Quẻ 4 Sơn Thủy Mông

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 29

QUẺ 4: SƠN THỦY MÔNG

:|:::| Sơn Thủy Mông (蒙 méng)


Quẻ Sơn Thủy Mông, còn gọi là quẻ Mông (蒙
meng2), là quẻ thứ 04 trong Kinh Dịch.
* Nội quái là ☵ (:|: 坎 kan3) Khảm = (水) Nước
* Ngoại quái là ☶ (::| 艮 gen4) Cấn = (山) Núi

Contents
1. Giải nghĩa:.........................................................................................................2
2. Hào từ:...............................................................................................................2
QUẺ SỐ 4 - QUẺ KINH DỊCH CHO GIEO QUẺ...............................................5
QUẺ SỐ 4 - KINH DỊCH - NGÔ TẤT TỐ..........................................................6
QUẺ SỐ 4 - QUỐC VĂN CHU DỊCH - PHAN BỘI CHÂU.............................14
QUẺ SỐ 4 - KINH DỊCH DIỄN GIẢNG - KIỀU XUÂN DŨNG.....................22
QUẺ SỐ 4 - KINH DỊCH DIỄN GIẢI................................................................23
QUẺ SỐ 4 - BỐC PHỆ CHÁNH TÔNG............................................................24
QUẺ SỐ 4 - KINH DỊCH - DỊCH TỰ BẢN NGHĨA.........................................26
QUẺ SỐ 4 - KINH DỊCH - NGU YÊN NGUYỄN ĐẠI BẰNG........................27
QUẺ SỐ 4 - BÍ ẨN QUẺ DỊCH..........................................................................29
1. Giải nghĩa:
Giải nghĩa: Muội dã. Bất minh. Tối tăm, mờ ám, không minh bạch, che lấp, bao
trùm, phủ chụp, ngu dại, ngờ nghệch. Thiên võng tứ trương chi tượng: tượng
lưới trời giăng bốn mặt.
蒙: 亨, 匪我 求 童 蒙, 童 蒙 求 我 .
初 筮 告, 再 三 瀆, 瀆 則 不 告 .利 貞 .
Mông: Hanh, Phỉ ngã cầu đồng mông, đồng mông cầu ngã.
Sơ phệ cáo, tái tam độc, độc tắc bất cáo. Lợi trinh.
Dịch: Trẻ thơ được hanh thông. Không phải ta tìm trẻ thơ mà trẻ thơ tìm ta. Hỏi
(bói) một lần thì bảo cho, hỏi hai ba lần thì là nhàm, nhàm thì không bảo. Hợp
với đạo chính thì lợi (thành công).

Giảng: Theo nghĩa của quẻ thì cấn là ngưng, Khảm là hiểm. Ở trong (nội quái)
thì hiểm, mà ở ngoài (ngoại quái) thì ngưng, không tiến được, tỏ ra ý mù mờ,
cho nên gọi là Mông.
Xét theo hình tượng thì ở trên có núi (Cấn), dưới chân núi có nước sâu (khảm),
cũng có nghĩa tối tăm (Mông). Cũng có thể giảng là dưới chân núi có suối nước
trong, tức như hạng người còn nhỏ (khi thành sông mới là lớn), hạng “đồng
mông”, cho nên gọi quẻ này là Mông (mông có nghĩa là non yếu).
Đặc biệt quẻ này chỉ chú trọng vào hào 2 và hào 5. Hào 2 là dương cương, đắc
trung làm chủ nội quái, đáng là một vị thầy cương nghị, khải mông (tức mở
mang cái tối tăm) cho trẻ. Hào đó ứng với hào 5 âm nhu thuận mà cùng đắc
trung, là tượng học trò ngoan. Vậy là thầy trò tương đắc, sự học hành tất có kết
quả tốt, cho nên quẻ này có đức hanh thông.
Tư cách của thầy cương, của trò nhu, cho nên thầy không phải cầu trò, mà trò
phải cầu thầy. Và khi dạy, trò hỏi một lần thì bảo, nếu hỏi 2, 3 lần thì là nhàm,
không bảo. Giữ được đạo chính (hoặc bồi dưỡng chính nghĩa) thì lợi thành công.

2. Hào từ:
2.1. Sơ lục: phát mông, lợi dụng hình nhân, Dụng thoát chất cốc, dĩ vãng lận.
Dịch: Hào 1, âm: mở mang cái tối tăm (cho hạng người hôn ám) thì nên dùng
hình phạt cốt cho họ thoát khỏi gông cùm, nhưng đừng đi quá mức sẽ hối tiếc.
Giảng: Hào âm này vị ở thấp nhất trong quẻ Mông là tượng kẻ hôn ám nhất,
phải dùng hình phạt trừng trị mới cởi cái gông cùm (vĩ vật dục) cho họ được; khi
có kết quả rồi thì thôi, đừng quá dùng hình phạt mà sẽ ân hận.
Chữ: "dụng hình nhân", dịch sát là dùng người coi về hình, tức dùng hình phạt.
2.2. Cửu nhị: Bao mông cát, nạp phụ cát, tử khắc gia.
Dịch: Hào, dương: Bao dung kẻ mờ tối, dung nạp hạng người nhu ám như đàn
bà, tốt; (ở ngôi dưới mà gánh vác việc trên) như người con cai quản được việc
nhà.
Giảng: Hào 2 dương, cương cường, nhưng đắc trung cho nên bảo là có đức bao
dung; nó làm chủ nội quái, thống trị cả bốn hào âm, cho nên bảo nó dung nạp
được các hào âm, tức hạng người nhu ám như đàn bà, nó ở dưới thấp mà lại là
hào quan trọng nhất trong quẻ, nên ví nó như người con cai quản được việc nhà.
Tóm lại hào này tốt.
Phan Bội Châu giảng ba chữ “tử khắc gia”cách khác: Cụ cho hào 5 ở địa vị tôn
trong quẻ trên (ngoại quái) tức như cha trong nhà, hào 2 ở dưới, tức như con.
Cha nhu nhược (vì là âm), con cương cường sáng suốt (vì là dương), cảm hóa
được cha mà cha hết hôn ám, như vậy là con chỉnh lý được việc nhà.
Cao Hanh chỉ đứng về phương diện bói, mà không đứng về phương diện đạo lý,
không cho Kinh Dịch có ý nghĩa triết lý, xử thế, cho nên hiểu khác hẳn: giảng
“nạp phụ” là cưới vợ cho con “tử khắc gia” là con thành gia thất, đó là cái việc
tốt của người làm bếp mắt không có đồng tử (bao mông, theo ông là : bào mông,
bào là người làm bếp, mông là mắt không có đồng tử). Đại khái cách hiểu của
Cao Hanh như vậy, xin đơn cử làm thí dụ.

2.3. Lục tam: Vật dụng thủ nữ kiến kim phu.
Bất hữu cung, vô du lợi.
Dịch: hào 3, âm: đừng dùng hạng con gái thấy ai có vàng bạc là (theo ngay)
không biết thân mình nữa; chẳng có lợi gì cả.
Giảng: Hào 3 là âm nhu (ở trong quẻ Mông, là hôn ám) bất trung, bất chính, cho
nên ví với người con gái không có nết, bất trinh, ham của. Mà hạng tiểu nhân
thấy lợi quên nghĩa cũng vậy (âm còn có nghĩa là tiểu nhân). Phan Bội Châu cho
hào này xấu nhất; hạng người nói trong hào không đáng dùng, không đáng giáo
hóa nữa.

2.4. Lục tứ: Khốn, mông, lận.


Dịch: Hào 4, âm: Bị khốn trong vòng hôn ám, hối tiếc.
Giảng: Quẻ Mông chỉ có hào 2 và 6 là dương cương, có thể cởi mở sự hôn ám
được, còn hào 4 kia đều là âm hết. Hào 4 này cũng hôn ám như hào 3, nhưng
còn tệ hơn hào 3 vì ở xa hào 2 dương (hào 3 còn được ở gần hào 2 dương ), mà
chung quanh đều là âm hết (hào 3 và hào 5), như bị nhốt trong vòng hôn ám, tất
bị khốn sẽ phải hối tiếc, xấu hổ.
Tiểu tượng truyện giảng: nó phải hối tiếc, xấu hổ vì chỉ một mình nó trong số
bốn hào âm là ở xa các hào “thực” tức các hào dương. Hào dương là nét liền,
không khuyết ở giữa, nên gọi là “thực” (đặc, đầy) hào âm là vạch đứt, khuyết ở
giữa nên gọi là “hư” ; “thực” tượng trưng người có lương tâm “hư” tượng người
không có lương tâm.

2.5. Lục ngũ: Đồng mông cát.


Dịch: Hào 5, âm: Bé con, chưa biết gì (nhưng dễ dạy), tốt.
Giảng: hào 5 này là hào âm tốt nhất như chúng tôi đã nói khi giảng Thóan từ
của Văn Vương, vì nó có đức nhu (âm) trung (ở giữa ngọai quái), lại ứng với
hào 2 cương ở dưới, có thể ví nó với đứa trẻ dễ dạy, biết nghe lời thầy (hào 2).
Phan Bội Châu coi hào này như ông vua (vì ở ngôi cao quí nhất trong quẻ) biết
tín nhiệm hiền thần (hào 2).

2.6. Thượng cửu: Kích mông bất lợi vi khấu, lợi ngự khấu.
Dịch: Hào trên cùng, dương : phép trừ cái ngu tối mà nghiêm khắc quá thì kẻ
mình dạy dỗ sẽ phẫn uất, có thể thành giặc, như vậy không có lợi, ngăn ngừa
giặc ở ngoài (tức những vật dục quyến rũ kẻ đó) thì có lợi.
Giảng: Hào này ở trên cùng quẻ Mông, có nghĩa sự ngu tối tới cùng cực; nó là
dương, ở trên cùng, mà bất trung, cho nên tuy có tài mở mang sự ngu tối nhưng
quá nghiêm khắc, làm cho kẻ ngu tối phẫn uất, phản kháng, bất tuân giáo hóa, có
thể thành giặc, có hại (chữ “khấu có cả hai nghĩa: giặc, có hại), nên tìm cách
ngăn ngừa những vật dục quyến rũ nó thì hơn; mà “cả thầy lần trò đều thuận đạo
lý (thượng hạ thuận dã, Tiểu tượng truyện).
Quẻ này nói về cách giáo hóa, cần nghiêm (hào 1) nhưng không nên nghiêm
khắc quá mà nên ngăn ngừa lỗi của trẻ (hào 6).
QUẺ SỐ 4 - QUẺ KINH DỊCH CHO GIEO QUẺ

Quẻ Dịch số 4: Sơn Thủy Mông – "Tiểu Quỷ Thâu Tiền" Thời vận không hay
Quẻ Sơn Thủy Mông đứng số 4 trong số 64 quẻ Kinh dịch. Quẻ Sơn Thủy Mông
có điềm "thời vận không hay" là quẻ xấu trong Kinh Dịch. Việc hôn nhân, việc
góp vốn kinh doanh không thành. Mọi việc gian lao vất vả, phí công vô ích.
Lời đoán quẻ Sơn Thủy Mông: Gieo phải quẻ này là điềm "thời vận không hay"
(thời vận bất tường). Là người chuộng nghĩa khinh tài, kiếm tiền dễ dàng, học
đến nơi đến chốn, nhưng bị ma quỷ lấy trộm hết.

Ngũ hành quẻ: Hỏa.


