Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 7

Đề: Phân tích khổ thơ đầu của “Vội vàng” (Xuân Diệu)

Bài làm
“Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”
(Voltaire). Thơ ca chỉ bật ra khi trong tim người nghệ sĩ đang rung lên những nhịp
đập thổn thức, đang ngân lên những điệu ngân của tâm hồn. Chính bởi vậy, mỗi
vần thơ dù ngắn gọn nhưng lại có sức truyền tải đến với người đọc. Nội dung của
thơ ca phải thể hiện một tâm hồn, một trí tuệ. Thơ ca phải thể hiện được tình cảm
và tư tưởng của thi nhân, thơ ca chính là tiếng nói của mỗi cái tôi cá nhân với cuộc
đời. Là nhà thơ, ngòi bút của anh phải chấm vào nghiên mực của cuộc đời thì thơ
anh mới tươi màu neo chặt trong bến tâm hồn người thưởng thức. Trước cuộc đời,
nhà thơ Xuân Diệu luôn là “một nguồn sống rạo rực chưa từng thấy ở chốn nước
non lặng lẽ này”. Ông say đắm hơi thở cuộc đời, miên man trong hình hài tháng
năm hữu hạn. Một con người với lòng yêu đời thiết tha và rạo rực như thế, nhận
thức rất rõ sự băng hoại của thời gian. Thế là “Vội Vàng” ra đời. Đặc biệt ở 13 câu
thơ đầu, nét bút của Xuân Diệu đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên mùa xuân đặc sắc
sinh động và nổi bật ở đó là cả một khao khát sống hết mình, quan niệm nhân sinh
và thẩm mĩ mới mẻ của tác giả.
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
“Khó có thể nói được cái ngạc nhiên của làng thơ Việt Nam khi Xuân Diệu
đến” Hoài Thanh đã mở đầu trang viết về Xuân Diệu trong cuốn “thi nhân Việt
Nam” bằng một giọng điệu nghẹn ngùng và ngạc nhiên như thế. Xuân Diệu đã
bước vào thi đàn Việt Nam như một cơn gió đầu mùa tươi trẻ, tràn đầy sức sống
của một con người mới, một thế hệ mới. Ông bước đi trong dòng chảy thơ ca Việt
những năm 1932-1945 với một cái tôi hoàn toàn nổi bật. Có chăng cái tôi ấy đã đã
làm nên một hồn thơ rất mới mẻ, rất độc đáo, rất Xuân Diệu mà “Vội Vàng” là một
trích dẫn tiêu biểu nhất? Một hồn thơ bồng bột, khát khao giao cảm đến mãnh liệt,
đến cuồng si. Bài thơ bộc lộ nét đẹp của một quan niệm nhân sinh mới: sống tự
giác và tích cực, hãy sống và hãy yêu thương nhanh lên, vội lên cho kịp với thời
gian. Xuân Diệu đã mở màn cho “Vội vàng” bằng bốn câu thơ ngũ ngôn mà nhìn
qua tưởng chừng “lệch nhịp” với toàn bài:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Đoạn thơ đầu trong một bài thơ tự do, Xuân Diệu chọn thể thơ ngũ ngôn ngắn gọn,
xúc tích và bao quát cảm hứng toàn bài. Đoạn thơ có thể coi là ước vọng của cả đời
Xuân Diệu, cho dù nó có phần hoang đường, kì lạ.
“Tôi muốn tắt nắng đi”
“Tôi muốn buộc gió lại”
Hai chữ “tôi muốn” như một tuyên ngôn của cái tôi tự tin và đầy tự tôn trước cuộc
đời này. Với cách đưa đại từ “tôi” lên đầu tiên kết hợp với từ “muốn”, Xuân Diệu
gần như đã lật nhào mọi quy phạm khắcnghiệt của nền thơ ca trung đại trước đó.
Thơ ca trung đại chỉ bàn tới việc nước, việc đại sự liên quan tới tồn vong dân tộc.
