Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 10

Sự khác nhau giữa hệ thống pháp luật Civil law và Common law và sự xuất hiện của hai dòng

họ pháp
luật này tại ASEAN

11/10/2023

Hệ thống pháp luật châu Âu lục địa (Civil law): đây là hệ thống pháp luật có nền tảng bắt nguồn từ hệ
thống pháp luật của Pháp và pháp luật của một số nước lục địa Châu Âu. Trong đó pháp luật của Pháp là
quan trọng nhất và có ảnh hưởng lớn tới pháp luật của các nước khác. Hệ thống pháp luật của các nước
này nhìn chung đều chịu ảnh hưởng của Luật La Mã. Ngày nay, phạm vi ảnh hưởng của hệ thống Civil
law tương đối rộng bao gồm các nước Châu Âu lục địa (Pháp, Đức, Italia…) và một số nước ở khu vực Mỹ
Latinh (Brazin, Vênêzuêla…).

Hệ thống pháp luật Ănglô - xắcxông (Common law): đây là hệ thống pháp luật ra đời ở Anh, sau này phát
triển ở Mỹ và những nước là thuộc địa của Anh, Mỹ trước đây. Hệ thống pháp luật này phát triển từ
những tập quán (custom), hay còn được gọi là hệ thống pháp luật tập quán, hay hệ thống pháp luật coi
trọng tiền lệ.

Những đặc điểm khác nhau cơ bản của hai hệ thống này được thể hiện rõ nét nhất ở 4 tiêu chí: nguồn
gốc của luật; tính chất pháp điển hóa; thủ tục tố tụng; vai trò của thẩm phán và luật sư.

1. Về nguồn gốc của luật

Trong pháp luật lục địa, các quan hệ tài sản gắn liền với những nguyên tắc của Luật dân sự La Mã - tập
hợp những quy định pháp luật làm nền tảng cho Luật dân sự La Mã. Nói đến sự ảnh hưởng của Luật La
Mã, Các Mác đã từng nhận xét rằng pháp luật các nước Châu Âu lục địa không thể đem lại những hoàn
thiện đáng kể cho Luật La Mã cổ đại. Pháp luật Anh - Mỹ không ảnh hưởng sâu sắc và gắn bó mật thiết
với những nguyên tắc của Luật Dân sự La Mã như pháp luật lục địa. Tuy nhiên cả hai hệ thống pháp luật
này ít nhiều đều thừa hưởng sự giàu có và tính chuẩn mực của thuật ngữ pháp lý La Mã.

Sự ảnh hưởng của các học thuyết pháp lý, với tư cách là một nguồn luật thì ở Common law có xu hướng
áp dụng nhiều hơn so với các nước theo truyền thống Civil law.

2. Về tính chất pháp điển hóa

Quan niệm tiếp cận pháp luật của hai hệ thống pháp luật này là khác nhau. Hệ thống Civil law quan niệm
luật pháp là phải từ các chế định cụ thể, còn hệ thống Common law lại quan niệm luật pháp được hình
thành từ tập quán.

Ưu điểm rõ nét của các Bộ luật trong Civil law là tính khái quát hóa, tính ổn định cao. Pháp luật Common
law dựa chủ yếu trên nguồn luật là tiền lệ pháp. Thẩm phán vừa là người xét xử vừa là người sáng tạo ra
pháp luật một cách gián tiếp. Ưu điểm rõ nét nhất của các tập quán là tính cụ thể, linh hoạt và phù hợp
với sự phát triển của các quan hệ xã hội.

Pháp luật châu Âu lục địa chia thành công pháp (public law) và tư pháp (private law), còn pháp luật Anh -
Mỹ khó phân chia. Công pháp bao gồm các ngành luật, các chế định pháp luật điều chỉnh các quan hệ về
tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước, những quan hệ mà một bên tham gia là các cơ quan nhà
nước. Còn tư pháp bao gồm các ngành luật, các chế định pháp luật điều chỉnh các quan hệ liên quan đến
các cá nhân, tổ chức khác.