"Mông" có nghĩa là sự mờ tối sắp được khai sáng. "Mông" chỉ sự mông muội,
tối tăm, vì thế được coi là hình tượng trẻ con ăn trộm tiền.
"Tiểu quỷ" có ý chỉ trẻ con nghịch ngợm. "Tiểu quỷ thâu tiền" (thâu: ăn trộm) là
chuyện một kẻ thời vận không hay lại không có tiền. Khi gặp dịp, bất luận nhiều
hay ít, kẻ đó không kìm được mình giống như trẻ con ăn trộm tiền vậy. Gieo
phải quẻ này là điềm "thời vận không hay" (thời vận bất tường).
Hình tượng của quẻ Sơn Thủy Mông
Biểu hiện của các hào trong quẻ phạm sao Tiểu Hao, quân tử gieo phải quẻ này,
thời vận không hay. Việc hôn nhân, việc góp vốn kinh doanh không thành. Mọi
việc gian lao vất vả, phí công vô ích.

Ngày xưa, Dương Chí áp giải 10 vạn lạng bạc, rất nhiều ngọc ngà châu báu –
quà mừng sinh nhật của con rể Lương Trung Thư – quan phủ phủ Đại Danh đi
Đông Kinh chúc thọ Thái sư Sái Kinh, bố vợ của Trung Thư. Trước khi đi, ông
ta đã gieo quẻ phải này. Quả nhiên trên đường đi, Dương Chí mắc mưu của
Bạch Thắng, Tiều Cái, Ngô Dụng. Dương Chí và bọn lính áp giải uống phải
rượu có thuốc mê, tiền bạc châu báu bị cướp sạch. Đúng là ứng với quẻ "Tiểu
quỷ thâu tiền", thật là "Thời vận không hay".

Lời thơ của quẻ Mông:


"Bốc phải quẻ này, phạm Tiểu hao,
Cầu lộc, cầu danh chớ có làm.
Hôn nhân, góp vốn có người phá,
Giao dịch xuất hành, chịu gian lao".

Lời đoán: Là người chuộng nghĩa khinh tài, kiếm tiền dễ dàng, học đến nơi đến
chốn, nhưng bị ma quỷ lấy trộm hết.

Lời bàn: Của bất nghĩa dù giữ thế nào cũng không được, tất có ngày bị "tiểu quỷ
thâu tiền". Trẻ con ăn trộm tiền là do trí tuệ còn mờ, lòng dạ còn tối, còn kẻ tích
của bất nghĩa lòng dạ mới thực.
QUẺ SỐ 4 - KINH DỊCH - NGÔ TẤT TỐ

