Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 20

Đề bài 2:

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã từng nhận xét về văn của Nguyễn Huy Thiệp:

“Những tác phẩm của ông mang vẻ đẹp của một lưỡi dao mổ: chói sáng, chính xác và đau
đớn. Con dao ấy đã phẫu thuật những khối u ẩn giấu trong tâm hồn con người. Nó làm con người
đau đớn đến mức tưởng không chịu nổi để rồi được bình phục và lớn lên.”

Bằng những hiểu biết về truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, em hãy làm rõ nhận định trên.

Bài làm :

(HS Võ Uyên Phương – 10 Văn)

Trong lời đề tựa “Những người khốn khổ”, Victor Hugo từng thổ lộ mà rằng : “Khi nào những
người đàn ông còn sa đọa vì bán sức lao động, khi những người đàn bà còn trụy lạc vì đói khát, khi
trẻ thơ còn cằn cỗi vì tăm tối thì cuốn sách này còn có ích.” Có lẽ vì nhận thức được điều đó, mà
thẳm sâu trong huyết mạch mỗi kẻ theo nghiệp bút đều luôn đau đáu một tác phẩm “vượt lên trên tất
cả bờ cõi và giới hạn” (Nam Cao), và “biến mọi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên”
(Đặng Tiến). Nhưng để “thứ vũ khí” của chính mình giải thoát cho con người khỏi những mê muội
của thế giới phẳng, hay chăng đủ sức để soi sáng những nhem nhuốc, những bóng tối ẩn sau lớp
màn cuộc đời giăng lên trước đôi mắt của người đọc thì chẳng phải ai cũng làm được, chẳng phải ai
cũng có thể dùng ngòi bút độc bản của chính mình mà “xoay chuyển càn khôn”. Như hiểu được cái
nghĩa cử muôn đời của văn chương ấy,trong làng văn Việt Nam, một hiện tượng, một cây bút độc
đáo không lẫn với ai đã xuất hiện giữa những nguồn cơn dư luận - Nguyễn Huy Thiệp - cũng như
các nhà văn chân chính khác, nỗ lực đi “tìm đường” và kể những câu chuyện đời sống, theo những
cách rất riêng bằng một phong cách nghệ thuật độc đáo. Có chăng vì thế mà nhà thơ Nguyễn Quang
Thiều đã nhận xét về văn của Nguyễn Huy Thiệp: “Những tác phẩm của ông mang vẻ đẹp của một
lưỡi dao mổ: chói sáng, chính xác và đau đớn. Con dao ấy đã phẫu thuật những khối u ẩn giấu
trong tâm hồn con người. Nó làm con người đau đớn đến mức tưởng không chịu nổi để rồi được
bình phục và lớn lên.” Và phong cách nghệ thuật độc đáo ẩn trong cây bút ấy lại càng thêm được tỏ
rõ qua những thiêng truyện ngắn mang đầy cái chất hiện thực, châm biếm của ông.

Tự bao giờ, người ta vẫn coi nghệ thuật là câu chuyện của những kẻ dám lặn ngụp giữa bể đời
mà khơi sâu những gì tinh túy nhất và văn chương chưa bao giờ là câu chuyện của kẻ “thấy người
ăn khoai cũng vác mai đi đào” hay là sản phẩm của “một người thợ khéo tay” (Nam Cao). Quả vậy,
muốn viết được một tác phẩm đã khó, nhưng để biến tác phẩm của chính mình thành một kì quan
không trộn lẫn, không pha tạp với bất cứ thứ gì khác thì lại càng khó hơn. Tuy vậy, cái chất văn của
Nguyễn Huy Thiệp lại làm được điều đó, sự xuất hiện của “Những ngọn gió Hua Tát”, “Kiếm sắc”,
“Không có vua”,... đã làm nổi bão giữa cánh rừng đời sống văn chương Việt bởi cái nét mà chẳng ai
có ngoài Nguyễn Huy Thiệp, bởi lối viết “trần trụi đến nghiệt ngã” mà chẳng mấy ai dám đương
mình. Có lẽ vì thế mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã ưu ái đặt tên cho vẻ đẹp độc bản của văn
ông, rằng : “Những tác phẩm của ông mang vẻ đẹp của một lưỡi dao mổ: chói sáng, chính xác và
đau đớn” . Kì thực, Nguyễn Huy Thiệp đã dạy chúng ta “nhìn bằng con mắt thật” (Lưu Quang Vũ)
qua hằng hà sa số những truyện ngắn ông để lại cho đời. Hay như Trương Trào tâm tình :

“Một chữ tình để duy trì thế giới

Một chữ tài để tô điểm càn khôn”


Nguyễn Huy Thiệp đã đến với làng văn Đương đại Việt Nam bằng “dòng máu nóng” luôn
ngân rung trước những bề sâu của cuộc sống và tài năng nghệ thuật có thể làm rung chuyển cả “khối
băng tâm” của một thời đại . Và có chăng, bởi ông lạnh lùng, bởi cái ngòi bút hửng đời nhưng
không kém phần đau đời ấy mà cây văn đàn đã rạch một đường sâu giữa bờ mặt phẳng, đem đến sự
thực, cái đáng lên án phơi ra giữa đời thanh sạch. Cũng như ông từng tâm niệm: “Trong tác phẩm
của mình, những nhà văn giỏi bao giờ cũng có một chút muối rắc đâu đó trên từng trang viết. Muối
xát lòng người đọc một thì xát lòng người viết ra nó mười lần”. Chỉ khi mang nỗi đau đớn tận cùng
về con người đến thế, ông mới có thể viết ra những trang văn buốt lạnh đến tâm can, ông mới có thể
biến hóa những dòng tâm huyết của mình đến độ “mang vẻ đẹp của một lưỡi dao mổ”. “Lưỡi dao”
của Nguyễn Huy Thiệp tuy được mài dũa đến độ sắc bén nhưng nó chỉ chạm đến những bề đen tối
đáng lên án khuất lấp sau trang đời, nó “chói sáng, chính xác và đau đớn” đến khô cạn nước mắt, để
khi lần giở thiêng truyện Nguyễn Huy Thiệp dày công viết nên, ta thấy ghê rợn vì phát hiện ra
những “man dại” trong chính con người mình. Như vậy, bằng những lưỡi dao rạch vào hư không,
“Con dao ấy đã phẫu thuật những khối u ẩn giấu trong tâm hồn con người”. Truyện ngắn của
Nguyễn Huy Thiệp đã bóc trần, phơi bày những bộ mặt đen tối của xã hội bằng giọng điệu, lối viết
giễu nhại, châm biếm sâu cay. Nhà văn đã viết nên những câu văn có dính máu của mình trong đó,
ông không đặt mình ngoài tầm ngọn bút vươn tới, trái lại, ông lăn lộn, trải tấm lòng mình giữa cuộc
đời để vượt qua mọi định kiến, hướng giá trị của cái đẹp trong văn ông đến với người đọc. Mặc cho
con đường thực hiện sứ mệnh của chính ông có chông gai hay vấp phải nhiều luồng ý kiến, song với
quan niệm của chính mình: “Khó nhất không phải là tiền bạc, khó nhất không phải là tri thức, mà
khó nhất là đạo đức, nhà văn chỉ là người đi tìm đạo cho dân chúng.” , trọn đời nhà văn Nguyễn
Huy Thiệp vẫn luôn theo đuổi một cách vẹn toàn cái sứ mệnh của người cầm bút. “Con dao” của
Nguyễn Huy Thiệp như một thứ công cụ để thức tỉnh lương tri, bản ngã của con người. Ở đó, nó
khắc nghiệt, nó “làm đau” con người để bảo vệ con người, “mổ xẻ” những ung nhọt, khối u trong bề
sâu tâm hồn con người để phơi sạch lại tính bản thiện vốn có. Vì lẽ chăng,như bác sĩ thực hiện
những ca phẫu thuật để chữa lành cho những vết thương của bệnh nhân; tác phẩm của Nguyễn Huy
Thiệp cũng vậy, nó thực hiện một “ca phẫu thuật cho tâm hồn con người”, để chữa lành cho tâm hồn
của họ. Chính cái “đau đớn đến mức tưởng không chịu được” ấy, có chăng lại là giải pháp, con
đường tốt nhất để con người “được bình phục và lớn lên”. Lời nhận xét của nhà thơ Nguyễn Quang
Thiều đã cho người đọc chúng ta một lần nữa được trông nhìn và thưởng thức, đã khẳng định được
vẻ đẹp trong phong cách của Nguyễn Huy Thiệp, đồng thời đề cao giá trị trong những tác phẩm của
cố nhà văn. Kì thực, từ nơi chốn bình dị của cuộc sống, Nguyễn Huy Thiệp đã sống cùng với tất cả
dáng hình của cuộc sống để thấu hiểu nó, giải phẫu nó để cuối cùng được thương yêu cuộc sống,
đồng loại một cách thiết tha. Suy cho cùng, tài năng nghệ thuật của nhà văn không chỉ tạo nên một
làn gió mới mẻ trong làng văn Việt Nam mà còn thổi một luồng gió thanh lọc lương tri của người và
mình.

Nổi bật hơn cả trong những tác phẩm sắc bén để “phẫu thuật những khối u” ở bề sâu của con
người, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã đưa ta đến từng cung bậc cảm xúc : từ cái ảo não của
một thời, đến lẽ suy vong của một triều đại hay sự thực đầy sâu cay trong cuộc sống, để rồi làm loé
lên tia sáng từ trong lương tri của chính con người. “Có thể nói: văn của ông là sự trần trụi đến
nghiệt ngã, nhưng đó là sự trần trụi của một người dám nhìn thẳng sự thật và gọi đúng tên sự thật”.
Bằng sự đổi mới về nội dung tư tưởng lẫn nghệ thuật, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp - với một
vẻ dưng dưng, lạnh lùng - lại khiến chúng ta không thể quay lưng trước cái bóng sự thật mà ta vẫn
thường lảng tránh. Cái chất giễu nhại có trong từng áng văn ông đã đánh thẳng thừng chút một vào
thực trạng xã hội: ông nhại lại cái vẻ trịnh trọng của một nhà sư, nhại cả những nhà trưởng giả,
châm biếm một gia đình không có trật tự… tất cả là để nâng giấc cho những giá trị cao đẹp bị những
thứ tầm thường hằng ngày khuất lấp. Tuy nhiên, Nguyễn Huy Thiệp không nhại những hiện tượng,
những truyền thuyết hay lịch sử để mua vui cho đời, trái lại, cái chất nhại ấy đã khiến văn ông trở
thành “con dao mổ” rạch xuyên bao thứ tầm phào, giả dối, đưa con người sang bến bờ của cái đẹp,
của Chân-Thiện-Mỹ.

