ hai, có hành vi trái pháp luật;
Hành vi trái pháp luật là hành vi xử xự của con người trái với quy định của pháp luật, tồn
tại dưới dạng hành hoặc không hành động. Hành động gây thiệt hại có thể là tác động
trực tiếp của chủ thể vào đối tượng gây thiệt hại hoặc có thể là tác động gián tiếp của chủ
thể vào đối tượng thông qua công cụ, phương tiện gây thiệt hại. Không hành động gây
thiệt hại là một hình thức của hành vi gây thiệt hại, nó làm biến đổi tình trạng bình
thường của đối tượng tác động, gây thiệt hại cho khách thể bằng việc chủ thể không làm
một việc pháp luật quy định bắt buộc phải làm trong khi bản thân chủ thể có đầy đủ điều
kiện để làm việc đó. Ví dụ: chủ nhà đào một hố sâu trên lối đi vào nhà, nhưng lại không
thực hiện các biện pháp cần thiết để lưu ý người thứ ba, cuối cùng, một người khác đi
vào nhà trong đêm, rơi xuống hổ và bị thương nặng...
Hành vi gây thiệt hại có thể là hành vi hợp pháp nếu người thực hiện hành vi theo nghĩa
vụ mà pháp luật hoặc nghề nghiệp buộc họ phải thực hiện các hành vi đó. Ví dụ: nhân
viên phòng chữa cháy có thể phá huỷ nhà dễ cháy xung quanh đám cháy; bác sĩ cắt bỏ
các bộ phận hoặc làm các phẫu thuật khác... Trong trường hợp này, người gây thiệt hại
không phải bồi thường. Người gây thiệt hại cũng không phải bồi thường trong trường hợp
phòng vệ chính đáng, trong tình thế cấp thiết hoặc có sự đồng ý của người bị thiệt hại
(Điều 594; khoản 1 Điều 595 BLDS 2015); tuy nhiên, nếu vượt quá giới hạn của phòng
vệ chính đáng, vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây ra thiệt hại vẫn phải
bồi thường thiệt hại.
Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả tất yếu giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy
ra.
Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi con người gây ra thì
hành vi gây thiệt hại được coi là nguyên nhân và thiệt hại xảy ra được coi là hậu quả.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi thiệt hại là hậu quả (có sau) đã xảy ra
do hành vi gây thiệt hại là nguyên nhân (có trước). Điều đó có nghĩa, nếu không có hành
vi gây thiệt hại thì không có hậu quả không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây
thiệt hại và hậu quả xảy ra thì không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Thiệt hại
xảy ra phải đúng là kết quả tất yếu của hành vi vi phạm và ngược lại, người có hành vi vi
phạm gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu thiệt hại xảy ra đúng là kết quả
tất yếu của hành vi gây thiệt hại của họ.
Việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra trong
nhiều trường hợp rất khó khăn. Do đó, cần phải xem xét, phân tích, đánh giá tất cả các sự
kiện liên quan một cách thận trọng, khách quan và toàn diện. Từ đó mới có thể rút ra
được kết luận chính xác về nguyên nhân, xác định đúng trách nhiệm của người gây ra
thiệt hại.
2.2. Thiệt hại do tài sản (vật) tự gây ra
Khoản 3 Điều 584 BLDS 2015 quy định:
“Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu
trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại
khoản 2 Điều này.”
Đối với thiệt hại do tài sản (vật) gây ra, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
phát sinh khi có đủ 4 căn cứ sau:
Thứ nhất, có thiệt hại thực tế xảy ra;
Mục đích áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhằm để khắc phục
những tổn thất đã gây ra cho người bị thiệt hại. Do đó phải tồn tại thiệt hại xảy ra trong
thực tế thì mới phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và
bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra nói riêng.
Tài sản có thể gây ra các thiệt hại liên quan đến tài sản, sức khỏe và tính mạng con người
còn các thiệt hại về mặt tinh thần như danh dự, nhân phẩm, uy tín thì vẫn còn nhiều tranh
cãi. Theo quan điểm của nhóm thuyết trình thì việc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm,
uy tín phải là hành động có ý thức của con người. Vì vậy, thiệt hại do tài sản gây ra
không bao gồm danh dự, uy tín và nhân phẩm.
