Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 2

Đề: Kể về một trải nghiệm đáng nhớ của em.

BÀI LÀM
Đi qua những cung đường ngoằn nghèo, dài thăm thẳm của cuộc sống, đôi lúc con người ta lại lạc lối
trong chính tâm hồn mình. Người ta ngây ngất trước sự hào nhoáng, mê mẩn trước sự bóng bẩy, và đấy cũng là
lúc mà người ta phải lên đường tìm về những điều giản đơn nguyên thuỷ trong trái tim. Chuyến đi từ thiện cách
đây hai năm của em chính là một cơ hội đáng quý để em hiểu được chính mình nhiều hơn, hiểu được con người,
cuộc sống và những điều tốt đẹp trong xã hội này.

Bắt đầu hành trình với một buổi sáng đầy nắng ấm, em đã cùng với các bạn thiếu nhi đến từ các vùng
miền khác nhau, các đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh Bình Phước đi đến các vùng sâu, vùng xa
ở địa bàn để chung tay mang không khí Trung Thu đến các đồn biên phòng và chốt chặn dịch nơi đường mòn,
lối mở của huyện biên giới. Có lẽ, đây chính là sự động viên to lớn nhất cho các chiến sĩ đang ngày đêm “căng
mình” ngăn dịch nơi tuyến biên cương. Em nhớ nhất trong những ngày đón Trung thu tại nơi ấy là hôm chuẩn bị
các phần quà đặc biệt gửi tặng đến các em vùng sâu vẫn còn khó khăn. Em và các bạn thiếu nhi khác cùng cô
chú Đoàn viên nhiệt tình gói gém các phần quà nào bánh, trái cây, lồng đèn trung thu,… cho vào một chiếc túi,
cột nơ thật dễ thương và cất trong những chiếc thùng cạt tông để chờ đến buổi tối trăng rằm. Sau cả ngày dài
quần quật làm việc hỗ trợ các cô chú, em cũng dần mệt lả, chỉ muốn tìm một nơi để nằm xuống và nhắm mắt
nghỉ ngơi. Thế nhưng, khi trời vừa sụp tối, ấy cũng là lúc những tiếng reo hò, tiếng trống, tiếng cười đùa của các
bạn thiếu nhi vang lên. Nằm trong phòng, ngó ra cửa sổ, thấy những ánh đèn lồng chợt bừng sáng cả một vùng
trời, bất giác, em ngẫm nghĩ: “Chưa gì mà đã tới lúc đón trăng rồi à? Chưa mà? Vẫn còn sớm chán. Thế cái gì
ngoài đó thế kia?”. Rồi em chạy ra ngoài, thấy Mai – cô bạn cũng từ thành phố Hồ Chí Minh theo đoàn người
thiện nguyện như em, liền hỏi:
- Này! Các bạn đang làm gì thế? Sao trông nhộp nhịp thế kia?
Mai thấy em bất ngờ thì cười cười, chưa vội trả lời, bạn ấy chỉ tay về phía những em nhỏ đang vui đùa bên
những chiếc đèn lồng hình cá chép, rồi lại dắt tay em ngắm nhìn cái “sân khấu mini” được dựng nên bằng
những bục gỗ sơ sài, tấm rèm cũ kĩ đầy ắp những hình vẽ ngây thơ được treo lên và vài chiếc đèn ông sao được
bố trí ở rìa sân khấu. Em tròn mắt, quay sang hỏi Mai:
- Ô kìa! Đây là các bạn làm sao? Đẹp quá! Sao lại không rủ mình làm cùng?
Mai lúc này mới trả lời em:
- Lúc nãy mình cũng định gọi, nhưng thấy bạn ngủ ngon quá nên mình không tiện.
Em phụng phịu, tay chống nạnh, tỏ vẻ tức giận với Mai:
- Không chịu đâu! Mai dù thấy mình ngủ say đến cỡ nào thì bạn cũng phải gọi mình dậy, chứ nếu
không mình sẽ tiếc lắm. Ơ mà các bạn không mệt ư? Đã phụ giúp cô chú từ sáng sớm đến giờ, mình
muốn lả người tới nơi đây này.
- Mình cũng mệt, nhưng nghĩ đến các em học sinh khó khăn khi thấy bọn mình chuẩn bị như thế này,
hẳn là các em sẽ cảm thấy vui hơn, hạnh phúc hơn nhiều lắm. Hì, nghĩ đến đấy là mình lại hết mệt
liền à!
Mai nở nụ cười tươi thật tươi. Lần đầu gặp Mai, em đã rất ấn tượng với nụ cười đẹp với má lúm đồng tiền của
bạn, nhưng lúc này em lại thấy bạn cười còn đẹp hơn gấp mấy lần bình thường. Nghe Mai nói, em càng tiếc
nuối đến đứt ruột, mếu mặt, em níu tay Mai, lắc lắc, hỏi:
- Giờ còn việc gì nữa không, Mai chỉ mình làm với. Chứ các bạn làm hết mà không chừa mình việc gì
thì mình sẽ tiếc ơi là tiếc, mình sẽ khóc huhu, rồi Trung thu này mình sẽ không còn vui nữa đó.
- Hì, được rồi, mình có một việc này để dành cho bạn nè, bí mật giữa chúng mình thôi, qua đây.
