Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 20

CHỦ ĐỀ 6

Câu 1.
a. Theo văn bản 1, để kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp đó, các
thế hệ trẻ Việt cần: nỗ lực lao động, dựng xây, đóng góp công sức để thực hiện thành
công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Việt Nam sánh vai với các cường
quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.
b. Thành phần phụ chú: sinh năm 1993, bí thư Đoàn Công ty cổ phần Việt Nam
kỹ nghệ súc sản (Vissan).
c. Điểm giống về nội dung giữa hai văn bản: đều nói về tinh thần học tập và
làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Điểm khác về nội dung giữa hai văn bản:
- Văn bản 1: đề cao những hi sinh của thế hệ cha anh, của Hồ Chủ tịch đối với
dân tộc và khẳng định trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trong việc kế thừa, tiếp nối
truyền thống bất khuất ấy.
- Văn bản 2: ca ngợi tấm gương điển hình cho việc học tập và làm theo tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Trần Thanh Khoa qua những việc làm,
đóng góp thiết thực, cụ thể của anh.
d. HS tự do trình bày quan điểm cá nhân, miễn hợp lí và thuyết phục; lưu ý đảm
bảo số câu theo yêu cầu:
Có thể theo gợi ý sau:
- Tâm đắc với bài học về “tinh thần không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức”
vì chỉ có học hỏi mới có thể giúp bản thân phát triển, có nền tảng tạo dựng một cuộc
sống tốt đẹp, tạo ra những thành tựu cho bản thân, cống hiến cho xã hội.
- Tâm đắc với bài học về “sống và làm việc với tinh thần tiết kiệm” vì giúp bản
thân không lãng phí tiền bạc, công sức, thời gian,… vào những chuyện vô bổ; tập
trung mọi nguồn lực để nâng cao bản thân, làm những việc có ích cho xã hội.
- Tâm đắc với bài học về “sống và làm việc với tinh thần giản dị” vì giúp bản
thân tránh được những áp lực từ sự cầu kì, phức tạp; tìm thấy được sự thư thái, thoải
mái về vật chất lẫn tinh thần;…

Câu 2:
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận.
2. Giải thích:
- Thanh niên là cụm từ dùng để chỉ những người trẻ, thuộc vào khoảng 16 đến 30
tuổi. Đây là độ tuổi sung sức, giàu nhiệt huyết, ham học hỏi, thích khám phá nhiều
điều mới mẻ và luôn mong muốn khẳng định bản thân. Thanh niên là giai đoạn nền
tảng, quan trọng trong cuộc đời.
- Ý kiến trên khẳng định: Thanh niên chính là những người kế thừa và quản lí đất
nước trong tương lai. Muốn đất nước phát triển, thế hệ trẻ phải ra sức học tập, rèn
luyện không ngừng. Ý kiến vừa đề cao vai trò của thế hệ trẻ đối với tương lai đất
nước, vừa nhấn mạnh sứ mệnh cao cả, cơ bản nhất mà thanh niên Việt Nam phải hoàn
thành.
3. Bàn luận:
- Với một tư duy nhạy bén, thích ứng nhanh, các bạn trẻ hoàn toàn có thể tiếp thu
nhanh những bài học, kinh nghiệm từ những thế hệ đi trước, từ bạn bè quốc tế; có thể
vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo. Việc học tập không ngừng từ hôm nay, giúp
thanh niên trang bị đủ kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh để lèo lái con thuyền đất nước một
cách vững vàng, vươn tới những tầm cao mới trong tương lai không xa.
- Nếu thanh niên không chịu học tập mà chỉ biết sống hưởng thụ, thỏa mãn với
thực tại không chỉ khiến bản thân rơi vào tình trạng tụt hậu, trì trệ, sa ngã mà còn ảnh
hưởng đến vận mệnh của quốc gia dân tộc. Đất nước không thể nào tồn tại lâu bền
nếu thiếu vắng một thế hệ tiếp nối tinh anh. Thanh niên “chỉ thật sự là thanh niên”, chỉ
khẳng định được giá trị của bản thân khi biết sống có lí tưởng, biết cống hiến cho
cộng đồng mà khởi đầu là việc trau dồi, nâng cao bản thân từng ngày.
- Tuy nhiên, không phải người trẻ nào cũng có năng lực vượt trội để tạo ra những
điều lớn lao phi thường cho cộng đồng. Nhưng đã là thanh niên, thì cần phải ý thức
luôn cố gắng, cầu tiến, sống một cách có ích, làm những điều tốt đẹp cho cuộc đời.
- Phê phán những người trẻ chủ động lựa chọn lối sống tiêu cực, sa ngã: hưởng
thụ, lười biếng, không biết học hỏi, cố gắng; sống lợi dụng công sức lao động của
người khác; có những hành vi bạo lực, bất chấp luật pháp;…
4. Bài học nhận thức và hành động:
- Các bạn trẻ cần ý thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng
xã hội; biết sống có lí tưởng, mục tiêu tốt đẹp; đề cao lợi ích của cộng đồng tập thể;…
- Cống hiến sức mình cho xã hội bằng những việc làm thiết thực, cụ thể: ra sức
học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn; rèn luyện phẩm chất, giữ gìn đạo đức trong
sáng; bày trừ, lên án những hành vi sai trái ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội;…
Lưu ý: Học sinh cần phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.