3. Về thủ tục tố tụng

Hệ thống pháp luật châu Âu lục địa phát triển hình thức tố tụng thẩm vấn, tố tụng viết, còn Hệ thống
pháp luật Anh - Mỹ phát triển hình thức tố tụng tranh tụng. Tuy nhiên cũng không hoàn toàn đúng nếu
khẳng định rằng hệ thống Civil law không hề áp dụng việc suy đoán vô tội.

Toà án ở các nước theo truyền thống Common law được coi là cơ quan làm luật lần thứ hai, hay cơ quan
sáng tạo ra án lệ. Ngược lại ở các nước theo truyền thống Civil law, chỉ có Nghị viện mới có quyền làm
luật, còn Toà án chỉ là cơ quan áp dụng pháp luật.

Ở các nước theo truyền thống Common law đa phần các hiệp định quốc tế không phải là một phần của
luật quốc nội (hay còn gọi là luật quốc gia). Chúng chỉ có thể được toà án áp dụng khi các hiệp định quốc
tế đã được nội luật hoá bởi cơ quan lập pháp. Các nước theo truyền thống Civil law thì khác, ví dụ như ở
Thụy Sĩ, các điều ước quốc tế được áp dụng trực tiếp như là một phần của luật quốc nội, vì vậy các Toà
án có thể trực tiếp áp dụng các điều ước quốc tế khi xét xử.

4. Về vai trò của luật sư và thẩm phán, chứng cứ

Pháp luật Anh - Mỹ do án lệ là nguồn cơ bản, đặc biệt với truyền thống coi trọng chứng cứ nên luật sư,
thẩm phán rất được coi trọng. Pháp luật châu Âu lục địa do văn bản quy phạm pháp luật là nguồn chủ
yếu, đồng thời do thông lệ "án tại hồ sơ" - quá trình điều tra phụ thuộc phần lớn vào kết quả của cơ
quan điều tra do vậy luật sư ban đầu ít được coi trọng như các nước theo hệ thống pháp luật Anh - Mỹ.
Thẩm phán ở các nước Civil law chỉ tiến hành hoạt động xét xử mà không được tham gia hoạt động lập
pháp, họ không được tạo ra các chế định, các quy phạm pháp luật.

Thẩm phán của Civil law được đào tạo theo một quy trình riêng, trước đó họ không phải là các luật sư.
Nhưng ở Common law thì khác, thẩm phán hầu hết đều được lựa chọn từ những luật sư rất danh tiếng.

Nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau của hai hệ thống pháp luật này có rất nhiều, có cả nguyên nhân
khách quan và chủ quan, nhưng cơ bản vẫn là do tiến trình phát triển của cách mạng tư sản khác nhau
quyết định. Cách mạng tư sản ở các nước đã diễn ra với tính chất, mức độ triệt để là khác nhau, có nước
cách mạng chống phong kiến diễn ra triệt để, có nước không triệt để.

Nói đến hệ thống pháp luật tư sản thì hai hệ thống pháp luật trên là hai hệ thống pháp luật lớn, tuy
nhiên bên cạnh hai hệ thống pháp luật này còn có sự tồn tại của hệ thống pháp luật các nước Hồi giáo,
hệ thống pháp luật Bắc Âu …

Từ cuối thế kỷ XX, các nước theo hệ thống Civil law đã có nhiều thay đổi. Ví dụ không còn chỉ dựa đơn
thuần vào Bộ Dân luật, mà ở các nước này, các án lệ, các văn bản dưới luật, các nghiên cứu học lý tư
pháp cũng đã được xem là những nguồn luật quan trọng. Các bộ dân luật cũng được bổ sung, sửa đổi,
nhất là ở Đức.

Dòng họ Civil law ở các nước ASEAN

Civil law được tiếp nhận ở nhiều nước ASEAN chủ yếu gắn liền với quá trình xâm chiếm thuộc địa của
các nước châu Âu lục địa đối với các quốc gia này. Trừ Thái Lan, luật chịu ảnh hưởng của dòng họ Civil
law là Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia và Philippines đều đã từng là thuộc địa của các nước thuộc
lục địa châu âu là Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha.