Thứ hai, có tác động của vật lên tài sản, sức khỏe, tính mạng của người bị thiệt hại và
pháp luật không thừa nhận tính hợp pháp của sự tác động đó;
Trong trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra, nguyên nhân dẫn đến thiệt hại chính là hoạt
động của tài sản. Tác động gây thiệt hại của tài sản có thể có liên quan hay không liên
quan đến hành vi của con người, nhưng hành vi của con người không chi phối trong việc
gây thiệt hại của tài sản. Tức là hoạt động gây thiệt hại của tài sản phải là “hoạt động tự
thân”.
Các hoạt động của tài sản không chịu sự tác động của con người như sự di chuyển hoặc
bản tính vốn có của các loài động vật; cấu tạo vật chất. Không có sự tác động của con
người thì hoạt động này vẫn diễn ra một cách liên tục.
Ví dụ: xe ô tô đang chạy với tốc độ cao đột nhiên mất phanh, mất lái hoặc nổ lốp gây ra
thiệt hại; cháy, chập đường dây tải điện; cháy nổ trong nhà máy do trục trặc kỹ thuật;
cây cối tự nhiên đổ, gãy; công trình xây dựng tự sạt lở gây tai nạn; súc vật vô cớ tấn
công người…
Tuy nhiên, sự độc lập giữa “tác động của vật” và “tác động của con người” chỉ mang tính
chất tương đối. Sự tác động của hành vi con người vào tài sản chỉ có vai trò trong việc
quyết định không gian mà tài sản gây ra thiệt hại là ở đâu (việc di chuyển tài sản từ địa
điểm này đến địa điểm khác làm thay đổi vị trí tài sản gây thiệt hại) mà không phải là
nguyên nhân dẫn đến thiệt hại. Nếu sự tác động của hành vi của con người vào tài sản mà
dẫn đến thiệt hại (ví dụ như điều khiển xe gắn máy từ vị trí này đến vị trí khác mà vượt
quá tốc độ cho phép gây ra thiệt hại) thì đó là hành vi gây thiệt hại mà không phải tài sản
gây thiệt hại, tài sản chỉ là vật trung gian để chủ thể thực hiện hành vi gây thiệt hại.
Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả tất yếu giữa sự tác động đó và thiệt hại xảy ra;
Đối với bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra cần xem xét mối quan hệ nhân quả giữa sự
tác động của tài sản và thiệt hại thực tế xảy ra. Trong đó, sự tác động của tài sản là
nguyên nhân gây ra thiệt hại và thiệt hại đã xảy ra là kết quả của sự tác động của tài sản
mang lại.
Đối với thiệt hại do tài sản gây ra, điều kiện này đòi hỏi thiệt hại xảy ra là do sự tác động
của tài sản gây thiệt hại, chứ không phải do hành vi của con người. Con người chỉ có thể
cảm nhận và quan sát được hoạt động bên ngoài của tài sản, và đương nhiên, hoạt động
bên ngoài của tài sản thường gắn với hành vi sử dụng của con người (xe máy chuyển
động thông qua hoạt động sử dụng của chủ thể nhất định) hoặc chịu sự kiểm soát của con
người (sự di chuyển của súc vật được CSH, NCH giám sát). Khi tài sản gây thiệt hại,
người đang quản lý, đang sử dụng có thể bị coi là có lỗi trong việc quản lý, sử dụng tài
sản.
Nếu xét về mức độ ảnh hưởng của hành vi trái pháp luật trong trường hợp tài sản gây
thiệt hại thì hành vi đó là điều kiện, còn hoạt động tự thân của tài sản là nguyên nhân dẫn
đến thiệt hại. Hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chỉ tạo ra một cơ hội để tài
sản có thể gây thiệt hại chứ không có tính quyết định thiệt hại có xảy ra hay không. Trách
nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra chỉ được áp dụng khi thiệt hại là kết quả của
sự tác động tự thân của tài sản gây ra.
Ví dụ: Ông A và ông B đều thả rông trâu trên đường, nhưng con trâu nhà ông A thì nằm
một chỗ còn con trâu nhà ông B lại đi lại xung quanh. Khi C đi qua, con trâu nhà ông B
húc C ngã gãy tay. Trong trường hợp này, hành vi của ông A và ông B cùng vi phạm quy
định về quản lý tài sản (điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP), nhưng chỉ
có ông B phải bồi thường vì con trâu của ông gây thiệt hại cho C.