Câu 3.
Đề 1.
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận:
- Viễn Phương quê ở An Giang, là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của
lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam thời chống Mĩ, thơ ông thường nhỏ nhẹ,
giàu tình cảm và chất mơ mộng ngay trong những hoàn cảnh chiến đấu ác liệt nhất.
- Năm 1976, sau ngày đất nước thống nhất, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa
khánh thành, Viễn Phương ra thăm miền Bắc, vào lăng viếng Người. Những tình cảm
đối với Bác Hồ kính yêu đã trở thành nguồn cảm hứng chính để nhà thơ sáng tác thi
phẩm này. Bài thơ trích trong tập Như mây mùa xuân.
- Dẫn vào vấn đề nghị luận.
2. Cảm nhận bài thơ được chọn:
a. Nội dung: Diễn biến tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ khi đến viếng lăng Bác.
 Những cảm xúc ban đầu:
- Mở đầu bài thơ, Viễn Phương đã bày tỏ ngay tình cảm sâu nặng, ruột thịt của
mình bằng câu thơ giản dị, bằng lời kể mộc mạc, chân tình:“Con ở miền Nam ra
thăm lăng Bác”. Cảm xúc được thể hiện một cách gần gũi, thân thương, kính trọng
qua nhiều thanh bằng và cách xưng hô với đại từ “Con – Bác” mang đậm phong
cách miền Nam. Tự đáy lòng của người con đến thăm cha, Viễn Phương nói với
Bác: “Con ở miền Nam….” thể hiện nỗi khát khao của con mong gặp Bác và cũng
là nỗi nhớ nhung của nhân dân miền Nam đối với Bác. Câu thơ giản dị nhưng bao
hàm một ý nghĩa lớn. Nhà thơ mang theo cả niềm tự hào đó của đồng bào miền
Nam để đến với Bác. Vì vậy, từ “viếng” đã được nhà thơ thay bằng từ “thăm” để
giảm nhẹ nỗi đau cũng như bày tỏ niềm tin rằng Bác vẫn sống mãi. Tuy nhiên, câu
thơ cũng không che giấu được cảm xúc đang trào dâng cuồn cuộn trong lòng.
- Ấn tượng đầu tiên về lăng Bác là những hàng tre ngoài lăng: dài rộng, mênh
mông ẩn khuất trong làn sương buổi sớm.“Hàng tre bát ngát” cuốn hút cảm xúc
của nhà thơ. Qua hình ảnh hàng tre quen thuộc tác giả gửi gắm một ý nghĩa tượng
trưng nhằm ca ngợi Bác, ca ngợi dân tộc. Chắc rằng, cũng như mọi người Việt Nam,
trong tâm khảm nhà thơ, cây tre là hình ảnh giản dị, thân thuộc, đời đời gắn bó với
quê hương làng xóm. Cây tre - biểu tượng cho sự bất khuất, kiên cường nhưng giản
dị, thanh cao của người dân Việt Nam – đã để lại một dấu ấn đậm nét trong lòng tác
giả trước khi bước vào lăng Bác. Từ cảm thán “Ôi” biểu thị bao niềm cảm xúc tự
hào với những “đặc tính”, “phẩm chất” của cây tre –và cũng là phẩm chất cao quý
của con người Việt Nam. Ở Bác có tất cả những gì mà những con người Việt Nam
từng có, cũng cái dấu hiệu xanh tươi sự sống ấy, cũng cái kiên cường “đứng thẳng
hàng” trong gian khó“bão táp mưa sa” ấy. Hàng tre đứng đó, bên lăng Bác như ru
giấc ngủ ngàn thu của Bác, gắn bó mãi mãi với Bác như dân tộc Việt Nam vẫn kính
trọng Bác mãi mãi.
- Hai câu thơ mở đầu khổ 2 đầy sinh động với nhiều hình ảnh gợi cảm được tạo
nên từ những hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi với nhau. Một mặt trời thực
đi qua trên lăng, là mặt trời của tự nhiên, của muôn loài, soi sáng cho muôn loài,
đem lại sức sống cho nhân loại. Từ mặt trời thật ấy, một mặt trời ẩn dụ khác hiện ra
trong lăng, rất đỏ. Bác tồn tại vĩnh cửu trong lòng mỗi người dân Việt Nam như sự
tồn tại của một mặt trời thật. Bác soi sáng đường cho dân tộc ta đi, cống hiến cả
cuộc đời cho sự nghiệp giành độc lập của Tổ quốc – sự cần thiết của Bác với cách
mạng Việt Nam như trái đất cần đến ánh sáng mặt trời. Sử dụng hình ảnh ẩn dụ
“mặt trời trong lăng rất đỏ” để ca ngợi sự ấm áp và vĩ đại của Bác. Ẩn dụ mặt trời
ở đây chưa đủ nói về Bác nên phải nhấn mạnh thêm cho rõ cái đặc tính của vầng
mặt trời ấy: rất đỏ - mãi mãi đỏ thắm, mãi mãi là nguồn sưởi ấm, nguồn sáng soi
đường cho con người Việt Nam.
- Ngoài ra, tác giả còn thấy hình ảnh dòng người thăm lăng “dòng người đi
trong thương nhớ” là một hình ảnh thực, mọi người viếng Bác đều xếp hàng với
thái độ thành kính trang nghiêm, kết hợp với hình ảnh “tràng hoa” được kết bởi
những người con của mọi miền tổ quốc thành tràng hoa tươi thắm, dài vô tận dâng
lên Bác tạo nên một hình ảnh so sánh ẩn dụ đẹp, vô cùng sáng tạo và mới mẻ.
Cụm từ“dâng bảy mươi chín mùa xuân” là cách sử dụng hình ảnh hoán dụ mang ý
nghĩa tượng trưng thể hiện lòng thành kính của nhà thơ và nhân dân thật giản dị,
tinh tế. Từ “dâng” chứa đựng biết bao tình cảm kính trọng. Nhịp thơ chầm chậm
như bước chân của dòng người lặng lẽ đi trong suy tưởng, bao trùm một một không
khí thương nhớ Bác không nguôi, thành kính kết tràng hoa tình yêu dâng bảy mươi
chín mùa xuân của Người. Lấy một nét trong cuộc đời Bác (Bác Hồ sống 79 tuổi),
con người bảy mươi chín mùa xuân ấy đã sống một cuộc đời đẹp như những mùa
xuân và đã làm ra những mùa xuân cho con người, đất nước Việt Nam. “bảy mươi
chín mùa xuân” tượng trưng cho 79 năm Bác đã cống hiến cuộc đời cho đất nước,
cho cách mạng.
 Khi bước vào trong lăng đến gần bên để viếng Người:
- Hình ảnh “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên” khẳng định một lần nữa Bác
không mất mà chỉ nghỉ ngơi sau những tháng ngày làm việc miệt mài vì nước vì
dân. Nhà thơ sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh không chỉ để giảm nỗi đau trong
lòng những người con Việt Nam Từ ánh điện mờ ở trong lăng, nhà thơ liên tưởng
đến một hình ảnh rất đẹp: “vầng trăng sáng dịu hiền”. Hình ảnh đó đã đưa người
đọc vào một thế giới huyền diệu, trong sáng và thanh khiết; càng gợi ta nghĩ đến
tình yêu thiên nhiên, yêu trăng nồng nàn của Bác. Vầng trăng kia đã bao lần sáng
lên trong thơ Người. Giờ đây, Bác nằm đó, trong giấc ngủ bình yên, giữa “vầng
trăng sáng dịu hiền”. Nó gợi đến tâm hồn cao đẹp, sáng trong của Bác gợi nên tính
cách hiền hậu, tình cảm của bác đối nhân dân, đất nước Việt Nam.
- Bác đã hóa thành thiên nhiên, đất nước, dân tộc. Dù biết như thế nhưng vẫn
nghe nhói ở trong tim. Đó chính là mâu thuẫn giữa lý trí và tình cảm của nhà thơ.
Lời thơ êm ái, nhẹ nhàng, giọng thơ gợi niềm xúc động chân thành. Hình ảnh ẩn dụ
“trời xanh là mãi mãi” khẳng định sự trường tồn, hóa thân vào thiên nhiên, đất
nước dân tộc cùng non sông như trời xanh còn mãi. Cảm xúc đau xót của tác giả
được biểu hiện cụ thể, trực tiếp “Mà sao nghe nhói ở trong tim”. Dù lí trí vẫn luôn
trấn an lòng mình rằng Bác vẫn sống đấy, vẫn còn dõi theo Tổ quốc mãi mãi như
màu xanh thanh bình trên nền trời Tổ quốc độc lập nhưng con tim ta vẫn nhói đau
vì một sự thật đau lòng. Một từ “nhói” của nhà thơ nói hộ ta nỗi đau đớn, nỗi đau
vượt lên mọi lí lẽ, mọi lập luận lí trí. Nhà thơ đã tạo ra một hệ thống hình ảnh vũ trụ
mênh mông, bao la, rộng lớn:“Mặt trời”, “vầng trăng”,“trời xanh” và những hình
ảnh ấy được ví với Bác, sự rực rỡ vĩ đại của Người chính là niềm tự hào lớn nhất
đối với dân tộc Việt Nam. Dù Bác ra đi thật sự rồi nhưng những điều Bác đã làm
vẫn sẽ đọng lại trong tâm hồn, hình ảnh Bác vẫn tồn tại trường kì trong trái tim mỗi
người dân Việt Nam.
 Khi rời khỏi lăng:
- Khổ thơ cuối như một lời từ biệt đầy xúc động. Thương Bác, thương đến trào
nước mắt, một tình cảm yêu quý mãnh liệt, trọn vẹn như tình cảm của người con
đối với người cha ruột thịt. Nhà thơ chia tay Bác trong tiếng khóc nấc nở nghẹn
ngào. Làm sao ngăn được dòng nước mắt thương nhớ Bác - một con người vừa vĩ
đại, thanh cao, vừa gần gũi thân thiết với chúng ta, một con người suốt đời hy sinh,
cống hiến cho dân tộc nay vĩnh viễn nằm lại trong lăng? Nhà thơ lưu lưyến không
muốn rời xa Bác.
- Điệp ngữ “Muốn làm” được lặp lại 3 lần khẳng định mạnh mẽ những ước
nguyện nghẹn ngào, tha thiết muốn hóa thân vào thiên nhiên nơi vườn Bác để được
ngày ngày ở bên Người. Ước chi ta có thể biến hình thành những gì thân yêu quanh
nơi Bác ngủ để mãi mãi được chiêm ngưỡng Bác, cuộc đời và tâm hồn của Bác, để
bày tỏ lòng ta với Bác. Một con chim nhỏ góp tiếng hót làm vui những bình minh
của Bác, một đóa hoa góp mùi hương làm thơm không gian quanh Bác hay một cây
tre trong hàng tre xanh xanh Việt Nam tỏa bóng mát dịu dàng quê hương của Bác,
tất cả đều làm Bác vui và ngủ an giấc hơn. Đây cũng chính là nguyện ước chân
thành, sâu sắc của hàng triệu con tim người Việt sau một lần ra thăm lăng Bác.
- Ba câu sau với nhịp thơ nhanh, dồn dập, quấn quýt mà tha thiết, sâu lắng diễn
tả sự thôi thúc trong cảm xúc của nhà thơ khi viết về Bác. Đoạn thơ dạt dào tình
cảm, nhịp điệu thiết tha, cùng với hình ảnh cây tre trung hiếu một lần nữa truyền
đến người đọc sự xúc động nghẹn ngào. Nó thể hiện lòng thành kính thiêng liêng
của một con người Nam Bộ cũng là đại diện cho những người con Việt Nam
nguyện trọn trung trọn hiếu với Người và dân tộc.
b. Nghệ thuật: Được viết bằng thể thơ tám chữ với cách gieo vần và nhịp thơ linh
hoạt; giọng điệu vừa trang nghiêm sâu lắng, vừa tha thiết, vừa đau xót, vừa tự hào;
bài thơ thể hiện sự xúc động, tấm lòng thành kính, lòng biết ơn sâu sắc của tác giả
khi từ miền Nam ra viếng lăng Bác. Tác giả đã tinh tế lựa chọn ngôn ngữ giản dị,
chân thành nhưng giàu cảm xúc; phát huy triệt để giá trị của các biện pháp tu từ (ẩn
dụ, so sánh, điệp ngữ,…) trong việc xây dựng hình ảnh thơ đầy sáng tạo, rất chân
thực nhưng có ý nghĩa khái quát, biểu tượng và sức biểu cảm cao.
3. Nêu ra những tác động của bài thơ (hoặc khổ thơ, đoạn thơ) đối với bản thân:
- Hiểu thêm về tình cảm tiếc thương, trân trọng mà nhân dân miền Nam dành cho
Bác (Đối với đồng bào miền Nam, dù chưa một lần được gặp Bác nhưng luôn hướng
về Người với nỗi nhớ mong da diết. Khi nghe tin Bác đi xa, người dân miền Nam
nghẹn ngào, tiếc thương vô hạn. Không chỉ tổ chức lễ tang mà nhiều hộ dân, nhiều địa
phương ở miền Nam còn lập bàn thờ hoặc dựng đền thờ, nhà thờ, phủ thờ để tưởng
niệm Người. Nghĩa cử thiêng liêng cao quý này diễn ra rộng khắp, từ vùng giải phóng,
các căn cứ cách mạng đến cả trong vùng địch kiểm soát. Có những đền thờ được xây
dựng ngay tại nơi chiến sự đang diễn ra ác liệt. Bất chấp bom đạn của quân xâm lược,
vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy, bằng tất cả tấm lòng của đồng bào miền Nam, gần
30 đền thờ đã được dựng lên trên vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long ngay
trong năm Bác đi xa.)
- Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần thể
hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực, đặc biệt là lớp trẻ. Thanh niên cần
biết ơn sâu sắc tới những thế hệ đi trước, những người đã có công gây dựng đất nước.
Hơn thế, thanh niên phải không ngại khó khăn, thử thách, dám dấn thân để có nhiều
trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Giới trẻ cũng cần ra sức học tập, trau
dồi bản thân dể có thể tiếp bước thế hệ trước để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ,
để xây dựng đất nước ngày càng phát triển, sánh vai cùng các cường quốc năm châu
như lời dặn của Bác.
4. Gợi ý tác phẩm có thể liên hệ so sánh:
- Bác ơi! (Tố Hữu)
- Sáng tháng năm (Tố Hữu)
- Đền thờ Bác ở chót mũi Cà Mau (Diệp Minh Tuyền)

