Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 6

TÀI LIỆU ĐỌC TUẦN 2

THUYẾT KIẾN TẠO TRONG DẠY HỌC: HỌC LÀ KIẾN TẠO TRI THỨC
1.1. Cơ sở khoa học của thuyết kiến tạo
Thuyết kiến tạo thuộc lí thuyết định hướng chủ thể. Tư tưởng nền tảng của thuyết
kiến tạo là đặt vai trò của chủ thể nhận thức lên vị trí hàng đầu, trung tâm của quá trình
nhận thức. Theo thuyết kiến tạo, các hoạt động học phải dựa vào tri thức đã học (tri thức
cũ) và vốn kinh nghiệm sống của các em. Việc học tập chính là một quá trình thích ứng
những khuôn mẫu đã có để hòa hợp được với những kinh nghiệm mới. Khi học tập, trải
nghiệm, mỗi người hình thành thế giới quan riêng của mình.
a) Thuyết kiến tạo và tư duy phê phán (critical thinking)
Học tập kiến tạo dựa trên sự tham gia học sinh vào việc giải quyết vấn đề, qua đó,
hình thành và phát triển tư duy phê phán. Thuyết kiến tạo cho phép học sinh xây dựng
kiến thức cho chính mình bằng cách thử nghiệm các ý tưởng từ những kinh
nghiệm và hiểu biết đã có; áp dụng những hiểu biết này vào tình huống khác đã biến đổi,
có liên quan đến kiến thức mới.
b) Thuyết kiến tạo và học qua trải nghiệm (experiential learning)
Dạy học theo thuyết kiến tạo tạo ra nhiều cơ hội học tập từ những trải nghiệm
phong phú, qua đó học sinh xây dựng nên tri thức cho bản thân cũng như cách thức, con
đường tìm ra tri thức đó. Lí thuyết “Học qua trải nghiệm’’ (C. Roger, 1969, 1994) liên
quan chặt chẽ với thuyết kiến tạo, với các đặc trưng của việc học tập gồm:
- Có sự tham gia của cá nhân học sinh (Personal involvement)
- Cá nhân khởi xướng (Learner initiation)
- Học sinh tự đánh giá (Self-evaluation)
- Có tác động đối với hầu hết học sinh (Pervasive effects on learners)
Cách tiếp cận này tương phản với cách tiếp cận truyền thống mà học sinh chỉ đơn
thuần là nơi chứa đựng những thông tin mà giáo viên và tài liệu cung cấp. Theo J.
Dewey (1859-1952), kiến thức xuất hiện từ tình huống mà ở đó học sinh phải huy động
các kinh nghiệm và trải nghiệm. Xa hơn, những tình huống này phải gần gũi, cập nhật
với thực tiễn xã hội hiện hành. Khi đó, học sinh mới có thể tham gia thực hành trực tiếp
với các phương tiện, dụng cụ dạy học, cùng nhau xây dựng kiến thức mới. Học sinh
không thể học một cách rập khuôn, máy móc mà phải học qua các “trải nghiệm thực
tế”, như thế lý thuyết học được sẽ đi đôi với thực tế.
c) Thuyết kiến tạo và vùng phát triển trí tuệ ZPD
Lev Vygotsky (1896 - 1934) đã chỉ ra rằng: tri thức cung cấp cho học sinh cần
nằm trong vùng phát triển trí tuệ (Zone of Proximal Development - ZPD). Nếu tri thức
cung cấp cho học sinh nằm thấp hơn vùng ZPD thì các em sẽ không hào hứng đón nhận.
Nếu cao hơn vùng ZPD thì các em lại không lĩnh hội được. Như vậy, tri thức đưa ra
nằm trong vùng phát triển trí tuệ của học sinh sẽ đảm bảo tính vừa sức. Nhiệm vụ học
tập đặt ra các thách thức luôn tiệm cận với ngưỡng phát triển triển trí tuệ nhằm giúp
học sinh cố gắng vượt ngưỡng (barie) để chiếm lĩnh tri thức mới, hình thành khái niệm
mới. J. Bruner (1915-2016) gọi quá trình giúp học sinh vượt ngưỡng phát triển trí tuệ
là công việc thiết kế và xây dựng các giàn giáo (scaffoding) của nhà sư phạm. Các giàn
giáo này được thiết kế bởi các bậc thang về trí tuệ3, nhằm giúp học sinh leo lên từng
bước trong quá trình nhận thức. Giáo viên phải chuẩn bị các bước dự phòng (các phương
án khác nhau) cho học sinh bởi vì các bước sau bao giờ cũng khó hơn bước trước.