Nguyễn Minh Châu đã khẳng định : “Trước những bất công, trước cái ác, anh không có quyền
dửng dưng, thây kệ khi con người bị đày đọa, và công việc đó phải là phản ứng tự nhiên của nhà
văn”. Nguyễn Huy Thiệp hiểu điều đó, và nó thể hiện thật rõ ràng qua bút tích của nhà văn. Song,
trái với những nhiệt huyết sục sôi trong tâm khảm, giọng văn của ông lạnh lùng đến lạ, dửng dưng
đến sợ, cơ hồ ông chẳng để một tấc trần gian này vào trong đôi mắt của ông. Nhưng không, có lẽ
với Nguyễn Huy Thiệp, sự dửng dưng sắc lạnh như “lưỡi dao mổ” là cách để ông bày tỏ tình yêu
với loài người.Qua giọng văn ấy, thế giới nhân vật, nội dung câu chuyện luôn hiện ra một chất trung
thực, khách quan trước mắt người đọc. Người đọc được tách biệt hoàn toàn so với thiên kiến của tác
giả. Độc giả được tự do phán xét nhân vật theo chủ kiến của mình.

Từ những cái tầm thường, thấp hèn Nguyễn Huy Thiệp đề cập đến trong truyện ngắn của
mình, ông làm cho người đọc được thức tỉnh, được cảm thấy yêu thương và khơi lên “giấc mơ làm
người”. Giả như trong những tác phẩm nhại tôn giáo, nhà văn đã phơi bày ra trước cuộc đời những
tranh cãi, những ung nhọt từ cá nhân đến gia đình, xã hội. Trong “Không có vua”, Nguyễn Huy
Thiệp đã “cưa lấy một khúc đời sống” (Tô Hoài), ở đây là một gia đình đầy những bất cập hệt như
một thế giới thu nhỏ không có người cai quản, để giễu nhại cuộc sống bấy giờ. Nguyễn Huy Thiệp
đã đặt ra vấn đề về sự băng hoại đạo đức đồng thời cũng tìm ra vẻ đẹp khuất lấp dưới cái xấu xí trực
ở bên ngoài của họ.Tác phẩm là câu chuyện xoay quanh gia đình lão Kiền, một thợ sửa xe, Sinh vợ
mới cưới của một thợ hớt tóc là Cấn, Đoài, một công chức ngành giáo dục,Tốn bị bệnh thần kinh,
Khảm và Khiêm...Bằng lối viết tương phản đối lập giữa tính cách và nghề nghiệp của mỗi nhân vật
trong “Không có vua”, Nguyễn Huy Thiệp đã xây dựng nên một chiếc kính vạn hoa giúp bạn đọc có
một cái nhìn đa chiều về bản chất con người trong xã hội. Ông hạ bệ những cái xấu xa, khiến người
đọc phải khó chịu với từng nét cử chỉ hành động của nhân vật trong đó, từ lão Kiền - người cha,
người đứng đầu trong một gia đình - lại là người phá vỡ cái chuẩn mực tôn ti trật tự của Tam cương
bằng lời nói cộc cằn, cục mịch, thậm chí quá đáng hơn khi lão bắc ghế xem con dâu tắm. Có chăng
chính vì thế mà trong gia đình ấy, sự bất hiếu của những đứa con lại thêm rõ nét, và lại càng có lý
do để ta hiểu cho nguồn cơn của việc làm trái với luân lí ấy. Cái kết mà lão Kiền nhận lại sau những
tiếng chửi con của mình là “nhục”, là “vô tích sự”... chính là sự khinh khi của chính giọt máu của
mình, là hành động biểu quyết để cha chết hay sự né tránh trách nhiệm chăm sóc cha của bầy con.
Ta hả hê, ta khinh cái sự méo mó trong nhân cách ấy qua sự mổ xẻ của Nguyễn Huy Thiệp. Ông đã
bóc trần cái bần tiện, xấu xa, bỉ ổi vẫn thường xảy ra trong xã hội này, và như một bác sĩ giải phẫu,
nhà văn vạch toang cái mục ruỗng của “nội tạng” bên trong xã hội với sự dửng dưng đến lạ kì. “Cái
bóng của độc giả” hiện lên sau trang giấy hẳn đã phải thốt lên tiếng lòng chát chúa về sự băng hoại
đạo đức, và đau đớn thay, họ nhận thức, họ tự hỏi: có chăng trong con người họ có những thứ đê
tiện như vậy không ? Hay đến tên Đoài,là người có học thức trong gia đình, nhưng lại chỉ toàn thấy
cái ti tiện và bỉ ổi trong hắn từ việc ăn nói sỗ sàng với cha, thậm chí đòi ngủ với chị dâu. “Không có
vua” đã lột trần bản chất thật của một người phàm mắt thịt, với những toan tính thấp hèn, song đồng
thời cũng chỉ đường cho nghĩa cử cao đẹp được thoát lên định vực sự sống hai chiều. Lão Kiền ấy
thế mà lại có đôi phần đáng thương. Bề ngoài lão toàn chỉ thấy thô lỗ nhưng bề sâu trái tim lại chất
chứa tình yêu với con và trách nhiệm với gia đình. “Mẹ cha mày, tao chỉ nghĩ thân tao, thì lũ chúng
mày được thế này à?”- Câu nói thốt lên tự miệng lão Kiền lại khiến chúng ta một lần nữa phải suy
nghĩ lại về phần thiện và ác trong con người. Đúng thật, hành động nhìn trộm con dâu tắm quả đáng
khinh thay, dẫu vậy lão vẫn khổ đấy chứ, ai mà muốn làm ra loại chuyện không thể dung thứ ấy. Lại
tên Đoài cũng có đôi chút phần người vượt lên phần con. Hắn cũng có lúc lắng lại để suy nghĩ và
hiểu chuyện, hắn cũng biết bênh vực cho người chị dâu đáng tội đấy thôi. Truyện ngắn của Nguyễn
Huy Thiệp đã thực hiện toàn vẹn sứ mệnh của mình, nó hạch sách cái xấu rồi tôn vinh cái đẹp. Đến
cuối cùng, giữa một gia đình lộn xộn ấy, các mối quan hệ đã được tổng hoà nhờ Sinh, “Sinh lọt vào
gia đình nhà này tựa như cơn mưa rơi xuống đất nẻ. Không khí dịu lại.” Qua “Không có vua”, ta
cảm thấy trơ trọi trước ngòi bút sắc lạnh ấy, để rồi học được bài học làm mình, làm người.

Không chỉ vậy, xuyên suốt qua các tác phẩm khác, “lưỡi dao mổ” của Nguyễn Huy Thiệp vẫn
luôn sắc bén trên con đường thực hiện tư tưởng của nhà văn. Nó làm con người đau đớn để đưa ra
lời cảnh tỉnh về lương tri, nó khắc cái gọi là “tính người” vào tâm khảm của người đọc qua từng nét
chữ lạnh lùng, dửng dưng. Tuy Nguyễn Huy Thiệp không bỏ qua cho những thứ “bần tiện, xấu xa,
bỉ ổi”, song đối với những số phận thấp hèn, bất trắc, nhà văn lại ưu ái dang rộng vòng tay ôm lấy,
và tặng cho họ dòng chảy tình thương ấm áp, khiến độc giả như được yêu thương, được khơi dậy
những bản tính tốt đẹp vốn bị ngủ quên qua các nhân vật ấy. “Những ngọn gió Hua Tát”, “Muối của
rừng”, “Chảy đi sông ơi”, “Con gái Thủy thần”... với cốt truyện mang tinh thần thi ca, mang cái
mộng mị của các yếu tố tái sinh cổ tích, nhại truyền thuyết, giải thiêng lịch sử… đã kéo người đọc
ra khỏi bánh xe tầm thường của cuộc đời để nghiêng mình đón lấy suối nguồn xúc cảm. “ Văn
chương là thế giới hoang tưởng, hão huyền trong cuộc đời thực tẻ nhạt, dung tục của cảm xúc nhục
cảm, vớ vẩn, suy đồi, là vàng trong cát, là sự bất lực thê thảm. Chúng ta làm được gì khi xây lâu đài
cát trên biển xanh ?” Có chăng vì để trả lời cho câu hỏi chính ông tự đặt ra “Chúng ta làm được gì
khi xây lâu đài cát trên biển xanh”, mà suốt cuộc đời theo nghiệp bút, đối diện với những chỉ trích,
chê bai hay phán xét, ông vẫn đeo đuổi những giá trị thực, những bài học đau đời trong những tác
phẩm đầy đau đớn của chính mình. “Con dao” của Nguyễn Huy Thiệp lại một lần nữa mổ xẻ những
giấc mộng hay những băn khoăn của các nhân vật trong “Chảy đi sông ơi”, làm con người bừng tỉnh
khỏi cái u mê, chấp niệm. “Chảy đi sông ơi”! Tha thiết thay tiếng gọi của một tâm hồn đầy trải
nghiệm. Ta băn khoăn một nỗi, đó là “dòng sông” hay “dòng đời” ? Qua yếu tố nhại truyền thuyết,
Nguyễn Huy Thiệp đặt ta vào thế phải tự vấn chính mình, rằng lẽ : Cuộc sống không như là mơ.
Chúng ta không thể ích kỉ bám đuổi lấy cuộc sống màu hồng của cổ tích cũng như không thể sống
mãi trong hoang tưởng của chính mình. Nguyễn Huy Thiệp đã dội thẳng một gáo nước lạnh vào
những ai còn đang ôm giấc mộng đẹp, làm lung lay cái niềm tin sơ khai ấy, giả như “ở hiền gặp
lành”, để rồi bạn đọc chúng ta sực tỉnh giữa phiên chợ đời, sống tỉnh táo hơn và nhận thức được
rằng “ở hiền chưa chắc đã gặp lành”. Trong “Chảy đi sông ơi”, nhà văn đã tôn vinh vẻ đẹp của con
người đồng thời lên án cái dửng dưng của con người trong đó. Vẻ đẹp ấy hiện lên qua chị Thắm -
người phụ nữ cả đời gắn bó với chiếc đò ngang. Chị cứu lấy bao nhiêu người bên bến Cốc, là cứu
vớt sinh mạng con người, cũng là cứu rỗi cho tâm hồn của con người. Chị nâng giấc mơ cho linh
hồn nhân vật “tôi”, rồi từ cái chết của chị lại làm thức tỉnh nhân vật “tôi”, chị khiến cho nhân vật tôi
buông bỏ chấp niệm thù hận với người dân làng chài đáng trách song đáng tội đó. Chị đã cứu thật
nhiều người, để rồi đến lúc chết, chẳng-ai-cứu-chị ! Chao ôi, Nguyễn Huy Thiệp thật biết cách
khiến người khác cảm thấy hoang hoải trước cảnh vỡ mộng để rồi nâng niu họ, ôm ấp họ trong bức
thông điệp ấm áp của mình. Rồi sẽ chẳng ai còn “ước mong nhìn thấy con trâu, biết đâu tôi sẽ được
hưởng điều kì diệu” như nhân vật tôi thuở bé, thay vào đó, con người ta thấu hiểu hơn về bản chất
thật sự của cuộc sống, dũng cảm sẵn sàng đối mặt với những biến cố trong cuộc đời.