Việt Nam, Lào và Campuchia là những nước thuộc địa của Pháp trong thời gian dài trước khi giành được
độc lập. Chính sách thuộc địa của Pháp ở Đông Dương đã làm cho hệ thống pháp luật của ba nước này
tiếp nhận pháp luật của Pháp theo cách thức bắt buộc. Chẳng hạn, ở Việt Nam trong thời kì Pháp thuộc,
bên cạnh hệ thống pháp luật của các hoàng đế Nam triều, các toà án của Pháp vẫn áp dụng pháp luật
của Pháp đối với "người Pháp và những ngoại kiều được biệt đãi như người Pháp, người Việt Nam sinh
ra ở vùng đất thuộc địa dù đang sống ở đâu trên đất Việt Nam". Ngay cả sau khi đã giành được độc lập
và thậm chí đã xây dựng hệ thống pháp luật theo mô hình pháp luật xã hội chủ nghĩa như ở Việt Nam và
Lào, những nhân tố của hệ thống pháp luật Pháp về kỹ thuật pháp lí, hệ thống khái niệm cơ bản và cấu
trúc của pháp luật vẫn tiếp tục được duy trì.

Indonesia là quốc gia trong khu vực nằm dưới sự cai trị của Hà Lan hơn 300 năm (từ cuối thế kỉ XVI đến
cuối thế kỉ XVIII). Người Hà Lan tiến hành thuộc địa hoá quần đảo Indonesia lần đầu trong khoảng 200
năm. Sau đó vùng đất này được chuyển giao cho người Pháp khi quân đội của Napoleon Bonaparte lật
đổ chính phủ Hà Lan. Sau gần 10 năm dưới sự cai trị của người Pháp và 4 năm dưới sự cai trị của người
Anh đầu thế kỉ XIX, Indonesia lại chịu sự kiểm soát của Hà Lan lần thứ hai trong suốt hơn 100 năm (1816-
1942) đến khi quân đội Nhật Bản xâm chiếm vùng đất này trong Chiến tranh thế giới thứ II. Quá trình
thuộc địa hoá của các nước này đã làm cho pháp luật lndonesia bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi pháp luật
châu Âu lục địa, đặc biệt là pháp luật của Hà Lan. Nhiều đạo luật của Indonesia được xây dựng dựa vào
luật của Hà Lan, chẳng hạn pháp luật thương mại của Indonesia chịu ảnh hưởng rất lớn từ Bộ luật
thương mại năm 1847 của Hà Lan.

Trải qua gần 4 thế kỉ (từ năm 1521 đến năm 1898) là thuộc địa của người Tây Ban Nha, hệ thống pháp
luật Philippines chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Civil law của hệ thống pháp luật châu Âu lục địa. Pháp luật
của Tây Ban Nha đã được áp dụng ở Philippines thông qua các sắc lệnh của Hoàng gia Tây Ban Nha hoặc
thông qua việc ban hành các đạo luật dành riêng cho quần đảo này hoặc các đạo luật được áp dụng
chung cho tất cả các vùng thuộc địa của Tây Ban Nha. Nhiều bộ luật của Tây Ban Nha có hiệu lực ở
Philippines như Bộ luật hình sự năm 1870, Bộ luật thương mại năm 1886, Luật về hôn nhân năm
1870,v.v....

Thái Lan là quốc gia duy nhất trong các nước ASEAN không trải qua chế độ thuộc địa. Tuy nhiên, trong
suốt thế kỉ XIX, để duy trì chủ quyền lãnh thổ của mình, Thái Lan đã ký kết hàng loạt các hiệp định song
phương với các quốc gia phương Tây nhằm phát triển quan hệ thương mại. Các hiệp định song phương
này đã giúp cho Thái Lan mở cửa thị trường với các nước phương Tây. Sự thay đổi về thương mại đã kéo
theo sự thay đổi về xã hội và pháp luật. Vì thế, hệ thống pháp luật Thái Lan bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi
pháp luật các nước phương Tây, đặc biệt là pháp luật của châu Âu lục địa. Đầu thế kỉ XX, Thái Lan tiến
hành cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp. Người Thái đã tiếp nhận hệ thống triết lí pháp luật, tổ chức
toà án và tố tụng của pháp luật châu Âu và xem pháp luật của Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Anh, Ý và Nhật Bản là
những mô hình cho việc xây dựng pháp luật của mình. Hàng loạt các bộ luật của Thái Lan đã được ban
hành theo mô hình pháp luật của các nước này như Bộ luật hình sự năm 1908, Bộ luật dân sự và thương
mại năm 1925, Bộ luật tố tụng dân sự năm 1933, Bộ luật tố tụng hình sự năm 1935.