QUẺ MÔNG
Cấn trên; Khảm dưới
Truyện của Trình Di - Quẻ Mông, Tự quái nói rằng: Truân tức là đầy, Truân là
các vật mói sinh, các vật sinh ra thì phải đội lên, cho nên tiếp đến quẻ Mông.
Mông nghĩa là đội, tức là vật hãy còn non. Truân là các vật mới sinh, các vật
mới sinh thì còn bé, mờ tối, chưa phát ra được, cho nên quẻ Mông mới nối quẻ
Truân. Nó là quẻ Cấn trên Khảm dưới. Cấn là núi, là đỗ, Khảm là nước, là hiểm,
dưới núi là chỗ hiểm; gặp chỗ hiểm thì đỗ, không biết đi đâu, đó là tượng của
quẻ Mông. Nước là vật phải đi, mới ra chưa đi đâu, cho nên là mông. Tới khi nó
tiến thì là nghĩa hanh.
LỜI KINH
蒙亨, 匪我童蒙, 童蒙求我.初筮告, 再三漬, 漬則不告.利貞.
Dịch âm. - Mông hanh, phỉ ngã cầu đồng mông, đồng mông cầu ngã. Sơphệ cốc,
tái tam độc, độc tắc bất cốc, lợi trinh.
Dịch nghĩa. - Quẻ Mông hanh, chẳng phải ta tìm trẻ thơ [1], trẻ thơ tìm ta.
Mới bói bảo: hai, ba lần nhàm, không bảo. Lợi về sự chính.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di - Chữ "mông"’ có lẽ khai phát, tức là nghĩa hanh. Quẻ này
có tài thời trung, chính là cái đạo làm đến hanh thông. Hào Sáu Năm là chủ quẻ
Mông, mà hào Chín Hai là người mở mang sự mờ tối. "Ta" là hào Hai. Hào Hai
không phải là quẻ Mông, hào Năm đã nhún thuận vào hào Hai, hào Hai bèn mở
mang sự mờ tối cho nó. Cho nên, mới lấy hào Hai, làm chủ mà nói: "Chẳng phải
ta tìm trẻ thơ, trẻ thơ tìm ta". Hào Năm ở ngôi tôn, có đức nhu thuận, quẻ này
đương ở hồi trẻ thơ, chính ứng với hào Hai, mà đức "trung" lại cũng giống nhau,
có thể dùng đạo của hào Hai để mở mang sự mờ tối. Hào Hai lấy đức cương
trung, ở dưới, được vua tìm theo, phải nên lấy đạo tự giữ, đợi vua chí thành cầu
mình mà sau mới ứng, thì có thể dùng được đạo của mình, đó là "không phải ta
tìm trẻ thơ, trẻ thơ tìm ta" Bói là xem để quyết đoán. Mới bói, bảo, nghĩa là thật
lòng, dốc ý để tìm mình thì mình bảo họ, đến hai, ba lần thì là nhảm nhí, cho nên
không bảo. Cái đạo mở mang kẻ mờ tối, chỉ lợi về sự đính chính. Vả lại, hào Hai
tuy là cương trung, nhưng ở ngôi Âm, cho nên, nên có răn bảo.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Cấn cũng là tên quẻ ba vạch, một hào Dương đỗ ở trên
hai hào Âm, cho nên đức nó là đỗ, tượng nó là núi. Mông nghĩa là tối, các vật
mới sinh, mờ tối chưa sáng. Quẻ này là Khảm gặp Cấn, dưới núi [2] có chỗ hiểm
[3] tức là cái đất mờ tối; trong hiểm ngoài đồ [4] tức là cái ý mờ tối, cho nên đặt
tên là Mông. Từ chữ 亨(hanh) trở xuống là lời Chiêm. Hào Chín Hai là chủ quẻ
trong, tính cứng, ở giữa có thể mở mang sự mờ tối cho ngườí ta, mà với hào Sáu
Hai Âm Dương ứng nhau, cho nên hễ gặp quẻ này thì có đạo hanh thông; "Ta"
là hào Hai, "trẻ thơ" là kẻ trứng nước tối tăm, chỉ vào hào Năm. Kẻ bói là bậc
sáng thì người ta nên đến tìm mình mà sự hanh thông ở người ta, kẻ bói là hạng
tối, thì mình nên đi tìm người, mà sự hanh thông ở mình. Người ta tìm mình, thì
mình nên xem lẽ nên chăng mà ứng với họ. Mình tìm người ta thì nên hết lòng
trung thành chuyên nhất mà hỏi. Bậc sáng láng nuôi kẻ tối tăm và kẻ tối tăm tự
nuôi lấy mình lại đều lợi về sự chính đính.
LỜI KINH
象: 蒙, 下有險, 險, 蒙.
Dịch âm. - Thoán viết: Mông, sơn hạ hữu hiểm, hiểm nhi chỉ, Mông.
Dịch nghĩa. - Lời Thoán nói rằng: Quẻ Mông, dưới núi có chỗ hiểm, hiểm mà
đỗ, là Mông.
GIẢI NGHĨA
Bản nghĩa của Chu Hy. - Đây dùng tượng quẻ, đức quẻ để thích tên quẻ có hai
nghĩa.
Lời bàn của Tiên Nho. - Chu Hy nói rằng: Dưới núi có chỗ hiểm là tượng của
quẻ, hiểm mà đỗ là đức của quẻ. Quẻ Mông có hai nghĩa. Hiểm mà đỗ là hiểm ở
trong, đỗ ở ngoài, trong nhà đã không yên ổn, mặt ngoài lại đi không được, đó là
cái tượng tối tăm.
LỜI KINH
蒙亨, 以亨 時中也.匪我求童蒙, 童蒙求我, 志應也.
Dịch âm. - Mông hanh dĩ hanh hành thì trung dã. Phỉ ngã cầu đồng mông, đồng
mông cầu ngã, chí ứng dã.
Dịch nghĩa. - Quẻ Mông hanh, dùng lẽ hành mà làm cho đúng mực giữa của thời
vậy. Chẳng phải ta tìm trẻ thơ, trẻ thơ tìm ra, chí ứng nhau vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di – Dưới núi có chỗ hiểm, trong đã hiểm không thể ở, đỗ ở
ngoài lại không thể tiến, chưa biết làm gì, cho nên mới là cái nghĩa tối tăm. Quẻ
Mông hanh thông, vì nó dùng lẽ hanh thông để làm cho đúng mực giữa của thời.
Thời là được vua hưởng ứng, giữa là ở được chỗ giữa. Được chỗ giữa thì là phải
thời. Chẳng phải ta tìm trẻ thơ, trẻ thơ tìm ta, chí ứng nhau vậy. Hào Hai là
người hiền cương minh ở dưới, hào Năm là hạng trẻ thơ ở trên, không phải là
hào Hai tìm hào Năm, là chí hào Năm ứng với hào Hai. Người hiền ở dưới, há
lại có thể tự mình tiến lên để đi tìm vua. Nếu mà tự tìm, ắt không có lẽ mà được
tin dùng. Người đời xưa sở dĩ phải đợi ông vua hết lòng kính lễ mà sau mới đi,
không phải là tự tôn đại. Là vì người ta tôn đức vui đạo, không như thế thì
không thể cùng nhau làm việc.
LỜI KINH
初筮, 告, 以剛中也再三瀆, 漬則不告, 瀆蒙也.
Dịch âm. - Sơ phệ, cốc, dĩ cương trung dã; tái tam độc, độc tắc bất cốc, độc
mông dã.
Dịch nghĩa. - Mới bói, bảo, vì cứng giữa vậy; hai ba lần, nhàm, nhàm thì không
bảo, vì làm nhàm trẻ thơ vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di - Mới bói, nghĩa là thành tâm chuyên nhất mà lại, cầu để
quyết sự mờ tối, thì nên lấy đạo cương trung mà bảo, để mở mang cho họ. Hai
ba lần thì là phiền nhiễu, cái ý đến bói đã là phiền nhiễu mà không thành chuyên
tâm nhất; thì là nhảm nhí khinh nhờn, không nên bảo nữa. Bảo họ, họ cũng
không thể tin nhận, chỉ làm phiền nhàm, cho nên nói là nhàm trẻ thơ. Kẻ tìm, kẻ
bảo đều là phiền nhàm tất cả.
Lời bàn của Tiên Nho. - Lã Đông Lai nói rằng: "Mới bói bảo, vì là cứng giữa.
Hào Chín Hai là người mở mạng trẻ thơ. Chín là cứng.
Hai là giữa, cứng giữa là toàn thể của hào Chín Hai. Đương lúc kẻ học mới lại
hỏi, lòng họ thành thật chuyên nhất, cho nên đem luôn toàn thể mà bảo. "Hai ba
lần nhàm, nhàm thì không bảo, vì nhàm trẻ thơ", hai ba lần là nhàm, đó là trẻ thơ
làm nhàm người mở mang trẻ thơ. Nay không nói "làm nhàm người mở mang
trẻ thơ", mà lại nói "nhàm trẻ thơ" là sao? Bởi vì thánh nhân dạy người không
mỏi há lại chán kẻ trẻ thơ làm nhàm mình? Sở dĩ hai ba lần nhàm mà không bảo,
là tại chí lý không thể so sánh bàn bạc, sau một lời nói, thì phải nhận hiểu tức
thì; nếu chưa nhận hiểu thì ta cứ bỏ đó không bảo, kẻ kia tuy là chưa đạt mà cái
lẽ trời ở trong bụng hắn vẫn còn nguyên vẹn không động. Nếu hai ba lần nhàm
mà còn bảo họ, thì họ sẽ phải sánh bàn, đồ đoán, lại là làm nhàm lẽ trời của họ.
Vì vậy mới nói là "nhàm trẻ thơ".
LỜI KINH
蒙以養正, 聖功也.
Dịch âm. - Mông dĩ dưỡng chính, thánh công dã.
Dịch nghĩa. - Trẻ thơ để nuôi sự đính chính, công bậc thánh vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di - Lời quẻ nói "lợi trinh", lời Thoán lại nhắc cho rõ nghĩa để
tỏ bất chính là điều đáng răn trong ở hào Hai, thật là đạo nuôi trẻ thơ vậy. Chưa
được mở mang gọi là trẻ thơ; hạng trẻ thơ hãy còn thuần nhất chưa mở mang mà
muôi lấy sự chính đính, ấy là cái công làm nên bậc thánh. Nếu đã mở mang mà
sau mới cấm, thì nó ngăn cách mà khó thắng được. Nuôi sự đính chính từ thuở
trẻ thơ là cách rất khéo trong việc học. Trong sáu hào quẻ Mông, hai hào Dương
là người trị sự mờ tối, bốn hào Âm là người ở cảnh mờ tối.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Lời Thoán này dùng thể quẻ để thích lời quẻ. Hào chín
Hai đem cái đạo có thể hanh thông, mở mang sự tối tăm cho người khác, mà lại
hợp với mực "giữa" của thời (tức vào những việc nói ở đoạn dưới), đều là dùng
đạo hanh thông mà làm, mà nhằm với lẽ nên phải vậy. Chí ứng nghĩa là hào Hai
cứng sáng, hào Năm mềm tối, cho nên hào Hai không tìm hào Năm mà hào Năm
phải tìm hào hai, cái chí của nó tự nhiên ứng nhau. Dĩ cương trung, nghĩa là đã
cứng lại giữa, cho nên biết cách giảng bảo mà có chừng độ. Nhàm, nghĩa là bói
đến hai ba lần thì kẻ hỏi vẫn nhàm mà kẻ bảo cũng nhàm. Trẻ thơ để nuôi sự
đính chính, tức là cái công làm nên thánh nhân, câu đó là để thích nghĩa hai chữ
"lợi trinh".
LỜI KINH
象: 出下出泉, 蒙. 君 以果, 育德.
Dịch âm. - Tượng viết: Sơn hạ xuất tuyền, Mông, quân tử dĩ quả hạnh, dục đức.
Dịch nghĩa. – Lời tượng nói rằng: Dưới núi ra suối, là quẻ Mông, đấng quân tử
coi đó mà quyết việc làm, nuôi lấy đức.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di - Dưới núi ra suối, ra mà gặp phải chỗ hiểm, chưa đi, đó là
tượng quẻ Mông, ví như người ta trẻ thơ, chưa hề đến đâu. Đấng quân tử xem
tượng quẻ Mông mà quyết việc làm, nuôi lấy đức, nghĩa là coi nó chảy ra mà
chưa thể thông đi, để mình quả quyết việc của mình làm; coi nó mới ra mà chưa
thể ngảnh về đâu, để mình nuôi lấy cái mình sở đắc vậy.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Suối là nước mới chảy ra, . tất nhiên phải đi, mà đi dần
dần.
LỜI KINH
初六: 發蒙, 利 刑, 說桎梏, 以往吝.
Dịch âm. - Sơ Lục: Phát mông, lợi dụng hình nhân, dụng thoát chất cốc, dĩ vãng,
lận.
Dịch nghĩa. - Hào Sáu Đầu: Mở mang trẻ thơ, lợi dùng về sự hình phạt người ta
[5] để thoát gông cùm, đi thì hối tiếc.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di - Hào Đầu là Âm tối, ở dưới, ấy là kệ dân mờ tối; hào này
nói là cách mở mang cho họ. Mở mang sự mờ tối cho kẻ dân, thì tỏ rõ hình cấm
[6] với họ, khiến họ biết sợ, rồi sau mới theo đó mà dạy bảo họ. Từ xưa các đấng
thánh vương làm việc chính trị, phải đặt ra hình phạt để làm cho dân chúng nhất
tề, tỏ rõ giáo hóa để làm cho phong tục lành phải; hình phạt lập rồi, giáo hóa
mới thực hiện được. Dù mà thánh nhân chỉ chuộng đức hóa không chuộng hình
phạt, nhưng cũng chưa từng bỏ riêng đàng nào. Cho nên lúc mới dựng nền chính
trị, phải lập phép luật trước đã, lúc mới trị kẻ tối tăm phải dọa họ bằng hình
phạt, để trút những cái gông cùm về sự mờ mịt của họ (?), gông cùm tức là trói
buộc, không bỏ được những gông cùm về sự mờ mịt, thì thiện giáo không có
đường nào mà vào. Đã dùng hình cấm dắt họ, dầu mà bụng họ chưa thể hiểu
được, nhưng họ cũng phải sợ oai mà theo, không dám thả động cái lòng ham
muốn mờ mịt, rồi mới có thể dần dần hiểu biết đạo phải mà đổi cái bụng, thì mới
có thể thay đổi thói tục. Nếu chỉ chuyên dùng hình phạt để làm việc, thì kẻ tối
tăm tuy là có sợ, nhưng rút lại vẫn không thể mở mang, họ chỉ cẩu thả tránh cho