Băng băng qua cánh rừng truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, ở đó, ta còn nhìn nhận được
những vấn đề len lỏi trong xã hội. Ở “Muối của rừng”, Nguyễn Huy Thiệp “xây dựng những nghịch
lý dựa trên thuyết nhân quả của Đạo Giaso gieo gió gặt bão, gieo nhân nào gặp quả ấy, người ăn ở
hiền lành sẽ gặp điều tốt, còn kẻ ác sẽ luôn gặp sự trừng phạt”. Điều này ta cũng từng gặp gỡ trong
“Sói trả thù”, người cha giết chết sói mẹ để rồi đời sau, đứa con trai lại bị vướng lấy nhân quả : bị
cắn chết bởi chú sói con nuôi trong nhà. May thay, ông Diểu trong “Muối của rừng” đã thả con khỉ
bị thương trở về với bầy, rồi nhận lấy được sự cứu rỗi trong tâm hồn, tìm ra hoa tử huyền và tìm
được đường về. Những giá trị cao đẹp Nguyễn Huy Thiệp gửi gắm không chỉ kết thúc lại ở đó, ông
còn lên án nạn săn bắn động vật thông qua các tác phẩm của mình. Suy cho cùng, dù cho “văn ông
là sự nổi giận tựa cơn hỏa hoạn”, nhưng trải qua được sự suy đồi và giả dối của con người, rồi ta sẽ
tìm thấy được chân lý ẩn sau từng đường bút “chói sáng, chính xác và đau đớn” ấy.

“Anh đã sống hết mình, cái chết chịu thua anh

Anh vĩ đại và tận cùng trung thực

Vạch cái xấu và vun cái tốt, phân minh”

_Raxun Gamzatov

Dẫu cho Nguyễn Huy Thiệp đã xa khỏi chân trời trần thế, song những tác phẩm của nhà văn
vẫn còn lưu lại, và đề cao những giá trị tốt đẹp trong hiện thực đầy những xấu xa, giả dối. Những
“lưỡi dao mổ” của ông đã đâm chính xác vào những nhức nhối của một bộ phận con người, mang
nó ra ánh sáng, trao trả lương tri trong sạch cho con người. Tuy nhiên, dù cho những áng văn của
Nguyễn Huy Thiệp có hay đến đâu, độc đáo đến đâu mà người đọc không trân trọng, nâng niu hay
lần giở tìm những giá trị ẩn sâu trong nó thì tác phẩm ấy cũng không thể đưa bạn đọc đến sự thấu
ngộ. Bạn đọc phải “giở cho khéo kẻo hồn anh động vỡ”, đặt mình vào thế giới quan của tác giả để
thấu hiểu, để tri âm tấm lòng của người nghệ sĩ tài năng ấy.

“Lúc mi chưa sinh ra thì những Honore Kafka, William Faulkner, Henrich Boll… đã vĩ đại rồi
, và những trường phái văn chương đã định hình, hoàn thiện trước khi mi tập đi bên những hố bom.
Văn chương thế giới đã rực rỡ trước khi mi trở thành đốm lửa.” Có lẽ, mỗi một nhà văn, như
Nguyễn Ngọc Tư tâm sự, và cả Nguyễn Huy Thiệp đều thấu được sự thật ấy mà không ngừng nghỉ
đi trên con đường tìm kiếm sự thật, hoàn thiện con người. Chính những tác phẩm truyện ngắn của
ông đã tỏa sáng trên bước đường thực hiện thiên chức của văn chương, cũng như tài năng của chính
ông đã kiến tạo nên một phong cách nghệ thuật bậc thầy không trộn lẫn với ai. Và rằng lẽ đó, nhận
xét của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lại càng thêm tôn vinh những giá trị trong những tác phẩm
của Nguyễn Huy Thiệp. Cho đến cùng, một Nguyễn Huy Thiệp sống lặng lẽ và khiêm nhường ấy,
viết ra những áng văn hệt như “lưỡi dao mổ ấy”, vì có chăng cuộc đời rất cần lấy những nhà văn sở
hữu trái tim nóng nhưng quả đầu lạnh như ông, để cứu rỗi lấy những thiên tính tốt đẹp còn sót lại ở
thế gian….

Đề bài 6:

Có thứ văn giúp ta hiểu sự cao đẹp, nhân hậu, bao dung lấp lánh trong tâm hồn con người; lại
có thứ văn giúp ta nhận ra và thấu hiểu sự khốn nạn, đểu cáng trong mỗi con người.

(TS.Đỗ Ngọc Thống)

Theo anh/chị thứ văn chương nào có giá trị?

Bài làm
(HS Trịnh Hồng Đoan Trang)

Con người, thật dễ để nhận diện thiên thần và ác quỷ. Nhưng con người, cũng thật khó để
thấu cảm các tranh tối, tranh sáng, những mảng màu đan xen khó lòng nhận chân được cái đẹp - cái
xấu. Và văn chương là ngôn ngữ của tâm hồn, là hàm dưỡng được sống dậy từ những giấc mơ đào
sâu sự đa đoan, thiện ác trong hồn người. Nhưng không có thư văn chương nào hoàn toàn chỉ một
màu đen, hoặc một màu trắng, nó là sự phức hỗn đa mang những giá trị. Như Đỗ Ngọc Thống cho
rằng: “Có thứ văn giúp ta hiểu sự cao đẹp, nhân hậu, bao dung, lấp lánh trong tâm hồn người; lại
có thứ văn giúp ta nhận ra và thấu hiểu sự khốn nạn, đểu cáng trong mỗi con người”.

Đỗ ngọc Thống đặt ra những lời xác quyết về giá trị của hai thứ văn chương: giúp ta hiểu sự
cao đẹp, và nhận ra sự khốn nạn trong mỗi con người. Nói về thứ văn đề cao sự cao đẹp, nhân hậu,
bao dung, lấp lánh, những giá trị tư tưởng, tình cảm đầy trong sáng, tính người bên trong con người,
đó là thứ văn đầy đẹp đẽ, thứ văn hướng tất cả vào sự tôn vinh, ngợi ca và khoe sáng những phẩm
tính lung linh. Lại có thứ văn giúp ta “nhận ra và thấu hiểu sự khốn nạn, đểu cáng”, những giá trị
quy về tầm nhận thức, học hiểu, nhìn nhận thế giới thực rất đỗi nhiễu nhương, và con người cũng
đầy những nét xấu xa chằng chịt. Nhưng, tâm hồn con người như cái màn giăng níu tất thảy những
tranh đấu đó, có cả tốt đẹp, cao sang, có cả bình dị xấu xí. Làm con người, ai mãi giữ được phần
người và vứt bỏ phần con? Ai mãi thánh thiện, ai mãi nhơ bẩn? Không, con người là tổng hòa của
những giấc mơ cao sang, cũng là những dục vọng phàm tục. Vậy, cớ sao xét văn phải tách rời hai
thứ văn ấy, khi chúng là một, là chung, và là thứ hòa cùng kiến tạo nên giá trị tác phẩm. Với tôi, văn
chương có giá trị là văn chương phác lộ được sự đa diện trong tâm hồn người, sự giăng níu đầy
phức tạp mà ngoài văn chương, không một ai có thể kiến tạo bằng.

Giá trị văn học không nằm ở chỗ nó nói điều gì đao to búa lớn, mà nó đem đến cho người
đọc một sự thức nhận như thế nào. Toàn bộ quá trình tiếp thu văn chương chữ nghĩa là nền tảng cho
quá trình tự nhận thức và thay đổi của con người. Có những tác phẩm khi đọc lên, cái đọng lại trong
mỗi chúng ta đâu chỉ là sự tỉnh thức mà còn là sự tác động vào chốn xa xăm nhất của tư tưởng tình
cảm, nằm ở việc khắc họa những nhân vật đa diện - đa chiều. Hậu hiện đại mang tới cho văn học sự
giải thiêng mà ở đó, ta thôi tìm về sự lý tưởng hóa của văn học 1945 - 1975, sự nâng đỡ những con
người với vẻ đẹp thập toàn như trong văn học trung đại. Con người không còn là một chỉnh thể hoàn
chỉnh đơn phiến một chiều mà mang trong mình những ranh giới giữa xấu và tốt, giữa khuôn mặt
mình đầy rẫy những góc khuất. Trong văn Nguyễn Huy Thiệp, Quang Trung hay Gia Long, họ
không còn là những vị vua “Hoành sóc giang sơn tháp kỷ thu” (Thuật hoài - Phạm Ngũ Lão). với
vẻ đẹp cầm giáo đứng ngang giữa núi trời. Nhà văn đi sâu vào bên trong và tìm cho họ một sự thấu
hiểu cả những dục vọng nguyên sơ bản chất không thể chối từ. Họ là vua nhưng họ cũng là người, là
bậc đế vương nhưng cũng là người đàn ông với những đam mê tình trường. Sự nhìn nhận, đối thoại
lại với họ là để có cái nhìn đúng đắn hơn về con người; văn chương sẵn sàng tôn trọng và nâng đỡ
những dồn nén tâm tư bên trong con người họ.

Văn chương có giá trị không hô hào, cũng không đề cao vai trò của tác giả lên đến mức cùng
cực, mà ở đó, người đọc tự tìm thấy những rung động xúc cảm cho riêng mình. Đọc “Người còn sót
lại rừng cười”, Võ Thị Hảo vừa khắc họa vẻ bề ngoài xấu xí của những người phụ nữ trên chiến
khu, vừa xây dựng những trái tim tâm hồn đầy vĩ đại và cao đẹp của họ, vậy họ tốt - xấu, đúng sai,
hoàn toàn đẹp đẽ hay hoàn toàn xấu xí? Không, họ đa diện, họ phức hỗn, như Thảo, sự ra đi cuối
cùng để lại những dòng thư tự viết cho mình, rốt cuộc để làm gì? Để minh oan cho bản thân, để
người ta hiểu hơn về Thành ư? Họ có đúng sai hay không? Khi nỗi đau của họ bị tàn phá bởi chiến
tranh, bởi họ đau khổ, bởi họ tự trọng, không chấp nhận tình yêu không trọn vẹn, họ đúng - hay sai,
họ tốt đẹp - hay bảo thủ? Võ Thị Hảo cho độc giả tự phán xét, và cũng để người đọc tự hiểu và nhận
ra sự nhiễu nhương trong hồn người, không ai là thiên thần, cũng chẳng ai là ác quỷ. Văn chương
cuối cùng như một trò đùa, đùa ngôn ngữ, đùa tư tưởng, đùa độc giả. Chính cái “đùa” mới kéo
người ta ra khỏi những sự thuyết giáo, những thuyết thư, những sự phản ánh vô ngôn mà những lịch
sử học, xã hội học, triết học đã làm được. Văn chương không lặp lại, mà kiến tạo giá trị bằng tư
tưởng, tình cảm, bằng cái đẹp, bằng việc đi tới sự hạnh ngộ kép: “hạnh ngộ với tác phẩm và hạnh
ngộ với chính bản thân mình” - Fabiere Brugere.