Đề 2. Gợi ý tác phẩm:


- Búp sen xanh (Sơn Tùng)
- Bác Hồ với việc đọc và tự học (Vũ Dương Thúy Ngà)
- Bác Hồ của chúng em (Chu Trọng Huyền),
CHỦ ĐỀ 7

Câu 1.
a. Theo văn bản 1, khi hiểu rằng mọi người đều khác nhau, một người cha tốt sẽ
đối xử với con như sau:
- Không mong đợi những đứa con của mình sẽ giống tính cách hay công việc
tương tự cha.
- Tôn trọng các giá trị và ý kiến của con, miễn là chúng không gây hại cho bản
thân, gia đình hoặc người khác.
b. Trong văn bản 2, ý kiến của bà Ngô Thị Ngọc được dẫn gián
tiếp. c.
Điểm giống nhau: cả hai văn bản đều bàn về những biểu hiện của người cha tốt
Điểm khác nhau:
- Văn bản 1: nêu ra 3 yếu tố làm nên một người cha tốt - khiến con cái thấy
được giá trị của mọi thứ chúng có, tôn trọng các giá trị và ý kiến của con, dành
nhiều thời gian cho con cái, uốn nắn con mình trở thành những nhân tố tốt trong xã
hội.
- Văn bản 2: ngợi ca nghị lực và đức hy sinh cao cả của một người cha cụ thể là
ông Ngô Việt Thành (43 tuổi), ở thôn 1B, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, Thừa
Thiên
d. HS tự do trình bày quan điểm cá nhân, miễn hợp lí và thuyết phục; lưu ý đảm bảo
số câu theo yêu cầu:
Có thể theo gợi ý sau:
- Cùng với mẹ, cha là người đã có công sinh thành dưỡng dục chúng ta nên
người, là người đã chịu bao khó nhọc để lo lắng chu toàn nhất cho chúng ta. Vì
vậy, mỗi cá nhân cần phải biết kính yêu, quan tâm đến đấng sinh thành của mình.
- Không gì có thể so sánh được với những hi sinh lớn lao mà cha mẹ đã dành
cho chúng ta. Dù đó là những việc làm thấy rõ trước mắt hay những điều âm
thầm giản dị chỉ có thể cảm nhận, chúng ta đều phải tri ân sâu sắc, trân trọng cả
đời.