khỏi tội mà không còn có liêm sỉ, trị hóa không thể thành được. Cho nên hễ
dùng kiểu đó mà đi thì là đáng tiếc.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Là Âm ở dưới, đó là tối tăm quá đỗi. Kẻ xem gặp hào
đó thì nên mở mang sự tối tăm của mình. Nhưng cách mở mang sự tối tăm đó,
cần phải trừng giới một cách thống thiết mà tạm bỏ đó [7] để coi về sau, nếu cứ
đi mà không chịu bỏ, thì sẽ đến phải hổ thẹn hối tiếc. Đó là răn kẻ xem phải nên
như thế.
Lỏi bàn của Tiên Nho. - Chu Hy nói rằng: "Phát mông" nghĩa là tự mình mờ tối,
được người mở mang cho, hoặc là người ta mờ tối, được mình mở mang cho.
"Lợi dụng hình nhân, dụng thoát chất cốc": nói cách thô thiển như ngày nay
người ta đánh tù, phải tháo gông cùm mới được, nếu cứ một mực cùm hẳn thì
không thể được. Nhược bằng một mực cùm hẳn, thì là "dĩ vãng lận". Đây chỉ nói
về cách trị kẻ tối tăm, cần nên rộng rãi chầy chậm, phép phải như thế.
LỜI KINH
象: 利 刑, 以正法也.
Dịch âm. - Tượng viết: Lợi dụng hình nhân, dĩ chính pháp dã.
Dịch nghĩa. - Lời Tượng nói rằng: Lợi dụng hình phạt người, để chính pháp vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di - Lúc mới trị kẻ mờ tối, phải dựng bờ ngăn, tỏ rõ tội phạt
của họ, thế là làm chính pháp luật, khiến họ cứ đó mà noi, dần dần đến phải biến
hóa. Có người ngờ rằng: lúc mới mở mang kẻ mờ tối, đã vội hình phạt người ta,
há chẳng là "không dạy mà giết" hay sao? Ngờ vậy là không biết rằng: trong
việc lập ra pháp chế, hình phạt là để dạy bảo. Về sau những người bàn về hình
phạt, đều không biết có giáo hóa ở trong.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Lúc mới mở mang cho kẻ mờ tối, phải trừng giới ngay,
là để làm cho pháp luật được đúng.
LỜI KINH
九: 包蒙, 吉.納婦吉, 克家.
Dịch âm. - Cửu Nhị: Bao Mông, cát! Nạp phụ, cát Tử khắc gia.
Dịch nghĩa. - Hào Chín Hai: Bao dung trẻ thơ, tốt! Nộp vợ [8], tốt! Con trị nhà!
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di - Bao là bao dung. Hào Hai ở đời mờ tối có tài cương
minh, cùng ông vua ở hào Sáu năm ứng nhau, cái đức trung chính, giống nhau,
tức là người đảm đang nhiệm vụ của đời, ắt phải rộng lượng bao dung, thương
kẻ ngu tối, thì có thể mở mang sự tối tăm của thiên hạ mà làm nên việc "trị kẻ
tối tăm"; đạo phải cho rộng, đức phải cho khắp, như thế thì tốt. Quẻ này có hai
hào Dương, hào Chín Trên thì cứng mà thái quá, chỉ hào Chín Hai có đức cứng
và trung chính, lại ứng với hào Năm, tức là kẻ được dùng với đời, mà chỉ riêng
mình sáng suốt vậy. Nếu cậy sáng suốt mà chuyên tự nhiệm, thì đức không rộng,
cho nên dù hạng đàn bà yếu đuối tối tăm, cũng nên nghe theo điều thiện của nó,
thì sự sáng suốt của mình mới rộng rãi. Vả lại, vì rằng các hào đều thuộc về Âm,
cho nên gọi là đàn bà. Thành như Nghiêu, Thuấn, thiên hạ không ai kịp, mà còn
nói rằng: " rộng hỏi kẻ dân", "lấy điều thiện của người làm điều thiện của mình",
hào Hai biết bao nạp, thì có thể làm nên công việc của vua, cũng như người con
làm nổi công việc của nhà. Hào Năm đã là Âm nhu, cho nên cái công mở mang
sự tối tăm, đều ở hào Hai. Nói về gia đình, thì Năm là cha, Hai là con, hào Hai
chủ trương được công việc của nhà, ấy là con người trị được gia đình vậy.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Hào Chín Hai lấy tư cách Dương cương làm chủ quẻ
trong, tóm coi các hào Âm, tức là người gánh cái nhiệm vụ mở mang kẻ tối tăm.
Nhưng hạng người mà nó phải trị thì rộng, mà tính loài người lại không nhất luật
như nhau, không thể nhất khái quyết định, mà đức hào ấy lại cứng mà không
thái quá, tức là cái tượng có sự bao dung. Vả lại, nó là Dương mà tiếp nhận các
hào Âm, cho nên lại là cái tượng "nghe vợ". Hơn nữa, nó ở ngôi dưới mà có thể
gánh việc trên, tức là cái tượng người con trị được gia đình. Cho nên kẻ xem, hễ
có đức ấy mà gánh việc ấy thì nên như thế là tốt.
LỜI KINH
象: 克家, 剛接柔也.
Dịch âm. - Tượng viết: Tử khắc gia, cương tiếp nhu dã.
Dịch nghĩa. - Lời Tượng nói rằng: Còn trị được nhà, cứng tiếp mềm vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di - Con mà trị nổi nhà là nhờ về sự tin dùng của cha chuyên
chất. Hào Hai chủ trương được công việc mở mang kẻ tối tăm, là nhờ về sự tin
dùng của hào Năm chuyên nhất. Hai và Năm, cái tính cứng mềm tiếp nhau, cho
nên đúng đạo cương trung, làm nên công việc mở mang kẻ mờ tối. Nếu tình trên
dưới mà không tiếp nhau, thì hào Hai tuy là cương trung, cũng không có thể làm
chủ công việc.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Đây là chỉ về hào Hai hào Năm ứng nhau.
LỜI KINH
六三: 勿 取, 夫, 不有躬, 無攸利.
Dịch âm. - Lục Tam: Vật dụng thử nữ, kiến kim phu, bất hữu cung, vô du lợi
Dịch nghĩa. - Hào Sáu Ba: Chớ dừng lấy gái, thây chồng vàng không có mình,
không thửa lợi.
GIẢI NGHĨA
Bản nghĩa của Trình Di. - Hào ba là Âm nhu ở chỗ tối tăm, tức là cái hạng gái
bất trung chính mà hay động càn, chính ứng ở trên, không thể đi xa mà theo, gần
thấy hào Chín Hai được các kẻ tối tăm theo về, và lại cực kỳ được thời, cho nên
nó mới bỏ nơi chính ứng mà theo hào đó, đó là con gái chỉ lấy chồng vàng. Con
gái theo người phải có chính lễ, vậy mà người này thấy kẻ nhiều tiền mà theo,
không thể giữ được thân mình, thì không đi đâu được lợi.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Hào Sáu Ba là hào Âm nhu, chẳng trung chẳng chính,
ấy là cái tượng con gái trông thấy vàng mà không tự chủ được mình.
Kẻ xem gặp hào đó, thì hẳn lấy vợ, ắt được cái người như thế, không còn lợi gì.
Chồng vàng, tức là đàn ông lây vàng đút mình mà chòng ghẹo mình, như việc
làm của chàng Thu Hồ nước lỗ [9].
Lời bàn của Tiên Nho. - Hồ Quảng nói rằng: Hai chữ "Kim phu" sách Bản nghĩa
giải không bó sát với tượng của hào. Trình truyện cho "Kim phu" là hào Chín
Hai, nhưng hào Chín Hai là chủ việc mở mang kẻ tối tăm, nếu hào Ba mà nếu
theo nó, thì cũng hợp với nghĩa của câu "trẻ thơ tìm ta" ở lời Thoán, không nên
cho là bất thuận. Nghĩa là, theo lệ Kinh Dịch: hào Âm ở thể dưới, mà có cầu
cạnh vói ngôi trên, thì đều hung, thuyết của họ Vương gần phải.
LỜI KINH
象: 勿 取, 不順也
Dịch âm. - Tượng viết: Vật dạng thủ nữ, hạnh bất thuận dã.
Dịch nghĩa. - Lời Tượng nói rằng: Chớ dùng lấy gái, nết không thuận vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di - Con gái như thế, nết họ cong queo không thuận, không
thể lấy được.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Chữ 順 nên đổi ra làm chữ 慎 (thận là cẩn thận), chữ
順(thuận), chữ 慎(thận) vẫn dùng lẫn lộn. "Nết không cẩn thận" với ý kinh càng
bén sát hơn.
LỜI KINH
六四: 困蒙, 吝.
Dịch âm. - Lục Tứ: Khẩn mông, lận.
Dịch nghĩa. - Hào Sáu Tư: Khốn về tăm tối, hối tiếc.
GIẢI NGHĨA
Bản nghĩa của Trình Di. - Hào Tư là Âm nhu mà tối tăm, không có bậc cương
minh giúp đỡ, chẳng có lối nào mở mang sự tối tăm của mình, nên mới bị khốn
về sự tối tăm, đáng hối tiếc lắm.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Đã xa hào Dương, lại không có hào chính ứng, đó là
cái tượng bị khốn về sự tối tăm. Kẻ xem như thế là đáng hổ thẹn hối tiếc. Biết
tìm những kẻ cương minh mà gần gũi với họ, thì có thể khôn.
LỜI KINH
象: 困蒙之吝, 獨遠實也.
Dịch âm. - Tượng viết: Khôn mông chi lận, độc viễn thật dã.
Dịch nghĩa. - Lời Tượng nói rằng: Sự hối tiếc của kẻ khốn về tối tăm, một mình
xa sự thật (?) vậy.
GIẢI NGHĨA
Bản nghĩa của Trình Di. - Trong thời tốỉ tăm, Dương cương là kẻ mở mang sự
tối tăm, hào Tư là Âm nhu mà rất xa với Dương cương, tức là một hạng ngu tối
mà không được gần người hiền, không bởi đâu mà được sáng, cho nên phải
khốn về sự tối tăm. Đáng thẹn tiếc, là vì riêng nó phải xa người hiền minh.
Không được gần người hiền đến nỗi phải khốn, đáng thẹn tiếc lắm. "Thật" tức là
Dương minh vậy.
LỜI KINH
六五: 童蒙, 吉.
Dịch âm. - Lục Ngũ: Đồng mông, cát!
Dịch nghĩa.- Hào Sáu năm: Trẻ thơ, tốt!
GIẢI NGHĨA
Bản nghĩa của Trình Di. - Hào Năm lấy tư cách nhu thuận mà ở ngôi vua, phía
dưói ứng với hào Hai là hạng lấy đức cương minh, dùng tài cương minh, để trị
sự tối tăm của thiên hạ, cho nên mới tốt. "Trẻ thơ" là lây cái nghĩa "chưa được
mở mang, còn phải nhờ người".
Bản nghĩa của Chu Hy. - Cứng mềm ở giữa, nhằm ngôi tôn, phía dưới ứng nhau
với hào Chín Hai, giữ đức thuần nhất chưa mở mang để nghe người ta, cho nên
tượng nó là hạng trẻ thơ, mà lời chiêm như thế thì tốt.
LỜI KINH
象: 童蒙之吉, 順以巽也.
Dịch âm. - Tượng viết: Đồng mông chi cát, thuận dĩ tốn dã.
Dịch nghĩa. - Lời Tượng nói rằng: sự tốt của trẻ thơ, thuận và nhũn vậy.
GIẢI NGHĨA
Bản nghĩa của Trình Di. - Bỏ mình theo người đó là thuận hạ chí mình mà tìm
xuống dưới là nhún. Có thể như thế, tức là hơn cả thiên hạ.
LỜI KINH
上九: 擊蒙, 不利為寇, 利御寇.
Dịch âm. - Thượng Cửu: Kích mông, bất lợi vi khấu, lợi ngự khấu.
Dịch nghĩa. - Hào Chín Trên: Đánh kẻ tối tăm, không lợi cho sự làm giặc, lợi
cho sự chống giặc.
GIẢI NGHĨA
Bản nghĩa của Trình Di. - Ở sau quẻ Mông, là nhằm gỉữa lúc tối tăm đến cùng
cực. Người ta tối tăm đến cùng cực thì dân Miêu không theo đức hóa, làm giặc
làm loạn, nên đánh đẹp nó. Nhưng hào Chín ở trên, cứng quá mà không được
giữa, cho nên răn rằng: "Không lợi cho sự làm giặc". Trị sự tối tăm của người ta,
tức là chống giặc; tự do làm sự tham bạo, thì là làm giặc.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Hào này là Dương cương, ở trên cùng, cho nên là
tượng đánh kẻ tối tăm. Nhưng, cả thuyết thái quá, đánh trị ngặt quá, thì ắt trở lại
làm hại. Chỉ có ngăn sự cám dỗ bên ngoài, để làm cho cái tính chất chân thật
thuần túy của nó được nguyên vẹn, thì dù có quá nghiêm mật, cũng là hợp lẽ nên
chăng, cho nên mới răn kẻ xem như thế. Việc gì cũng vậy, không phải một việc
dạy người mà thôi.
LỜI KINH
象: 利 御寇, 上下順也.
Dịch âm. - Tượng viết: Lợi dụng ngự khâu, thượng hạ thuận dã.
Dịch nghĩa. - Lời Tượng nói rằng: Lời về sự chống giặc, trên dưới đều thuận
vậy.
GIẢI NGHĨA
Bản nghĩa của Trình Di. - Lợi về sự chống giặc, là vì kẻ trên người dưới đều
được sự thuận của mình, người trên không làm dữ quá, kẻ dưới đánh đuổi được
sự tối tăm của nó, đó là cái nghĩa chống giặc.
Bản nghĩa của Chu Hy. - Chống giặc bằng sự cương minh, kẻ trên dưới đều
đúng với đạo của mình.
QUẺ SỐ 4 - QUỐC VĂN CHU DỊCH - PHAN BỘI CHÂU