Văn chương có giá trị là thứ văn đi đến con đường nhận thức bâng khuâng những tư tưởng
tình cảm, bằng cái Đẹp. Sự nhận thức đó bao hàm cả nhận tưởng về cái Đẹp, cái xấu, cái cao sang,
hay trần tục, cái bình thường trong tâm hồn mỗi con người. Văn học Việt Nam đã trải qua giai
đoạnc 1945 - 1975 với những thuyết thư về con người với sự lý tưởng hóa đầy cao đẹp, đầy trách
nhiệm như Tnú trong “Rừng Xà Nu” của Nguyễn Trung Thành, như những đoàn binh trên đường
hành quân “Tây Tiến”, “Việt Bắc”. Nhưng văn học không chấp nhận sự miêu tả bề ngoài. Thời thế
thay đổi buộc con người ta phải bước đi trong ánh sáng mới, phương pháp sáng tác mới. Sau Đổi
mới 1986, nhà văn ý thức hơn về việc kiến tạo giá trị tác phẩm của mình bằng cách xây dựng hiện
thực đa chiều, con người đa diện. “Trót mang danh nhà văn thì không thể khoán trắng cho lịch sử”
(Tạ Duy Anh) là tuyên ngôn sáng tác của văn nhân khi đời sống nhiễu nhương không thể chỉ tô hồng
ngòi bút mà họa nên trang. Con người giờ đây đã quá chán ngán với lý tưởng, họ chỉ muốn quay về
đời sống thường nhật, đấu tranh trong sự phản tư, đối thoại để không ngừng khẳng định quyền làm
người của mình. “Bước qua lời nguyền” của Tạ Duy Anh với cậu Tư và Quý Anh, những “mùa hoa
vàng, là đứa con của cuộc đời không thù hận” đã dũng cảm, mạnh mẽ vượt qua thời đại, vượt qua
những lời nguyền gông tù con người. Đó là nhân vật “tôi” - cậu Tư với một tâm hồn từ thuở bé đã
đón nhận mối hận bốn đời của gia đình, dòng họ. Trong “tôi”, vừa có cả những cái khốn nạn, đểu
giả, nhìn Quý Anh bị ăn hiếp mà bỏ đi, cũng có cả một sự nhân hậu, bao dung cùng với tình yêu để
lớn lên trong sự đối chọi với những hủ tục phong kiến. Nhân vật của Tạ Duy Anh với điểm nhìn
trần thuật từ bên trong đã lột tả hết thảy những trở trăn, những tranh đấu để rồi một lần yêu, là một
lần “tôi” khóc òa trong sự day dứt với ông nội, với chú. Quý Anh và cậu Tư, những nạn nhân của
một đời hận thù đã sẵn sàng phơi bày cả cái xấu, cái ác trong mình khi “tôi” hành hạ ông Hứa, ba
Quý Anh, như việc bất lực phải ròng rã hai mươi năm xa quê mới trở về. Họ có hoàn toàn đẹp đẽ,
nhân hậu và bao dung không? Có hoàn toàn nhút nhát, đểu giả không? Họ - cả cuộc đời là sự rối ren
giữa xấu - tốt, giữa thù hận và buông bỏ, giữa ánh sáng hi vọng để khát khao hóa giải. Đó, còn là
cuộc đời đầy đa chiều mà Tạ Duy Anh gởi gắm, thông qua nhân vật người bố, vốn hiểu rằng đời
mình lạc hậu mãi, lại không đủ dũng cảm bước qua, bởi “Cuộc đời cũ nó như thế”.

Dương Tường sáng tác với tôn chỉ: “tôi đứng về phe nước mắt”, về nỗi đau và sự khoan
khoái, hoàn toàn không định hoặc xấu - tốt. Thứ văn thơ của ông vẫn giá trị, bởi nó hướng về con
người, vì con người và những tổn thương của cuộc đời mang lại. Xé toang cái rách nát của những
“chợ ái ân”, người ta tìm thấy hơn hết là sự đồng cảm với những phận “gái điếm” trong màn đêm,
mà ở đó Dương Tường trân trọng họ bằng ngòi bút của mình. “Bella” - bài thơ dành tặng những kẻ
làm vợ người ta đã ra đời trong sự nhân văn đến thế.

Em đi

môi mọng

đùi mọng

vú ấm

tim trống

đầu trống

(...)

Em - đời bỏ quên”.

Họ, những con người bị đồng tiền che mờ lý trí, bị chi phối dẫn lối lạc lõng vào con đường
“bán thân” để tìm lấy cái ăn, cái mặc. Thủ pháp đối lập giữa ngồn ngộn bao nhiêu là xác thịt phụ nữ
“môi, đùi, vú” và tâm hồn, trái tim dường như trống rỗng của họ, Dương Tường đã đặt những phận
người trong cái nhìn đẩy nhân văn. Cuộc sống, đôi khi quá khó để ai đánh giá rằng ai cao đẹp, mỹ
miều hay xấu xa, đểu giả. Có thể họ, những người lấn sâu trong góc tối cuộc đời, những trái tim
trống rỗng, chỉ có xác thịt ở lại kia, có những nỗi đau khổ diễn tả thành hình. Giờ đây, giá trị của
văn chương không phân tách sự hiểu biết, sự cảm nhận về hai phía đẹp đẽ và xấu xa nữa. Nó nhìn
cuộc đời, nhìn con người bằng tình thương, và chính tình thương là thứ nhà văn nuôi dưỡng đứa con
của mình.

Từ việc nhìn nhận những con người đa diện, nhà văn văn khái quát lên những không gian đa
chiều, xã hội đa mặt. Từ hình ảnh của Đới Phượng Liên trong trắng giàu đức hi sinh nhưng cũng
đầy thế tục với những khoái cảm xác thịt, một Từ Chiếm Ngao vừa là thổ phỉ, vừa là anh hùng, vừa
là người đàn ông ham mê khoái lạc, Mạc Ngôn trong “Cao lương đỏ” đã khái quát lên những con
người với đầy những góc sáng - tối khác nhau. Những gì nhà văn “lấy từ bao tải rách Đông Bắc
Cao Mật” là những gì thu nhỏ của xã hội Trung Hoa lúc bây giờ. Mà không chỉ dừng lại ở con
người Trung Hoa, ông còn muốn biến nỗi đau khổ và niềm hạnh phúc, sung sướng của con người
nơi đây thành “nỗi đau khổ, niềm vui sướng của toàn thể nhân loại”. Bởi Đông Bắc Cao Mật trong
“Cao lương đỏ”, “Báu vật của đời” đều là nơi “trong sáng, thế tục nhất, anh hùng hảo hán nhất,
để giả mất dạy nhất, biết uống rượu nhất, biết yêu đương nhất thế gian”. Vùng đất với những triết
lý nhân sinh được Mạc Ngôn gửi gắm đã biến nó từ không gian địa lý thành không gian văn hóa,
không gian văn học. Chính sự nhìn nhận những con người đa diện ở đây, những người đàn ông bất
tài như Thượng Quan Kim Đông, những người phụ nữ ham mê khoái lạc xác thịt để nằm ngủ với
các mục sư như Thượng Quan Lỗ Thị, những người anh hùng được coi trọng không phải do bảo vệ
mà do giết được nhiều người như Từ Chiếm Ngao, đã khái quát con người, vùng đất Cao Mật thành
những “con người, những vùng đất trên toàn thế giới”. Các câu hỏi được đặt ra cho thấy sự tranh
đấu hỗn loạn giữa các cảm xúc, suy tư, trăn trở của Đới Phượng Liên mà cùng là của tất cả những
con người: “Thế nào là trinh tiết? Thế nào là trong sạch? Thế nào là tà ác?”. Con người bao đời,
mãi mãi không chỉ đơn phiến, mà đầy hỗn loạn, đầy tranh sáng tranh tối đến muôn đời. Giá trị của
văn chương, cốt cùng là khắc họa được những phức hỗn của tâm hồn người - đó mới là thứ văn theo
tôi là đầy giá trị.

Nhưng xét đến cùng, có những thứ văn chương ra đời để giải tỏa những ẩn ức ẩn sâu bên
trong lòng tác giả. Họ viết nó bởi vì họ muốn nó có mặt ở trên đời, không vì bất kỳ những lý do gì
cả. Vinh danh Nobel Văn học 2020 là một nhà thơ người Mỹ, với thứ văn chương chỉ là văn
chương, của những im lặng để mặc cho con chữ chuồi ra khỏi trang thơ. Bà là người luôn tìm những
cái đẹp trong lặng yên, chờ nó tự tới, không đào xới, không cưỡng cầu bất cứ điều gì:

Nó im lặng

nếu nó có nói

Nó nói trong những giấc mơ?

Giảm âm thanh của thơ ca về đến mức tuyệt đỉnh, vì thơ chỉ là tiếng ca của cảm xúc, tự thân
nó có giá trị làm đẹp, làm say mê tâm hồn; hoàn toàn không bởi vì giúp ta hiểu được sự cao đẹp,
nhân hậu hay sự khốn nạn, đểu cáng gì. Nó chỉ ra đời vì nó, thế là thế, dường như cái đẹp được đẩy
đến mức phi nghệ thuật như Onitsura, tứ trụ thơ Haiku với quan niệm: “Bên ngoài thực tại, không
có thơ ca”. Chỉ là cảm xúc thôi, khát khao bừng cháy, vỡ lòng và tràn ra, vì:

“Người nghệ sĩ chỉ có thể viết cái anh ta có thể đọc” mà thôi.

Giá trị văn học, lần nữa đặt ra xác quyết về những giới hạn. Liệu nhà văn có quyền hạn vô
biên khi xây dựng tác phẩm của mình không chỉ để miêu tả những cái đẹp, cái xấu trong tâm hồn
người mà con là cái đẹp siêu vượt thiện ác như trong “Bức bình phong địa ngục” của Akutagawa.
Bức tranh cuối cùng của người họa sĩ được vẽ bằng cảnh đứa con gái của ông ta ngồi trong xe ngựa
đang rực cháy và lao xuống dốc. Khuôn mặt đứa con gái đầy hoảng sợ, đau khổ lại là chất liệu để
Yoshihide kiến tạo nên một kiệt tác và những giá trị nghệ thuật? Những công trình nghệ thuật đẹp
đẽ nhưng được tạo nên từ máu, nước mắt và đau khổ của con người thì liệu có còn là nghệ thuật
không? Ngàn vạn câu hỏi, văn chương phải “ác” như “Bức bình phong địa ngục” kia ư? Kiến tạo
nên từ sự kinh khủng của tâm hồn người, phản ánh cái ác, cái tệ tàn mới là giá trị của văn chương ư?

