Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 7

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU HỌ Ở VIỆT NAM

(TỪ TRƯỚC BẮC THUỘC – HẾT THẾ KỈ 10)i

Biện Quốc Trọng1

Cách dùng họ của người Việt Nam có thể xem là một biểu hiện văn hoá.
Nhưng trước khi tìm hiểu về cách dùng họ, chúng tôi nghĩ nên tìm hiểu về lịch
sử họ của dân tộc ta. Không có nhiều tư liệu chuyên biệt về họ của người Việt
Nam trong quá khứ nhưng chúng tôi vẫn cố gắng thu nhặt dữ liệu từ sử cũ để
bước đầu cho người đọc hình dung sơ bộ về họ ở Việt Nam từ trước thời kì Bắc
thuộc đến thế kỉ 10.

Hiện nay, họ (thị, tính, last name) là từ chỉ những từ luôn gắn liền với
tên người (danh, first name) mang ý nghĩa biểu thị huyết thống của một nhóm
người, một cộng đồng người. Ở Nhật, xa xưa chỉ có họ Kabane và họ Uji được
nhà vua dùng đên ban cho một số ít công thần, mãi đến cuối thế kỉ 19, dưới
thời vua Minh Trị, tất cả người Nhật mới bắt đầu có họ. Người cùng một làng
thì lấy tên làng làm họ, do đó, nhiều người Nhật có chung họ nhưng không có
chung huyết thống. Đến nay, Trung Quốc là nước có lịch sử về họ lâu dài hơn
cả. Việc dùng tên, họ của người Hán đã phát triển từ thế kỉ thứ 4 tr.TL, đến
nay, người Hán có trên 100 họ phổ biến. Từ thời kì đầu của các nhà nước cổ
đại Trung Hoa, họ của người Hán đã mang ý nghĩa phân biệt đẳng cấp, huyết
thống, mang tính chất phụ hệ, nam quyền. Cũng là một nước nằm trong vòng
ảnh hưởng của văn hoá Hán, vậy, họ trong quá khứ của tổ tiên chúng ta như thế
nào? Việc nghiên cứu họ của người Việt Nam từ trước thời kì Bắc thuộc đến
hết thế kỉ 10 là một thử nghiệm để tìm câu trả lời cho câu hỏi không dễ ấy.

1. Họ của người dân tộc thiểu số


Đối với những nhân vật lịch sử không phải người Việt, người Hán, khi
ghi vào sử sách, danh tính của của họ đều được Việt hoá, Hán hoá. Tên (họ)
các nhân vật lịch sử người dân tộc thiểu số sau đây vô hình trung nằm trong qui
phạm đó: Phạm Phục Long, Dương Mại, Dương Tư, Đoàn Tù Thiên, Chế
Cai,… Theo sử cũ, chúng tôi có ba giả thuyết: Nếu phạm, dương, đoàn, chế,…
là họ của những người vừa kể thì phải chăng 1. đây không thuần là người thiểu
số; 2. tổ tiên của những người này hoặc do kết quả giao thoa văn hoá với những
dân tộc phát triển hơn hoặc do các yêu tố lịch sử – xã hội mà lấy họ theo họ của
những dân tộc phát triển hơn; 3. trước khi giao thoa văn hoá với các dân tộc có
sử dụng họ, tổ tiên các nhân vật lịch sử trên cũng đã có sử dụng họ, sự giống họ
hoặc ngẫu nhiên, hoặc do chuyển ngữ.
Cả ba giả thuyết trên đều xảy ra. Trong cộng đồng người Mường, trước
cách mạng tháng Tám 1945, chỉ có giới quí tộc mới có họ, còn giới bình dân
chỉ có tên. Ở đây, họ mang ý nghĩa địa vị xã hội nhiều hơn ý nghĩa huyết thống.
Tương tự như người Mường, người Khmer Nam bộ đến đời vua Gia Long vẫn
chưa có họ. Để thống nhất quản lí, vua Gia Long đã đặt ra một số họ cho đồng
1
CN Ngữ văn, Trường THCS Phong Thạnh A, Bạc Liêu, email: bienquoctrong@gmai.com