Dòng họ Common law ở các nước ASEAN


Các nước ASEAN có hệ thống pháp luật chịu ảnh hưởng của dòng họ Common law bao gồm: Malaysia,
Singapore, Brunei, Myanmar, Philippines. Giống như nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới,
sự ảnh hưởng của Common law ở các quốc gia Đông Nam Á chủ yếu gắn liền với quá trình thuộc địa hoá
của Anh hoặc sự ảnh hưởng của Mỹ.

Quá trình thuộc địa hoá của Anh đối với các vùng lãnh thổ của Malaysia đã tạo điều kiện cho pháp luật
Anh được áp dụng ở đây. Năm 1786 người Anh thiết lập được sự kiểm soát đầu tiên ở Penang - vùng
lãnh thổ khá rộng lớn của Malaysia. Sau đó, người Anh đã từng bước thực hiện sự kiểm soát đối với các
vùng đất khác. Các hiệp ước được ký kết giữa Anh và Hà Lan (năm 1824 và năm 1891) cùng với những
hiệp ước được Anh ký với các vương quốc Hồi giáo khác ở vùng đất này đã giúp cho người Anh dần kiểm
soát được toàn bộ các vùng lãnh thổ của Malaysia. Gắn liền với quá trình kiểm soát các vùng lãnh thổ
của Malaysia, pháp luật của Anh được tiếp nhận vào Malaysia bằng nhiều hình thức khác nhau mà chủ
yếu là thông qua các thẩm phán và các nhà lập pháp. Theo đó, các thẩm phán áp dụng các nguyên tắc
pháp luật của Anh trong quá trình xét xử vụ việc, các nhà làm luật khi soạn thảo và ban hành các đạo
luật đã đưa các nguyên tắc pháp luật đã được các thẩm phán áp dụng vào trong các đạo luật. Ngoài ra,
việc các luật gia được đào tạo theo truyền thống của Anh và tiếng Anh được xem là ngôn ngữ phổ biến
trong hoạt động của bộ máy nhà nước cũng là những nhân tố làm cho Malaysia dễ dàng tiếp nhận pháp
luật Anh.