Đồng ý rằng, văn học hậu hiện đại đã đem đến cho con người sự giải thiêng khỏi những áp
bức về thuyết thư thuyết giáo, nhưng đồng thời, nó đã làm đổ vỡ quá nhiều giá trị quan, phá vỡ đại
tự sự, những niềm tin xác tín của con người. Những thứ văn giá trị giúp ta nhìn nhận rõ hơn về sự
ngổn ngang, giăng níu của những điều bên trong tâm hồn người, nhưng nếu quyết liệt quá, bác bỏ
hết thảy những niềm tin về cái đẹp đã dựng bao đời nay, con người liệu có quá tổn thương và lạc
loài, vong thân ngay trên chính xã hội này? Văn chương giúp xoa dịu nhưng giờ đây lại lột tả đến
mức cùng cực những vỡ nát trong con người, rồi cái gì sẽ nâng đỡ và cứu rỗi con người vượt qua
những nỗi đau? Thảm họa, dịch bệnh, thiên tai, văn chương đến chậm nhưng vẫn thức tỉnh đực con
người bằng cảm xúc. Nhưng nếu để tâm hồn người lạc lõng, đau khổ vì nhận ra thế giới quá xấu xa,
tàn bạo, liệu có hoàn toàn đúng?

Đổ nát, mất niềm tin, rồi con người sẽ lạc về đâu?

Con người, càng đa diện đa chiều, càng dung túng cho các ác, cái vị kỉ cá nhân, thì không chỉ
lạc loài trong chính xã hội này, mà còn đánh mất mình giữa thiên nhiên. Đừng biến cuộc đời thành
những “Mùa xuân vắng lặng” bằng thuốc trừ sâu trong tác phẩm của Carson, đừng để tâm hồn và
trái tim im lặng trước nỗi đau của thiên nhiên.

Văn học, cuối cùng là để nâng đỡ con người đi lên, nhìn nhận lại, và an ủi những tâm hồn.
Hãy để văn chương về đúng vẹn nguyên với bản chất của nó, không xa rời.

Không bao chứa phần ác quỷ, văn chương rồi chỉ là khúc nhạc, đàn cho những tâm hồn
người - với vỏn vẹn chữ “người” của con người. Phức tạp, đa đoan hóa ra cũng đầy đẹp đẽ, tuyệt
vời thế.

Đề bài 7:

Bằng trải nghiệm văn chương, anh (chị) hãy đối thoại với hai ý kiến sau:

Bạn đọc ơi,

Bạn là ai,

mà sẽ đọc thơ tôi

một trăm năm sau nữa?

(Trích Người làm vườn – R. Tagore)

Bạn đọc nữ yêu thân đừng bao giờ đặt câu tọc mạch nguy hiểm:
“Ngỏ lời với ai?”
Ai đó có thể là chính bạn

(Trích phần Ngó lời, tập thơ Ngỏ lời – Lê Đạt)

Bài làm

(HS Phạm Thị Kiều Oanh)

Không phải là cảm xúc mà là nhịp điệu của cảm xúc. Không phải là mưa mà là vũ điệu của
mưa. Không phải là bóng tối mà là ánh sáng thoát ra trong dạ dày tăm tối của đêm. Ta là ai trong
căn hầm nghệ thuật:

Bạn đọc ơi

Bạn là ai,
mà sẽ đọc thơ tôi

một trăm năm sau nữa?

- “Người làm vườn” - Rabindranath Tagore -

Và căn hầm ấy, ta tương phùng với ai:

Bạn đọc nữ yêu thân đừng bao giờ đặt câu tọc mạch nguy hiểm

“Ngỏ lời với ai?”

Ai đó có thể là chính bạn

- “Ngỏ lời” - Lê Đạt -

Khi người đọc là mảnh ghép cuối cùng của sự sống tác phẩm. Ta cật vấn tự hỏi ta là ai? Mấy
dấu hỏi siêu hình mà ngay chính người cầm bút cùng luôn trăn trở trong hành trình sáng tạo, đến
bay giờ, trao lại cho ta. Đọc văn, ngẫm thơ, liệu ta đang đối thoại với điều gì trên trang giấy ngả
vàng này đây?

Mỹ học hiện đại quan niệm người đọc là người đồng sáng tạo với tác phẩm. Trong khi đó
Wolfgang Iser quan niệm mỗi tác phẩm là một “kết cấu vẫy gọi” với những khoảng trắng đang chờ
được lấp đầy. Lịch sử của văn học với những thay đổi trong quan niệm sáng tạo đã ảnh hưởng đến
quan niệm về người đọc qua từng thời đại. Văn bản như một chiếc gương thần mà người đọc ghé
xuống bên gương giếng để soi thấy bầu trời xanh và cả sự biến thiên của khuôn mặt mình theo dòng
thời gian. Trong khi Tagore tự băn khoăn về tiểu sử của “người đọc ghé xuống bên trang sách”:

Bạn là ai,

mà sẽ đọc thơ tôi

một trăm năm sau nữa?

như một sự tò mò đối với người tri âm của người. Nó có gì đó đồng ngộ với tâm tình cụ Nguyễn
hơn ba trăm năm trước trong “Độc Tiểu Thanh ký”:

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

- Nguyễn Du -

Tự hỏi người đọc liệu là ai, liệu có thấu tận tấm lòng thi nhân đời trước: một trăm năm, ba
trăm năm… “Bạn là ai” đi tìm câu trả lời đó là một hành trình khó nhọc vì người đọc của anh đến
từ Đông chí Tây, từ gia tộc sang giàu đến kẻ bần hèn không một xu dính túi… Một tác phẩm, một
bài thơ nếu thật sự có giá trị sẽ phá vỡ mọi làn ranh không gian, thời gian để đến với bạn đọc. Đông
Tây kim cổ, nó không quyết định khi giá trị nằm trong mỗi tấc lòng anh viết ra. Điều quan trọng là:
“Ngỏ lời với ai” (Lê Đạt). Đến với tác phẩm đó là một cuộc diễn ngôn thời đại nhưng trong cách
nhìn của phu chữ Lê Đạt, “Ai đó có thể là chính bạn”. Nghĩa là nhấn mạnh tính đối thoại của mỗi
sáng tạo nghệ thuật - đối thoại với chính mình. Diễn ngôn này “đừng tọc mạch nguy hiểm” - tự vấn
đâu xa vì những gì người đọc đang đối diện là buồng chứa tâm can của người cầm bút. Từ Tagore
đến Lê Đạt, hai nhấn mạnh đang đề cập đến vị trí của người đọc trong tác phẩm. Nó khiến chúng ta
tự đối thoại với chính mình từ nhịp nội tâm mà mỗi trang viết gửi gắm. Từ văn chương là thánh thư
thời trung đại đến văn chương là trò chơi ngôn ngữ thời kỳ sau, từ người đọc cổ điển đến người đọc
hiện đại, ta như thực hiện một cuộc song hành đối thoại với “bầu máu” của nghệ sĩ qua từng dòng
văn, dòng thơ.

Bạn đọc là người chung thuyền với nhà thơ. Đau cùng đau, lụy cùng lụy… ấy là khi họ đồng
ngộ trong mỗi sáng tạo của thi nhân. Trong cái nhìn đầy trân trọng về kiếp phù sinh, ta nào thể quên
một lần tương tri trong thế giới của của Ôn Như Hầu:

Hình mộc thạch vàng kim ố cổ

Sức cầm ngư ủ vũ ê phong

- Cung oán ngâm - Nguyễn Gia Thiều -

Cái mà ta gặp gỡ hôm nay từ những “phong” / “‘cổ” trong thơ Nguyễn là thế giới vô tri, hữu
tri đồng nhất trong hai dòng thơ trên. Hai câu thơ thất ngôn trong dòng song thất lục bát của thể tài
ngâm khúc như cái thiếu nhi bất tác của văn học trung đại mà ta từng gặp ở ý thơ Nguyễn Du:

Cảo thơm lần dở trước đèn

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh

- Nguyễn Du -

Đối thoại với mộc - thạch, thế giới vô tri của cây và núi; đối thoại với cầm - ngư: thế giới
hữu tri của những gì đang tồn tại trên mặt đất, tất cả đều đang phôi phai trôi dạt. Một trăm năm sau,
ba trăm năm sau, cũng chỉ còn trong tôi cái mùi diệt dục, tê lỵ của cái xã hội “tuồng ảo hóa” đã đày
đọa lên kiếp sinh của người cung nữ. Tất cả cái phai phôi của mười bốn chữ ấy cũng chỉ là phông
nền cho chính tôi nhận thức cái thế giới ảo - đặc trưng trong thơ Ôn Như Hầu:

Tiêu điều nhân sự đã xong

Sơn hà cùng ảo, côn trùng cùng hư

Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ

Quán thu phong đứng rũ tà huy

Phong trần đến cả sơn khê

Tang thương đến cả hoa lùa cỏ mây

- Cung oán ngâm -

Chung thuyền mà soi mình trong cái gương thần đầy hư ảo mà nhà thơ đặt ra trong hệ thống
ngôn từ, điển tích, đối xứng của mình, tôi nhớ đến sự hư ảo đặc trưng trong triết học muôn đời. Là
Niết Bàn của Thích Ca Mâu Ni, là “Ý niệm Tuyệt Đối” của Platon và Hegel… nhưng hư vô là cái
nhìn nghệ thuật khác biệt của thi sĩ họ Nguyễn. Thơ của ông không khiến chúng ta mơ hồ đối diện
mà lánh đời. Nó khiến tôi tự “ngỏ lời” với sự hư vô thường trong mình: hư vô của phù thế là một
điều hiển nhiên nhưng tôi sẽ hư vô một cách nhập thế, nhập thế một cách hư vô. Hư vô để ta đối
thoại với ý thức trong mình, để thanh lọc, để làm mới mình. Đối diện với cuộc đời hư vô ta sẽ có hai
cách đối diện: lánh đời và nhập thế. Thế giới Nguyễn Gia Thiều bày ra cho người đọc tự trả lời câu
hỏi “ta là ai” và nhập thế. Ta là công dân sống sau ông mấy thế kỉ, ta không xem hư vô là giả thiết
để chấp nhận, hệ quả là quên mình. Chính cái tuồng hư ảo của “hoa cỏ”, của “sơn khê”, chính thi
pháp cổ điển muôn đời cho ta một chuyến thuyền du ngoạn lịch sử và mẫu hệ thời đại ông sống.

Từ những thi cổ hư vô, cuộc đời hư vô cho ta nhiều cách đối diện. Nếu Nguyễn Gia Thiều
cho ta một đáp án rằng xin con hãy nhập thế, thì mấy ngàn năm sau, Nguyễn Tuân cũng đối diện với
dòng trụy lạc hư vô của thời “Tây Tàu nhố nhăng” và chở người đọc lên chuyến thuyền của hoài
niệm.