1
bào như: Danh, Kim, Lâm, Sơn, Thạch,… Thực tế đến thế kỉ 20, không phải
dân tộc nào ở nước ta cũng dùng họ. Người Vân Kiều là một thí dụ. Để thể hiện
tinh thần yêu nước, quyết tâm kháng chiến chống Pháp, kính yêu Bác Hồ, đồng
bào đã cùng lấy họ Hồ. Từ đó, người Vân Kiều có họ. Có thể thấy rằng việc sử
dụng họ của một số dân tộc ít người ở nước ta không xuất phát từ tư tưởng nam
quyền, phụ hệ mà vì nhiều lí do khác. Nếu theo giả thuyết thứ ba thì họ Phạm,
họ Dương, họ Chế ở nước Lâm Ấp cũng chính là họ của người Chăm hiện nay.
Dù mang họ cha nhưng đến nay trong gia đình người Chăm truyền thống mẫu
hệ vẫn là tư tưởng nền tảng. Vậy, việc dùng họ không phải đặc hữu của người
Hán hay của tư tưởng phụ hệ, nam quyền. Đặc biệt, chúng ta thấy ở nước ta
muộn nhất trên một ngàn năm đã có những dân tộc thiểu số dùng họ mà không
phải do chịu ảnh hưởng của văn hoá Hán. Thực tế này cho phép chúng ta ước
đoán có thể trước thời kì Bắc thuộc người Việt và cả những dân tộc lân cận đã
biết đến việc dùng họ.
2. Họ của người Hán
Suốt hơn một ngàn năm đô hộ, tất cả các triều đại phong kiến Trung
Hoa đều gặp nhau ở mưu đồ thâm độc là Hán hoá bằng được hậu duệ cuối cùng
của đại tộc Bách Việt. Về hình thức, họ đã phần nào đạt được mục đích.
Thời kì Bắc thuộc, nước Âu Lạc trở thành một phần lãnh thổ của các
triều đại phong kiến Trung Quốc. Đối với người Hán, những quận, huyện ở
phía nam này là một nơi xa xôi, hiểm địa, do đó, không ít người hoặc đã bị lưu
đày đến đây như Cố Đàm, Cố Thừa, Trương Hưu, Bùi Kiến Thông, Vương
Phúc Trĩ, Lý Sào, Hàn Tư Ngạn, Tống Tấn Khanh, Nghiêm Thiện Tư, Lý Nhân
Quân, Trần Bàn Tẩu,… hoặc bôn tẩu đến đây để lánh nạn, trong đó có cả
những giới quí tộc như: Lương Tủng, Viên Trung, Hoàn Diệp, Hứa Dĩnh, Trình
Bỉnh,… Sử kí cho biết: Bấy giờ nhà Tần đã chiếm cả thiên hạ, cướp lấy đất
Dương Việt, đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận để đưa những
người bị đày đến ở lẫn với người Việt [10, 418]. Khi đến cai trị ít nhất những
quan lại người Hán sẽ đem theo gia nô, binh lính, nếu cai trị lâu dài họ còn đem
theo cả gia đình. Quá trình “giao thoa” huyết thống giữa người Việt hoặc với
người Hán, hoặc với người chịu ảnh hưởng văn hoá Hán đã diễn ra. Kết quả
của quá trình “giao thoa” ấy làm cho nhiều họ của người Hán (chỉ chung người
Trung Quốc bấy giờ) có mặt ở Việt Nam.
Dòng họ người Hán đầu tiên phải kể đến là họ Triệu (Triệu Đà, người
Chân Định). Lãnh thổ Nam Việt của Triệu Đà ngoài đất Âu Lạc, phần lớn vẫn
nằm trong một phần lãnh thổ của Bách Việt. Theo An Nam chí lược, thời kì
Bắc thuộc đã có khá nhiều họ của người Hán xuất hiện ở nước ta như: Đặng
(Đặng Huân, người Nam Dương), Ích (Ích Cư Xương), Nhâm (Nhâm Diên, tự
là Trường Tồn), Hồ (Hồ Cống), Phàn (Phàn Diễn), Chúc (Chúc Lương, tự là
Thiệu Khanh, người LâmTương), Hạ (Hạ Phương), Nghê (Nghê Thức), Ngu
(Ngu Thiều), Giả (Giả Tông, tự là Mạnh Kiên, người Liêu Thành), Lại (Lại
Tiên), Đam (Đam Manh), Sĩ (Sĩ Nhiếp, tự là Ngạn Uy, tổ tiên ở nước Lỗ), Đái
(Đái Lương), Bộ (Bộ Chất, tự là Tử Sơn, người Hoài Âm), Lữ (Lữ Đại), Lục
(Lục Duệ, tự là Cung Tông), Tôn (Tôn Tư), Ngu (Ngu Phiếm), Tu (Tu Tắc),
Đào (Đào Hoàng, tự Thế Anh, người Đan Dương), Ngô (Ngô Ngạn), Cổ (Cổ
Bí, tự là Công Trực), Vương (Vương Cơ, tự là Lệnh Minh, người quận Trường

