LÀNG - ĐOẠN TRÍCH 1

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 5

Đề 1: “Cổ ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân, … nhục nhã thế này”

Hình ảnh người nông dân từ lâu đã đi vào nền văn học dân tộc, là mảng đề tài lớn được duy trì và
in dấu trong nhiều sáng tác văn học Việt Nam từ xưa đến nay. Điều đó được minh chứng từ thực
tiễn sáng tác với hình ảnh người ngông dân trong làng quê mộc mạc qua các thể loại. Nếu như
trước cách mạng tháng Tám, ta đã bắt gặp tình cảnh của họ trong nạn sưu cao thuế nặng qua ngòi
bút của Ngô Tất Tố, biết đến nỗi thống khổ của người nông dân Tây Bắc dưới sức chèn ép vô
nhân tính được Tô Hoài dựng nên. Giờ đây, ta đến với hình tượng người nông dân sau cách
mạng tháng Tám qua nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân. Truyện
ngắn đã khắc họa vô cùng thành công bức tranh chân dung của một một lão nông hiền lành, chất
phác với tình yêu làng cùng lòng yêu nước sâu nặng. Đặc biệt, những phẩm chất tốt đẹp của ông
lão nông dân ấy đã hiện lên rõ ràng nhất qua đoạn trích: “Cổ ông lão…thế này!”
Truyện ngắn “Làng” được viết vào năm 1948 – thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Kim Lân đã chứng tỏ khả năng miêu tả tâm lí nhân vật khi đặt ông Hai – nhân vật chính của
truyện vào tình huống đặc biệt bất ngờ. Qua đó đã thể hiện được sự giằng xé trong suy nghĩ,
chiều sâu tâm hồn của ông lão nông dân ấy để rồi bộc lộ tình yêu làng, yêu nước tha thiết của
ông Hai – người nông dân trong những năm đầu của cuộc kháng Pháp.
Trong lúc đang phấn khởi vì những tin tức kháng chiến vừa nghe được, ông Hai gặp gỡ những
người từ dưới xuôi lên và nghe được cái tin làng chợ Dầu theo giặc từ một người đàn bà tản cư.
Dưới ngòi bút tài hoa của người nghệ sĩ, thế giới nội tâm nhận vật được miêu tả hết sức chân
thực qua nét mặt và cử chỉ: “Cổ ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng
như đến không thở được”. Trong khoảnh khắc ấy, cái “nghẹn ắng lại” chính là thể hiện nỗi bàng
hoàng và sững sờ đến vô cùng, dường như có một bàn tay vô hình đang bóp nghẹt trái tim ông.
Biết bao câu hỏi về chiến tích của làng đang chuẩn bị được bật ra bỗng chốc phải nén lại, đó
chính là sự bất ngờ đến tột cùng. Cái tin ấy quả thực là một tin trời giáng, là tia sét đánh trúng
vào niềm tự hào bấy lâu. Niềm tự hào về một ngôi làng rất “tinh thần”, về ngôi làng tràn đầy tinh
yêu nước nồng nàn vốn đã đi theo ông Hai, đã da diết trong lòng ông từ lúc chưa đến nơi tản cư.
Khi sống nhờ nơi đất khách quê người, niềm tự hào ấy càng trở nên rõ ràng trong thói quen đi
khoe khoang những gì ông yêu, những gì ông mến của cái làng ấy. Vậy mà chưa được bao lâu,
niềm tin yêu của ông lại đang đứng bên bờ vực sụp đổ. Cái “lặng đi” của ông Hai, cái “không thở
được” của ông Hai hay chính là nỗi đau xót của một niềm tự hào bỗng nhiên bị vùi dập tả tơi.
Thế nhưng, ông vẫn cố gắng bám lấy giọt nắng niềm tin giữa cơn đại hồng thủy dữ dội. Ông
không muốn tiếp nhận sự việc, ông hỏi lại người đàn bà ấy như đang hi vọng cái tin dữ kia chỉ là
do miệng đời đàm tiếu. Thế nhưng, ông cũng hiểu rằng, khi ông nhận được câu trả lời cũng là
khi ông phải đối diện với hiện thực, hoặc là đối diện với đau khổ, hoặc là đối diện với niềm vui.