Có chăng chút phong cách cá nhân cũng chỉ dám nép mình sau chữ “ta” chung.
Song, các nhà thơ mới và ngay cả Xuân Diệu, tính phi ngã ấy đã bị phá vỡ hoàn
toàn. Cái tôi ấy bàn tới việc gì lớn lao? Đó là khao khát được “tắt nắng” và “buộc
gió”. Thi sĩ như đang vươn mình đoạt quyền năng của tạo hóa, thay đổi mọi quy
luật vũ trụ. Đôn-ki-hô-tê xưa còn tưởng mình đánh bại cả quái vật gió nhưng rốt
cục đó chỉ là cái “cối xay”. Xuân Diệu cũng vậy, người lại có cái khao khát quá
mức hoang đường. Vậy mà thi sĩ muốn “tắt nắng”, “buộc gió”. Hai động từ mạnh
càng như tăng thêm vẻ hăm hở, tự tin của tác giả. Song, khác với Đôn-ki-hô-tê,
nguyên do của khát vọng hoang đường ấy lại hoàn toàn có căn cứ:
“Cho màu đừng nhạt mất”
“Cho hương đừng bay đi”
“Nắng, gió” là những yếu tố, những hiện tượng của thiên nhiên, đại diện cho thiên
nhiên, tác động đến đời sống con người. Nắng không chỉ đem lại sự sống cho con
người mà còn làm phai nhạt hương sắc. Gió không chỉ thổi màu yêu lên phơi phới
mà còn làm cho hương bay sắc biến thế nên “tắt nắng, buộc gió”chính là cách để
cho màu đừng nhạt, hương đừng phai. Những từ ngữ như “tắt nắng”, ”đừng nhạt
mất” để thực hiện một sự níu kéo khi con người không muốn cho màu nhạt mất mà
van xin đừng nhạt. Cũng giống như”tôi muốn buộc gió lại - cho hương đừng bay
đi” cụm từ “nhạt mất” và “bay đi” thể hiện sự trôi chảy, nhạt phai, sự mất mát, chia
lìa không thể cưỡng lại được theo quy luật của tự nhiên. Đây có thể xem là cái “tôi”
độc đáo và đặc biệt của Xuân Diệu tạo cho người đọc một cảm giác rất riêng, rất
mới. Ông muốn ôm hết xuân sắc của đời để sống, để yêu mãnh liệt hơn nữa.
Sau tâm trạng ấy là tiếng reo vui của nhà thơ. Trong cái nhìn của Xuân Diệu, sự
sống quen thuộc quanh ta bỗng trở nên vô cùng hấp dẫn:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa”
Từng chữ một của bốn câu thơ đều nói lên nỗi ham sống đến vô biên, tột cùng đến
trở nên cuồng si, tham lam, muốn giữ lại cho mình và cho đời vẻ đẹp, sự sống ở
trong tạo vật. Câu thơ thứ năm đang từ nhịp điệu gấp gáp của những dòng năm chữ,
thì đột ngột đổ tràn ra trong những dòng tám chữ. Một sự chuyển đổi rất đẹp của
bài thơ, làm trải ra trước mắt người đọc một bức tranh xuân tuyệt diệu. Điệp từ
“này đây”, “của” được lặp lại theo hình thức điệp đảo liên hoàn kết hợp với biện
pháp liệt kê thể hiện sự phong phú choáng ngợp, ngỡ ngàng hên hoan trước cảnh
sắc cuộc đời. Trong bốn dòng thơ ấy đầy ắp những tiếng “này đây” rải ra khắp các
dòng thơ, vừa trùng điệp vừa biến hoá. Những câu thơ gợi hình dung về một con
người đang mê man, đắm đuối, cuống quýt trước mùa xuân đang trải ra cuộc đời.