2
Sa), Trương (Trương Liễn, tự Quân Khí), Nguyên (Nguyên Phóng, tự là Tư
Độ), Hạ Hầu (Hạ Hầu Lãm), Chu (Chu Phiên), Ôn (Ôn Phóng Chi), Phòng
(Phòng Pháp Thừa), Phó (Phó Vĩnh), Đằng (Đằng Tốn), Nguyễn (Nguyễn Di
Chi), Đàn (Đàn Hoà Chi, người Cao Bình), Lưu (Lưu Bột), Tiêu (Tiêu Tư, tự là
ThếThái), Dương (Dương Phiêu), Trần (Trần Bá Tiên), Âu Dương (Âu Dương
Hột ), Khâu (Khâu Hoà, người Lạc Dương), Lý (Lý Thọ, tôn thất nhà Đường),
Lư (Lư Tổ Thượng, tự là Quý Lương, người Quang Châu), Đỗ (Đỗ Chính
Luân, người Châu Tương), Tống (Tống Chi Đế), Phụ (Phụ Lương Giao), Bùi
(Hành Lập), Hàn (Hàn Ước), Điền (Điền Tảo), Thái (Thái Tập), Cao (Cao
Biền, tự là Thiên Lý), Tăng (Tăng Cổn),…
Người Hán, đặc biệt là tầng lớp quan lại, đến nước ta với tư thế của kẻ
đi cai trị một dân tộc nô lệ, nên phần đông những cuộc phối ngẫu sẽ là giữa
những người Việt với những người Hán bình dân, mang thận phận tôi đồi,
nghèo khổ thậm chí là tội nhân nên hậu duệ của những cuộc “ác duyên” ấy
không có lí do gì để tự hào khi mình cùng họ với những quí tộc người Hán cả.
Mặt khác, cùng sinh sống trên một đất nước với “núi sông, bờ cõi đã chia;
phong tục Bắc, Nam cũng khác” thì con cháu những người Việt có dòng máu
Hán từ thời Bắc thuộc đã không còn dòng máu Hán trong người nữa, họ cũng
là con rồng cháu tiên cả. Ví như họ Sĩ (Sĩ Nhiếp) vì loạn Vương Mãng mà lánh
nạn sang đất Âu Lạc sinh sống, thay nhau nối đời làm thái thú các quận hay họ
Đào, không chỉ Đào Hoàng mà cả em và con trai đều làm thứ sử Giao Châu.
Tất cả những dòng họ người Hán chọn đất nội thuộc làm quê hương thứ hai
như vậy ít nhiều ảnh hưởng đến dân bản xứ và ngược lại.
Trước cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng, về chính trị – xã hội, Âu Lạc
vẫn không thay đổi mấy, vẫn các Lạc hầu, Lạc tướng, bồ chính điều hành trực
tiếp nhưng từ sau thất bại của hai bà Trưng thì nước Âu Lạc chính thức bị đô
hộ toàn diện, đặc biệt, đến lúc này tư tưởng Hán Nho bắt đầu đi vào và bắt đầu
tạo ra ít nhiều một tầng lớp trí thức Nho học. Sự có mặt của quan niệm nam tôn
nữ ti thậm chí địa vị có tính phong kiến nhất định ảnh hưởng đến việc có dùng
họ không hay dùng họ như thế nào ở người Việt Nam bấy giờ. Sử cũ không ghi
nhận việc quan lại đô hộ cưỡng bức người Việt lấy họ của người Hán, tuy
nhiên, để thực hiện chính sách đồng hoá, chắc chắn có hai trường hợp đã diễn
ra: 1. người Việt đã “phục tùng” theo họ của người Hán, họ của những quan lại
liêm chính; 2. để “thủ thân”, hẳn sẽ có những giai tầng trên trong xã hội Việt
Nam bấy giờ “tự nguyện” lấy họ của người Hán (quan lại, quí tộc) làm họ của
mình. Do đó, sẽ có những họ của người Hán tồn tại ở Việt Nam nhưng không
phải là chi nhánh của họ nào ở Trung Quốc. Về tổng quan có thể nói việc một
số lượng không nhỏ họ của người Hán xuất hiện ở nước ta đã ảnh hưởng rất lớn
đến việc lấy họ của người Việt Nam.
3. Họ của của người Việt
Trong sách Lĩnh Nam chích quái, nhiều nhân vật lịch sử người Việt
trước thời kì Bắc thuộc được tác giả ghi lại sự tích, như: Lộc Tục, Sùng Lãm,
Âu Cơ, Hùng Vương, Chử Đồng Tử, Tiên Dung, Lang Liêu, Mai An Tiêm,
Thục Phán, Mỵ Châu, Cao Lỗ,… Trước hết, chúng ta loại bỏ tên, họ những
nhân vật được dựng theo ý đồ của tác giả (tác phẩm được nhuận sắc ở thế kỉ
15): Chử Đồng Tử (thằng bé ở bến sông), Tiên Dung (đẹp như tiên), Mai An