Thứ tư, tài sản phải thuộc quyền quản lý, kiểm soát, và chi phối của một chủ thể nhất
định.
Đối với những thiệt hại do tài sản gây ra, việc xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm
không phải là vấn đề đơn giản vì sự tác động của tài sản có thể diễn ra độc lập, không
liên quan đến hành vi của chủ sở hữu hay người quản lý tài sản. Có không ít trường hợp
tài sản gây thiệt hại nhưng không thể quy kết trách nhiệm cho cho chủ thể nào. Căn cứ
theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP thì trách nhiệm bồi
thường thiệt hại do tài sản gây ra có thể được áp dụng cho các chủ thể sau:
➢ Chủ sở hữu tài sản: Theo quy định của pháp luật, chủ sở hữu là người có quyền
chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản theo ý chí của mình. Khi có thiệt hại do tài
sản gây ra, trước tiên phải nói đến nghĩa vụ của chủ sở hữu. Được quy định tại
điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị Quyết 02/2022/NQ-HĐTP, và khoản 3 Điều 584
BLDS 2015 chủ sở hữu tài sản phải bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra trừ
trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng và toàn bộ thiệt hại xảy
ra là do lỗi của người bị thiệt hại.
➢ Người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng tài sản:
+ Chủ sở hữu tài sản giao tài sản của mình cho người khác quản lý, sử dụng
theo quan hệ lao động: Trong trường hợp này tài sản thuộc sở hữu của các
tổ chức, cá nhân được giao cho người làm công, ăn lương chiếm hữu, sử
dụng để thực hiện nhiệm vụ mà người chủ lao động giao cho. Giữa chủ sở
hữu tài sản và người được giao chiếm hữu, sử dụng tài sản có mối quan hệ
lao động, được xác lập qua tuyển dụng hoặc ký kết hợp đồng lao động.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này thuộc về người sử
dụng lao động (trừ trường hợp có thỏa thuận khác).
Ví dụ: Anh A là lái xe theo hợp đồng của Công ty X, có nhiệm vụ đưa đón
giám đốc khi người này thực hiện các công việc của công ty. Một hôm,
trong lúc anh A đang chở giám đốc đi họp hội nghị, xe bị mất phanh, gây
ra va chạm với chị C đang điều khiển xe gắn máy khiến chị C bị thương.
Như vậy, đối với trường hợp này, Công ty X phải chịu trách nhiệm bồi
thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
+ Chủ sở hữu chuyển giao tài sản cho người khác chiếm hữu, sử dụng, quản
lý theo một giao dịch dân sự: Chủ sở hữu có thể chuyển giao quyền chiếm
hữu, sử dụng, quản lý tài sản cho chủ thể khác thông qua hợp đồng: mượn,
thuê, cầm cố,… tài sản hoặc ủy quyền cho người khác quản lý tài sản của
mình. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra trước tiên căn cứ
vào sự thỏa thuận đó. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận ai
phải chịu trách nhiệm bồi thường thì áp dụng nguyên tắc chung của pháp
luật. Trường hợp tài sản gây thiệt hại khi đang thuộc quyền chiếm hữu,
quản lý của họ, họ bị coi là có lỗi trong việc quản lý, sử dụng và phải chịu
trách nhiệm bồi thường.
Ví dụ: Nếu A giao xe ô tô cho B thông qua hợp đồng cho thuê tài sản hợp
pháp, việc sử dụng xe ô tô là do B quyết định. Trong trường hợp này, B là
người chiếm hữu, chi phối đối với xe ô tô. Do đó, B phải bồi thường thiệt
hại khi xe mất phanh mà gây tai nạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
➢ Người chiếm hữu, sử dụng tài sản trái phép: Người chiếm hữu, người sử dụng trái
pháp luật tài sản của người khác là những người chiếm hữu, sử dụng tài sản mà
không được sự đồng ý của chủ sở hữu và cũng không thuộc các trường hợp pháp
luật quy định được chiếm hữu, sử dụng tài sản. Khi tài sản gây thiệt hại, nhóm chủ
thể này có thể vi phạm quy định về quản lý tài sản hoặc không có vi phạm về quản
lý tài sản thì bản thân họ cũng luôn được xác định lại có lỗi (bởi hành vi chiếm
hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản của người khác luôn bị coi là có lỗi). Do đó, kể
cả trong trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn là rủi ro mà tài sản mang lại (không
có lỗi trong quản lý tài sản tại thời điểm xảy ra thiệt hại) thì chủ sở hữu, sử dụng
trái pháp luật cũng phải bồi thường.