Nói xong, Mai dắt em đi về phía căn phòng nằm sâu trong góc hành lang dãy trọ. Mai cứ giấu giấu giếm giếm,
ra vẻ thiên cơ bất khả lộ, thủ thỉ, đi nhẹ nói khẽ, trông buồn cười quá trời. Bước vào phòng, em rất đỗi ngạc
nhiên khi thấy trên chiếc giường phía bên phải là những dụng cụ gồm khung tre, giấy kiếng màu vàng, kéo, hồ,
…. Mai nói:
- Ban nãy mình thấy có một em nhỏ ngồi xe lăng, nhìn em ấy buồn buồn, chỉ ngồi lặng thinh ngắm
các bạn đồng trang lứa chơi đùa bên mấy chiếc lồng đèn Trung thu. Mình có lại hỏi là sao em ấy
không lấy đèn lồng, thì em ấy bảo rằng em ấy không thích đèn lồng, mà em ấy chỉ muốn một lần
đứng lên hái được ông trăng, vì mẹ bảo khi hái được ông trăng thì tất cả mọi người trên thế gian đều
sẽ được khoẻ mạnh vĩnh viễn.
Ôi! Tâm hồn ngây thơ của em ấy làm cho em cảm rất cảm động. Em hiểu ý Mai, liền nói:
- Được rồi, giờ mình và bạn cùng nhau làm “ông trăng” cho em ấy, giúp em ấy hái được “ông trăng”
đem về ha!
Thế rồi hai em bắt tay vào làm việc. Đứa thì cặm cụi tạo hình bằng các thanh tre, đứa lại hí hoáy chuẩn bị giấy
kiếng, phụ nhau làm nên một lồng đèn “ông trăng” thật đẹp và ý nghĩa. Qua một lúc, cuối cùng cũng xong, hai
chúng em đi ra khỏi phòng thì vừa kịp lúc bắt gặp các cô chú thì thầm chuyện gì đó. Em và Mai chạy lại hỏi
chuyện thì mới biết, hoá ra các bạn thiếu nhi đi từ thiện cũng muốn đóng góp không khí vui nhộn hơn nên bày
ra những tiết mục hát, múa, làm xiếc, tạo các trò chơi đố vui có thưởng,… Ấy cũng đến lúc bắt đầu đón trăng.
Tất cả các cô chú Đoàn viên, nhà hảo tâm, các bạn thiếu nhi cùng nhau ngồi trước sân ngắm trăng rằm. Trăng
tròn vành vạch, sáng tỏ những trái tim đầy ắp tình yêu thương, những ước mơ cháy bỏng về tình yêu, cuộc sống
con người. Bấy giờ, em và Mai trông thấy em nhỏ ngồi xe lăng đang chăm chú ngắm trăng, thì liền âm thầm
cầm lồng đèn đi ra, bịt mắt em ấy và đặt vào tay em chiếc đèn lồng. Mở mắt ra, thấy trong tay mình là ông trăng
sáng, to, tròn, đẹp đẽ, em ấy oà khóc. Mọi người hốt hoảng hỏi em bị làm sao, một lúc sau, em ấy mới nói:
- Em đã sớm biết bản thân sẽ chẳng thể nào với lấy được “ông trăng”, vì đôi chân em bị tàn tật vĩnh
viễn. Em chỉ mong có một ngày được vui vẻ thật sự trong đêm trăng rằm, không phải lo đói, bệnh
tật. Giờ đây em rất hạnh phúc khi được các bạn, anh, chị và cô chú giúp đỡ như vậy.
Nói rồi, em nắm chặt lấy tay tôi và Mai:
- Em cảm ơn hai chị vì đã tặng cho em “ông trăng”. Em sẽ thật trân trọng “ông trăng” và chăm sóc
ông để ông mang đến bình yên, hạnh phúc cho cuộc đời này.
Em nghe vậy, đôi mắt em nhoè đi vì xúc động. Em ôm chầm lấy em ấy, cảm nhận rõ thân hình gầy gò, nhẹ tênh.
Có một chú gọi em ấy là Hạnh, em đoán chắc đó là tên của em ấy. “Hạnh” có nghĩa là may mắn, phúc lộc. Em
mong sao em ấy sẽ luôn được hạnh phúc như ước mơ mà cha mẹ đã gửi gắm vào tên. Nói rồi, các bạn thiếu nhi
tham gia từ thiện cũng dần cất cao tiếng hát của mình:
- “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to
Có thằng Cuội già, ôm một mối mơ.
Lặng im ta nói Cuội nghe
Ở cung trăng mãi làm chi
Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ…”
Sau đêm ấy, chúng em cũng phải trở về. Tạm biệt một chuyến đi đầy ý nghĩa, đọng lại trong em là tiếng ca vang
vọng khắp khoảng trời rộng lớn, đem lại hy vọng, niềm tin đến cho tất cả mọi người. Các chiến sĩ chống dịch,
các em nhỏ vùng sâu đang ngày đêm kiên cường chống lại đói nghèo, thất học, đều đã được sưởi ấm bằng ngọn
lửa yêu thương, ánh trăng sáng chói rọi một tương lai mới mẻ. Tiếng ca ấy cũng đã khiến cho em cảm nhận
được vẻ đẹp rực rỡ của những điều giản dị, chân thành từ việc nhỏ nhặt trong cuộc sống đời thường.