Câu 2.
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận.
2. Giải thích:
- Tin tưởng nghĩa là đặt hết lòng tin vào một ai đó, một điều gì đó dựa trên một
cơ sở chắc chắn.
- Ý kiến trên khẳng định: Con cái rất cần lòng tin tuyệt đối của cha mẹ, sự tin
tưởng của đấng sinh thành quí hơn mọi thứ trên đời này, là điều kì diệu tốt đẹp nhất
mà cha mẹ có thể đem lại cho con của mình.
3. Bàn luận:
- Sự tin tưởng của cha mẹ sẽ mang đến cho con cái sức mạnh tinh thần, giúp trẻ
có đủ dũng khí và năng lực để khám phá những điều mới mẻ, không để sự sợ hãi và
nghi ngờ bản thân kìm hãm.
- Khi cha mẹ đặt hết niềm tin vào con sẽ khiến con có thêm sự tự tin, gieo cho
con hi vọng rằng bản thân có thể làm được nhiều điều để bố mẹ tự hào, thêm tin
tưởng.
- Nhận được sự tin tưởng của bố mẹ, trẻ sẽ sẽ có cái nhìn tích cực về mọi việc, trẻ
cảm nhận được sự bảo vệ an toàn từ cha mẹ, mạnh dạn trong các mối quan hệ xã hội,
tự do khám phá thế giới xung quanh, dần hình thành các kỹ năng để vượt qua được
thử thách, khó khăn trong cuộc sống để vươn đến thành công.
- Cần chê trách những đứa con chưa cố gắng trong học tập, rèn luyện, làm phiền
lòng, gây mất niềm tin của cha mẹ, những đứa trẻ đã vội phản ứng tiêu cực mà không
chịu kiên trì thuyết phục cha mẹ nên đặt lòng tin vào mình.
4. Bài học nhận thức và hành động:
- Hãy cố gắng học tập tốt hơn, hứa được phải làm được để dần tạo dựng niềm tin
nơi cha mẹ; cần trao đổi với cha mẹ về những hạn chế của bản thân khiến cha mẹ
chưa hài lòng về bạn, kiên trì, nỗ lực thay đổi để cho cha mẹ cảm giác ta đã suy nghĩ
rất nhiều, đã hiểu rõ vấn đề.
- Đôi khi chúng chỉ cần quan tâm cha mẹ hơn một chút, giúp đỡ cha mẹ những
công việc nhỏ trong gia đình, tuy hành động nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn vì nó chứng tỏ
ý thức trách nhiệm đang dần hình thành trong chúng ta và điều đó có sức tạo dựng
niềm tin lớn với cha mẹ.
Lưu ý: Học sinh cần phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.