1.2. Đặc điểm, bản chất và nguyên tắc của thuyết kiến tạo
a) Đặc điểm, bản chất của thuyết kiến tạo
- Thuyết kiến tạo chú trọng sự tương tác giữa học sinh với nội dung học tập (hấp
dẫn, có tính thách thức) nhằm chiếm lĩnh kiến thức theo từng cá nhân. Chủ thể nhận
thức tự cấu trúc các kiến thức này vào hệ thống bên trong của mình; tri thức của mỗi
người có thể mang tính chủ quan.

3
“Dạy học phải luôn đi trước sự phát triển’’ (Vygotsky)
Mô hình học tập theo thuyết kiến tạo (theo Baumgartner, 2002)
- Dạy học định hướng các nội dung tích hợp, gắn liền với hiện thực cuộc sống và
nghề nghiệp của học sinh trong tương lai. Học không chỉ là khám phá mà còn là giải
thích, cấu trúc mới tri thức. Nội dung học tập luôn định hướng vào học sinh (của học
sinh, do học sinh, vì học sinh).
- Kiến thức, kĩ năng mới của học sinh dựa trên nền tảng kiến thức, kĩ năng cũ có
liên quan. Mặt khác, những trải nghiệm, kiến thức mới làm biến đổi bản thân học sinh.
- Nội dung học tập được triển khai thông qua tương tác trong nhóm, tương tác xã
hội (kiến tạo xã hội – social constructivisum).
- Học tập dựa trên sự phát hiện và sửa chữa sai lầm của học sinh.
- Đánh giá hoạt động học không chỉ đánh giá kết quả học tập, mà còn đánh giá cả
quá trình đi tới kết quả đó.
b) Một số nguyên tắc
- Hoạt động học phải xuất phát từ những sự vật, hiện tượng gần gũi với học sinh,
gây hứng thú khiến các em phải tìm hiểu bản chất vấn đề.
- Mục đích của việc học tập là mỗi cá nhân học sinh phải tự tìm ra được bản chất
của sự vật, hiện tượng; không chỉ đơn thuần là việc ghi nhớ những câu trả lời đúng, lặp
lại nội dung người khác đã tìm ra.
- Quá trình chiếm lĩnh tri thức của học sinh tập trung vào các khái niệm cơ bản,
nền tảng, chứ không phải là các sự kiện rời rạc, riêng lẻ.
- Hoạt động học có sự tham gia của ngôn ngữ; ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng có
ảnh hưởng đến việc tiếp nhận tri thức mới. L.Vưgotxki – một nhà tâm lý học ủng hộ
thuyết kiến tạo - đã phản đối quan điểm: ngôn ngữ và học tập là hai việc tách rời nhau.
- Học là hoạt động suốt đời, cần có thời gian. Chìa khóa dẫn đến học tập có hiệu
quả là động lực.
- Các hoạt động thực hành là cần thiết cho việc học tập, đặc biệt ở trẻ nhỏ, nhưng
không phải là điều kiện đủ. Giáo viên cần cung cấp cho học sinh những hoạt động tích
hợp cả tư duy và hành động.
1.3. Ưu điểm, hạn chế của thuyết kiến tạo
a) Ưu điểm
Thuyết kiến tạo cổ vũ con đường dạy học mới: con đường dạy học theo lối tư duy
phê phán, chống lại cách dạy học giáo điều theo thuyết hành vi. Dạy học theo thuyết
hành vi cho rằng, học sinh bắt chước, thực hiện các thao tác hành vi mà giáo viên đưa
ra làm mẫu. Học sinh thụ động ngồi chờ các kiến thức mà người dạy mang đến. Có thể
ví học sinh như cái cốc chưa có nước, đang đợi sẵn để giáo viên rót nước vào. Giáo viên
rót nhiều nước thì cốc được nhiều, mà rót ít thì được ít. Như vậy, hoạt
động của học sinh mang tính dập khuôn, máy móc sẽ làm mất đi khả năng tư duy và
tính sáng tạo.
Lý thuyết kiến tạo trong dạy học đi theo hướng tích cực hoá nhận thức của học
sinh, giúp các em tự tìm kiếm, phát hiện, khám phá ra vấn đề và giải quyết các vấn đề
đó trong quá trình dạy học. Như vậy, học sinh chiếm lĩnh tri thức thông qua các hoạt
động mà ở đó giáo viên có vai trò tổ chức, định hướng. J. Dewey, Peaget, Vygotsky và
Bruner cho rằng: phải thay đổi quan niệm học sinh chỉ là những chiếc ly rỗng mà giáo
viên muốn rót cái gì thì rót.