QUỂ SƠN THỦY MÔNG


Cấn trên; Khảm dưới
Quẻ này là quẻ Sơn Thủy Mông. Quẻ dưới là quẻ Khảm, cũng là Nội Quái
Khảm. Quẻ trên là quẻ Cấn, cũng là Ngoại Quái Cấn. Khảm tượng Thủy, Cấn
tượng Sơn, nên đặt tên quẻ bằng Sơn Thủy Mông.
TỰ QUÁI
Tự quái: Truân giả vật chi thỉ sinh dã, vật sinh tất mông, cố thụ chi dĩ Mông.
Mông giả mông dã, vật chi trĩ dã.
序卦: 屯者物之始生也, 物生必蒙, 故受之以蒙. 蒙者蒙也, 物之穉也.
sắp đặt thứ tự quẻ. Sau quẻ Truân tiếp lấy quẻ Mông, là vì cớ sao? Bởi vì Truân
là lúc vạn vật mới sinh ra, vật mới sinh ra, tất nhiên non yếu mà mù mờ. Hễ vật
lí đương lúc Truân, tất nhiên Mông. Vậy nên, sau quẻ Truân tiếp lây quẻ Mông.
Mông, nghĩa là non yếu, cũng có nghĩa là mù mờ.
SOÁN TỪ
Mông, hanh; phỉ ngã cầu đồng mông, đồng mông cầu ngã. Sơ phệ, cốc, tái tam
độc, độc tắc bất cốc, lị trinh.
蒙亨, 匪我求童蒙, 童蒙求我. 初筮告, 再三漬, 漬則不告. 利貞.
Quẻ này sở dĩ đặt tên bằng Mông, vì có hai ý nghĩa. Một là theo về đức quẻ: Cấn
có đức chỉ, Khảm có đức hiểm. Khảm nội là nội hiểm, Cấn ngoại là ngoại chỉ.
Trong thời hiểm mà ngoài chẳng tấn được, tỏ ra ý mù mờ. Hai là theo về tượng
quẻ: tượng Cấn là sơn cao, tượng Khảm là thủy thâm; ở dưới núi mà lại có nước
sâu, ấy là chốn hiểm. Thế là tượng mù tối. Vĩ hai nghĩa ấy, mới đặt tên quẻ bằng
Mông.
Soán từ thích quẻ này khác với mỗi quẻ: Mỗi quẻ lấy nghĩa toàn quái, còn quẻ
này chỉ chú trọng vào hào Ngũ, hào Nhị. Lục Ngũ là chủ trong đám Mông, Cửu
Nhị là thầy phát Mông. Cửu Nhị có đức dương cương đắc trung, làm chủ ở Nội
Quái, Vì Nội Quái nguyên là quẻ Khôn, thay hào Nhị vào mới thành ra quẻ
Khảm, thiệt là đích đáng một vị thầy phát Mông. Lục Ngũ âm nhu đắc trung,
chịu thuận ứng với Cửu Nhị, thế là sư, chủ rất tương đắc. Thầy sẵn lòng dạy trò
mà trò cũng hết lòng theo thầy, tất nhiên được thông thái. (Hai chữ Mông, hanh
là thích nghĩa quẻ).
Bây giờ, lại tường giải lí do cho người học Dịch bắt chước, nghĩa là: sở dĩ Mông
mà được hanh, tất nhờ có đạo lí tri hanh. Theo về phía làm thầy phát Mông, tất
phải tôn đức lạc đạo, chớ thấy thế lực Lục Ngũ mà khuất kỉ vọng cầu. Theo về
phía người chủ Mông, tất phải quên thế vị của mình, mà khuất kỉ hạ cầu Cửu
Nhị. Chính như nghĩa câu hữu lai học, vô vãng giáo 有來學, 无往教.
Phỉ nghĩa là chẳng phải; đồng mông nghĩa là đứa bé con, chỉ vào Lục Ngũ; ngã
nghĩa là người làm thầy, chỉ vào Cửu Nhị.
Đạo lí người làm thầy, đã đành như trên nói. Lại còn đạo lí người làm trò tất
phải chí thành chuyên nhất, hết lòng tín ngưỡng vào thầy, ví như người cầu thần
hỏi quẻ mà chí thành như lúc đầu mới bói, mới được thầy dạy bảo cho. Nếu đến
lần tái lần tam, thời là nhàm lờn. Ý mình đã chẳng chuyên nhất, thời thầy chẳng
dạy.
Phệ nghĩa là bói quẻ; cốc nghĩa là dạy bảo; độc nghĩa là nhàm lờn; sơ phệ nghĩa
là bói lần đầu hết; tái nghĩa là bói lần thứ hai; tam nghĩa là bói lần thứ ba.
Mấy câu ấy chỉ là muốn tượng cho rõ nghĩa là bảo học [trò] cầu thầy phải chí
thành như cầu thần, chứ chẳng phải dạy người bằng việc bói.
Lại còn một đạo lí chung cho cả hai phía, hoặc mình còn mông muội mà cầu
người phát khải cho, hoặc người có đạo đức học vấn mà phát khải được người
mông.
Lại tất thảy phải biết rằng: Công việc phát Mông chẳng phải rày mai, hoặc nửa
chừng mà xong được, tất hai bên phải tương tín cho thật sâu, tương đắc cho bền
chặt, thỉ chung đúng hợp với đạo chính mới có thể thành công.
SOÁN TRUYỆN
Soán viết: Mông, sơn hạ hữu hiểm, hiểm nhi chỉ, mông. Mông hanh, dĩ hanh
hành thì trung dã. Phỉ ngã cầu đồng mông, đồng mông cầu ngã, chí ứng dã. Sơ
phệ cốc, dĩ cương trung dã, tái tam độc, độc tắc bất cốc, độc mông dã. Mông dĩ
dưỡng chính, thánh công dã.
彖曰: 蒙, 山下有險, 險而止, 蒙. 蒙亨, 以亨行時中也. 匪我求童蒙, 童蒙求我,
志應也. 初筮 告,以剛中也, 再三瀆, 漬則不告, 瀆蒙也. 蒙以養正, 聖功也.
1. Soán viết: Mông, sơn hạ hữu hiểm, hiểm nhi chỉ, mông.
Đây là lấy tượng quẻ, đức quẻ, mà thích tên quẻ.
Dưới núi có nước hiểm, là nghĩa chữ Mông lấy bằng tượng quẻ. Thấy trong
hiểm mà ngoài chẳng dám bước vào, là nghĩa chữ Mông lấy bằng đức quẻ. Xem
ở trên thích Soán từ thời rõ.
2. Mông hanh, dĩ hanh hành thì trung dã, phỉ ngã câu đồng mông, đổng mông
câu ngã, chí ứng dã.
Đây là thích nghĩa lời Soán, cũng chỉ chú trọng vào Nhị, Ngũ.
Mông vì sao mà được hanh? Là lấy đạo trí hanh làm cho hợp thời và đắc trung
vậy.
Phỉ ngã cầu đồng mông, đồng mông cầu ngã, là chí hai bên ứng với nhau vậy.
PHỤ CHÚ: Đọc lời Soán Truyện tiết này nên chú ý hai chữ thì trung. Hai chữ
thì trung này in như hai chữ thì trung ở câu: Quân tử nhi thì trung trong sách
Trung Dung. Làm thầy dạy người với người học tập, thảy cần đúng thì. Nếu dạy
chẳng đúng thì thời người thụ giáo chẳng vui nghe mà công dạy cũng quá uổng,
người học không có thì, thời công phu gián đoạn, mà học nghiệp không thể nên.
Vậy nên thầy dạy người, phải lựa buổi học trò vui học mà dạy cho nó. Sách Học
Kí có câu: Đương kì khả chi vị thì 當其可之謂时, nghĩa là dạy người phải lựa
cho vừa dịp mà dạy, ấy là chữ thì thuộc về phần người dạy; còn như người học,
lại phải cứ thì, thời làm cho chuyên.
Khổng Tử có câu: Học nhi thời tập chi 學而時習之, nghĩa là học thánh hiền mà
phải buổi cứ tập lại luôn. Đó là chỉ thì thuộc về phần người học. Đã được chữ thì
lại còn phải có chữ trung, nghĩa là: Làm thầy dạy người, chớ dạy người những
điều thái quá hay bất cập. Nếu dạy người những điều thái quá thời người không
thể với tới nơi; nếu dạy người những điều bất cập thời người học không thể tiến
bộ, nên làm thầy dạy phải có một cách tùy tài giáo huấn, cốt cho thích trung,
người quá cao, ta phải kéo lại; người quá thấp, ta phải nhấc lên.
Sách Kinh Thư có câu doãn chấp quyết trung 允執厥中 nghĩa là thật hay cầm
giữ đạo trung, đó là phương pháp của nhà phát Mông vậy, mà những người cầu
thầy phát Mông cũng phải chú ý vào chữ thì trung mới được.
3. Sơ phệ cốc, dĩ cương trung dã, tái tam độc, độc tắc bất cốc, độc mông dã.
Đây là lấy thể quẻ thích lời quẻ, cương trung chỉ vào hào Cửu Nhị, Cửu Nhị
dương cương đắc trung, là một bậc minh sư rất mực nên hiểu rõ phương pháp
dạy người, xem người cầu giáo với mình có thành tâm chuyên nhất được như
người sơ phệ thời dạy bảo cho. Nếu chí ý đã bất thành mà phiền toái đến tái tam,
thế là độc, độc thời không dạy. Vì nghĩa rằng: Nó đương đồng mông nên nuôi ý
chí thành của nó, nó đã không thành nhất mà còn dạy gượng, té ra mở lối bất
thành cho nó, tập cho nó bằng một cách lờn lã, ấy là độc mông (Độc mông nghĩa
là dạy cách lờn lã cho đứa mông vậy).
4. Mông dĩ dưỡng chính, thánh công dã.
Dưỡng chính nghĩa là bồi dưỡng gốc chính. Chính nghĩa là trung trực, vô tà.
Mông dĩ dưỡng chính nghĩa là bồi dưỡng cái gốc chính ở lúc đồng mông vậy.
Tục ngữ có câu "Dạy con dạy thuở đương thơ" chính là nghĩa ấy.
Người ta đương độ đồng mông, tính chất trời phú cho còn đương thuần nhất,
lòng tình dục còn chưa nảy nở. Đương hồi đó mà lo gấp bồi dưỡng lấy mênh
mông thiên lí, dắt vào đường lành, thời càng ngày càng tiến lên bậc cao minh,
công phu làm thánh ngày sau chính [ở] lúc ấy.
ĐẠI TƯỢNG TRUYỆN
Tượng viết: Sơn hạ xuất tuyển, Mông. Quân tử dĩ quả hạnh dục đức.
象曰: 出下出泉, 蒙. 君子以果行, 育德.
Quẻ này Ngoại Quái Cấn, tượng núi; Nội Quái Khảm, tượng nước suối. Trên
Cấn, dưới Khảm, tượng là dưới núi phun ra nước suối.
Suối khi mới phun ra ở dưới núi, chất nước rất trong, mà thế chảy chưa được
mạnh, tượng như người còn trẻ nhỏ, là một hạng đồng mông nên đặt tên bằng
Mông.
Quân tử xem rõ tượng quẻ Mông, mới biết rằng phẩm hạnh người phải quả
quyết, tượng như nước suối đã ra, tất ào ào chảy ngay, đạo đức tất phải bồi
dưỡng cho cực cao, như chất núi không bao giờ lổ.
PHỤ CHÚ: Lời Đại Tượng Truyện này, là chỉ tỏ rõ cho ta bằng cách dưỡng
Mông, tất phải quả hạnh dục đức mới nuôi được Mông, mà thành được thánh
công. Nhưng cội gỗc lại cốt ở hai chữ dục đức. Đức là cội gốc ở phía trong;
hạnh là nhánh lá ở phía ngoài. Đức có bồi dưỡng được dày thời hạnh mới quả
quyết được.
Phép dạy ở nước văn minh đời nay, các nước văn minh trước chú trọng đức dục,
sau mới trí dục, thể dục, cũng ám hợp với ý quẻ Mông.
HÀO TỪ VÀ TIỂU TƯỢNG TRUYỆN
Sơ Lục: Phát Mông, lợi dụng hình nhân, dụng thoát trất cốc, dĩ vãng, lẫn.
初六: 發蒙, 利用刑人, 用說桎梏, 以往吝.
Lục là âm nhu, Sơ là ở đầu hết quẻ Mông, tượng là hạng người hôn ám. Bây giờ
muốn khởi phát hôn mông cho nó. Vì tính chất hôn mông của nó bị vật dục ràng
buộc như hình gông cùm giằng trói nó, ta muốn phát mông cho nó, tất trước phải
cởi lột cái gông cùm cho nó; nhưng vì nó bị vật dục gông cùm đã quá chừng sâu,
nếu chỉ dùng bằng cách nhân ân mà thôi, thời nó không biết sợ, chẳng biết nghe
lời dạy của mình. Vì vậy, trong lúc phát mông, có khi phải dùng hình phạt người
mới cởi lột được cái gông cùm vật dục cho nó.
Khi đã cởi lột được gông cùm rồi thời những cách hình phạt sẽ bỏ đi, chuyên
theo một cách bằng giáo hóa. ấy là cách phát mông đúng với nghĩa thì trung vậy.
Nếu cứ dùng cách hình nhân mà tấn hành hoài thời trái mất đạo thì trung, mà
người Mông cũng không bao giờ được cảm hóa. Ấy là một việc đáng xấu thẹn
cho người phát Mông vậy.
Lợi dụng hình nhân nghĩa là: có khi dùng hình phạt mà trừng trị người.
Trất cốc nghĩa là gông cùm; dụng thoát trất cốc nghĩa là cốt để mở cái gông cùm
cho nó. Trất cốc là thí dụ với một hạng người, hoặc vì tính di truyền, hoặc tập
quán theo hoàn cảnh, mà đến nỗi những tính xấu, nết quen bó buộc nó không
giải thoát được, ấy là gông cùm.
Tượng viết: Lợi dụng hình nhân, dĩ chính pháp dã.
象曰: 利用刑人, 以正法也.
Hào từ sở dĩ nói lợi dụng hình nhân là cốt làm cho vừa chính được phép tắc dạy
người mà thôi. Khi trừng trị nó, thâm ý chỉ cốt ở khỏi phát cho nó chứ không
phải hình nhân chuyên để làm uy đâu. Vậy nên Hào từ có câu: Dụng thoát trất
cốc.
PHỤ CHÚ: Sách Luận Ngữ có câu bất giáo nhi sát vị chi ngược 不教而殺謂之
虐, nghĩa là không dạy dỗ cho nó mà đã vội tru trách nó, ấy là làm hại nó. Thế
thời lợi dụng hình nhân chẳng phải là bất giáo nhi sát hay sao?
Không phải. Hình nhân ở quẻ Mông là cốt để tháo gông cùm cho nó; hình tức là
giáo, không phải bất giáo đâu. Giáo hóa mà đụng phải người hôn ngu, lẽ phải
như thế cũng là nghĩa chữ thì vậy.
Cửu Nhị: Bao Mông, cát, nạp phụ cát, tử khắc gia.
九二: 包蒙, 吉. 納婦吉, 子克家.
Hào Cửu,vị Nhị đã dương cương lại đắc trung, lại Cửu Nhị làm chủ cho Nội