Đó không chỉ là một bức tranh xuân, xuân sắc, xuân tình mà còn là cách để tác giả
nói đến cái mê đắm về một mùa xuân của tuổi trẻ, của tình yêu. Vì vậy, không có
một loài vật nào khác ngoài “ong bướm, yến anh”, bởi nó gợi ra vẻ lả lơi, tình tứ,
và “bướm lả ong lơi” gợi ý niệm về mùa xuân và tình yêu. Khúc nhạc của tình yêu,
và hơn thế, “của tình si”, gợi nên sự mê đắm. Bên cạnh đó, chữ “của” trở đi trở lại
cùng với “này đây” như một cặp không thể tách rời. Đó là cách để Xuân Diệu biểu
hiện cảm xúc trước thiên nhiên luôn có sự kết đôi, mọi vật quấn quýt lấy nhau, là
của nhau không thể tách rời. Tất cả đều mang vẻ đẹp của sự trẻ trung và sức sống.
“Hoa” nở trên nền “xanh rì” của đồng nội bao la, “lá” của “cành tơ” đầy sức trẻ và
nhựa sống. Cảm giác non tơ, mơn mởn ấy lại được tôn lên trong sự hiệp vần “tơ
phơ phất” ở sau. Và như thế, cuộc sống hiện ra trong hình ảnh của một vườn địa
đàng, trong xúc cảm của một niềm vui trần thế. Giá trị nhân văn của những câu thơ
và cả bài thơ chính là ở đó. Nếu như bốn câu thơ trên có vẻ như đã cân xứng, hoàn
chỉnh rồi, thì câu thơ thứ chín xuất hiện bằng ba chữ “và này đây”, như thể một
người vẫn còn chưa thoả, chưa muốn dừng lại, trong cảm xúc đầy tiếc nuối muốn
giăng bày cho hết niềm vui được sống. Nhưng đây không còn là những hình sắc cụ
thể như “lá, hoa, ong bướm” mà trừu tượng hơn là ánh sáng, niềm vui, thời gian –
những vật thể không hữu hình. Đó cũng là cách để nhà thơ bộc lộ quan điểm thẩm
mĩ mới mẻ và thú vị. Thiên nhiên đã thôi không còn là chuẩn mực của vẻ đẹp trong
quan niệm của Xuân Diệu. Vẻ đẹp của thiên nhiên chỉ được coi là đẹp khi mang
dáng dấp của vẻ đẹp con người. Ánh sáng đẹp vì gợi ra liên tưởng về “hàng mi”
của một đôi mắt đẹp. Niềm vui đẹp vì gợi ra liên tưởng về một vị thần, đại diện cho
con người. Tình yêu đang ríu rít gọi nhau như trong ngày hội giao duyên. Không
khí yêu đương say đắm ấy ta đã bắt gặp trong chính thơ Xuân Diệu:
"Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều"
(Thơ duyên)
Và xúc cảm thẩm mĩ được nâng lên đến đỉnh điểm trong câu thơ về tháng giêng,
gợi nên vẻ đẹp của sự táo bạo, cuồng nhiệt, làm người đọc thơ phải sửng sốt:
“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.”
Mùa xuân hiện ra trong sức gợi cảm kì lạ bởi một vẻ đẹp như đang đợi chờ, đang
sẵn sàng dâng hiến. Vì thế, mùa xuân như sinh ra cho con người tận hưởng, cho
hạnh phúc đến với con người, làm nên một khía cạnh khác nữa của tinh thần nhân
văn của bài thơ. Ở đó, cái quý giá, đẹp đẽ nhất của con người lại là chính con
người. Vì vậy, con người là thực thể cao nhất, chứ không phải là thiên nhiên, là tôn
giáo hay một chuẩn mực đạo đức nào. Con người trong câu thơ này đã được tôn lên
làm chuẩn mực thẩm mĩ, làm cho người đọc ngạc nhiên, sửng sốt. Tác giả đưa ra ý
niệm về một tháng trẻ trung nhất của một mùa trẻ trung nhất trong năm : “tháng
giêng”. Nhưng sự bất ngờ lại đến từ chữ thứ ba – nhịp thơ 3/5 khiến trọng tâm ẩn
dụ chuyển đổi cảm giác rơi vào từ “ngon”, điều mà ít ai có thể ngờ. Và càng không
ai có thể nghĩ rằng tác giả lại so sánh với “cặp môi gần”. Nhưng có được sự so sánh
ấy thì thời gian trừu tượng mới trở nên gần gũi, do vậy mùa xuân hiện lên trong
cảm xúc của một tâm hồn đang thèm khát tận hưởng. Vẻ đẹp của mùa xuân như đã
bị hoàn toàn chiếm hữu. Hình ảnh so sánh ấy như một người đang đợi chờ, sẵn
sàng dâng hiến cho tình yêu. Và hẳn phải có một tình yêu thật nồng nàn với cuộc
đời thì tác giả mới tạo ra được một hình ảnh lạ kì đến thế.