“Ngỏ lời với ai”, ngỏ lời với chính mình trong “Vang bóng một thời”. Người dọc cổ điển đi
tìm chữ nghĩa trong tác phẩm thì bây giờ đối thoại với chữ nghĩa, với sự đọc, người đọc hiện đại
phải tự đi tìm nghĩa cho chính mình để diễn ngôn cùng chủ nhân bầu chứa tâm can. Trông mười nén
hương mà Nguyễn Tuân thắp lên trong tập “Vang bóng một thời”, ta đối diện với lương tri của
chính mình. Tray mười nén hương chống lại cái “ối a ba phèng” của xã hội, ta không thể quên tam
vị nhất thể của nhân cách đẹp sáng lên trong “Chữ người tử tù”, một cảnh tượng cho chữ. Bằng bút
pháp đoản thiên tiểu thuyết, Nguyễn Tuân đã khắc họa “một cảnh cho chữ đẹp xưa nay chưa từng
có” vì đó là sự đối lập giữa “cái tôi của thực tại” và “cái tôi có thể là”. Cái nghĩa mà bạn đọc được
tự cấp, tự đi tìm ở đây là cái tôi của khuynh hướng lãng mạn chủ nghĩa Đông phương mà họ tìm
riêng trong truyện Nguyễn Tuân. Nó kéo người đọc đến một cái tôi ích kỉ, hoan lạc khác mà họ từng
bắt gặp ở Andre Gide - một nhà văn người Pháp kỉ XX. Không phải là cái tôi của cá nhân thách
thức chủ nghĩa cá nhân Tây phương như trong “Dưỡng chất trần gian” hay “Kẻ vô luân” của nghệ
sĩ Pháp. Một thế giới đẩy đưa theo những nhục cảm, không luân, vô chiêu và vô tăm tích - một thế
giới thoát thân. Nguyễn Tuân khác Gide là ông để bạn đọc được thoát li nhưng vẫn tìm thêm một
điều gì khác trong chính cái tôi lãng mạn ông đang phơi bày. Họ căm phẫn cái xã hội tù đọng nén
con người trong những bản nhạc cổ. Nhưng họ biết cùng Nguyễn Tuân “ngỏ lời” với lối sống tiêu
dao của người phương Đông! Họ biết thưởng thức trà, chén trà trong sương sớm, biết ngẫm chén
rượu thạch lam hương để nghĩ về đạo sống. Nói như Kawabata, một người cùng theo lí tưởng thẩm
mỹ của “cái đẹp”: “Cái đẹp chỉ được tinh khiết hoàn toàn khi chúng ta biết nhìn nó một cách
không vụ lợi, không toan tính”.

Ta biết về một thời đại cái đẹp tàn phai, đọc tác phẩm chính là viễn du trong trường vô tận
của những “phong thư” được gửi không tem dán. Ta ngồi ở xóm trọ này vẫn ngắm được một làng
Đông Bắc Cao Mật “máu người” ở Trung Hoa, vẫn được đến một lâu đài từ chối nhận người khác
biệt - khác họ ở “Lâu đài” của Kafka, vẫn đến được một cái làng Macondo với công ti chuối hủy
dần nền văn minh nhân loại. Không phải là đọc thơ anh tôi mới hiểu anh, mới hiểu thời đại anh, mới
trọn vẹn trong thập thời hôm đó. Tôi hiểu anh từ những gì anh muốn trải và cả những điều anh im
lặng không nói. Nguyễn Huy Thiệp khiến tôi giật mình với cái xã hội đảo lộn trong những vô định
của một chuyến đò chở người sang sông. Ở đó tôi buộc phải giăng ra mấy chục… chứ không phải
mấy lời siêu hình nữa rồi. Tại sao kẻ có học như ông giáo lại vô thần đến thế? Tại sao một tên tướng
cướp lại có thể triết lí như một bậc tiền thần: Trẻ em là nhân đức, là tương lai đấy”? Tại sao một
chuyến tàu lại đầy rẫy mùi vị tục lụy, nói như lời nhà thơ:

Mùi tục vị lưỡi tê tân khổ

Đường thế đồ gót rỗ kì khu

- Nguyễn Gia Thiều -

Cái bóng của dòng sông giác ngộ dưới ngòi bút của Nguyễn Huy Thiệp - người chịu ảnh
hưởng của trường phái Nam Tông Đốn Ngộ của Lục Tổ Huệ Năng. Nó khiến bạn đọc tự sắp xếp lại
những đổ vỡ trong mình từ những mảnh vỡ mà Nguyễn để rơi vãi ra trên mạn thuyền. Cái bóng mà
tất cả những con người trên chuyến đi ấy tự đạp lên nhau chỉ còn mỗi đứa bé, mà tên cướp là giữ
trọn. Phải chăng như Kawabata đã quan niệm về ba loại người mà với ông, là ba lớp người duy nhất
có thể giữ gìn và nhận thức về cái đẹp:

“Trẻ em

Phụ nữ trẻ

Người già sắp chết”

Người đọc như bước vào thế giới của người cầm bút, họ tái tạo vẻ đẹp của vũ trụ mà nghệ sĩ
tạo ra. Sự hòa hợp của con người với vũ trụ như sự hòa hợp vốn nhất thể. Trong thế giới của tuổi
thơ, trẻ em lại thường chịu những quy chuẩn, trói buộc tự Đông Tây kim cổ. Gặp đây người phu chữ
Lê Đạt, ta như được trở về đối thoại với chính tuổi thơ của mình và mở ra một vũ trụ mới - có gì đó
thật khác từ những dòng thơ phá vỡ mọi niêm luật, cấu trúc truyền thống mà ta thường gặp trước
đây:

Anh tìm về địa chỉ tuổi thơ

Nhà số lẻ

phố trò chơi bỏ dở

Mộng anh hường

tim môi em bói đỏ

Giàn trầu già

khua

những át cơ rơi”

- “Át cơ” - Lê Đạt -


Cái mới ở đây là chìa khóa vào vũ trụ ấy đã được trao cho người đọc. Lê Đạt không nói đó là
“tuổi thơ” ai, tuổi thơ đó có gì, đó là một “địa chỉ tuổi thơ” không xác định. Ta ngỏ lời trong sự
phá vỡ cấu trúc thơ của phu chữ. Bằng cấu trúc thơ bậc thang, hình thức thơ tự do, nhà thơ đã xóa
bỏ mọi gò ngay bên trong mình và mở ra “cấu trúc mở” cho những dòng thơ. Cùng viết về thế giới
thần cảm nhưng tuổi thơ của Lê Đạt, của “anh” mà người đọc gặp trong bài thơ dường như là một
mặt trăng - khuyết, nó khác với tuổi thơ của cậu bé Rimbaud trong “Bình minh: là một mặt trời -
tròn đầy. Khi độc giả thấy cậu bé ấy trải qua một tuổi thơ tròn trịa nhận được sự ủng hộ của nguồn
thánh linh Vũ trụ thì đến với “Át cơ”, Lê Đạt như chở độc giả lên chiếc xe “tàng... tàng” trong
những bỏ dở về một thế giới thuần nguyên, gần gũi nhất. Vì bỏ dở là một điều quen. Như những
khoảng trống “bỏ dở” trong tác phẩm để chúng ta đến tô màu. Ta không còn sợ bất khả cô độc như
ý niệm của Bakhtin. Sự toàn vẹn của vũ trụ chỉ là tương đối, điều này đã được chứng minh bởi
Einstein. Và chính nhờ những ”bỏ dở”, “tương đối” đó mà những nhà thơ như Lê Đạt, những người
đọc đang đối diện với tác phẩm như chúng ta và những con chữ đang nỗ lực trọn vẹn sứ mệnh thì
sức sống mới được nối dài. Những hình ảnh “át cơ - tim - môi” rồi “giàn trầu” cùng câu thơ tự do,
cấu trúc thơ bẻ gãy ra từng giọt chữ khiến ta cảm tưởng như nó đang ới á gọi ta đến để làm tròn tuổi
thơ ấy. Hôm nay chúng ta đủ đầy tất cả nhưng tuổi thơ ta vẫn đang bỏ dở bởi những đủ đầy vật chất.
Giá trị dự báo của thơ Lê Đạt chính nằm ở đó. Nó khiến bạn đọc bước vào mê cung và đi tìm mật
mã để mở khóa cuộc đời thật của mình. Không thể đứng mãi trong bất tử mở câu hỏi tôi là ai, họ
phải tự đáp tôi là người tiếp theo tái tạo vũ trụ mà người cầm bút tạo ra.

Trong thời đại Trái Đất:

Trái Đất - ba phần tư nước mắt

Đi như giọt lệ giữa không trung

- Lệ - Xuân Diệu -

Bão cát mịt mù, khi dục vọng đang xâm chiếm nhận thức con người, tác phẩm không thể chỉ
khiến cho bạn đọc đối thoại với chính mình mà còn phải đối thoại với thời đại và tìm ra phương
thuốc để chữa lấy tâm hồn mình. Văn học phải cứu lấy Trái Đất, phải để bạn đọc đứng lên. Với
“Mùa xuân im lặng” (Silent Spring), Rachel Louise Carson - nhà văn sinh thái, nhà tư tưởng sinh
thái có ảnh hưởng nhất thế kỉ XX đã dùng ngòi bút của mình để “biến chuyển dòng lịch sử”
(Thượng Nghị sĩ Ernest Gruening, đại diện bang Alaska nhận xét) khi văn chương không chỉ là ủy
mị mà văn chính đời, là tính khoa học hòa trong tính văn học. Nói và đưa ra những lập luận hết sức
rõ ràng và thuyết phục về tác hại của thuốc trừ sâu DDT ở Hoa Kỳ đối với mọi người, Rachel đã
thức tỉnh người đọc và nhân loại về khủng hoảng môi trường đang đối diện, để văn chương bây giờ
là giá trị nhận thức và dự báo. Viết năm 192, bà đã “thức tỉnh” ngọn bút của những nghệ sĩ trong
thời đại cùng viết về văn học sinh thái và bảo vệ hành tinh này.

Mạc Ngôn trong bài phát biểu tại Diễn đàn Văn học Châu Á với chủ đề “Ai là người có tội?”
đã khẳng định: “Tác phẩm văn học liệu có thể cứu sống tâm hồn con người và trái đất này không?
Kết quả là bi quan. Nhưng dù bi quan thì không có nghĩa là ngừng cố gắng”. Ta không thể quá o bế
văn chương như một chiếc gương thần có thể cho ta soi mình, soi rồi nhưng đổi thay là ở chúng ta.
Văn chương chỉ là thuốc bổ, là thuốc kháng sinh chứ không phải là loại vắc xin ngăn ngừa tuyệt đối.
Nếu thế ai cũng đua đòi làm văn, viết thơ? hi ấy sẽ đầy rẫy những nhà cầm bút dỏm, những cây viết
“le” đời mà tủn mủn giá trị. T phải lấy chữ đạo đ đầu, dẫu viết gì anh cũng phải để tác phẩm mình
mang những giá trị chân thiện mỹ để động tỉnh bạn đọc.

Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới này.

Nhưng cứu đến bao giờ nếu ý thức của bạn đọc không tự ngỏ lời với nhau và liên đối thoại.
Dừng ở mã trong căn nhà nghệ thuật với cái đẹp mà hãy cứu lấy căn nhà hộ sinh trong những bức
thư nhận được từ vò võ hư vô tên. Hư vô từ trung đại đến hiện đại, đến hậu hiện đại đều là cho bạn
đọc ngỏ lời nhập thế.