Qua chuyến đi ấy, điều thiêng liêng em nhận được không chỉ là kinh nghiệm sống đầy quý báu mà em
còn nhận ra được giá trị thật sự của những gì em đang có ở hiện tại. Em trân trọng những người xung quanh
hơn, yêu quý họ hơn, biết ơn vì mình đã được sống trong sự vô tư, hồn nhiên qua bao năm tháng. Nếu ta dùng
một “đôi mắt” khác, một “đôi mắt” cảm thụ thế giới này rộng hơn, bao la hơn, bạt ngàn màu sắc hơn, ta sẽ thấy
vũ trụ này “biến hình”. Hạnh phúc của chúng ta không đến từ những khát vọng rất đỗi xa vời, không hào
nhoáng, không bóng bẩy, nó chỉ đơn thuần là những trái tim ấm nóng hoà vào cùng nhau, chia sẻ hơi ấm tình
thương đến cõi đời này. Chúng ta chỉ có một cuộc sống để hiện diện trên đời, vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta
không chỉ là sống vì bản thân và gia đình, mà còn là góp phần cho xã hội, để làm cho cuộc sống này trở nên ý
nghĩa hơn gấp bội lần.

Người ta chỉ nhìn rõ bằng trái tim. Con mắt thường luôn mù loà trước điều cốt tử. Sự giản dị chính là tác
động lớn nhất để con người tìm lại được chính mình, chạm vào tận đáy lòng và dấy lên những niềm khao khát
được yêu quá khứ, yêu bản thân và yêu những điều bình thường xung quanh. Tố Hữu đã từng bày tỏ: “Sống là
cho đi đâu chỉ nhận riêng mình.”. Bởi vậy, trên hành trình khám phá thế giới, em đã tích luỹ được những xúc
cảm bồi hồi về cuộc đời, biết được vẻ đẹp chân chính của xã hội đối với sự sống của nhân loại. Ta sống để hoá
mình thành ngọn lửa tình yêu cho những người xung quanh, thế nên sống là phải biết cho đi để nhận lại giá trị
tồn tại cho riêng mình.

You might also like