Quái, thống trị cả bốn hào âm, thế thời Cửu Nhị chính là thầy phát Mông. Các
hào âm kia là Mông, tượng là phụ. Cửu Nhị đã đang lấy trách nhiệm phát Mông,
tất phải độ lượng cho khoan dung, thương lấy người hôn Mông, mà hết lòng dạy
bảo, tuy nó vẫn hôn Mông, mà mình cũng hết lòng bao bọc cho.
Tuy nó vẫn nhu ám tượng như loài đàn bà nhưng mình cũng sẵn lòng dung nạp
cho miễn nó chịu phục tòng giáo hóa, thời tuy ngu ám, nhưng ta cũng không cự
tuyệt nó. Được như thế thời cái trách nhiệm phát Mông mới được hoàn toàn.
Nhị là chính ứng với Ngũ. Ngũ cư tôn ở địa vị quẻ trên, tượng như ông cha ở
trong một nhà, Nhị chính ứng với Ngũ là tượng con. Ngũ âm nhu tượng như
người cha nhu âm, Nhị lấy đức cương minh của mình mà cảm hóa được cha nhu
ám, khải phát được hôn Mông cho Ngũ, tượng là người con hay chỉnh lí được
việc nhà.
Tỉ như: Vua Thuấn hay hết chức phận làm con mà cha là Cổ Tẩu, cuối cùng phải
cảm hóa với vua Thuấn; thầy Mạnh có câu: Thuấn tận sự thân chi đạo nhi Cổ
Tẩu để dự; Cổ Tẩu để dự nhi thiên hạ
hóa 舜盡事親之道而瞽瞍厎豫; 瞽瞍厎豫而天下化, nghĩa là: Vua Thuấn hết
đạo thờ cha, mà Cổ Tẩu hóa, Cổ Tẩu đã hóa rồi thì thiên hạ cũng hóa luôn. Đó là
nghĩa Hào Nhị quẻ này vậy.
PHỤ CHÚ: Cửu Nhị sở dĩ được hai chữ cát, là nhờ được đức cương trung. Bởi
vì dương vẫn có tài cương minh, nhưng cương minh mà thái quá e có khi uy
thắng ân, không dung nạp được tiểu nhân, tất nhiên không bao được Mông,
không nạp được phụ, lấy gì mà Cát.
Mông phụ, là chỉ hạng tiểu nhân ngu ám. Mà Cửu Nhị sở dĩ bao nạp được, là vì
cương minh mà đắc trung vậy.
Tượng viết: Tử khắc gia, cương nhu tiếp dã.
象曰: 子克家, 剛接柔也.
Tượng từ lại bổ thêm ý tứ Hào từ, mà nói rằng làm con sở dĩ khắc gia được. Tuy
vì đức hiếu của con là Cửu Nhị nhưng cũng nhờ tính từ của cha là Lục Ngũ.
Cương tiếp đặng nhu, nhu tiếp đặng cương, tượng như con hay cảm hóa được
cha, mà cha cũng tín nhiệm con, ấy là cương, nhu tương tiếp.
Cương là Cửu Nhị, Nhu là Lục Ngũ. Nếu cương, nhu không tương tiếp thời khắc
gia không được đâu. Trên Hào từ chỉ tán tụng Cửu Nhị, nơi tượng từ lại tán
thêm Lục Ngũ để cho rõ ý thượng hạ phải tương tiếp mới được, cũng như nghĩa
chữ "chí ứng" ở trên Soán Truyện.
Lục Tam: Vật dụng thú nữ, kiến kim phu, bất hữu cung, vô du lị.
六三: 勿用取女, 見金夫, 不有躬, 無攸利.
Lục là âm hào ở vào quẻ Mông, chính là âm nhu mà lại hôn ám, nếu được trung
chính thời còn khá, bây giờ Lục ở vị Tam là bất trung, bất chính chi cực, tượng
như một người con gái đã nhu nhược mà lại mù mờ, xu hướng không đường lối
nhất định, đụng gặp phải anh trai nào nhiều tiền là theo ngay (Cung: thân; bất
hữu cung: quên cả thân mình). Vì vậy nên Hào từ nói Lục Tam này là một hạng
gái rất dở, người ta chớ nên lấy hạng gái ấy. Bởi vì hạng con gái ấy, kiến kim
phu thời bất hữu cung, chẳng đi đâu mà lị cả (Kim phu là hạng người nhiều
vàng).
PHỤ CHÚ: Hào này thủ tượng bằng con gái dở, nhưng không phải chuyên nói
về một phụ nữ mà thôi. Hễ hạng tiểu nhân, kiến lợi vong nghĩa, thấy ai cho mình
tiền, dầu bảo việc làm trái đạo nghĩa cũng cứ làm mà quên hết nghĩa vụ của
mình làm người, đó chính là kiến kim phu bất hữu cung. Xưa có anh Phùng Đạo
bỏ vua này, thờ vua khác, làm quan trải năm đời triều. Tiên hiền có câu thơ vịnh
Phùng Đạo rằng: Ngũ giá nhân gian lão a bà 五嫁人間老阿婆, nghĩa là: Một
mụ già gả năm đời chồng chính là đúng với Mông Tam vậy.
Hễ ai có quyền dụng nhân, thời nhất thiết bỏ hạng người ấy, tức là nghĩa câu vật
dụng thú nữ.
Tượng viết: Vật dụng thú nữ, hạnh bất thuận dã.
象曰: 勿用取女, 行不順也
Nghĩa là: Làm người con gái, cốt lấy chữ trinh làm thuận, bây giờ Lục Tam này
hễ thấy trai nhiều tiền thời đi theo ngay, là tính nết nó trái đạo gái vậy (Bất thuận
nghĩa là bất trinh).
Lục Tứ: Khốn Mông, lẫn.
六四: 困蒙, 吝.
Quẻ này chỉ hai hào dương là Cửu Nhị và Thượng Cửu là có tài phát Mông. Lục
Tứ này, trùng âm bất trung, vẫn là âm nhu hôn ám mà địa vị sở xử, trên thời xa
với Thượng Cửu, dưới thời xa với Cửu Nhị, chung quanh thảy là âm nhu, tượng
là người mông ám mà lại không thầy bạn, suốt một đời người, chỉ nhốt vào trong
vòng hôn ám. Người mà đến thế, đáng xấu hổ biết bao.
Tượng viết: Khốn Mông chi lẫn, độc viễn thực dã.
象曰: 困蒙之吝, 獨遠實也.
Xấu hổ vì tội khốn Mông là bởi vì Lục Tứ này một mình xa cách bạn dương
cương. Nguyên toàn quẻ sáu hào, hai hào dương tượng là quân tử, có tính chất
cương minh, còn bốn hào âm tượng là tiểu nhân, có tính chất nhu ám. Sơ gần
Cửu Nhị nên phát được Mông, Ngũ gần Thượng Cửu nên được chữ cát, duy Lục
Tứ xa cách hai dương, thế là độc viễn thực. Thực nghĩa là đặt chính giữa.
Thông lệ trong Kinh Dịch, nét dương đặt chính giữa là thực, nét âm rỗng chính
giữa là hư, thực là tượng hạng người có lương tâm ở trong nên dương thực là
quân tử; hư là tượng hạng người không có lương tâm ở trong nên âm hư là tiểu
nhân.
PHỤ CHÚ: Hào từ Lục Tứ xấu hơn các Hào từ ở trong quẻ là ý thánh nhân dạy
cho người phải đo đường thân sư thủ hửu, thời dầu có hôn Mông mà may nhờ
thầy hiền, bạn tốt khải phát cho, tất nhiên khốn nhi tri chi 困而知之 như sách
Trung Dung nói. Chứ Lục Tứ này, đã mông ám mà lại không chịu tìm thầy, kén
bạn để hỗ trợ đường học vấn cho, chính là như lời Khổng Tử nói: Khốn nhi bất
học, tư hạ hĩ 困而不學, 斯爲下矣, nghĩa là tư chất đã khốn nạn, mà lại không
chịu học, tất là phường hạ lưu mà thôi. Đó là khốn Mông chi lẫn đó vậy.
Lục Ngũ: Đồng Mông, cát.
六五: 童蒙, 吉.
Hào Lục vị Ngũ là âm nhu mà đắc trung, ở vào vị Ngũ, lại là tôn vị. Vì có đức
nhu trung nên biết khuất kỉ hạ hiền tín nhậm lấy Cửu Nhị ở dưới, tượng là ông
vua biết tín nhậm hiền thần.
Ti như: Vua Thang chịu học với ông Y Doãn, Hoàn Công chịu học với ông
Quản Trọng, lúc đầu thời nhờ người mà phát Mông cho bản thân, cuối cùng thời
lại lấy bản thân mà phát được Mông cho thiên hạ, nhờ mình được thấy mà té ra
thiên hạ thảy được nhờ mình vậy. Thế là đồng Mông mà cát.
Đồng Mông nghĩa là mông hồi còn bé con. Vì còn hồi bé con nên tính chất dễ
dạy, chỉ biết nghe vào thầy, thầy hay thời mình cũng hay. Lục Ngũ có tượng như
thế nên nói rằng Đồng Mông, cát.
Tượng viết: Đồng Mông chi cát, thuận dĩ tốn đã.
象曰: 童蒙之吉, 順以巽也.
Lục Ngũ sở dĩ đồng Mông mà cát là vì nhờ có đức nhu thuận mà lại ti tốn, dốc
lòng nghe thầy dạy, vả lại được thầy dạy cương minh như Cửu Nhị, vậy nên kết
quả được tốt lành.
Thượng Cửu: Kích Mông bất lợí vi khấu, lợi ngự khấu.
上九: 擊蒙, 不利為寇, 利御寇.
Thượng Cửu có đức dương cương, có tài phát Mông, đúng với tư cách làm thầy,
nhưng vì hào này ở về cuối cùng quẻ Mông nên tượng là Mông chi cực.
Phương pháp làm thầy: Nếu gặp phải hạng người ngu mông đã cực điểm, thời
cách dạy nó không thể quá cương mà xong.
Vì hào này cương mà bất trung nên thánh nhân phải đặt làm lời răn rằng: Dạy
hạng người quá ngu mông, không nên trách móc nó thái quá, chỉ dùng bằng cách
công kích. Nếu dụng cách công kích, thời hạng người ngu mông chi cực thường
đến nỗi đổ khùng phát bẳn, té ra không nghe lời dạy mình, xui cho nó thành ra
tội bất tuân giáo hóa. Thế là người kích mông đó chỉ làm hại cho nó mà thôi, ấy
là vi khấu mà bất lợi (Khấu nghĩa là hại, cũng có nghĩa là giặc).
Duy thầy hay thời khéo lợi dụng cơ hội mà lần lần khỏi phát cho nó, chỉ cốt
ngăn ngừa những giống vật dục ngoại dụ, cải lương hoàn cảnh cho nó khỏi tiêm
nhiễm những thói hư. Thế là ngự khấu mà lợi. Ngự nghĩa là ngăn ngừa. Lợi ngự
khấu nghĩa là nên ngăn ngừa những giống làm hại ở bên ngoài, trái thế, tức là vi
khấu.
PHỤ CHÚ: Hào này tuy chỉ nói riêng bằng một việc dạy người nhưng không
phải chuyên về dạy người mà thôi đâu. Suy ra cho rộng, hễ thống trị loạn dân,
hoặc giả ngự tiểu nhân, tất thảy không nên quá cương chuyên bằng một cách
công kích.
Đức Khổng Tử có câu: Nhân chi bất nhân, tật chi dĩ thậm, loạn dã 人之不仁, 疾
之以葚, 亂也, nghĩa là gặp người bất nhân mà ghét nó quá thậm, thời đến nỗi
kích thành ra loạn, chữ loạn tức là chữ khấu này. Hễ lời trong Kinh Dịch, tất
thảy là ngôn cận nhi chi viễn, chúng ta đọc hào này nên biết nghĩa ấy.
Tượng viết: Lợi dụng ngự khấu, thượng hạ thuận dã.
象曰: 利用御寇, 上下順也.
Thượng là người phát Mông, hạ là người chủ Mông, lợi dụng ngự khấu, thời
trên dưới thảy thuận với đạo lí vậy. Người trên không quá chừng cường bạo,
người dưới thời nhờ đó mà trừ khử được Mông. Thế là trên dưới thảy thuận.
PHỤ CHÚ: Chúng ta đọc suốt bốn quẻ Càn, Khôn, Truân, Mông, thời nên phát
giác một đạo lí lớn: Có Càn, Khôn là có trời đất rồi, đứng giữa trời đất mà thành
ra tam tài tức là loài người. Vì loài người là giống có cảm giác, có vật dục, tất
cần phải có dưỡng, có giáo, cần có người thống trị, lại phải có cách giáo hóa,
nên sau quẻ Càn, Khôn, tức tiếp lấy quẻ Truân, quẻ Mông.
Quẻ Truân thời có những câu lợi kiến hầu, quân tử dĩ kinh luân, là nói về mặt
chính trị. Ở quẻ Mông thời có những câu Mông dĩ dưỡng chính, dụng thoát trất
cốc, lợi ngự khấu, là nói về mặt giáo hóa. Có chính trị tốt, có giáo hóa hay, thời
loài người mới sinh tồn được. Nếu chính trị mà không được nguyên, hanh như
Soán từ quẻ Truân, giáo hóa mà không được thì trung như Soán Truyện quẻ
Mông, thời nhân loại không bao giờ được hưởng hạnh phúc, ấy là thâm ý của
thánh nhân sắp đặt quẻ đó vậy. Lại có một đạo lí riêng về quẻ Mông, sáu hào
quẻ Mông, hào nào cũng có chữ Mông, duy Lục Tam không có chữ Mông, cũng
là thâm ý của thánh nhân rất hay. Vì rằng trong việc giáo hóa quan hệ ở cả hai
bên: một bên là người chủ giáo hóa, một bên là người bị giáo hóa. Những hạng
người bị giáo hóa tất phải có tư cách tốt nhất, là tính dương cương, thứ nữa là
người âm nhu mà đắc trung, ấy là hạng người vừa đúng cách Mông, tất nhiên
giáo hóa được, chỉ cốt thầy dạy cho hay nữa mà thôi.
Hào Sơ âm nhu, bất trung, bất chính vẫn là khó dạy, may còn hồi Mông chi sơ
nên đến nỗi phải dụng hình mới thoát trất cốc.
Lục Tam đã âm nhu bất trung, bất chính mà lại ở đoạn giữa Mông, là mông ám
quá nhiều nên Hào từ không đặt chữ Mông vào, mà lại chỉ có chữ vật dụng thú
nữ, vô du lợi, nghĩa là không nên cho những hạng người này vào hạng Mông
được, chỉ nên để ra ngoài vòng giáo hóa vậy. Chúng ta xét được ý thánh nhân
như thế, thời hạng người tham lợi quên thân như Lục Tam, còn lấy gì mà nhận
làm đồ đệ nữa ư!
QUẺ SỐ 4 - KINH DỊCH DIỄN GIẢNG - KIỀU XUÂN DŨNG