Với thuyết kiến tạo, chúng ta đã vượt qua các quan niệm truyền thống theo thuyết
hành vi về cơ chế của việc học; đã từ bỏ niềm tin vào khả năng điều khiển được các quá
trình học từ bên ngoài. Như vậy, cơ chế học tập ở đây không phải là “giáo viên truyền
thụ, học sinh tiếp thu” và cũng không phải là “giáo viên thiết kế, học sinh thi công” theo
nghĩa là việc học của học sinh phải theo đúng “thiết kế” đã được giáo viên xây dựng
sẵn. Việc học trong môi trường học tập kiến tạo có những đặc trưng sau:
- Học là một quá trình chủ động, tự điều khiển và kiến tạo.
- Học dựa trên tình huống, có yếu tố cảm xúc và mang tính xã hội cao.
b) Hạn chế
- Dạy học theo thuyết kiến tạo đòi hỏi thời gian lớn, yêu cầu cao về năng lực giáo
viên và phụ thuộc vào tính tích cực, tự lực của học sinh.
- Có một số quan điểm cực đoan: phủ định hoàn toàn sự tồn tại của tri thức khách
quan; người học phải tự mình kiến tạo tri thức; đòi hỏi nội dung học tập luôn phải hấp
dẫn với học sinh; tuyệt đối hoá vai trò của việc trao đổi, tranh luận trong nhóm mà ít
chú trọng đến hoạt động tự lực cá nhân.
1.4. Vận dụng thuyết kiến tạo trong dạy học
Thuyết kiến tạo được chú ý trong những năm gần đây, thách thức một cách cơ bản
tư duy truyền thống về dạy học. Không phải người dạy, mà là người học trong sự tương
tác với nội dung học tập là trung tâm của quá trình dạy học. Nhiều quan điểm dạy học
mới bắt nguồn từ thuyết kiến tạo: học tập khám phá, học tập tự điều chỉnh, học theo
tình huống, học theo nhóm, học qua sai lầm.
a) Dạy học theo thuyết kiến tạo trong các cấp học cần đưa người học vào các dạng
hoạt động khám phá (inquiry) khác nhau; có thể ứng dụng một mẫu hình khám phá cho
nhiều vấn đề.
Ví dụ 1, giáo viên sinh học tổ chức hoạt động ngoại khoá, yêu cầu các em xác định
nơi nào có nhiều hoa dại trên cánh đồng. Đây là hoạt động khám phá có định hướng.
Học sinh được khích lệ, hướng dẫn trong quá trình quan sát, ghi chép số lượng hoa tại
các khu vực khác nhau trên cánh đồng; vẽ bản đồ phân bố hoa; sau đó giải thích kết quả
thu được.
Ví dụ 2, qua một dự án học tập, giáo viên địa lí có thể sử dụng phương pháp khám
phá quy nạp (inductive inquiry) để giúp học sinh tìm hiểu về vách đá được hình thành
như thế nào. Trong khám phá quy nạp, giáo viên tập trung vào hướng dẫn khái quát;
học sinh tự lực lập kế hoạch tìm hiểu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là giáo viên
không tham gia vào các hoạt động. Giáo viên có thể tổ chức cho cả lớp cùng suy nghĩ,
thảo luận để tìm ra hiện tượng cần tìm hiểu hoặc tổ chức học sinh làm việc theo các
nhóm nhỏ…Các nhóm thảo luận để tìm ra một danh sách các hiện tượng có
liên quan đến vấn đề cần tìm hiểu; từ đó lập kế hoạch tìm hiểu. Trong khám phá quy
nạp, học sinh được tham gia vào quá trình tìm hiểu các khái niệm và hiện tượng bằng
cách quan sát, đo lường và phân tích thông tin để rút ra kết luận. Có thể nói rằng, học
sinh đã chuyển được những trường hợp cụ thể thành những khái niệm tổng quát.