Câu 3.
Đề 1.
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận:
- Nguyễn Quang Sáng quê ở An Giang, là nhà văn mà cuộc sống và sáng tác gắn
liền với vùng đất Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hoà bình. Truyện
ngắn của ông có cốt truyện khá hấp dẫn, chi tiết chọn lọc, tình huống đặc sắc và kịch
tính cao, đậm chất Nam Bộ với lối viết giản dị, ngôn từ mộc mạc.
- Truyện ngắn Chiếc lược ngà được đưa vào tập truyện cùng tên, viết năm 1966,
khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ.
- Trong tác phẩm, tình cha con thiêng liêng đã được tái hiện đầy xúc động, đặc
biệt là qua nhân vật ông Sáu.
2. Cảm nhận tác phẩm được chọn:
a. Nội dung:
- Ông Sáu là một người cha rất thương con. Những ngày chưa gặp con, người
cha ấy nôn nao, hồi hộp, khổ sở, khát khao gặp con và nghe con gọi một tiếng “ba”
bao nhiêu thì khi nhìn thấy con, tình cảm đó trở nên mãnh liệt, cuống quýt, vội vàng,
hấp tấp bấy nhiêu. Thuyền còn chưa cập bến, ông đã nhảy thót lên bờ, bước vội
vàng, vừa gọi vừa chìa tay đón con. Nhưng đón tiếp ông là sự ngạc nhiên, hụt hẫng
và nỗi buồn khi thấy đứa con bất ngờ “giật mình, tròn mắt... ngơ ngác, lạ lùng”,
thậm chí sợ hãi khi lần đầu tiên gặp cha. Còn gì đau đớn hơn một người cha yêu
thương con hết mực nhưng lại bị chính đứa con ấy từ chối, nghi ngờ. Việc con bé
Thu hất cái trứng ra khỏi chén là một ngòi nổ làm bùng lên những tình cảm mà bấy
lâu nay ông chất chứa trong lòng. Cái tát ông dành cho bé Thu khiến con đau một
thì bản thân ông đau mười. Làm sao không xót xa khi chính tay mình đánh đứa con
gái mà mình rất mực yêu thương. Đó chính là cái đau lẫn thất vọng của một quá
trình dồn nén của tình cảm tha thiết.
- Thấu hiểu bao nỗi niềm đau khổ của một người cha chưa được thừa nhận, tác
giả đã miêu tả đầy xúc động diễn biến hành động, tâm trạng của ông Sáu khi chia
tay con. Trong buổi chia tay, ông Sáu đành buông xuôi trong đau khổ tạm biệt con
ra đi. Nhưng như một phép màu, bé Thu cất tiếng gọi “Ba”, rồi nhào tới, ôm hôn
ông thắm thiết. Chỉ khi tiếng kêu đó được thét lên thì mọi người mới vỡ lẽ ra rằng
nó thèm được gọi ba như thế nào. Nguyễn Quang Sáng đã đặc tả rất chân thực, cảm
động: “Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng, và xé cả ruột gan mọi người,
nghe thật xót xa”. Cô bé đã “hôn ba nó cùng khắp,.. hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và
hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”. Sự lưu luyến vỡ òa này có nguyên
nhân của nó: trong đêm bỏ về nhà ngoại, Thu đã được bà giải thích về vết thẹo làm
thay đổi khuôn mặt ba. Không có gì hạnh phúc hơn khoảnh khắc ấy. Mọi cung bậc
cảm xúc từ bất ngờ, ngạc nhiên, sung sướng, hạnh phúc, cảm động, nghẹn ngào đều
được thể hiện rõ qua hành động, ứng xử của ông Sáu. Ai có thể ngờ người lính dày
dặn nơi chiến trường, quen sống trong mưa bom bão đạn, nguy hiểm cận kề lại rơi
nước mắt.
- Và từ giây phút ấy, cây lược ngà là kỉ vật gắn kết tình cảm cha con. Ông Sáu
ra đi với lời hứa: “Ba về! Ba mua cho con một cây lược nghe ba!”. Thu hiểu được
người cha phải đi chiến đấu, phải rời xa con, và vẫn mong có một mối liên kết, một
hi vọng nào đó cho ngày cha trở về. Tình cảm sâu nặng của ông Sáu càng được đặc
tả trong những ngày ở chiến khu cho đến khi hi sinh. Nhớ lời dặn của con gái trước
lúc chia tay, ông luôn nung nấu thực hiện cho bằng được, làm chiếc lược ngà dành
tặng cho đứa con gái bé bỏng. Kiếm cho con cái lược trở thành bổn phận, là niềm
day dứt khôn nguôi. Ông đã làm công việc đó bằng tất cả sức mạnh và tình yêu
thương sâu đậm. Khi kiếm được khúc ngà voi, ông “hớn hở như một đứa trẻ được
quà”. Ông đã tự tay làm ra chiếc lược, đặt vào trong đó tất cả tình cha con, “cưa
từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc”… “ gò lưng,
tẩn mẩn khắc từng nét “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Không đủ sức trăng trối
ông Sáu “đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu”. Đó là
bản di chúc không lời, nó thiêng liêng và cao cả hơn cả một lời di chúc. Bởi đó là
sự ủy thác, là ước nguyện cuối cùng của người bạn thân: ước nguyện của tình phụ
tử! Khi nhận được lời hứa từ đồng đội đưa cây lược cho bé Thu, “anh mới nhắm
mắt đi xuôi”. Cây lược đó không đơn giản là cây lược xinh xắn, quý giá mà còn
chứa đựng, kết tụ tất cả tình cảm của người cha xa con. Người cha ấy đã hi sinh
trước khi có thể trao lại cây lược cho con gái nhưng “tình cha con là không thể chết
được”.
b. Nghệ thuật: Với tình huống rất éo le nhưng độc đáo, cốt truyện mang nhiều yếu
tố bất ngờ, tác giả đã lựa chọn ngôi kể phù hợp có sự đan xen miêu tả, bình luận,
suy nghĩ với giọng kể giàu cảm xúc, chân thực, khắc họa nhân vật sinh động với
diễn biến tâm lí tinh tế, ngôn ngữ tự nhiên, giản dị, đậm đà màu sắc Nam Bộ.
3. Nêu ra những tác động của tác phẩm đối với bản thân:
- Hiểu thêm về giá trị của tình cha con (là một trong những tình cảm đẹp nhất và
thiêng liêng nhất trong cuộc sống; mang lại cho con người cảm giác an toàn, ấm áp và
yên bình, cũng như giúp cho mỗi người có thể có được một người bảo vệ, người cố
vấn và người đồng hành trong những khó khăn).
- Bản thân cần thể hiện tình cảm, sự quan tâm cha bằng những việc làm cụ thể,
thiết thực (dành thời gian cho cha nhiều hơn, trò chuyện với cha, chia sẻ với ông về
cuộc sống cá nhân; tìm hiểu sở thích của cha để ngày lễ, ngày sinh nhật hay bất cứ dịp
nào phù hợp hãy cố gắng đáp ứng; giúp cha pha một ấm trà ngon hay dọn dẹp nhà cửa
khi có thời gian rảnh…).
4. Gợi ý tác phẩm có thể liên hệ so sánh:
- Lão Hạc (Nam Cao)
- Lão Gô-ri-ô (Honore de Balzac)
- Nói với con (Y Phương)
- Những cánh buồm (Hoàng Trung Thông)

Đề 2. Gợi ý tác phẩm:


- Những tấm lòng cao cả (Edmondo De Amicis),
- Cha và con - Tình cha con của những người nổi tiếng (Nhiều tác giả)
CHỦ ĐỀ 8

Câu 1.
a. Lời dẫn trực tiếp trong văn bản 1: “[…] Nhiều lắm những nhân vật mà Vân
không thể kể hết được họ ở đây vào lúc này. Tôi chỉ biết rằng những người tôi gặp ấy
đã truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng, năng lượng tích cực.”
b. Theo văn bản 2, việc gặp gỡ những người bạn vui vẻ và lạc quan đem lại cho
con người lợi ích: Việc dành thời gian cho những người bạn vui vẻ và lạc quan có thể
giúp nâng cao tâm trạng và thúc đẩy triển vọng của bạn.
c.
Điểm giống nhau: đều nói về những vấn đề liên quan đến những lợi ích khi chúng
ta được gặp gỡ những người tốt (tử tế) hoặc những người lạc quan, vui vẻ.
Điểm khác nhau:
- Văn bản 1: Từ chương trình Gala Việc tử tế của VTV, văn bản nêu lên cuộc
gặp gỡ với những con người nhỏ bé nhưng đã có nhiều hành động tử tế đem đến
tình yêu thương, cảm hứng tích cực trong cuộc sống.
-Văn bản 2: bàn về lợi ích của việc gặp gỡ những người bạn tốt, người lạc
quan, vui vẻ. Khuyên chúng ta nên thường xuyên giao tiếp, gặp gỡ bạn bè nhiều
hơn để tạo ra năng lượng sống tích cực.
d. HS tự do trình bày quan điểm cá nhân, miễn hợp lí và thuyết phục; lưu ý đảm
bảo số câu theo yêu cầu.
Có thể theo gợi ý sau:
- Khi trao đổi/chia sẻ về tâm trạng hoặc suy nghĩ của bản thân sẽ giúp ta
thoải mái về tinh thần, hạn chế những suy nghĩ tiêu cực hoặc áp lực trong cuộc
sống.
- Khi trao đổi/chia sẻ về tâm trạng hoặc suy nghĩ của bản thân, chúng ta sẽ
nhận được sự quan tâm, cảm thông, thấu hiểu hoặc giúp đỡ từ mọi người và
ngược lại …
- Việc trao đổi về tâm trạng hoặc suy nghĩ còn giúp ta rèn luyện kỹ năng giao
tiếp, giúp cải thiện mối quan hệ giữa mọi người trong xã hội.