* Những điểm khác biệt giữa quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường
thiệt hại ngoài hợp đồng trong BLDS 2015 với BLDS 2005:
Điều 604 BLDS 2005: Điều 584 BLDS 2015:
1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý 1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng,
xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản,
dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác
lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường
phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy
nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại định khác.
thì phải bồi thường.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách


2. Trong trường hợp pháp luật quy định nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp
người gây thiệt hại phải bồi thường cả thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng
trong trường hợp không có lỗi thì áp hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ
dụng quy định đó. trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có
quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở


hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách
nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt
hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều
này.

+ Thứ nhất, loại bỏ yếu tố “lỗi”:


Nếu như trong BLDS 2005, yếu tố lỗi (kể cả lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý) được sử dụng như là
căn cứ để xác định TNBTTH ngoài hợp đồng thì trong BLDS 2015, yếu tố trên đã được
loại bỏ hay nói cách khác, lỗi của người gây thiệt hại giờ đây được xem là lỗi mặc nhiên
hay lỗi suy đoán. Người bị thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên gây thiệt
hại nữa, họ chỉ cần xác định được hành vi xâm phạm của người gây thiệt hại là đã có thể
yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp việc xác định trách nhiệm liên đới của chủ sở hữu vật
và trường hợp có lỗi hỗn hợp khi xác định mức độ. Đây là sự thay đổi theo hướng có lợi
cho người bị thiệt hại và hoàn toàn hợp lý bởi trong nhiều trường hợp, việc chứng minh
yếu tố lỗi là vô cùng bất tiện và hết sức khó khăn.
+ Thứ hai, mở rộng phạm vi áp dụng trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng:
Nếu như BLDS 2005 quy định đối với cá nhân có phạm vi áp dụng trách nhiệm rất rộng
còn đối với pháp nhân thì chỉ liệt kê ba đối tượng bị xâm phạm là “danh dự, uy tín, tài sản
(khoản 1 Điều 604) thì tại Điều 584, BLDS 2015 quy định đối tượng bị xâm phạm làm
phát sinh trách nhiệm BTTH của cá nhân và pháp nhân bao gồm “tính mạng, sức khỏe,
danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác”.
+ Thứ ba, bổ sung căn cứ “tài sản gây thiệt hại”:
BLDS 2015 đã bổ sung thêm căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH là “tài sản gây thiệt
hại”. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 584 BLDS 2015: Chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản
phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản của mình gây ra. Đây là một sự bổ
sung hoàn toàn hợp lý bởi trên thực tế, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng cũng có thể
phát sinh khi có sự kiện tài sản gây ra thiệt hại.
Ví dụ như: Điều 605 quy định về Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng
khác gây ra: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa,
công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác
đó gây thiệt hại cho người khác....
NHẬN ĐỊNH
1. Bất kỳ người nào gây thiệt hại cho người khác đều phải chịu trách nhiệm BTTH.
→ Nhận định sai. Ví dụ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 584 BLDS 2015: “Người
gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại
phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ
trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Như vậy, trong trường hợp
thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, người gây thiệt hại sẽ không phải
chịu trách nhiệm bồi thường (hoặc ví dụ các trường hợp gây thiệt hại trong tình thế cấp
thiết/ do phòng vệ chính đáng).
CCPL: khoản 2 Điều 584 BLDS 2015
2. Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có lỗi của bên vi phạm.