Ví dụ 3, trong khám phá diễn dịch (deductive inquiry), học sinh lại bắt đầu từ
những ý tưởng lớn, từ những kết luận và các khái niệm tổng quát để tìm hiểu, kiểm
chứng các trường hợp cụ thể. Trong lớp học, giáo viên vật lí có thể yêu cầu học sinh
kiểm nghiệm định luật khúc xạ ánh sáng. Học sinh phải thiết kế phương án thí nghiệm,
trong đó, quan sát được đường đi của tia sáng, đo được góc tới và góc khúc xạ. Việc
tiến hành thí nghiệm nhằm kiểm nghiệm mối quan hệ định lượng giữa tia phản xạ và tia
tới. Phần lớn các thí nghiệm trình bày trong SGK là hoạt động khám phá diễn dịch.
b) Dạy học phát hiện (còn gọi là học tập khám phá) (discovery learning) là quan
điểm có vai trò cốt lõi trong việc học các kiến thức mới. Dạy học phát hiện trong các
môn học thu hút học sinh tham gia vào quá trình dự đoán, quan sát, đo đạc, tìm kiếm,
phân loại, suy luận...nhằm hình thành khái niệm mới, nguyên lý mới. Jerome Bruner
(1915 -2016) tin tưởng rằng: dạy học phát hiện chỉ có thể diễn ra nếu các học sinh, giáo
viên cùng nhau làm việc một cách hợp tác. Ông gọi đây là “dạy học mang tính giả
thuyết” và dạy học với ý nghĩa là “thu hút học sinh tham gia” chứ không phải là “truyền
đạt kiến thức”.
c) Có một số gợi ý về mặt thực hành nhằm hỗ trợ giáo viên tổ chức hoạt động học
tập khám phá trên lớp.
- Khuyến khích sự tò mò. Vì trong quá trình tự phát hiện, học sinh là nhân tố chủ
động nên giáo viên cần tạo ra không khí học tập, kích thích sự suy nghĩ của học sinh.
- Giúp học sinh hiểu cấu trúc của những thông tin mới. J. Bruner nhấn mạnh rằng
học sinh nên hiểu cấu trúc của thông tin các em cần biết thông qua các ví dụ sinh động.
Tài liệu và phương tiện dạy học cần hỗ trợ quá trình tự tìm tòi tri thức của người học.
- Thiết kế các hoạt động dựa trên các tình huống có vấn đề. Học sinh cần tham
gia tích cực vào giải quyết vấn đề một cách thường xuyên.
- Phát triển trực giác trong lớp học. Suy nghĩ trực giác đối với Bruner là việc nắm
bắt ý nghĩa, tầm quan trọng, hay cấu trúc của một vấn đề mà không cần bằng chứng
hoặc hành động mang tính phân tích rõ ràng. Đưa vào bài học một số hoạt động khuyến
khích học sinh dự đoán và ước tính để tìm ra một câu trả lời cụ thể cho một vấn đề sẽ
giúp các em phát triển trực giác.
- Học tập cách giải quyết vấn đề (problem solving) là một dạng khác của phương
pháp khám phá. Ví dụ về những vấn đề học tập: sự sống trên trái đất được hình thành
như thế nào? Điều gì sẽ xảy ra nếu nhiệt độ trung bình của trái đấy tiếp tục tăng lên?
Ngăn chặn AIDS bằng cách nào? Việc ăn kiêng và luyện tập có tác động như thế nào
đến cơ thể? Loại chất thải lỏng nào gây nguy hiểm nhất đối với trái đất? Nguồn nhiên
liệu nào là sắp cạn kiệt? Việc giải quyết vấn đề nêu trên trong lớp học không chỉ tạo
điều kiện để học sinh tiếp cận vào những vấn đề của thế giới thực tại mà còn tăng cường
quá trình khám phá của học sinh. Việc cho học sinh tham gia giải quyết các vấn đề là
một hoạt động cần thiết với chính bản thân các em, cũng chính là mục đích của quá
trình dạy học.
Dựa vào cách khám phá, học sinh nhận ra rằng, để thu thập được thông
tin, các em phải tự đặt ra các câu hỏi, phát hiện vấn đề. Nhờ đó, không khí của
lớp học sẽ hào hứng hơn. Không có câu hỏi hay vấn đề nào đặt ra là “ngớ
ngẩn” và học sinh cần tự tin với câu hỏi hay vấn đề mình đặt ra. Học sinh thực
hiện việc khám phá khi phải đối mặt với vấn đề các em chưa biết và cần tìm
hiểu, giải quyết dưới vai trò định hướng của giáo viên.
Đọc thêm:
- Quy trình dạy học 5E (Engage, Explore, Explain, Elaborate/Extend, Evaluate).
- Dạy học định hướng tìm tòi (inquiry-based learning).
- Ba xu hướng của thuyết kiến tạo: Kiến tạo nội sinh, kiến tạo ngoại
sinh, kiến tạo biện chứng.

You might also like