Nhưng ngay lúc thi sĩ đang ngất ngây mê đắm vô cùng trong niềm tận hưởng mật
ngọt tình yêu nơi thiên đường trần thế, đang thỏa thuê với bữa tiệc lớn của trần gian
và reo lên “tôi sung sướng” thì cũng chính là lúc thi nhân ngừng lặng với cảm giác
“vội vàng một nửa”:
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa”
Câu thơ được thi nhân ngắt làm hai, thể hiện niềm vui một cách không trọn vẹn.
Nhà thơ đã nhận ra rằng điều sung sướng ấy thật ngắn ngủi biết bao. Chính dự cảm
mơ hồ về sự mong manh và ngắn ngủi của kiếp người đã khiến cho thi nhân phải
sống tận hưởng một cách vội vàng. Từ trạng thái vui tươi phấn chấn đầy yêu đời
“tôi sung sướng” bỗng xuất hiện dấu chấm, như một điềm báo trước một sự hụt
hẫng lo lắng phía sau. Dấu chấm giữa dòng khiến câu thơ như bị chẻ đôi, một bên
là niềm vui sướng hân hoan một bên là vực thẳm của sự hoài nghi, lo âu. Ta có thể
thấy niềm vui như chùng xuống, khựng lại và không trọn vẹn. Bởi, Xuân Diệu phát
hiện rằng điều sung sướng mà ông đang tận hưởng ấy ngắn ngủi biết bao, mong
manh biết bao. Thời gian chảy trôi tuyến tính một đi không trở lại. Trước sự chảy
trôi của thời gian, có được bao nhiêu lâu để đắm chìm hân hoan cho giây phút hiện
tại. Chính vì dự cảm mơ hồ về sự mong manh, ngắn ngủi của kiếp người đó đã
khiến cho thi nhân sống vội vàng tận hưởng:
“Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”
Thông thường người ta chỉ tiếc nuối cái gì đã qua, đã mất. Nhưng Xuân Diệu lại
tiếc nuối những gì đang có. Tâm trạng này của Xuân Diệu có nét tương đồng với
tâm trạng của Nguyễn Bính:
"Hôm nay có một người du khách
Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên"
Khác một điều, nếu thơ Nguyễn Bính là từ cùng một tọa độ mà thương nhớ, thì
Xuân Diệu lại cùng một thời điểm mà thương nhớ. Dù bất lực trước dòng chảy thời
gian, trước quy luật của thiên nhiên nhưng Xuân Diệu không bi quan về cuộc sống
mà ông đã tìm đến một cách giải quyết tuyệt vời. Đó chính là đừng tiếc nuối cho
tương lai mà hãy tận hưởng sống hết mình cho giây phút hiện tại. Bởi tương lai
chắc chắn sẽ đến, thời gian chắc chắn sẽ đến, mùa xuân sẽ qua cũng như mùa hạ sẽ
đến, con người vốn không thể thay đổi được những điều hiển nhiên ấy. Hai câu thơ
được xem như hai cái bản lề khép mở tâm trạng vừa vồ vập đắm say vẻ đẹp của
cuộc sống tình yêu vừa là linh cảm bất an, băn khoăn âu sầu của nhà thơ vì thời
gian qua mau, tuổi trẻ một đi không trở lại, quả thật Xuân Diệu là nhà thơ của
những cảm quan tinh tế về thời gian.