SƠN THỦY MÔNG


4.1. Lý do tiếp nối: mọi vật mới sinh thì non yếu, mờ tối, các vật mới sinh thì
phải lớn lên, đội lên như hạt đậu đội đất mà mọc lên. Mọi vật mới sinh là truân
mà mông là mờ tối, non yếu, là đội lên nên quẻ Mông nối tiếp quẻ Truân.
4.2. Thoán từ: mông hanh, phỉ ngã cầu đồng mông, đồng mông cầu ngã, sơ phệ
cáo, tái tam độc, độc tắc bất cáo. Lợi, trinh.
4.3. Dịch nghĩa: quẻ Mông hanh, chẳng phải ta tìm trẻ thơ mà trẻ thơ tìm ta. Hỏi
một lần thì bảo cho, hỏi hai hay ba lần thì nhàm, không bảo. Hợp với đạo chính
thì lợi.
4.4. Giảng: trẻ thơ ở đây mang ý quẻ Mông còn non, còn mờ tối, theo tượng
quẻ: sơn là quẻ Cấn có tính ngưng lại, thuỷ là quẻ Khảm tính hiểm thì không
tiến thoái được, mù mờ ứng với quẻ Mông. Hào cửu nhị là dương cương đắc
trung làm chủ nội quái như vị thầy mở mang cho trẻ ứng với hào lục ngũ là đắc
trung nhu là tượng học trò ngoan. Thầy trò tương đắc nên quẻ này có đức hanh
thông, hỏi một lần thì thầy bảo, hỏi hai hay ba lần thì nhàm, nên giữ đạo chính
thì hanh thông, thành đạt. Thầy ở đây muốn chỉ vào người tài giỏi, sáng suốt thì
người ta là hạng người tối tăm (hào lục ngũ) nên đến tìm mình mà học hỏi, mà
đã đi học thì phải chuyên tâm, đừng có hỏi nhiều lần, thời nào cũng vậy, có ai ưa
kẻ dốt nát đâu, thầy nào chẳng thích học trò giỏi và ngoan, có vậy thì khi trò
vinh danh, thành đạt mới làm mát lòng, mát dạ tôn sư.
4.5. Triệu: "tiêu quỹ thâu tiên"
- Nghĩa: đưa mắt về phía trước, chỉ thấy bóng mặt trời tan biến về đêm.
- Chỉ về sự: phải khiêm nhường để nhìn rõ sự việc mà vượt qua. Đây là quẻ xấu
nhưng nếu bình tĩnh, tìm người giỏi giúp ý kiến, cầu tiến và giữ đạo chính thì
vượt qua.
QUẺ SỐ 4 - KINH DỊCH DIỄN GIẢI

Quẻ Sơn Thủy Mông


Quẻ Sơn Thủy Mông còn gọi là quẻ Mông. Là quẻ thứ 4 trong Kinh dịch.
Nội quái là Khảm (Nước)
Ngoại quái là Cấn (Núi)
Trẻ thơ được hanh thông. Không phải ta tìm trẻ thơ mà trẻ thơ tìm ta. Hỏi (bói)
một lần thì bảo cho, hỏi hai ba lần thì là nhàm, nhàm thì không bảo. Hợp với đạo
chính thì lợi (thành công).
Theo nghĩa của quẻ thì cấn là ngưng, Khảm là hiểm. Ở trong (nội quái) thì hiểm,
mà ở ngoài (ngoại quái) thì ngưng, không tiến được, tỏ ra ý mù mờ, cho nên gọi
là Mông.
Xét theo hình tượng, cũng có thể giảng là dưới chân núi có suối nước trong, tức
như hạng người còn nhỏ (khi thành sông mới là lớn), hạng “đồng mông”, cho
nên gọi quẻ này là Mông (mông có nghĩa là non yếu).
Quẻ này chỉ chú trọng vào hào 2 và hào 5. Hào 2 là dương cương, đắc trung làm
chủ nội quái, đáng là một vị thầy cương nghị. Hào đó ứng với hào 5 âm nhu
thuận mà cùng đắc trung, là tượng học trò ngoan. Vậy là thầy trò tương đắc, sự
học hành tất có kết quả tốt, cho nên quẻ này có đức hanh thông.
Quẻ này nói về cách giáo hóa, cần nghiêm (hào 1) nhưng không nên nghiêm
khắc quá mà ngăn ngừa lỗi của trẻ (hào 6).
QUẺ SỐ 4 - BỐC PHỆ CHÁNH TÔNG

Sơn Thủy Mông


Triệu: "Tiểu quỷ thâu tiên" (quỷ nhỏ thu nạp tiên), thuộc Hỏa.
Mông có nghĩa là mà mịt. Trong quẻ thiếu một thân là Thê Tài Kỷ Dậu Kim,
đây chính là Phục Thần của Mông, vậy Phi Thần là Tử Tôn Bính Tuất Thổ hào
tứ. Trong quẻ này Phi Thần Thổ sinh Phục thần Kim, bỏi vậy Phục Thần xuất
hiện được. Trong Dịch Học, khái niệm Mông còn được giải thích theo nghĩa
mông lung mờ mịt như buôi sương mù. Khi dự báo, rơi vào trạng thái không
gian này sẽ cho biết: muôn việc ngưng trệ, gian nan khốn khó. Công việc được
đặt ra và thực hiện như không có mục đích, thiếu sự quyết đoán. Khi tính toán
công việc còn đi vào lầm lẫn. Trong Dịch Học có câu:
Vi nhăn đa trường nghĩa
Tranh tiền bất phí lực
Vô tâm học tử tê
Cố bị quỷ thâu khứ
Nghĩa là:
Là người làm việc nghĩa,
Có tranh giành ban đầu củng không phí sức.
Không có tăm học tinh tế,
Nên bị quỷ ám
Như vậy, người chính trực dù có khó khăn song ngay lúc ban đầu cũng có thuận
lợi, người tâm địa bất minh thiếu sáng suốt dễ bị đi vào con đường đen tối, bị lợi
dụng. Trong Dịch còn có câu:
"Mông": Hanh
Phi ngã câu đồng nông
Đồng mông cáu ngã
Sợ phê cao
Tái tam độc
Độc giả bất cáo: lợi trinh
Nghĩa là:
Mông: tức là tốt, thông thoáng
Chẳng phải ta đi tìm trẻ nhỏ,
Trẻ nhỏ tìm ta.
Mới thấy thì cao,
Nhìn lại hai ba lần thấy ngăn trở.
Sự ngăn trở không là bao, có lợi, yên lành.
Ngụ ý câu trên, ví như đứa trẻ nhỏ đi đứng chưa vũng vàng, lại bị bỏ trong
phòng tối đen, đi sờ soạng, không biết lốỉ mà ra, bị ngã vấp mà chưa tìm ra được
chỗ sáng. Hãy nên nhẫn nại, bình tĩnh, chờ thời cơ đến, dần dần thoát ra khỏi tối
tăm. Đây cũng là phương châm hành động khi dự báo gặp quẻ Mông. Khi dự
báo, gặp quẻ Mông cũng cho ta thông tin đề phòng giặc cướp, trộm cắp chặn
đường cướp của. Về quẻ này, trong Dịch Học có chuyện sau:
Dương Chí là một trong 18 vị danh tướng đời Tuỳ. Có một lần Dương Chí chở
vàng bạc và tặng phẩm về Tấn Dương để mừng thọ vua Tuỳ. Trước khi lên
đưòng, dùng Dịch dự báo gặp quẻ Mông: quả nhiên như quẻ Mông đã chỉ ra, khi
đoàn chở vàng bạc của Dương Chí đi đến nửa đường, bị Vưu Tuấn Đạt và Trình
Giảo Kim xông ra cướp sạch.
QUẺ SỐ 4 - KINH DỊCH - DỊCH TỰ BẢN NGHĨA