Đề bài 8:

Cái đẹp mà văn học đem lại không phải là cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống
được khám phá một cách nghệ thuật.

(Dẫn theo Lí luận văn học, Hà Minh Đức chủ biên, NXB Giáo dục, trang 57)

Bằng trải nghiệm văn học, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.

Bài làm:

“Tôi phải viết một cuốn sách về chiến tranh sao cho người đọc chỉ cần nghĩ tới chiến tranh thôi đã
cảm thấy đó là một ý tưởng bỉ ổi. Tâm thần”.

- Svetlana Alexievich -

Bởi văn chương không là trang sử khách quan trung tính. Bởi văn chương cậy nhờ lăng kính
của Cái Đẹp để đánh đông vào tâm can bạn đọc, thổi bùng những xúc cảm, tâm tư. Hà Minh Đức
quan niệm: “Cái Đẹp mà văn học đem lại không là cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống
được khám phá một cách nghệ thuật”. Quan niệm trên chính là một quan niệm xác đáng, bàn về Cái
Đẹp tự tại trong những áng văn chương. Chính cái đẹp trong tương quan chỉnh thể ấy, từ ý lẫn hình,
rồi sẽ làm nên những tác phẩm trác tuyệt.

Nhắc đến văn học, ta thường nhắc đến “Cái Đẹp” như một sự song trùng. Hà Minh Đức
thông qua câu nói trên mà đưa ra một lý giải hoàn chỉnh về khái niệm ấy - “Cái Đẹp mà văn học
đem lại”.

Trước hết, đó phải là “cái đẹp của sự thật đời sống”. Văn chương nghệ thuật vốn gắn bó mật
thiết với hiện thực cuộc đời, là sản phẩm từ thửa ruộng đời thênh thang rộng mỏ. Cuộc đời hỗn độn,
đa chiều kích, lẫn lộn xấu tốc, và văn chương là sự soi tỏ muôn mặt của cuộc sống ấy - không giả
trá, không tô hồng, nhuộm đen. Thế nên, khi Hà Minh Đức xem điều tiên quyết của cái đẹp trong
văn học là “Cái đẹp trong sự thật đời sống”, nó không có nghĩa là văn chương chỉ được nghiêng
bút về những điều cao khiết, tốt đẹp, mà là đích đến sau cùng, những gì còn lại trong dư vang hồn ta
phải là “cái đẹp của sự thật đời sống”. Cũng chính vì vậy, William Faulkner quan niệm: “Nhà văn
không được nói về đau khổ. Anh phải nói về đau khổ và cao quy và giải thoát”. “Cái đẹp của sự
thật đời sống”, ấy là cái đẹp của hiện thực nhãn tiền, song cũng là cái đẹp trong hiện thực tâm tư
của loài người. Những câu thơ của Hồ Dzếnh cũng vì thế, với một nỗi niềm tương tư tế nhị hãy còn
vọng vang trong sâu thẳm lòng ta:

Em đi, tất cả mùa hoa thắm

Tôi vén rèm mây ngó bốn trời

Bụi trắng, thời gian lên sắc trắng

Giật mình: gà gáy, nắng trưa rơi…”

Nhưng “cái đẹp” của thi ca không phải là cái đẹp của tải đạo thuần đơn, không chỉ là cái đẹp
khô cứng trong xác ve sầu mùa hạ. “Cái Đẹp” ấy, nói như Hà Minh Đức, hải “được khám phá một
cách nghệ thuật”. Sự “khám phá” mà ông đề cập ta có thể hiểu theo nhiều nghĩa: sự “khám phá”
trong trải nghiệm và cảm hứng, tức trong quá trình thai nghén tác phẩm gắn liền với nhãn quan
“nghệ thuật” của nhà văn; hoặc sự “khám phá” trong hành trình sáng tạo, thâu rút ý tưởng thành
chữ nghĩa hiển hiện qua tấm áo hình thức “một cách nghệ thuật”. “Cách nghệ thuật” ấy vì thể là
hiện thân của cái hồn, cái tài người nghệ sĩ. Những người nghệ sĩ chiêm ngưỡng những góc độ khác
nhau của hiện thực cuộc sống, tìm thấy ở đó một điều gì lóe sáng mà chỉ duy tâm tư bén nhạy của
anh ta bắt gặp. Để rồi, khi trút tâm tưởng vào diện mạo ngữ ngôn, anh triển khai nó “một cách nghệ
thuật”. Lúc này, nó gắn liền với hình thức nghệ thuật, cách tổ chức tác phẩm, ngữ ngôn, kết cấu hay
bút pháp.. “Cách nghệ thuật” vốn dĩ không có một dạng thức quy chuẩn, chính xác, bởi những
người nghệ sĩ cũng cảm đời, viết đờ theo cách riêng của mình. Vì thế, ngòi bút “nghệ thuật” cũng
chính là một trong những biểu hiện rực rỡ của phong cách độc đáo, giàu sức sáng tạo, không lặp lại
của anh ta; là sự kết tinh, giao hòa của “cái đẹp của sự thật đời sống” qua con mắt, ngòi bút nghệ
sĩ. hành trình ấy đôi khi nằm ngoài sự thức nhận của nhà văn, là kết quả của cả ý thức lẫn vô thức,
để rồi đến tay bạn đọc, duy chỉ còn là Cái Đẹp.

Tóm lại, câu nói trên đã cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về “cái đẹp mà văn học đem
lại”. Đứng bên suối nguồn ý tưởng trong trẻo chảy ra từ đất Mẹ cuộc đời, người nghệ sĩ sáng tạo
(schopfen) há cũng như “múc nước ở nguồn” (Schaffen) (Nietzsche) - cử chỉ tinh tế, hồn đầy thinh
lặng, múc lấy thứ nước đầu nguồn tươi trong thanh khiết, tưới tắm cái mát mẻ dịu ngọt đến muôn
người.

“Cái Đẹp của sự thật đời sống” trước nhất là cái đẹp của hiện thực được phơi bày trước mắt.
Người nghệ sĩ lang thang giữa lòng đời bắt gặp những cảnh sắc đắt giá, song họ không sao chép y
nguyên tấm màn hiện thực. Ngay trong chính hành vi sáng tạo, nghệ sĩ thể hiện cách nhìn nghệ
thuật, thể hiện cả cách soi tỏ hiện thực đầy sống động, chắt chiu và chọn lọc trên trang. Ta thấy rõ
điều này trong những dòng thơ thu của Bích Khê:

Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng

Vàng rời! Vàng rơi! Thu mênh mông

Cây ngô đồng thâu rút nỗi buồn người thi sĩ. Sắc thu vàng nhuộm ươm cây ngô đồng, để rồi
với điệp ngữ “Vàng rơi” như một sự lá hóa ngôn từ và một nét ẩn dụ xúc cảm,hương sắc ấy chuyển
hóa rõ rệt trong không gian. Thu như rơi xuống từ vũ trụ để rồi tỏa tràn “mênh mông”, và thi sĩ
ngập ngụa trong bầu không khí thu ấy để viết, để cảm. Vì yêu thiên nhiên, cuộc đời, vì nhìn thấy vẻ
đẹp ở mảnh đất hiện thực đa thanh sắc, người nghệ sĩ không ngừng viết, không ngừng “khám phá”
ra những góc nhìn khác nhau. Thu ồ ạt của Bích Khê khác hẳn “Hương ổi phả vào trong gió se” tế
vi của Hữu Thỉnh (“Sang thu”), và ta sống trong văn, oosg trong cái đẹp cuộc đời mà ta chưa thấu
thị, thụ cảm trước đây.

Nhưng nếu chỉ dừng chân ở hiện thực, hẳn là oan uổng cho văn chương quá. Văn chương
nghệ thuật muôn đời lấy nhân loại làm trung tâm, cốt là để nuôi dưỡng, hước thiện lòng người.
Người nghệ sĩ vì thế viết về “Cái đẹp của sự thật đời sống” còn là chạm đến những nẻo đường bí
ẩn, cội rễ “nhân chi sơ tính bổn thiện” (Tôn Tử) của loài người. Trong những thời đại khốn khó,
mầm non hồn người vẫn không ngừng hướng về phía ánh sáng. John Steinbeck, cây bút đoạt giải
Nobel Văn học 1962 là một trong những người khiến tôi ấn tượng bởi cách khắc họa lòng nhân đầy
“nghệ thuật” - lòng nhân khi bị đây đến cực hạn và bên miệng lưỡi của cái chết,qua tác phẩm “Của
chuột và người”.

Tác phẩm kể về hai công nhân Mỹ George và Lennie làm thuê cho một nông trang song vẫn
luôn ước ao có được một nông trường cho riêng mình, một giấc mơ vĩnh viễn không hóa thực. Với
kết cấu vòng tròn - mở và kết đều là cảnh chạy trốn gia chủ vì những tai ương mà sự ngốc nghếch
của Lennie vô tình gieo rắc, tác phẩm kết thúc là sự bất thành của lần chạy trốn này. Trong rừng
hoàng hôn, George đã âm thầm bắn hạ Lennie trước khi chủ nhân kịp ập đến và dày ải. “Cái khám
phá” đầy “nghệ thuật” của John Steinbeck được soi rõ trong tác phẩm. Ông đây khổ đau đến cực
hạ. Nỗi khổ đau ấy vận vào trong không gian nghệ thuật cánh rừng vốn đã luôn gieo vào ta dự cảm
khốc liệt ở đầu tác phẩm: “Những ngọn núi như băm xẻ, sừng sững vươn lên như hàm răng của
những con thú lớn”, những cây bông sừng sững nhô lên như bộ xương cháy đen”. John so sánh trần
trụi quá, để rồi không gian áy đi vào lòng ta mở sẵn một khu rừng tối tăm ở đó, để nhân vật của
John cứ thế bước vào chết, lặng và ám ảnh ta đến vĩnh viễn. Trong bối cảnh ấy, không thời gian lạc
lối và ngõ cụt ấy, cái chết của Lennie khiến tôi giật mình trước Cái Đẹp tự tại sâu thẳm - cái đẹp của
thiên luong. Lennie hay “Chí Phèo” của Nam Cao đều nuôi trong lòng một giấc mơ, để rồi đến cuối
vẫn dám đánh đổi cả cái hết để ngưỡng vọng khát khao làm người lương thiện của chính minh.
Thông qua ngòi bút cực hạn, cánh rừng tăm tối, John thắp lên trong ta niềm tin vào “cái đẹp” của
lương tri loài người.