Hệ thống pháp luật của Singapore, mang những đặc điểm của hệ thống pháp luật Common law bắt
nguồn từ lịch sử của quốc gia này. Từ năm 1919, Singapore bắt đầu chịu ảnh hưởng của pháp luật Anh.
Trước khi Văn phòng thuộc địa của Anh ở London kiểm soát hoàn toàn vùng lãnh thổ Singapore năm
1867, quốc đảo này đã nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền thuộc địa Anh ở vùng Bengal và chính
quyền Ấn Độ (lãnh thổ thuộc địa của Anh). Vì thế, hệ thống pháp luật Anh đã được tiếp nhận bằng cả hai
cách trực tiếp và gián tiếp vào hệ thống pháp luật Singapore. Mặc dù, trong Tuyên bố thứ hai về nền tư
pháp của Hoàng gia Anh ngày 27/11/1826 liên quan đến việc giải tán các toà án có thẩm quyền xét xử ở
Bengal và thành lập toà án mới có thẩm quyền xét xử đối với toàn bộ Vùng thuộc địa eo biển trong đó
có Singapore, không có điều khoản xác định pháp luật nào sẽ được Toà án của Vùng thuộc địa eo biển
áp dụng nhưng dựa vào các phán quyết của Toà án này, từ năm 1835 đến năm 1890, các luật gia của
Singapore đã xác định rằng tất cả các luật của Anh bao gồm Common law, luật công bình và luật thành
văn có hiệu lực ở Anh ngày 27/11/1826 sẽ được áp dụng ở Singapore. Ngay cả khi đã trở thành quốc gia
độc lập năm 1965, Singapore vẫn tiếp nhận pháp luật của Anh theo cách riêng của mình. Ngoài Common
law, nhiều đạo luật của Anh vẫn được áp dụng ở Singapore với những điều kiện nhất định. Điều 5 Luật
dân sự Singapore ban hành năm 1970 thay thế cho Sắc lệnh năm 1809 đã xác định một số lĩnh vực
thương mại như công ty, ngân hàng, bảo hiểm hàng hải,v.v... của Singapore sẽ áp dụng pháp luật của
Anh; Bộ luật tố tụng hình sự của Singapore cũng xác định pháp luật của Anh trong những trường hợp
nhất định vẫn tiếp tục được áp dụng ở Singapore. Ngày 12/11/1993, Nghị viện Singapore đã ban hành
Luật về áp dụng pháp luật Anh. Luật này quy định cụ thể những đạo luật của Anh, Common law và các
nguyên tắc công bình của Anh sẽ được áp dụng ở Singapore với điều kiện các luật đó phù hợp với hoàn
cảnh của Singapore.

Brunei bắt đầu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ hệ thống pháp luật Anh từ năm 1888 khi Quốc vương của
Brunei lúc đó là Hashim Jalilul Alam Aqamaddin ký hiệp ước với chính quyền Anh đặt Brunei dưới sự bảo
trợ của Anh mặc dù trước đó, Anh và Brunei đã có nhiều hiệp ước khác nhau. Đến năm 1908, một văn
bản được Anh ban hành để sửa đổi các quy định liên quan đến tổ chức và thẩm quyền của các toà án
dân sự và hình sự cũng như luật về tố tụng được áp dụng ở Brunei. Điều này đã làm cho hệ thống pháp
luật Anh có ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ đến Brunei. Ngày nay, theo Luật áp dụng của Brunei được
ban hành năm 1951, sửa đổi năm 1984 và 2009 vẫn xác định Brunei tiếp tục áp dụng Common law, luật
công bình và các luật thành văn được áp dụng chung của Anh nếu chúng không trái với điều kiện và
hoàn cảnh của Brunei. Như vậy, cả trong lịch sử và hiện tại, hệ thống pháp luật Brunei chịu ảnh hưởng
rất lớn của hệ thống pháp luật Anh.

Hệ thống pháp luật Myanmar bắt đầu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Common law của Anh từ năm 1824
khi kết thúc cuộc chiến tranh lần thứ nhất giữa Anh và Myanmar (khi đó quốc gia này có tên là Burma).
Sau cuộc chiến tranh này, hai vùng lãnh thổ của Myanmar là Rakhine và Taninthayi bị người Anh thôn
tính và nằm dưới sự kiểm soát của Anh. Sau cuộc chiến tranh lần thứ hai với Myanmar năm 1852, người
Anh kiểm soát thêm hai vùng lãnh thổ khác là Bang và Moat-ta-ma. Để cai quản vùng đất đã chiếm
được, người Anh xây dựng hệ thống quản lý của Anh và các quy định của pháp luật Anh được áp dụng
trong việc quản lý thành phố nơi có cung điện triều đại vua cuối cùng của Myanmar. Đến năm 1886 ,
toàn bộ các vùng lãnh thổ của Myanmar nằm trong sự kiểm soát của người Anh và để cai quản vùng đất
này, người Anh đã xác lập Myanmar thành một tỉnh của Ấn Độ (khi đó là vùng thuộc địa của Anh) dưới
sự kiểm soát của Toàn quyền Ấn Độ. Pháp luật Anh ở Ấn Độ đã được áp dụng đối với "tỉnh" Myanmar.
Tình trạng này kéo dài đến năm 1935 khi Myanmar được tách khỏi Ấn Độ và chính quyền thuộc địa Anh
thiết lập Myanmar trở thành vùng lãnh thổ thuộc quyền cai trị trực tiếp của Anh thông qua Toàn quyền
ở Myanmar. Myanmar là thuộc địa của Anh cho đến khi giành được độc lập năm 1948. Trong thời kì này,
giống như nhiều vùng thuộc địa khác của Anh, Hội đồng cơ mật được xem là cơ quan xét xử cao nhất
của Myanmar. Vì thế, các phán quyết của cơ quan này ảnh hưởng mạnh mẽ đến pháp luật của
Myanmar. Sự ảnh hưởng của hệ thống pháp luật Anh trong suốt thời kì từ nửa đầu thế kỉ XIX đã làm cho
các nhân tố của Common law thẩm thấu vào hệ thống pháp luật của Myanmar trong quá trình phát triển
lịch sử của nó cho đến ngày nay.