Bởi vậy mà lời thắc mắc của ông lão bỗng chốc trở nên rất khó để nói ra: “rặn è è, nuốt một cái
gì vướng ở cổ”. Lấy hết tất cả lòng dũng cảm, ông Hai hỏi lại, giọng ông như lạc hẳn: “Liệu có
thật không hở bác? Hay là chỉ lại…”. Trong khoảnh khắc chờ đợi câu trả lời, có lẽ trong sâu
thẳm cõi lòng của lão nông ấy có lẽ đã dấy lên một nỗi sợ vô hình, nỗi sợ về một ngày mai, một
tương lai không được sống như một người yêu nước bình thường. Ông yêu làng, yêu làng đến tha
thiết, yêu cái nơi chôn rau cắt rốn ấy như máu thịt của mình. Thế nhưng, tình yêu nước lại chính
là máu thịt của ông, là thứ đã bám sâu vào mạch huyệt. Bởi vậy mà ông có lẽ đã rất sợ, sợ rằng
nếu làng thật sự theo giặc, ông sẽ mất đi tư cách của một người thủy chung với kháng chiến, với
cách mạng. Cũng vì lẽ đó, dù tin tưởng, dù yêu quý, dù là danh dự, là tự tôn của mình, ông Hai
vẫn cảm thấy có chút gì đó lo sợ, niềm tin của ông cũng ít nhiều bị lung lay. Để rồi, khi đối diện
với lời nói chắc như đinh đóng cột của người đàn bà rằng “làng ông Việt gian từ thằng chủ tịch
mà đi”, bao nhiêu niềm tự hào của ông bấy lâu bỗng chốc bị sụp đổ, nỗi sợ của ông vậy mà lại
trở thành hiện thực. Là người làng chợ Dầu, ông Hai không còn đủ can đảm để ở lại nghe những
lời bàn tán bủa vây mình. Ông bám vào một lời nói tưởng chừng như chỉ bâng quơ thốt lên
những thực chất lại là cái cớ để ông rời khỏi đây: “Hà, nắng gớm, về nào”. Mảnh độc thoại ấy
sao mà cay đắng, xót xa như sự chốn chạy thực tại tàn nhẫn. Giống như Raxun Gamzatov từng
nói: “Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra
khỏi con người”, chính bởi tình yêu làng, bởi mảnh đất quê hương chưa từng rời xa tâm trí nên
ông Hai mới có những nét tâm lí như vậy. Tình huống này đã cho người đọc thấy rõ tình yêu
làng sâu đậm trong trái tim của ông lão nông dân thật thà, chất phác. Nó đã tạo nên nút thắt cho
câu chuyện để giải quyết chủ đề của tác phẩm. Đồng thời, nó còn giúp cho những phẩm chất,
những suy ngẫm của ông Hai hiện lên rõ ràng hơn bao giờ hết. Bởi như Trần Đăng Khoa đã từng
viết trong tráng ca “Khúc hát người anh hùng”: “Người ta trong lúc hiểm nghèo/ Hoặc vằng vặc
sáng hoặc heo hút ngàn”.
Trên đường quay trở về nhà, cái chuyện làng theo giặc dần dần trở thành nỗi ám ảnh bám lấy ông
Hai. Trong tâm trí ông vẫn văng vẳng bao lời đàm tiếu từ đoàn người tản cư, rằng: “Đói khổ ăn
cắp bắt được người ta còn thương. Cái giống Việt gian bán nước thì cứ cho mỗi đứa một nhát”.
Những lời nói ấy dường như chính là những nhát dao cứa vào trái tim ông. Nếu khi trở ra từ
phòng thông tin, ông rạng rỡ biết bao nhiêu, vui mừng biết bao nhiêu trước những tin tức kháng
chiến thì bấy giờ ông lại “cúi gằm mặt” mà quay trở về - khi mà niềm tin của ông đã sụp đổ. Đâu
đây tựa như một nỗi chua xót, ô nhục và tủi thân. Trong tâm trí ông Hai bỗng nhiên lại dấy lên
một nỗi sợ, một nỗi sợ tuy chỉ thoáng qua nhưng đã để lại xúc cảm rất rõ ràng: “ông thoáng nghĩ
đến mụ chủ nhà”. Như một điều tất lẽ dĩ ngẫu, dân ta từ Nam ra Bắc, từ miền ngược đến miền
xuôi đều ghét cay ghét đăng, thù hằn và ghê tởm bọn Việt gian bán nước. Bởi vậy mà ông sợ
rằng mụ chủ nhà sẽ đuổi gia đình ông đi, đẩy ông vào thế cùng cực, tuyệt đường đất sinh nhai.
Nỗi sợ ấy cũng chỉ là một cảm xúc rất đỗi bình thường của ông lão nông dân khi ở trong tình
huống oái oăm này.