SƠN THUỶ MÔNG:


a) Cách:
"Tiểu quỷ thâu tiên" (Quỷ nhỏ giữ được tiên).
"Tiêu quỹ thâu tiên" (Đưa mắt về phía trước chỉ thấy mặt trời tan khuất vào
đêm, bóng đen, mông lung).
Dịch tự như người chả biết đi về đâu, lờ mờ không rõ ràng.
b) Tượng:
"Sơn hạ xuất tuyền" (Suối tuôn dưới núi. Dướ i núi có dòng nước chả y).Thời
tiết ra quẻ Mông thì lúc mưa lúc tạnh (100 bước phải mang áo mưa).
Quẻ Ly sáng lẩn trốn trong quẻ, tượng sự che đậy (như Tôn Tẫn giả điên)
c) Nghĩa:
- Mông là tối tăm, mờ mịt, sự che đậy, mông muội không rõ ràng, là vật mới
sinh còn chưa sáng tỏ.
- Mông là sự khai phát, khai sáng (Chỉ sự giáo dục dạy dỗ). Mệnh ra quẻ Mông
phù hợp nghề dạy học: nghiêm khắc, mềm mỏng.
- Trẻ thơ, trẻ con còn non dại, thiếu kinh nghiệm, thiếu kiềm chế, ngông cuồng,
dồ dại của tuổi trẻ ("Tiểu quỷ thâu tiên")
- Là loại cỏ mọc lan, khi mọc tốt có thể che lấp được cả cây cối khác.
- Mông là bị cướp, bị trộm cắp, bị chặn đường cướp giật, cướp đoạt.
QUẺ SỐ 4 - KINH DỊCH - NGU YÊN NGUYỄN ĐẠI BẰNG

QUẺ MÔNG:
Mông là mông muội, ngu tối, non nớt. Chỉ sự rồ dại của tuổi trẻ và nhu cầu giáo
dục. Đây lấy truyện Chu công chú của Thành vương (con Vũ vương) nhiếp
chính và giáo dục ông vua con ngỗ nghịch khi vua anh mất. Thành vương khi
còn trẻ đã bị chú đầy đi xa một thời gian.
Lời quẻ: Mông. hanh. Phỉ ngã cầu đồng mông, đồng mông cầu ngã. Sơ phệ cáo,
tái tam độc, độc tắc bất cáo. Lợi trinh.
Dịch: Ngu tối. Hanh thông. Chẳng phải ta cầu đứa trẻ ngu tối mà là hắn cầu ta.
Hỏi một lần ta bảo cho, hai ba lần là phiền nhiễu. Nhảm phiền ta chẳng dạy. Nên
giữ thẳng và bền bĩ.
Đây nói về cách dạy kẻ thơ dại. Nếu cứ phạm lại lỗi cũ, tái đi tái lại là không
chú ý, không thèm nghe thì không dạy được. Cần kiên nhẫn trì chí.
Hào 1: Phát mông lợi dụng hình nhân. dụng thoát chất cốc, dĩ vãng lận.
Dịch: Buổi đầu để dạy trẻ nên dùng hình phạt. (Nếu) thả lỏng chân tay (sớm
quá) thì sẽ gặp khó lận.
Hình nên hiểu chung là luật lệ trật tự chứ không chỉ thuần túy là hình phạt.
(Nếu) thả lỏng chân tay (sớm quá) - hàm nghĩa buông lỏng kỉ luật, dễ khiến trẻ
không thèm nghe (sinh nhờn) thì không dạy được nên hối tiếc.
Hào 2: Bao mông cát. Nạp phụ cát. Tử khắc gia.
Dịch: Giáo dục trẻ thơ, tốt. (Đủ biết bổn phận để) lấy vợ, tốt. Người con trị vì
(được) gia tộc.
Bao là bao bọc; gia tộc đây là hoàng tộc nhà Chu. Thành vương sau trở thành
một ông vua tốt, biết lo trị vì, không bị che lấp hôn ám. - Hào 2 dương, lại có
hào 5 âm ứng hợp, trợ giúp (bề trên giúp bề dưới), đúng như ông Chu công giúp
dạy bảo Thành vương. Dạy cho biết vai trò của Giáo dục trẻ thơ, tốt. (Đủ biết
bổn phận để) lấy vợ, tốt, do vậy mà có thể làNgười con trị vì (được) gia tộc.
(kiểu như dạy tề gia, rồi biết trị quốc vậy).
Pth 77 chú thêm.
hảo 3: Vật dụng. Thú nữ. Kiến kim phu, bất hữu cung. Vô du lợi.
Dịch: Chớ (vội) làm. Lấy vợ. Thấy(mâm) vàng của chú rể nhưng chẳng thấy
người. Chẳng lợi đâu.
Hào này âm nhu, bất chính, chưa đủ chín muồi. Lời hào không có chữ Mông tức
không nói về quy trình giáo dục; ở đây cho thấy tình trạng hiện hữu: trẻ chưa
trưởng thành, phải nhờ người làm thay mình (hình ảnh là cảnh đến hỏi vợ nhưng
không có chú rể). Kẻ chưa chín thì dù vì nông nổi, ngây thơ hay thiếu thành thật
đều không nên hành động.
Hào 4: Khốn mông, lận.
Dịch: Thơ dại khốn đốn / Khốn trong ngu tối, lận đận (có hối tiếc).
Không ứng (hào 1 cũng âm) không hợp (hai hào bên cạnh cũng âm) như hào 4,
vị hào này khó khăn nhất quẻ. Tôi cho là chỉ vào lúc Thành vương bị đi đầy.
Hào 5: Đồng mông, cát.
Dịch: Trẻ thơ đã thuần, mở.
Đồng là trẻ thơ nhưng không còn mông muội như mông.
Hào 6: Kích mông. Bất lợi vi khấu, lợi ngự khấu.
Dịch: Đánh tan ngu tối. Chẳng nên làm giặc, nên chống giặc.
Đây là cái nhìn lại của kẻ đã trưởng thành. Giặc là những sai trái của chính mình
mà ta phải biết kiểm soát, đập tan.
Chú toàn quẻ của bạn pth 77:
- Quẻ Mông miêu tả một quá trình nuôi dạy trẻ (hay người còn u mê) và có thể
hàm chứa ý nghĩa về mối quan hệ giữa thày trò (ông Chu công và Thành
vương). Hào 1 là thời phát mông cần phải tạo dựng nề nếp. Sau đó là hào 2 có
sự bao mông, hàm nghĩa khi có được nề nếp rồi thì cần theo dõi, bao bọc, nuôi
dưỡng cái nếp đấy để học hành. Hào 3 nhắc nhở rằng phải luôn trông chừng trẻ
để có thể ngăn ngừa kịp thời những hành động vì nông nổi, ngây thơ khiến trẻ
bỏ mất nề nếp (vời hình ảnh Thú nữ. Kiến kim phu, bất hữu cung) thì không có
lợi cho việc học. Hào 4 có sự khốn mông (vị thế rất kém, không trợ lực, không
thân cận), ngoài nghĩa phạt nặng để trẻ biết hối lỗi (quan niệm thời xưa) ta cũng
có thể nghĩ rằng hào này nhắc nhở rằng phải quan tâm đến trẻ, nhằm tránh cho
trẻ khỏi bị khốn đốn trong mông muội, do không được chăm sóc, dạy bảo mà
(người thầy) sẽ hối hận (chẳng hạn như hoàn cảnh của trẻ mồ côi). Khi qua được
thời có thể khốn mông, thì sẽ được đồng mông -Trẻ thơ đã thuần, mở, với hàm
nghĩa là đã tạo dựng được nề nếp cho trẻ, nên mở ra thời mới là thời của hào 6
(thời mạt của quẻ). Khi trẻ đã thuần thì kích mông, hàm nghĩa dùng phương
pháp để giúp trẻ đánh tan u mê (một cách triệt để), bằng cách giúp trẻ kiểm soát,
ngăn chặn được các thói quen xấu - tức là giúp trẻ phân biệt được sự đúng sai,
vượt qua được sự mông muội, tạo ra giá trị mới cho trẻ (cũng là lúc thoát khỏi
thời / quẻ mông muội). Quẻ này có châm ngôn là Quả Hạnh Dục Đức, là sự /
quá trình giúp giữ nết, nuôi đức.
QUẺ SỐ 4 - BÍ ẨN QUẺ DỊCH

QUẺ SƠN / THỦY MÔNG


"Tiểu quỷ thâu tiền" – "Thời vận không hay".
"Mông" có nghĩa là sự mờ tối sắp được khai sáng.
"Mông" chỉ sự mông muội, tối tăm, vì thế được coi là hình tượng trẻ con ăn
trộm tiền (tiểu quỷ: trẻ xấu, trẻ con nghịch ngợm).
"Tiểu quỷ thâu tiền" (thâu: ăn trộm) là chuyện một kẻ gặp thời vận không hay lại
không có tiền. Khi gặp dịp, bất luận nhiều hay ít, kẻ đó không kìm được mình,
giống như trẻ con ăn trộm tiền vậy. Gieo phải quẻ này là điềm "thời vận không
hay" (thời vận bất tường).
* Hình tượng của quẻ Mông: Biểu hiện của các hào trong quẻ phạm sao Tiểu
Hao, quân tử gieo phải quẻ này, thời vận không hay. Việc hôn nhân, việc góp
vốn kinh doanh không thành. Mọi việc gian lao vất vả, phí công vô ích.
* Lời đoán: Là người chuộng nghĩa khinh tài, kiếm tiền dễ dàng, học đến nơi
đến chốn, nhưng bị ma quỷ lấy trộm hết.
* Lời bàn: Của bất nghĩa dù giữ thế nào cũng không được, tất có ngày bị "tiểu
quỷ thâu tiền". Trẻ con ăn trộm tiền là do trí tuệ còn mờ, lòng dạ còn tối, còn kẻ
tích của bất nghĩa lòng dạ mới thực sự là mờ tối, vì không còn cơ hội được khai
sáng nữa.
Lời giải: Thời vận không hay, lầm đường lạc lối.
"Mông" có nghĩa là non nớt, mờ tối. Mờ tối thì sinh ra hồ đồ, không phân biệt
đúng sai, coi cái đúng cũng như cái sai. Kinh Dịch dùng câu "Sơn hạ xuất tuyền"
(dưới núi có suối chảy) để chỉ tượng của quẻ Mông. Dòng suối từ núi cao chảy
xuống, tung tóe khắp nơi. Đó là biểu hiện của sự mông muội, mất phương
hướng của quẻ Mông. Vì vậy, Kinh Dịch dùng quẻ Mông để nhắc chúng ta
"Quân tử dĩ quả hành dục đức". "Quả hành" tức làm việc có mục đích rõ ràng,
có phương châm cụ thể, "dục đức" tức bồi dưỡng đạo đức. Nếu xác định sai mục
tiêu, sai đối tượng cũng chỉ tình trạng tâm lý lú lẫn, hồ đồ do trí mờ dạ tối.
Luận đoán tài vận:
Tài vận không hay. Nguyên nhân chủ yếu là bạn đang lạc lối, chưa tìm thấy
đường ra. Thực tế, bạn càng đầu tư, mở rộng sản xuất buôn bán thì càng khó
khăn. Nếu bạn gieo phải quẻ này tức phạm sao Tiểu Hao, góp vốn kinh doanh
hao hụt, thật uổng công phí sức.
Bạn có thể kiếm tiền dễ dàng, nhưng số tiền này không dùng vào việc có ích,
trái lại bị hao hụt không đâu vào đâu, cuối cùng thu không bù nổi chi. Thời xưa,
mỗi tháng có thể xem một quẻ, vì vậy nếu gặp quẻ xấu bạn cũng không phải quá
buồn phiền..

You might also like