3
Tiêm (họ Mai, tên chữ là An Tiêm). Có người cho rằng Sùng Lãm (Lạc Long
Quân) họ Lạc, Thục Phán (An Dương Vương) họ Thục và bảo chính ra Hùng
Vương phải gọi là Lạc Vương. Đứng ở góc độ ngôn ngữ học, trước thế kỉ thứ
6, tiếng Việt chưa có thanh điệu, từ thế kỉ thứ 6, sau một quá trình tiếp xúc với
tiếng Hán, tiếng Việt có được ba thanh điệu, đến thế kỉ 12 thì có đủ sáu thanh
điệu như hiện nay và mãi đến khoảng thế kỉ 18 mới hoàn toàn là ngôn ngữ đơn
âm tiết. Do đó, những tên như: Lộc Tục, Sùng Lãm, Thục Phán, Mỵ Châu, Cao
Lỗ,… đều không phản ánh trung thực ngữ âm tiếng Việt trước thời Bắc thuộc.
Cũng theo Chích quái, chúng tôi đặt ra câu hỏi: Tại sao tên hiệu Đế Minh, Đế
Nghi theo cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt mà tên hiệu của Lộc Tục, Sùng Lãm lại
theo cấu trúc ngữ pháp tiếng Hán: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân; tại
sao Đế Minh cai trị trước Lộc Tục, Sùng Lãm, Đế Nghi cùng thời với Lộc Tục
mà xưng đế, trong khi Lộc Tục, Sùng Lãm chỉ xưng vương, xưng quân? Rõ
ràng những tên hiệu Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, kể cả An Dương
Vương đều là những tên hiệu được người đời sau đặt, sớm nhất cũng vào thế kỉ
10. Và chúng ta nên nhớ việc dùng họ thay tên không phải là truyền thống của
người Việt nên dù chữ lạc 雒 đã bị viết, đọc nhầm thành chữ hùng 雄 thì những
danh từ như Lạc Long Quân, Lạc Vương, Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc dân, Lạc
điền,… đều không thể xuất hiện trước thời kì Bắc thuộc. Lại theo sách trên, sau
khi chia con, năm mươi người con trai theo mẹ Âu Cơ lên non, sau lập người
con cả làm vua. Truyền thuyết này cho thấy trước thời kì Bắc thuộc, người Việt
vẫn theo chế độ mẫu hệ nên giả sử người Việt đã dùng họ thì không thể cả