Câu 2.
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận.
2. Giải thích:
- Người tử tế có thể được hiểu là những người có tấm lòng nhân hậu, tình yêu
thương, sẵn sàng thực hiện những việc làm tốt, những hành động có ý nghĩa để
giúp đỡ mọi người xung quanh.
- Ý kiến trên đã khẳng định: việc gặp gỡ, trò chuyện cùng những người tử tế
là vô cùng giá trị, có ích cho mọi người, toàn xã hội.
3. Bàn luận:
- Khi gặp gỡ (nhìn thấy/tìm hiểu những câu chuyện về người tử tế) họ, chúng
ta sẽ có thêm những nguồn năng lượng tích cực, biết lan tỏa tình yêu thương, lan
tỏa hành động tốt đẹp; có động lực để tự thực hiện những điều tốt đẹp khác.
- Không ai có thể tồn tại một mình trong xã hội ngày nay. Ta luôn sống, tồn
tại trong nhiều mối quan hệ, cho nên không thể vô tâm với mọi người, cũng
không thể chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân.
- Thực hiện điều tử tế là giúp mọi người và giúp chính mình.
- Phê phán những kẻ chỉ biết sống cho bản thân mình, ích kỉ, hẹp hòi, đặt
mình ra ngoài những số phận bất hạnh xung quanh.
4. Bài học nhận thức và hành động:
- Không chỉ gặp gỡ, trò chuyện cùng những người tử tế, mà còn cần phải noi
gương, thực hiện những hành động tử tế như chia sẻ, giúp đỡ, yêu thương và
mang lại hạnh phúc cho người khác.
- Lan tỏa, tuyên truyền những tấm gương tử tế này đến với nhiều người hơn
nữa, để cả xã hội đều noi gương tốt.
Lưu ý: Học sinh cần phân tích các dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.

Câu 3.
Đề 1.
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận:
- Nguyễn Thành Long quê ở Quảng Nam, có nhiều đóng góp cho văn học Việt
Nam hiện đại ở thể loại truyện ngắn và bút kí. Các tác phẩm của ông thường tập
trung vào hai chủ đề lớn: cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân và công cuộc xây
dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc những năm 60 -70 của thế kỷ trước. Phong cách
văn xuôi của ông nhẹ nhàng, tình cảm, giàu chất thơ và ánh lên vẻ đẹp con người,
khiến chúng ta yêu mến cuộc sống và những người xung quanh.
- Ra đời năm 1970, trích từ tập Giữa trong xanh, truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa là
kết quả sau chuyến đi thực tế ở Lào Cai của tác giả. Đây cũng là tác phẩm tiêu biểu
cho đề tài viết về cuộc sống mới, con người mới.
- Dẫn vào vấn đề nghị luận: Tác động của tình huống gặp gỡ trong truyện.
2. Cảm nhận tác phẩm được chọn:
a. Nội dung:
 Cuộc gặp gỡ với anh thanh niên giúp ông họa sĩ và cô kĩ sư nhận ra vẻ đẹp
của những con người đang cống hiến thầm lặng ở Sa Pa
- Trong công việc và quan hệ với đời sống xã hội, anh có lý tưởng, quan
niệm sống đúng đắn; say mê công việc, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm
cao: Anh nhận thấy rằng “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là
một mình được?”. Câu nói ấy như một quan niệm sống, một lý tưởng sống
đúng đắn. Với anh hạnh phúc chính là khi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình,
đóng góp một phần công sức của mình cho thành công của một tập thể. Anh
thanh niên say sưa kể về công việc của mình với một niềm tự hào không chút
giấu giếm “làm khí tượng được ở cao thế này mới là thú vị chứ”. Trong
chàng trai trẻ tuổi này còn còn có những hoài bão, khát vọng cao đẹp, khát
vọng được đi đến những vùng đất mới, khát vọng được cống hiến của những
người trẻ tuổi. “Cháu tưởng cháu được đi xa lắm, hóa lại không.” Họ hăng
hái đi xây dựng cuộc sống mới ở vùng đất Tây Bắc. Đây cũng chính là lí
tưởng sống cao đẹp của con người trong thời đại lúc bấy giờ.
- Trong quan hệ với bản thân, anh có ý chí, nghị lực; sống kỉ luật, nề nếp
nhưng rất khiêm tốn: Căn nhà ba gian sạch sẽ, những vật dụng được bài trí
một cách gọn gàng, đẹp mắt đã khiến cho mọi người phải ngạc nhiên. Với
cách xếp đặt mọi thứ đã nói lên anh là một người sống rất có kỉ luật và nề
nếp. Sống trong một hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn tình cảm nhưng chàng
trai trẻ biết cách tự tìm niềm vui cho mình. Anh trồng hoa, nuôi gà và làm
bạn với sách. Với anh, đọc sách cũng là một cách trò chuyện. Nhìn các giá
sách, vườn hoa đủ các loại chính là những biểu hiện sự giàu có của một tâm
hồn. Anh cảm thấy những công việc của mình là nhỏ bé, là không đáng kể
đến so với bao tấm gương khác. Vì vậy nên khi người họa sĩ vẽ chân dung
anh, anh từ chối và xin giới thiệu những người đáng vẽ hơn. Chính sự khiêm
nhường ấy đã làm nhân cách anh thêm cao đẹp, khiến người họa sĩ già bối
rối, khiến cho cô kĩ sư trẻ ngưỡng mộ và vững tin hơn với hướng đi của
mình trong tương lai.
- Trong quan hệ với người khác, anh thân thiện, chu đáo, nhiệt tình, cởi mở:
Sự thân thiện được thể hiện trong thái độ cởi mở và bộc trực của anh trong
lần gặp gỡ đầu tiên với người họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ. Chạy về nhà cắt hoa
tặng cô kĩ sư trẻ, chuẩn bị pha nước trà mời khách, chu đáo rót từng chén trà
cho khách. Anh hồ hởi kể cho những vị khách nghe về công việc của mình,
tặng những món quà để làm kỉ niệm, và khi trò chuyện, anh cảm thấy tiếc vì
thời gian trôi qua một cách nhanh chóng. Anh còn là một chàng trai sống rất
tình cảm và chu đáo. Nghe tin vợ bác lái xe bị đau, anh đi đào củ tam thất để
làm quà. Lúc chia tay với những vị khách mới quen, anh tặng họ một làn
trứng để ăn trưa.
 Cuộc gặp gỡ với anh thanh niên giúp ông họa sĩ và cô kĩ sư cháy lên khát
khao sáng tạo và nhiệt huyết cống hiến
- Trong dịp gặp gỡ một cách tình cờ, với những xúc cảm, kinh nghiệm của
một người họa sĩ già, ông đã cảm nhận thấy mình đã tìm thấy một bức chân
dung có giá trị. Và khi khắc họa nhân vật anh thanh niên thì ông trăn trở việc
“cho người xem hiểu được anh ta, mà không phải hiểu như một ngôi sao xa?
Và làm thế nào để đặt được tấm lòng của người họa sĩ vào giữa bức tranh
ấy…” đến nỗi ông nhủ thầm khi ông đã khắc họa xong “Người con trai ấy
đáng yêu thật nhưng làm cho ông nhọc quá”. Chúng ta nhận ra ông họa sĩ
già là một người nghệ sĩ từng trải, yêu cuộc sống có những suy nghĩ, nhìn
nhận, đánh giá về nghệ thuật, về giá trị của con người đặc biệt là về vẻ đẹp
tâm hồn của chàng thanh niên thật sâu sắc.
- Trong tác phẩm có sự xuất hiện của một nhân vật đại diện cho lớp trẻ, đó là
cô kĩ sư vừa mới ra trường lên nhận công tác ở Ti Nông nghiệp Lai Châu.
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với chàng thanh niên đã gieo vào lòng cô gái trẻ sắp
bước ra cuộc đời rộng lớn những suy nghĩ tích cực, những quan niệm sống
đúng đắn. Nếu người họa sĩ như một người bố giúp cô hiểu được rằng “Đối
với một người khao khát trời rộng, sự dứt bỏ tình yêu nhiều khi lại nhẹ lòng”
thì thái độ sống của anh thanh niên giúp cô thêm tự tin hơn, yên tâm hơn với
quyết định đến vùng đất mới của mình, và cũng “giúp cô đánh giá đúng hơn
mối tình nhạt nhẽo mà cô đã bỏ”. Chính vì vậy mà cô biết ơn anh, ngưỡng
mộ anh: “Một ấn tượng hàm ơn khó tả dạt lên trong lòng cô gái. (...), bó hoa
của những háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên anh cho thêm cô.”
b. Nghệ thuật: Tình huống rất tự nhiên nhưng thú vị, kết hợp hài hòa tự sự với
miêu tả và nghị luận, khắc họa nhân vật từ nhiều điểm nhìn cùng những đoạn đối
thoại, độc thoại tinh tế, chất thơ đậm đà từ khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp đến
những lời văn nhẹ nhàng, trong sáng.
3. Nêu ra những tác động của tác phẩm đối với bản thân:
- Các nhân vật trong truyện từ chính đến phụ đều không có tên. Điều này có ý
nghĩa họ không chỉ là những cá nhân riêng lẻ mà họ còn đại diện cho tất cả công dân
Việt Nam đang hăng hái cống hiến sức mình cho sự nghiệp đổi mới của đất nước. Ở
những con người ấy, ta cảm nhận được một sức sống mãnh liệt, một nhiệt huyết và
một quan niệm sống đúng đắn.
- Tác phẩm không chỉ mang đến nhiệt huyết cho những con người đang sống
trong không khí cả miền Bắc hồ hởi đi lên xây dựng xã hội chủ nghĩa mà nó còn
truyền lửa cho người đọc của các thế hệ. Đọc xong tác phẩm, mỗi người đọc sẽ tự
mình trả lời được câu hỏi về giá trị của lý tưởng sống, của quan niệm sống đúng đắn
và ý nghĩa khi vượt qua bao khó khăn, gian khổ để đạt được những mục tiêu của mình.
Đây cũng là giá trị nhân văn cao đẹp của tác phẩm.
4. Gợi ý tác phẩm có thể liên hệ so sánh:Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), Bố
của Xi-mông (Guy de Maupassant), Người thầy đầu tiên (C.T. Aytmatov), …