Khi một thi sĩ nâng bước chân của mình tiến vào văn đàn, là lại thêm một
cuộc giao duyên giữa người và thơ được tiếp biến. Đó là khi tâm hồn của họ vun
tưới cho cuộc đời, và cũng là lúc cuộc đời trở thành bài thơ trong mắt họ. Từ đó,
những thương yêu hay khổ đau, những miên viễn của hiện thực trở thành thánh địa
cho kẻ làm thơ vung bút. Qua bài thơ “Vội vàng của mình, Xuân Diệu đã thể hiện
trong bài thơ cái “tôi” của thời đại thơ mới về một ý thức ráo riết về giá trị đời sống
cá nhân, một quan niệm táo bạo đầy tính cách mạng trước những quan niệm cũ kĩ
vốn cản trở việc giải phóng con người, một niềm thiết tha với cuộc sống, niềm vui
trần thế và một khát khao sống mãnh liệt và một tâm thế cuồng nhiệt, tích cực. Và
để có thể sáng tạo ra được bài thơ, thi nhân đã vận dụng khả năng cảm thụ đời sống
của mình hun đúc cùng bàn tay đầy nghệ thuật. Với việc vận dụng sự kết hợp
nhuần nhị giữa cảm xúc mong manh và mạch lý luận, giọng điệu say mê, sôi nổi
cùng với những sáng tạo độc đáo về ngôn từ và hình ảnh thơ. Ông đã chứng tỏ
được sự tinh anh của mình, là một tài năng lớn ẩn sau một hình hài bé nhỏ, là một
kiếp người sống trọn vạn kiếp đời. Sống mạnh mẽ, tích cực dám khẳng định bản
thân là lẽ sống cao đẹp, thể hiện ý thức trách nhiệm và sự trân trọng từng phút giây
của con người với sự sống. Tuy nhiên, có không ít người hiểu quan niệm này một
cách lệch lạc, họ sống nông nổi, sống nhanh, sống vội, bất chấp, khẳng định minh
một cách tiêu cực. Vì vậy, cần xác định quan điểm sống lành mạnh biết cống hiến
và hưởng thụ, biết sống cho hiện tại và tương lai, trân trọng từng phút giây quý giá
của cuộc sống.
“Những câu thơ mỏng tựa cánh chuồn
Ngàn năm bay ngược bão
Mang sấm sét của những vùng chưa qua
Mang ánh trắng của những thời chưa tới
Cái mong manh thắng được cả sắt thép
Bền vững đến muôn đời…”
(Bản “Sonat hoang dã” – Trần Nhuận Minh)
Như vậy, chính những giá trị chân chính đã làm nên sự bền vững đến muôn đời của
văn chương nghệ thuật. Cũng mỏng tựa cánh chuồn chuồn, nhưng với tài năng và
tâm huyết của Xuân Diệu, “Vội vàng” vẫn có thể thắng được cả sắt thép, vượt qua
mọi biến thiên lịch sử và để lại trong lòng người đọc những dấu lặng về ý nghĩa:
Trong thế gian này, đẹp nhất, quyến rũ nhất chính là con người giữa tuổi trẻ và tình
yêu. Thiên đường không đâu xa mà chính là cuộc sống giữa thiên nhiên tươi đẹp
nơi trần thế. Vì vậy hãy sống thật mãnh liệt, hãy đắm say tận hưởng và tận hiến hết
mình để mỗi ngày ta được sống trọn vẹn trong tình yêu và hạnh phúc. Nhờ vào
những triết lý nhân sinh đó, Xuân Diệu cũng những áng thơ bất hủ của mình sẽ
cùng trường tồn mãi với thời đại.

You might also like