Mang theo mình cả một khoảng trời giông bão, cả một mối tơ lòng hỗn độn, ông Hai cuối cùng
cũng trở về đến nhà cùng thứ cảm xúc rối bời. Khi ấy, ông chẳng còn tâm sức gì cả mà lại “nằm
vật ra giường”, nhìn lũ trẻ mà cảm xúc ông lão trào dâng: “nước mắt ông lão giàn ra”. Biết bao
câu hỏi cứ đua nhau xô đẩy, giằng xé tâm trí ông: “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy
ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư?” Nghệ thuật đọc thoại nội tâm đã khắc họa
vô cùng thành công nỗi lòng của ông lão nông dân ấy. Ông xót thương cho số phận của chính
mình và của những đứa trẻ non nớt mới mấy tuổi đầu. Bởi vì gia đình ông là người làng chợ Dầu
nên đè nặng trên những đôi vai hao gầy và yếu ớt là bản án tử mang tên: “Cái giống Việt gian
bán nước”. Ông căm phẫn lũ tội đồ phản nước theo giặc, tất cả như dồn nén vào những con chữ
đanh thép: “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà làm cái giống Việt gian bán
nước để nhục nhã thế này”. Ông Hai là một người yêu làng, nhưng tình yêu nước đã lớn lao, cao
cả và thiêng liêng hơn hết thảy. Ông đương nhiên sẽ không dễ để chấp nhận việc ngôi làng yêu
dấu của mình phản nước theo giặc nhưng ông cũng không mù quáng mà mặc kệ tất cả những lời
nói, những sự việc đang phơi bày ra trước mắt. Ông Hai có lẽ chỉ đơn thuần là không hiểu, là
muốn hỏi rằng tại sao mọi chuyện lại tồi tệ đến thế. Việc làng ông theo giặc là điều mà ông chưa
bao giờ ngờ tới và có lẽ cũng chưa bao giờ dám tin rằng nó sẽ trở thành hiện thực. Thế nhưng giờ
đây, ông vẫn rất lí trí, vẫn có nhận thức sâu sắc về sự thủy chung với kháng chiến, sự kiên trung
với cách mạng. Tất cả những đấu tranh nội tâm, những câu hỏi liên tiếp đặt ra đã cho thấy nhân
vật ông Hai mà Kim Lân khắc họa là một người nông dân thật thà, chất phác, yêu quê hương và
yêu đất nước đến sâu đậm.
Kim Lân đã từng tâm sự về truyện ngắn “Làng” như sau: “Hồi ấy gia đình tôi cũng đi sơ tán, trên
khu ở mới, có tin đồn làng tôi là làng Việt gian. Mọi người đều nhìn những người dân làng với
con mắt chế giễu, khinh thường. Tôi yêu ngôi làng của tôi và không tin dân làng tôi có thể đi
theo giặc Pháp. Tôi viết truyện ngắn Làng như thể để khẳng định niềm tin của mình và minh oan
cho làng tôi.” Có lẽ chính bởi tác phẩm được viết nên từ cảm xúc thật của tác giả nên đã giúp cho
sáng tác dễ dàng chạm đến trái tim người đọc và sống mãi với năm tháng. Cùng với đó, bằng
cách miêu tả chân thực, sinh động, ngôn ngữ đối thoại và độc thoại nội tâm cùng mâu thuẫn căng
thẳng, tâm trạng bị giằng xé trong suy nghĩ đã góp phần tạo nên thành công của cả câu chuyện.
Bằng những giai điệu dịu dàng, êm nhẹ, những tác phẩm nghệ thuật chân chính tưới mát tâm hồn
ta, giúp ta thấy được cuộc đời ta đang sống. Đồng thời, nó sẽ còn đọng lại mãi trong ta những bài
ca, những bản tình ca êm ái. Tác phẩm “Làng” của nhà văn Kim Lân chính là một sáng tác như
thế. Với cảm nhận về những tình cảm sâu lắng, vô cùng thiêng liên mà nhân vật ông Hai mang
đến cho người đọc, tác phẩm sẽ còn sống mãi trong trái tim những bạn đọc thơ, hiểu thơ và yêu
thơ hình tượng người nông dân thật thà, chất phác, yêu làng và cũng yêu đất nước đến sâu đậm.