quyết vì Sùng Lãm họ Lạc nên con cháu ông lấy họ Lạc. Một thực tế khác cho
biết, tên các bộ lạc người Việt đều do người Trung Quốc đặt ra. Lạc, Âu là tên
chưa đầy đủ của hai bộ tộc Việt (Âu Việt, Lạc Việt) chứ không phải họ. Chúng
ta vẫn gọi Câu Tiễn ( vua nước Ư Việt) là Việt Câu Tiễn nhưng kì thực đó chỉ
là cách gọi giản lược của danh từ Việt Vương Câu Tiễn (vua Câu tiễn của nước
Việt): Tổ tiên của Việt Vương Câu Tiễn (VĐ nhấn mạnh) là dòng dõi vua Vũ,
con thứ hai của vua Thiếu Khang đời nhà Hạ, được phong ở đất Cối Kê để lo
việc phụng thờ vua Vũ, xăm mình, cắt tóc, phát cỏ mà lập ấp. Truyền được hai
mươi đời đến Doãn Thường. Trong thời Doãn Thường, đánh nhau với vua Ngô
là Hạp Lư và hai bên căm nghét nhau. Doãn Thường chết, con là Câu Tiễn
được lập làm Việt Vương [10, 144]. Về trường hợp họ Thục, chúng tôi vẫn nói
như Trần Trọng Kim, để đến được đất Âu Việt, Thục Phán, con vua nước Ba
Thục phải vượt bao sông núi hiểm trở, phải vượt cả sông Trường Giang nên
Thục Phán nước Ba Thục với Thục Phán ở Việt Nam chỉ là sự trùng hợp về tên
(họ) mà thôi.
Nửa cuối thế kỉ 2 tr.TL, nước ta xuất hiện một nhân vật lịch sử đặc biệt.
Đó là thừa tướng Lữ Gia của nước Nam Việt. Theo Lê Tắc: [Lữ Gia] người
Việt, làm tướng triều Triệu Đà, phụ chính ba đời vua. Gia (VĐ nhấn mạnh)
người tuổi tác, con trai lấy công chúa, con gái lấy hoàng tử, anh em ở trong
nước rất có thế lực, được lòng người Việt tin cậy hơn cả nhà vua[9, 118].
Không phải nhân vật lịch sử Việt Nam nào tác giả cũng ghi rõ người Việt hay
người Hán nên việc Lê Tắc ghi rõ nguồn gốc của Lữ Gia là điều khả thủ. Điều
đặc biệt ở đây chính là việc tác giả đã ngầm chỉ Lữ Gia họ Lữ. Người Âu Lạc
bấy giờ vẫn chưa chịu ảnh hưởng của văn hoá Hán, nên chúng ta có thể suy