→ Nhận định sai. Căn cứ theo quy định tại Điều 584 BLDS 2015, trách nhiệm BTTH
ngoài hợp đồng không cần xét đến yếu tố lỗi, lỗi của người gây thiệt hại được xem là lỗi
mặc nhiên hay lỗi suy đoán. Người bị thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên
gây thiệt hại mà chỉ cần xác định được hành vi xâm phạm của người gây thiệt hại là đã có
thể yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp việc xác định trách nhiệm liên đới của chủ sở hữu
vật và trường hợp có lỗi hỗn hợp khi xác định mức độ.
3. Khi một người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho người khác thì hành vi đó là trái
pháp luật.
→ Nhận định sai. Thực hiện hành vi gây thiệt hại cho người khác trong các trường hợp
sau thì không bị coi là trái pháp luật:
- Có sự kiện bất khả kháng;
- Người gây thiệt hại trong các trường hợp: Phòng vệ chính đảng (Đ594 BLDS), tinh thể
cấp thiết (Điều 595 BLDS);
- Người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi;
- Người gây thiệt hại nhưng do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền.
Ví dụ: Anh A, B, C thực hiện công việc tháo dỡ nhà của anh D theo quyết định cưỡng
chế tháo dỡ của UBND cấp có thẩm quyền.
4. Chủ thể bị xâm hại chỉ có quyền yêu cầu chủ thể nghĩa vụ chịu trách nhiệm trong
phạm vi quy định của pháp luật.
→ Nhận định sai. Vì chủ thể bị xâm hại có quyền yêu cầu cao hơn nếu có sự tự nguyện
của bên gây thiệt hại. Bởi lẽ pháp luật DS luôn tôn trọng ý chí tự nguyện của các bên.
Pháp luật quy định mức bồi thường tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm là
không quá 30 tháng lương tối thiểu do NN quy định tại thời điểm giải quyết nhưng luật
quy định rõ là chỉ được áp dụng nếu như “không thỏa thuận được" (Khoản 2 điều 580
BLDS 2015).

BÀI TẬP TÌNH HUỐNG


1. Ông A và bà D là giáo viên bộ môn Văn của trường THPT X. Vào ngày 3/3/2020, A
đã đăng dòng trạng thái trên tài khoản Facebook của cá nhân với nội dung như sau:
“Đề thi đã bị lộ…!!
- Học sinh khối 11 của trường thi môn Văn giữa học kỳ 2 vào chiều thứ hai (2-3-2020). Trọn vẹn
đề và lời giải phần Đọc –Hiểu trong đề thi đã được cô D. cho học sinh chép đầy đủ vào tập Văn
ở những lớp mình dạy vào hai ngày trước khi thi. Tổ Văn không có ngân hàng Đọc – Hiểu để
học sinh ôn.
- Vụ việc đã được giáo viên trong tổ đưa lên Ban giám hiệu giải quyết. Kết quả như thế nào hồi
sau sẽ rõ…!! TAN NÁT…!!”
Dưới bài đăng, đã có nhiều lượt thích, hàng chục lượt chia sẻ, bình luận dòng trạng thái
này, hầu hết là các nội dung phản cảm, thiếu căn cứ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của
bà D. Tiếp đến, ngày 7/3/2020, ông A tiếp tục đăng tải trên Facebook của mình nhiều nội
dung mang tính nhục mạ bà D. Tất cả những nội dung này đều được bà D yêu cầu Văn
phòng thừa phát lại quận Bình Tân (TP. HCM) lập vi bằng với chi phí bà D phải trả là
6.500.000 đồng (theo hóa đơn VAT).
Tiếp đó, căn cứ theo các báo cáo từ Trường THPT X, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM
đã kết luận, quy trình làm đề kiểm tra giữa học kỳ này hoàn toàn không bị lộ như lời ông
A nói trên Facebook.
– Trong tình huống trên có phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
không? Nếu có thì ai là người chịu trách nhiệm bồi thường và phải bồi thường cho
người bị thiệt hại bao nhiêu? Nêu căn cứ pháp lý. (Biết: Trong năm 2020, mức lương
cơ sở được áp dụng là 1.490.000 đồng/tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định
38/2019/NĐ-CP)
Trả lời:
1. CCPL: Điều 584 BLDS 2015, Điều 592 BLDS 2015
Trong vụ việc trên, đã hội đủ căn cứ làm phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng
theo khoản 1 Điều 584 BLDS 2015:
- Về thiệt hại thực tế xảy ra:
+ Thiệt hại về tinh thần mà bà D đã phải gánh chịu do bị hiểu lầm bởi nội dung mà ông A
đã đăng tải trên Facebook. Cụ thể, những bình luận, ý kiến nhận xét không hay dưới bài
đăng của ông A về bà D khiến uy tín, danh dự của bà D bị ảnh hưởng.
+ Chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị
xâm phạm. Cụ thể, những nội dung sai lệch mà ông A đăng tải trên trang Facebook cá
nhân đã được bà D yêu cầu Văn phòng thừa phát lại quận Bình Tân (TP. HCM) lập vi
bằng với chi phí bà D phải trả là 6.500.000 đồng (theo hóa đơn VAT).
- Về hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật: Ông không chỉ đăng tải thông tin về
việc đề thi bị lộ, mà còn khẳng định bà D đã cho học sinh của mình chép đề và lời giải
phần Đọc – Hiểu trong đề thi vào ngày trước khi thi. Nhưng thực tế theo kết luận của Sở
Giáo dục và Đào tạo Thành phố Z không có việc lộ đề kiểm tra như ông A đã đưa tin lên
Facebook. Như vậy, việc ông A đăng tải thông tin sai sự thật, không có căn cứ lên mạng
xã hội có nhiều người đã là hành vi trái pháp luật.
- Về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra: Ông A đăng các
thông tin chưa được kiểm chứng trên phương tiện thông tin, được nhiều người truy cập đã
gây ảnh hưởng danh dự của bà D. Rõ ràng hành vi trái pháp luật của ông A chính là
nguyên nhân dẫn đến hậu quả làm tổn hại đến danh dự, uy tín của bà D cũng như là khiến
bà D mất một khoản chi phí cho việc lập vi bằng.
2. Từ những phân tích trên, có thể thấy ông A là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt
hại cho bà D. Cụ thể, ông A phải bồi thường:
+ Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần căn cứ theo khoản 2 Điều 592 BLDS 2015
là 10 lần mức lương cơ sở, mức lương cơ sở theo quy định là 1.490.000 đồng/tháng
(khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP): 10 x 1.490.000 = 14.900.000 đồng.
+ Chi phí lập vi bằng là 6.500.000 đồng căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 592 BLDS
2015.
⇒ Tổng: 21.400.000 đồng

2. A không có bằng lái nhưng tự ý điều khiển xe máy. Đến ngã tư A dừng đèn đỏ theo
đúng quy định. B có bằng lái nhưng lái ẩu, đến ngã tư B không điều khiển được tốc độ
nên đã lao vào đuôi xe của A. Kết quả xe của B bị thiệt hại phải đem đi sửa chữa. B khởi
kiện A để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Hỏi A có phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt
hại cho B không?
Trả lời:
A không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho B. Theo căn cứ phát sinh bồi
thường thiệt hại tại Điều 584 BLDS 2015, được hướng dẫn áp dụng tại Điều 2 Nghị quyết
02/2022/NQ-HĐTP quy định thiệt hại do hành vi gây ra phải tồn tại thiệt hại thực tế, tồn
tại hành vi trái pháp luật và tồn tại mối quan hệ nhân quả tất yếu giữa hành vi trái pháp
luật và thiệt hại xảy ra.
Xét trường hợp trên, ta có hành vi trái pháp luật của A là điều khiển xe khi không có bằng
lái; tồn tại thiệt hại thực tế là xe của B. Tuy nhiên hành vi trái pháp luật của A không có
mối quan hệ nhân quả tất yếu với thiệt hại của B. Cụ thể, việc A có bằng lái hay không có
bằng lái thì thiệt hại của B vẫn xảy ra do hành vi trái pháp luật của A không gây ra thiệt
hại cho B mà là do hành vi trái pháp luật của B do không điều khiển tốc độ mới là hành
vi gây ra thiệt hại. Do đó trường hợp này không đáp ứng đầy đủ yếu tố phát sinh trách
nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP
về hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng.
Theo đó không có đủ căn cứ để yêu cầu A phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho
B theo khoản 1 Điều 584 BLDS.

You might also like