Đề 2: “Ông lão ôm thằng con út lên lòng … đôi phần”


Trong tâm trạng tồi tệ bị dồn nén lâu ngày, ông Hai chỉ biết thả trôi nỗi lòng mình vào những lời
tâm sự với thằng con út. Chỉ khi tâm sự với con, ông chỉ dám giãi bày hết thảy những gợn sóng
rầu rầu đang âm ỉ trong lòng. Mặc dù biết rằng làng đã theo giặc nhưng đến giờ phút này, ông
vẫn hỏi con rằng: “Thế nhà con ở đâu?”, “Thế con có thích về làng chợ Dầu không?”. Câu hỏi
nghe có phần ngô nghê và có lẽ ông có cũng đã biết trước câu trả lời. Thế nhưng, ông vẫn muốn
hỏi lại bởi ông muốn khắc ghi tình cảm cội nguồn nơi con, muốn con luôn nhớ rằng nơi mà bản
thân từng được yêu thương và che chở là ở làng Chợ Dầu. Ông nói với con như thế, hay cũng là
nói với mình rằng dù chuyện có tồi tệ đến mức nào đi nữa thì cũng không bao giờ được quên đi
Chợ Dầu là quê hương, là gốc gác. Không chỉ đơn thuần là vậy, ông Hai hỏi con có lẽ còn là để
thỏa nỗi nhớ làng trong lòng ông. Chúng ta đều biết rất rõ rằng: “Người ta chỉ có thể tách con
người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người” (Raxun Gamzatov),
bởi vậy mà có lẽ tình cảm đối với làng, đối với chốn quê thân thuộc ấy vẫn mãi đọng lại và da
diết trong trái tim ông. Dù sau này có ra sao, những kỉ niệm, những kí ức tốt đẹp mà ông có được
ở làng vẫn sẽ là một thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý và vô cùng chân thành được đặt ở sâu
thẳm cõi lòng của ông lão nông dân ấy.
Trong khoảnh khắc nhận được câu trả lời khe khẽ của đứa con út rằng con thích trở về làng, ông
đã ôm khít thằng bé vào lòng rồi một lúc lâu sau mới lên tiếng hỏi tiếp. Đó hay cũng chính là khi
ông nhớ về biết bao tâm tư, tình cảm của mình dành cho làng suốt năm tháng đằng đẵng, khắc
ghi những cảm xúc ấy ở sâu thẳm đáy lòng. Ông đã nhớ về quãng thời gian tươi đẹp trong quá
khứ, quãng thời gian mà ông có cho mình biết bao kỉ niệm đáng quý với ngôi làng yêu dấu. Suốt
mấy ngày hôm nay, cái tin làng theo giặc có lẽ đã trở thành nỗi ám ảnh bám lấy ông. Ông yêu
làng, yêu quê hương của mình vô cùng nhưng giờ đây dường như tình yêu ấy lại trở nên sai trái,
là một tội lỗi không thể tha thứ. Chính bởi điều đó mà ông đã mang trong mình biết bao tâm sự,
bao cảm xúc rối bời và những khúc mắc trong tâm hồn khó có thể nói ra. Lúc bấy giờ, câu trả lời
của con lại khiến ông nhẹ lòng đi một chút, bởi ông nhận ra rằng những cảm xúc suốt mấy chục
năm gắn bó với ngôi làng ấy vốn không phải là điều dễ dàng quên đi, tình cảm của ông đối với
làng vẫn còn hiện diện trong trái tim cũng không phải là một điều gì quá tồi tệ. Đó vốn là tình
cảm rất đỗi bình thường, cũng chính là thứ tình cảm đã từng sưởi ấm trái tim ông trong những
ngày đầu mới đến nơi tản cư. Đến đây, ta nhận ra một con người yêu làng đến tha thiết, sâu nặng,
yêu cái nơi chôn rau cắt rốn ấy như máu thịt của mình.
Thế nhưng, lòng yêu nước lại chính là máu thịt của ông, niềm tin với kháng chiến cũng chính là
máu thịt của ông. Điều đó được thể hiện ở câu hỏi tiếp theo: “Thế con ủng hộ ai?” Câu trả lời của
đứa con mạnh bạo và rành rọt rằng: “Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm”. Nghe thấy lời nói của
con, cảm xúc ông lão bỗng trào dâng: “Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má”.
Đến đây, không khó để nhận ra rằng ông cũng đã có cho mình quyết định như vậy từ trước khi
tâm sự với con. Nhưng ông vẫn quyết định hỏi lại một lần nữa, hỏi một câu hỏi mà mình đã biết
rõ câu trả lời, có lẽ là để củng cố thêm cho lựa chọn của mình và đồng thời là để an ủi bản thân.