4
luận, trước thời kì Bắc thuộc người Việt đã dùng họ. Nhưng như trên đã phân
tích, việc An Nam chí lược không dẫn ra được danh tính một ai cùng huyết
thống với Lữ Gia khiến chúng ta nghi ngờ rằng Lữ Gia thật người Việt nhưng
hai tiếng “lữ gia” chỉ là do phiên âm Hán mà ra. Như vậy, giai đoạn trước thời
kì Bắc thuộc, người Việt dùng tên trong xưng gọi như nhiều dân tộc khác, chưa
có bằng chứng về họ của người Việt thời kì này.
Trong số các quan lại đô hộ người Hán thời Tây Hán, theo Lê Tắc, có
nhiều người đến từ đất Câu Ngô, Ư Việt : Châu Xưởng (tự là Tử Kính, người
đất Ngô), còn Dương Phò, Ngụy Lãng (tự là Thiếu Anh), Ngu Thiều, Châu
Tuấn (tự là Công Vỹ), Ky Vô Hạp đều là người Cối Kê, Chử (Chử Toại Lương,
tự là ĐăngThiện) là người Tiền Đường. Phải chăng đây là những quan lại
người Hán gốc Việt hoặc người Việt Hán hoá? Nếu đây là người Hán gốc Việt,
chúng ta có quyền nghĩ rằng muộn nhất từ nửa đầu thế kỉ 2 người Việt đã dùng
họ hoặc tự thân, hoặc khi đã có sự giao thoa với văn hoá Hán? Còn về họ đầu
thời kì Bắc thuộc ở nước ta, Đại Việt sử kí toàn thư viết: [Trưng Trắc] tên huý
là Trắc, họ Trưng. Nguyên là họ Lạc, con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh,
Phong Châu, vợ của Thi Sách ởhuyện Chu Diên[12, 21]. Theo sử cũ, Bà Trưng
họ Trưng, tên Trắc, trước họ Lạc. Nếu bà Trưng họ Lạc thì tất cả người Lạc
Việt hay ít nhất giới quí tộc bản địa bấy giờ đều họ Lạc. Tuy nhiên, như đã nói
trên, lạc không phải là họ. Còn theo dã sử, “trắc” và “nhị” bấy giờ chỉ hai loại
kén tằm, do đó, có thể Trưng là tên chính, Trắc, Nhị là tên phụ như cách đặt tên
con còn phổ biến hiện nay. Về Thi Sách, không có gì chứng chồng bà Trưng
Trắc họ Thi cả.
Bước sang thế kỉ 6, việc dùng họ ở nước ta có thể thấy rõ hơn. Có hai họ
được sử cũ viết rõ ràng. Đó là họ Lý (Lý Bí) và họ Triệu (Triệu Quang Phục).
Theo Toàn thư: [Lý Bí] Tổ tiên là người Bắc, cuối thời Tây Hán khổ về việc
đánh dẹp, mới tránh sang ở đất phương Nam, được 7 đời (?) thì thành người
Nam. […]Bấy giờ bọn thú lệnh tàn bạo hà khắc, Lâm Ấp cướp phá ngoài biên,
vua dấy binh đánh đuổi được, xưng là Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân,
đóng đô ởLong Biên [12, 36]. Lý Nam Đế là người Việt gốc Hán, do đó, ông
họ Lý là điều không phải bàn luận. Để trở thành anh hùng giải phóng dân tộc
hẳn gia tộc ông đã có ảnh hưởng lớn với người bản xứ. Toàn thư cũng chép về
thân thế của Triệu Quang Phục như sau: Vua họ Triệu, tên huý là Quang Phục,
là con Triệu Túc, người huyện Chu Diên[…][12, 38]. Không luận bàn họ Triệu
này có nguồn gốc Hán hay không chỉ biết đến thế kỉ 6, ít nhất tầng lớp trên
trong xã hội Việt Nam đã dùng họ và việc này ngày càng phổ biến. Nửa cuối
thế kỉ 8, sử cũ ghi nhận người Việt đã có họ Phùng (Phùng Hưng): Toàn thư
chép: Khoảng niên hiệu Đại Lịch [766–780] đời Đường Đại Tông, nhân Giao
Châu có loạn, [Phùng Hưng] cùng với em là Hãi hàng phục được các ấp bên
cạnh, Hưng xưng là Đô Quân, Hãi xưng là Đô Bảo, đánh nhau với Chính Bình,
lâu ngày không thắng được [12, 45]. Họ Phùng là họ của Trạng Bùng ở thế kỉ
16.
Ở thế kỉ 10, chúng ta biết người Việt Nam có những họ như: Khúc
(Khúc Hạo), Dương (Dương Đình Nghệ), Kiều (Kiều Công Tiễn), Ngô (Ngô
Quyền), Phạm (Phạm Lệnh Công), Đỗ (Đỗ Cảnh Thạc), Đinh (Đinh Bộ Lĩnh),
Trần (Trần Lãm, xưng Trần Minh Công), Kiểu (Kiểu Công Hãn, xưng Kiểu