Đề 2. Gợi ý tác phẩm: Đoạn trích Thúy Kiều gặp Kim Trọng (Truyện Kiều, Nguyễn
Du), Sáng tháng năm (Tố Hữu), …
CHỦ ĐỀ 9

Câu 1.
a. Phép liên kết về hình thức trong câu văn: Phép lặp từ ngữ (Gia Cát Lượng).
b. Trong văn bản 2, tác giả bài viết được người thân dặn dò không được bình luận,
chế giễu về ngoại hình, khiếm khuyết, khuyết tật của người khác vì đó là thiếu tế
nhị, là cười trên nỗi khổ của họ.
c.
Điểm giống nhau: Đều bàn về cách đánh giá vẻ đẹp của con người.
Điểm khác nhau:
- Văn bản 1: Nhấn mạnh bản chất bên trong, đặc biệt là sự tự tin, chính là điều
làm nên vẻ đẹp, sự thu hút của người phụ nữ.
- Văn bản 2: Khẳng định có nhiều cách để đánh giá cái đẹp, không nên đóng
khung trong một qui chiếu nào cả.
d. HS tự do trình bày quan điểm cá nhân, miễn hợp lí và thuyết phục; lưu ý đảm bảo
số câu theo yêu cầu:
Có thể theo gợi ý sau:
- Cách chúng ta nhìn nhận về một người nói lên chính con người chúng ta. Điều
đó có nghĩa là nếu bạn đánh giá những người quanh mình một cách tích cực, có cái
nhìn bao dung và phát hiện, đồng nghĩa với việc con người bạn có thái độ tích cực.
- Cảm thông, chấp nhận và nhìn ra điểm tốt ở những người xung quanh sẽ cải
thiện chất lượng các mối quan hệ, khiến người khác cũng sẽ dễ dàng trao cho chúng
ta cái nhìn tích cực tương tự.

Câu 2.
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận.
2. Giải thích:
- Trái tim ở đây được hiểu là thế giới tâm hồn, là tình cảm tốt đẹp dành cho với
con người và cuộc đời.
- Ý kiến trên đã khẳng định: điều làm nên vẻ đẹp của con người nằm ở bên trong
tâm hồn chứ không thể hiện qua hình thức bên ngoài.
3. Bàn luận:
- Người đời thường chú trọng vẻ đẹp bên ngoài, cho rằng một người đẹp là người
có hình dung, tướng mạo khiến người khác bị cuốn hút. Nhưng giá trị của một con
người ở chỗ đời sống của người đó có giá trị, ý nghĩa, tâm hồn của người đó cao quý.
Một người đẹp lý tưởng là một người không chỉ đẹp về ngoại hình như nhan sắc,
trang phục, về dáng vẻ, hình thức bên ngoài mà còn đẹp cả tư cách, nếp suy nghĩ,
ngôn ngữ và hành vi, lối sống.
- Không thể dựa vào hình thức bên ngoài để nhận xét, đánh giá một con người.
Hình thức đôi khi cũng phản ánh phần nào về một người, cũng nói lên đuợc phần nào
tính cách của người đó, tuy nhiên chỉ căn cứ vào những điều đó thôi thì chưa đủ. Nhất
là trong xã hội đầy phức tạp, có rất nhiều trường hợp người ta dùng sự hào nhoáng
bên ngoài để ngụy trang, che giấu những điều không tốt, không hay, thậm chí là xấu
xa, tội lỗi.
- Cái đẹp làm nên giá trị thực sự của một con người đó là tâm hồn, tình cảm, đạo
đức, là trí tuệ, là ý chí, năng lực góp phần làm đẹp cuộc đời, là những phẩm chất đạo
đức, chẳng hạn như lòng tự trọng, lòng chung thủy, tinh thần trách nhiệm, đức tính hy
sinh, cần cù, đảm đang tháo vát.
- Cần phê phán những kẻ chỉ chú trọng hình thức bề ngoài mà quên tu dưỡng
nhân cách, bên cạnh đó cũng phải lên án những người chỉ đánh giá người khác qua vẻ
ngoài, khiến giá trị thực trong cuộc sống bị đảo lộn.
5. Bài học nhận thức và hành động:
- Chúng ta cần nhớ rằng vẻ đẹp bên ngoài chỉ thật sự có giá trị khita sở hữu cả
nét đẹp bên trong - vẻ đẹp nội tâm, đó chính là vẻ đẹp lâu bền hơn so với nhan sắc -
thứ nhanh chóng sẽ bị thời gian tàn phá. Vẻ đẹp nội tâm nói lên cá tính con người, thể
hiệnta là ai, ta như thế nào.
- Vẻ đẹp bên trong cũng không phải hoàn toàn tự nhiên mà có. Nếu muốn sở hữu
nó, chúng ta phải trải qua quá trình học tập và trau dồi từ cuộc sống và sách vở, nó
như là không khí, sẽ từ từ thấm vào con người qua năm tháng để làm nên cá tính của
chúng ta.
Lưu ý: Học sinh ần phân tích các dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.