Cũng chính ở đây, t nhận ra “cái đẹp của sự thật đời sống được khám há một cách nghệ
thuật” chưa bao giờ phân liệt với tiếng nói nhà văn. “Cái đẹp”, đúng, hiện thân giữa đời. Nhưng
người nghệ sĩ nếu chỉ làm mỗi công việc nhặt nhạnh và dán ghép thì không xứng với danh xưng của
mình. Ngay trong cách người phát hiện , tái hiện lắm khi vô thức đó, ta thấu triệt lớp trầm tích tư
tưởng mà người nghệ sĩ muốn gửi vào đời. Phần John, ông chọn gắn mình với những biến động xã
hội, song văn của ông cứ thế gieo vào lòng tôi niềm tin cao khiết vào nhân tính, dẫu là trong nẻo
đường tối tăm, khốn khó nhất. Tư tưởng vì thế không chỉ là ý, là hồn của chữ, là “cái đẹp của sự
thật đời sống” náu ẩn trên trang. Nó trú ngụ trong chính hình thức của tác phẩm, trong sự khám phá
và tổ chức “một cách nghệ thuật” của tác gia. John Steinbeck làm được điều đó, và được Viện Hàn
lâm Thụy Điển tôn vinh là ngòi bút của chủ nghĩa hiện thực trong giọng văn hóm hỉnh, sâu cay. Quả
không hổ danh người đã kết thúc dòng văn học tuyệt vọng Mỹ và, cùng với những tác phẩm đời sau
của Ernest Hemingway, mở ra dòng văn học “đặt niềm tin cho con người và dân tộc Mỹ”. Niềm tin
ấy lấp ló trên trang, trong những ái đẹp cùng tận và cực hạn như thế.

Trong chính lăng kính về Cái đẹp ấy, người nghệ sĩ phá vỡ những định niệm sâu xa về cái
đẹp, về nghệ thuật văn chương. Giới độc giả, và thậm chí cả giới làm nghệ thuật, dẫu biết văn
chương khởi nguồn từ hiện thực vẫn luôn tụng ca hư cấu và tưởng tượng như một đôi cánh chắp vào
để áng văn bay xa. Svetlana Alexievich thì khác - thành công khám phá đời sống ”một cách nghệ
thuật”, Svetlana đã gỡ bỏ những định kiến về dòng văn học phi hư cấu. Tự nhận “Chiến tranh
không có một khuôn mặt phụ nữ”, tác phẩm đoạt giải Nobel 2015 của mình là “những bản ghi”, bà
khiến ta ngỡ ngàng bởi một tác phẩm thấm đẫm chất văn. Svetlana “nghệ thuật” ngay trong cách
chọn điểm nhìn ở những người phụ nữ, những người vốn nằm ngoài cuộc chiến, điều mà một tờ báo
khách quan không chủ đích. Bà cũng tinh chọn chi tiết, để thiên tính nữ của những cô gái được soi
chiếu rõ rệt: Có những cô “muốn đứng gác cả tối Tôi muốn nghe tiếng chim”, cũng có những cô dù
đói lắm vẫn dùng trứng để lau bùn bẩn bám trên giày, vì “cá tính đàn bà của tôi mạnh hơn - tôi
muốn thanh lịch”. Cách khám phá tràn trề nghệ thuật của người cầm bút không chỉ soi tỏ phong
cách nghệ thuật của người nghệ sĩ, nó làm nên đạc trưng Cái Đẹp của văn chương, để rồi đẩy những
loại hình khác đến gần hơn với văn chương nghệ thuật nếu nhận chịu chung hai yếu tố: chất liệu
ngôn từ và cách khám phá rất “nghệ” ấy. Mọi con đường đều được nàng văn bao dung ôm chứa, chỉ
cần chúng dẫn đến Cái Đẹp. Chính nhờ nó, văn chương gỡ bỏ những lằn ranh, xích đến gần hơn
những loại hình khác. Những định kiến cứ thế bị đả kích, gãy vỡ, để văn chương cơi nới những lằn
ranh của mình.

Với quan niệm của Hà Minh Đức, ta thấu đạt bến bờ chân -t hiện - mỹ mà văn chương vĩnh
viễn neo đậu. Cái Đẹp trước hết là cái chân, bởi nó là “của sự thật đời sống”, tự thân cái đẹp cũng
chính là cái mỹ, làm giàu tâm hồn ta, cảm quan thẩm mỹ của ta. Để rồi, qua lớp hình tượng, biểu
tượng hay cách dụng ngữ, tổ chức tác phẩm đầy nghệ thuật ấy, văn chương khơi dậy trong ta một
hành trình tự nhận thức, tự giáo dục. Từ rung cảm, ta hằng khát vọng thay đổi, hướng thiện mình.
Không một tác phẩm vĩ đại nào thiếu bóng một trong ba yếu tố trên. Chúng hòa làm một, soi chiếu
nhau, tương trợ nhau, để rồi rọi vào lòng ta chính những điều cao khiết nhất của nghệ thuật văn
chương. Sự hài hòa soi chiếu của ba tiếng “chân, thiện mỹ” theo cách ấy đã đưa những dòng thơ
của Wallace Stevens rọi thẳng vào thần hồn tôi:

Đó là buổi tối hay buổi chiều

Là tuyết vội rơi nhiều

hay bầu trời sắp tuyết

Một con chim đen đẹp tuyệt

đậu xuống dịu dàng lả ngọn tuyết tùng xanh.

- Mười ba cách ngắm con chim sáo đen -

Wallace Stevens viết những lời thơ trắng trong như tuyết, Sắc trắng ấy là sự xóa nhòa, nhòe
mờ của không gian nghệ thuật (tuyết - sắp tuyết) và thời gian nghệ thuật (buổi tối - buổi chiều),
cũng là trắng mờ của hư vô bất phân định. Giữa sắc trắng ấy, “một con chim đen đẹp tuyệt” duyên
dáng xuất hiện. Khổ thơ trên là khổ thơ cuối, là cách thứ mười ba để “ngắm con chim đen”. Sau
những góc độ đa chiều kích, người nghệ sĩ thinh lặng. Không còn gì hiện hữu, trừ con chim như sự
tỉnh thức, thanh tịnh của tâm hồn. Con chim ấy cũng chính là tâm thức trong trẻo mà vị tác giả đạt
tới. Cứ lắng mình trong hiện thực tuyết rơi đầy ám gợi, lặng lẽ ngắm những “đường bay hút mắt
vòng tròn”, chất hiện thực giá tuyết ấy dường như đượm thấm vào thơ của Wallace. Thơ của người
vì thế tìm đến những ý niệm, âm hưởng thâm trầm và tĩnh tại. Giây phút này, tôi nhớ đến câu thơ
của Rimbaud: “Chỉ một màu trắng đến mộng mơ”. Ngòi bút tài hoa vang sắc trắng của Wallace khẽ
chạm lòng tôi, để cảm thức thiền tinh sâu xa cũng vương một khoảnh khắc an bình đốn ngộ, cái
“thiện” soi sáng tự chân tâm. Wallace là một trong những nhà thơ lớn nhất, được kính trọng nhất
của đất Mỹ kỷ XX, hẳn là có lẽ riêng. Cái chân, thiện, mỹ trong thơ ông hòa quyện không tách bạch,
khiến ta xao xuyến, thức tỉnh và cúi đầu…
Và cái đẹp thấm đượm trong văn, loang tràn vào điệu hồn tôi. Đúng, “Cái đẹp mà văn học
đem lại không phải là cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ
thuật”. Tuy nhiên, cũng chính nhận định này mở ra trước mắt chúng ta một thách thức lớn, bởi quan
niệm Cái Đẹp vốn dĩ luôn lung lay, không cố định. Sẽ thế nào nếu Cái Đẹp mà một nền văn học
khác mang lại khiến ta choáng ngợp, vênh lệch? Chúng ta liệu có nên sống ma trong Cái Đẹp gắn
liền với hồn cốt, định kiến dân tộc để định giá những tác phẩm của nước bạn xa xôi?

Có lẽ là không.

Thế kỷ XX, nếu Việt Nam chúng ta vốn đã quen với Cái Đẹp của cô đơn trong dòng chảy
Thơ mới hay Cái Đẹp bi tráng, hào hùng của văn học cách mạng, giới nghệ sĩ phương Tây lai “trình
làng” quan niệm về Cái Đẹp ghê sợ, kinh hãi. Ở đây, Cái Đẹp tự tại trong cả những cuộc tắm gội
bằng lòng ruột và máu thú, hòa điệu cùng âm nhạc và thi ca ở Nhà hát Origen Mysterian (1960) hay
ở những giọt máu rỉ ra từ miệng của nghệ sĩ biểu diễn Orlan (tác phẩm: Sự tái hóa thân của thánh
Orlan, 1990). Chúng có là cái đẹp của “sự thật đời sống” không? Có. Định niệm về vẻ chết chóc
của máu đã gia hạn tầm nhìn của ta, khiến ta khóc lòng tiếp nhận lăng kính phương Tây: Máu đẹp
sắc đỏ rực giàu sức ám gợi, máu gợi vẻ tôn quý trong Cái chết của Chúa Jesus mà những con chiên
ngoan đạo vẫn còn uống đến hôm nay. “Cách khám phá” của họ cũng già “nghệ thuật” - họ táo
bạo, họ dung hợp giữa cũ và mới, và nhờ có họ, thị hiếu thẩm mỹ, quan niệm về Cái Đẹp của loài
người được khai mở, mở mang. Nếu nhận chịu thân phận của một kẻ tiếp nhận bị ấp trong bọc
trứng, nếu không dám bước qua bức tường đinh niệm ngàn năm của địa lý, văn hóa hay tôn giáo, ta
vĩnh viễn không thể hân hưởng những Cái Đẹp ấy, vĩnh viễn tù túng và nghèo nàn.

Cũng từ nhận định của Hà Minh Đức, chúng ta thấu tận phần nào mặt trái của Chủ nghĩa hậu
hiện đại - sự đánh đổ, đả kích mọi vẻ đẹp truyền thống. Chủ nghĩa hậu hiện đại đã thành công trong
việc chấp nhận toàn vẹn con người, kể cả những phần thiếu khuyết nhất, bản năng nhất; đả kích các
đại tự sự, làm đổ vỡ những hoài vọng lớn lao để loài người không còn chịu buộc trong một dạng
thức gông cùm. Song cũng chính ở đây, khi toàn thể “cái đẹp của sự thật đời sống”, từ tình yêu
thánh linh, tôn giáo và sự chung thủy đều đổ gãy, chúng ta nương tựa vào đâu? Chúng ta tổn
thương, chúng ta đau khổ và hỗn mang Thực trạng trên đã soi rõ tầm quan trọng của “Cái đẹp” mà
văn học đem lại. Thiếu vắng “Cái đẹp”, con người lâm nguy.

Tôi thoáng nhớ câu nói của Nguyễn Quang Thiều: “Có những bài thơ cụ thể không thể cứu
rỗi nhân loại nhưng những gì mang tinh thần của thi ca đã và đang cứu rỗi nhân loại”. Tinh thần
thi ca ấy chính là tinh thần cái đẹp. Cuối kỷ XX, thế giới manh nha tư tưởng về sự kết thúc của chủ
nghĩa hậu hiện đại. Giờ đây, chúng ta phập phồng thấp thỏm, chờ xem trong tương lai, một dạng
thức nào của Cái Đẹp rồi sẽ đến như chiếc phao cứu rỗi hồn ta…

You might also like