5
Tam Chế), Nguyễn (Nguyễn Khoan, xưng Nguyễn Thái Bình), Lý (Lý Khuê,
xưng Lý Lãng Công), Lữ (Lữ Đường, xưng Lữ Tá Công), Lưu (Lưu Cơ), Lê
(Lê Hoàn), Vương (Vương Thiệu Tộ), Từ (Từ Mục), Nguỵ (Nguỵ Tường),
Hoàng (Hoàng Thành Nhã), Trịnh (Trịnh Hàng), Hồ (Hồ Thủ Ích), Đào (Đào
Cam Mộc),…
Đến thế kỉ 10, nghĩa là sau hơn nghìn năm bị đô hộ, vấn đề họ vẫn
không phải là vấn đề tiên quyết trong quan niệm huyết thống của người Việt.
Đọc lại sử cũ khi viết về thân thế của Ngô Vương, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại
Hành và Lý Thái Tổ, chúng ta sẽ thấy rõ. Sử chép rất khác nhau. Trong khi
Toàn thư (thời Hậu Lê), Cương mục và Lịch triều hiến chương loại chí (thời
Nguyễn) đều ghi rõ cha của Ngô Quyền là Ngô Mân (thứ sử Châu Phong,
người Đường Lâm), đời đời làm quí tộc, duy chỉ có Việt sử lược (thời Trần) nói
là Tiên Chủ. Ngô chắc chắn là họ nhưng Tiên Chủ thì có lẽ chỉ là một danh
xưng nhưng Tiên Chủ và Ngô Mân có phải là một người hay không thì cả Lịch
triều hiến chương loại chí và Cương mục đều không “khâm định”. Về thân thế
Đinh Bộ Lĩnh, Việt sử lược viết: Huý là Bộ Lĩnh, họ Đinh, mồ côi cha từ bé, ở
với mẹ[11, 53] nhưng An Nam chí lược cũng như ba bộ sử trên ghi rõ: [Đinh
Bộ lĩnh] người động Hoa Lư, Giao Châu. Cha là [Đinh] Công Trứ, làm nha
tướng của Đình Nghệ. Cuối thời Ngũ Đại, Đình Nghệ đi trấn Giao Châu, lấy
Công Trứ quyền Thứ Sử Hoan Châu. Trước đây, Ngô Quyền giết Kiều Công
Tiện, cha con Bộ Lĩnh về với Ngô Quyền, Quyền nhân khiến Công Trứ về
nhiệm chức cũ. Khi Công Trứ mất, Bộ Lĩnh kế tập chức cha[9, 97]. Tuy nhiên,
khi viết về Lê Hoàn cũng như Lý Công Uẩn, Lê Tắc lại chỉ cho biết: [Lê Hoàn]
người châu Ái, có chí lược[9, 98], còn Việt sử lược ghi khá rõ: Huý là Hoàn, họ
Lê, người Trường Châu, cha tên Mịch, mẹ họ Đặng[…][11, 59]. Trường hợp
của Lý Công Uẩn lại đặc biệt hơn cả. Việt Sử lược, Toàn thư đều chép khá
giống nhau về thân thế Lý Công Uẩn: Họ Lý, tên huý là Công Uẩn, người châu
Cổ Pháp, Bắc Giang, mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng thần giao hợp
rồi có chửa, sinh vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm
thứ năm[974] thời Đinh[12, 80]. Còn Cương mục còn không nhắc đến người đã
sinh thành vị vua khai sáng triều Lý và mở đầu thời kì chế độ phong kiến trung
ương tập quyền ở nước ta. Đối với các nhà Nho, tính chính thống của vương
triều, của quân vương rất quan trọng nhưng ở đây rõ ràng vấn đề họ, tên của
cha các vị vua của thế kỉ 10 vẫn không thể hiện diện đầy đủ trên sử sách thế kỉ
13, 15. Thế kỉ 19, thế kỉ chế độ phong kiến đã già nua ở Việt Nam, các sử gia
nhà Nguyễn dưới con mắt thẩm định quốc sử đã không thể “dựng lên” hình ảnh
một người cha có đủ họ tên để nhân thân vua Thái Tổ được rõ ràng, chính
danh. Trở lại với Việt sử lược và Toàn thư, chúng ta thấy các tác giả cũng chỉ
có thể chép được về một người phụ nữ họ Phạm, hết sức chung chung, đã sinh
ra vị vua đầu tiên của vương triều Lý.