Sự kiểm soát của Mỹ đối với quần đảo Philippines theo hiệp ước Tây Ban Nha và Mỹ được kí kết tại Paris
ngày 10/12/1898 đã từng bước làm thay đổi hệ thống pháp luật của Philippines cho dù trước đó, hệ
thống pháp luật của Tây Ban Nha đã có ảnh hưởng khá sâu sắc với hệ thống pháp luật của nước này. Các
luật lệ của người Philippines dần dần bị bãi bỏ, pháp luật của Tây Ban Nha đối với vùng lãnh thổ này
cùng với các tập quán ở đây cũng bị thay thế nếu các quy định của nó trái với Hiến pháp Mỹ, các nguyên
tắc pháp luật và các thể chế của Mỹ. Hàng loạt các đạo luật về tổ chức nhà nước được ban hành. Sự
kiểm soát của Mỹ đối với Philippines đã làm cho hệ thống pháp luật của nước này chịu ảnh hưởng của
hệ thống pháp luật Mỹ. Những nhân tố cơ bản của dòng họ Common law đã từng bước được tiếp nhận
vào hệ thống pháp luật Philipines. Việc áp dụng án lệ, vai trò của Hiến pháp Philippines có những điểm
rất tương đồng với hệ thống pháp luật Mỹ ngoài những đặc tính của hệ thống pháp luật Tây Ban Nha đã
được tiếp nhận ở nước này trong suốt gần 400 năm trước đó năm dưới sự cai trị của người Tây Ban
Nha.

Đối với Việt Nam, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay vừa mang dòng họ pháp luật xã hội chủ nghĩa,
đồng thời cũng chịu ảnh hưởng của dòng họ pháp luật châu Âu lục địa - Civil law.

Hệ thống pháp luật Việt Nam luôn không ngừng phát triển và hoàn thiện cùng đất nước với những
nguyên tắc chống áp bức, bóc lột, thực hiện dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội, vì giá trị cao nhất
là hạnh phúc của con người.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam tồn tại khá nhiều các ngành luật như ngành luật hiến pháp, ngành
luật hành chính, ngành luật dân sự, tố tụng dân sự, luật hình sự, tố tụng hình sự, luật tài chính, luật ngân
hàng, luật hôn nhân và gia đình, luật đất đai, luật môi trường, luật lao động, luật thuế, luật ngân sách
nhà nước, luật bình đẳng giới, luật điều ước quốc tế...

Hệ thống pháp luật Common Law và Civil Law là hai hệ thống pháp luật lớn và điển hình trên thế giới.
Hai hệ thống này có những điểm đặc thù, tạo nên những "dòng họ" pháp luật, với những đặc trưng pháp
lý riêng. Mặc dù ngày nay pháp luật ở các nước thuộc hai hệ thống này cũng có nhiều thay đổi theo
hướng bổ khuyết những mặt hạn chế, tích hợp nhiều nội dung mới, nhưng về cơ bản sự thay đổi ấy vẫn
không làm mất đi những đặc thù riêng, triết lý riêng, từng tạo nên "bản sắc" của hai hệ thống pháp luật.

You might also like