Ông muốn chắc chắn rằng dẫu có là ai, là một người đã trải qua mấy chục năm cuộc đời hay chỉ
là một đứa trẻ vẫn còn non nớt cũng sẽ có cho mình quyết định giống như ông, để vơi bớt đi
phần nào nỗi lòng của ông dành cho làng. Thế nhưng, nếu chỉ đơn giản như vậy, hẳn là ông sẽ
không rơi những giọt nước mắt đau khổ đến thế. Điều đó có lẽ là bởi ông vẫn tiếc thương và đau
xót cho ngôi làng của mình đến vô cùng. Tình yêu làng của ông vốn vẫn luôn ngự trị trong trái
tim ông. Thế nhưng, trong tình thế lúc bấy giờ, khi mà đến cả một đứa trẻ mới mấy tuổi đầu cũng
có cho mình câu trả lời rõ ràng, ông không còn cách nào để có thể bào chữa cho sự việc đã xảy ra
được nữa. Ông vẫn rất yêu quê hương, rất yêu nơi chôn rau cắt rốn quen thuộc ấy, nhưng giờ
đây, ông phải chấp nhận gác lại thứ tình cảm đậm sâu của mình để đưa ra một quyết định cao cả
hơn – đi theo Đảng, đi theo cách mạng. Ông hỏi con về Cụ Hồ - biểu tượng của cách mạng hay
cũng chính là để chứng minh cho tấm lòng yêu nước, tấm lòng chung thủy với cách mạng đã
bám chặt vào mạch huyệt. Đồng thời, ông cũng muốn truyền cho con, cho thế hệ mai sau của đất
nước thứ tình cảm cao đẹp, thiêng liêng và nhân bản nhất của con người: tình yêu làng và lòng
yêu nước. Đến đây, ta không chỉ trân trọng tình cảm đối với quê hương, với kháng chiến mà còn
tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, tự hào về dòng máu Việt Nam anh hùng
vẫn luôn luân chuyển, đi qua từng ngóc ngách trong trái tim của bố con ông, của mỗi con người
Việt Nam.
Hơn nữa, trong cuộc đối thoại với con, ông Hai còn khẳng định tình cảm sâu nặng và thiêng
liêng đối với cách mạng. Ông nói với con hay cũng chính là lời tự vấn để vơi bớt nỗi lòng: “Anh
em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông”. Nỗi lòng của
ông suốt mấy ngày hôm nay dường như đã được bộc lộ vô cùng rõ ràng qua hai dòng suy nghĩ
tưởng chừng vô cùng đơn giản. Ông yêu và nhớ ngôi làng ấy đến nhường nào là điều mà bất cứ
ai cũng biết. Thế nhưng trong tình cảnh hiện tại, ông muốn anh em đồng chí hiểu rằng dẫu niềm
tự hào sâu đậm của ông bỗng chốc sụp đổ đau đớn đến thế, ông vẫn sẽ mãi một lòng với cách
mạng, với kháng chiến. Ông sẽ không về làng, sẽ không theo Tây. Ông mong “Cụ Hồ trên đầu
trên cổ” biết được nỗi lòng của ông bấy lâu, biết được lựa chọn và cả những suy nghĩ của ông.
Ông đang minh oan cho tấm lòng trong sạch của mình. Ông lấy cả cái chết của bản thân để
khẳng định, để chắc chắn về tình yêu sâu đậm với đất nước, về tình cảm bền vững với kháng
chiến: “Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ
dám đơn sai”. Ông lấy tính mạng của mình ra để minh chứng cho sự thủy chung với cách mạng,
minh chứng cho tất cả những gì ông nghĩ, ông giãi bày trong tâm hồn khi nói chuyện với đứa con
út là vô cùng chắc chắn. Ông sẽ không hối hận, niềm tin mà ông dành cho sự nghiệp giải phóng
dân tộc của Tổ quốc là điều không gì có thể lay chuyển được. Quả đúng như Trần Đăng Khoa
từng viết trong trường ca “Khúc hát người anh hùng”: “Người ta trong lúc hiểm nghèo/ Hoặc
vằng vặc sáng hoặc heo hút ngàn”, chính tình huống oái oăm mà tác giả đã dựng nên, khi mà tâm
trạng của ông lão nông dân ấy đang rối bời hơn bao giờ hết, ông Hai đã ngời sáng với những nét
đẹp trong tâm hồn người nông dân, nét đẹp chung hòa giữa tình yêu làng, lòng yêu nước và sự
kiên trung với cách mạng, với Cụ Hồ. Đó cũng chính là tấm lòng của những người con đất Việt
sống trong thời kì gian khổ mà vô cùng hào hùng của đất nước – những gì mà thế hệ chúng ta
hôm nay và mãi về sau luôn phải khắc ghi với lòng biết ơn vô bờ.

You might also like