Tóm lại từ kết quả tìm hiểu bước đầu về họ ở Việt Nam từ trước thời kì
Bắc thuộc đến hết thế kỉ 10, chúng tôi có những nhận xét như sau: 1. Đến thời
kì bắt đầu xây dựng nhà nước phong kiến tự chủ, họ vẫn không phải là vấn đề
tiên quyết trong quan niệm huyết thống của người Việt; 2. Các dân tộc ở Việt
Nam (trong đó có người Việt) muộn nhất trên 1500 năm đã sử dụng họ và

6
không phải theo tư tưởng có tính phong kiến; 3. Nhiều họ tồn tại ở Việt Nam
giống họ của người Hán nhưng không phải là chi nhánh họ của người Hán. Dẫu
sao, những họ chúng tôi đã giới thiệu chỉ là họ của những nhân vật bước lên vũ
đài chính trị may mắn được sử cũ ghi nhận, do đó, kết quả tìm hiểu chỉ có tính
tham khảo. Để có một cái nhìn toàn diện về nguồn gốc, đặc điểm họ ở Việt
Nam cần có những nghiên cứu sâu hơn.

Tài liệu tham khảo:


1. Đào Duy Anh. Việt Nam văn hoá sử cương, Khoa Sử, Trường ĐH Sư
phạm Tp.Hồ Chí Minh, Tp.Hồ Chí Minh.
2. Nguyễn Tài Cẩn (1995). Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo),
Nxb Giáo dục, Hà Nội.
3. Phan Huy Chú (2005). Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Giáo dục,
Hà Nội.
4. Nguyễn Siêu (1996). Phương đình tuỳ bút, Nxb Văn học, Hà Nội.
5. Nguyễn Khôi (2006). Các dân tộc ở Việt Nam: cách dùng họ và đặt tên,
Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
6. Trần Trọng Kim (2000). Việt Nam sử lược, Nxb Văn hoá – Thông tin,
Hà Nội.
7. Trần Thế Pháp (1990). Lĩnh Nam chích quái, Nxb Văn học, Hà Nội.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998). Khâm định Việt sử thông giám
cương mục, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
9. Lê Tắc (1961). An Nam chí lược, Viện Đại học Huế, Huế.
10. Tư Mã Thiên (2000). Sử kí, Nxb Văn học, Hà Nội.
11. Trần Quốc Vượng (2005). Việt sử lược, Nxb Thuận hoá – Trung tâm
Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây.
12. Viện Khoa học xã hội Việt Nam (dịch, 1993). Đại Việt sử kí toàn thư,
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
13. Lý Tế Xuyên (2001). Việt điện u linh, Nxb Văn học, Hà Nội.

i
Bài viết thể hiện các quan điểm học thuật của riêng tác giả. Tập san Khoa học Lịch sử Bình
Dương chọn đăng như một tài liệu tham khảo.

You might also like