Câu 3.
Đề 1.
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận:
- Nguyễn Dữ sống ở thế kỉ XVI, người huyện Trường Tân, nay là huyện Thanh
Miện, tỉnh Hải Dương. Sáng tác của ông thể hiện cái nhìn rất tích cực đối với văn học
dân gian.
- Chuyện người con gái Nam Xương là truyện thứ 16 trong Truyền kì mạn lục (tác
phẩm được đánh giá là “thiên cổ kì bút”), thể loại truyền kì là loại truyện ngắn trung
đại mô phỏng những cốt truyện dân gian hoặc dã sử vốn đã được lưu truyền rộng rãi
trong nhân dân, có xen thêm những yếu tố kì ảo.
- Dẫn vào vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật Vũ Nương
2. Cảm nhận nhân vật được chọn:
a. Nội dung:
- Khi chồng chiến đấu xa nhà: Nàng hết lòng hiếu thảo với mẹ chồng, tận tình
chăm sóc bà, lúc nào nàng cũng dịu dàng, ân cần “lấy lời ngọt ngào khôn khéo
khuyên lơn”. Những lúc bà yếu đau nàng lo lắng thuốc thang, cầu khấn thần phật.
Đến khi mẹ chồng mất, “nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu
như đối với cha mẹ đẻ mình”. Nàng thủy chung son sắt với chồng, yêu chồng tha
thiết, nỗi buồn nhớ khắc khoải triền miên, dài theo năm tháng. Là người mẹ hiền,
nàng một mình chu đáo nuôi con nhỏ; nàng rất mực yêu thương con, sợ con buồn
khi thiếu vắng cha nên đã chỉ bóng mình trên vách để nói với con đó là cha.
- Bị nghi oan bởi câu chuyện về chiếc bóng trên vách: N àng hết lời phân trần để
chồng hiểu rõ tấm lòng mình: nói đến thân phận mình, tình nghĩa vợ chồng và khẳng
định tấm lòng thủy chung trong trắng: “Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son
điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất
nết hư thân như lời chàng nói”; cầu xin chồng đừng nghi oan: “dám xin bày tỏ để
cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp”, nghĩa là nàng
đã hết lòng tìm cách hàn gắn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ. Những lời
nói cuối cùng của nàng thâu tóm tất cả những ngang trái của một đời phụ nữ: công
lao nuôi con, chờ chồng thành vô ích; hạnh phúc gia đình (thú vui nghi gia nghi thất)
tan vỡ, tình cảm vợ chồng không còn (bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ
trong ao, liễu tàn trước gió), cả nỗi đau khổ chờ chồng đến thành hóa đá trước đây
cũng không còn có thể làm lại được nữa (đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia
nữa). Nàng cam chịu số phận ngang trái, chọn cách tự trẫm mình để chứng minh
tiết hạnh trong sạch.
- Khi được lập đàn giải oan: Hình ảnh người thiếu phụ Nam Xương hiện lên lần
cuối cùng trong truyện đẹp như mơ. Vũ Nương trở lại dương thế, uy nghi nhưng xa
vời“lúc ẩn lúc hiện” với lời từ tạ ngậm ngùi: “Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể
trở về nhân gian được nữa”. Dù chàng có gọi thì nàng vẫn chỉ thấp thoáng ở giữa
dòng sông rồi “trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi
mất”. Nàng trở về với hình ảnh rực rỡ, vẫn với tấm lòng bao dung, vị tha, nặng
tình với gia đình.
b. Nghệ thuật: Có sự sáng tạo cao về khắc họa nhân vật, cách kể chuyện, xây dựng
kết thúc, kết hợp cùng việc khai thác vốn văn học dân gian và sử dụng tinh tế những
yếu tố kì ảo.
3. Nêu ra những tác động của tác phẩm đối với bản thân:
- Thương cảm cho những người phụ nữ trong xã hội phong kiến vì họ phải chịu
nhiều thiệt thòi, áp bức trong thân phận “một cổ hai tròng”, cuộc đời của họ vướng
vào nhiều chông gai và sóng gió, không được làm chủ chính cuộc sống của mình, phải
thuận theo những khuôn phép chật hẹp trói buộc, phải luôn sống và hy sinh cho người
khác, sống vì người khác không phải cho mình.
- Trân trọng người phụ nữ hơn, đặc biệt là những người phụ nữ bên cạnh mình.
Phải nhận thức rằng gia đình có được ấm êm, hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười cũng là
nhờ sự khéo léo của người phụ nữ. Người phụ nữ không chỉ chăm lo cho gia đình về
vật chất mà còn là người thắp lên ngọn lửa tình yêu, niềm tin, ước mơ hy vọng cho
mỗi thành viên trong gia đình.
4. Gợi ý tác phẩm có thể liên hệ so sánh: Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều,
Nguyễn Du), Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long), Làng (Kim Lân), Những ngôi sao
xa xôi (Lê Minh Khuê)…

Đề 2. Gợi ý tác phẩm: Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), Những tấm lòng cao
cả (Edmondo De Amicis), Hoàng tử bé (Antoine de Saint-Exupéry), Không gia đình
(Hector Malot),…
CHỦ ĐỀ 10

Câu 1.
a. Trong văn bản 1, tác giả đã hiểu trưởng thành là:
- Trưởng thành không phải là một thành tích có thể đạt được qua một đêm,
mà là một quá trình diễn ra suốt cuộc đời; chúng ta đạt đến sự trưởng thành ở
từng khía cạnh khác nhau vào một thời điểm khác nhau trong cuộc sống.
- Trưởng thành là khi bạn đủ mạnh mẽ để trở thành điểm tựa, dù là điểm tựa
của bất cứ ai, kể cả chính bản thân mình.
b. Cách thức dẫn ý kiến trong câu văn là cách dẫn gián tiếp.
c.
- Điểm giống nhau: Cả hai văn bản đều bàn bạc về những yếu tố tạo nên sự
trưởng thành ở mỗi con người.
- Điểm khác nhau:
Văn bản 1: Sự trưởng thành của con người được nhìn nhận qua nhiều yếu tố
Văn bản 2: Vai trò của quá khứ, của những kỉ niệm đối với sự trưởng thành
của mỗi con người.
d. Học sinh tự do trình bày quan điểm cá nhân, miễn hợp lí và thuyết phục:
Có thể theo gợi ý sau:
- Thứ nhất, các văn bản trên đã nhắc nhở mỗi người chúng ta một cách sống,
một lẽ sống đầy ý nghĩa gắn liền với cột mốc trưởng thành của mỗi con người.
Hãy hiểu và trân trọng sự trưởng thành đó khi chính nó là điều giáo huấn chúng ta
trở nên tử tế và sâu sắc hơn.
- Thứ hai, các văn bản trên giúp chúng ta nhận ra được sự trưởng thành
không phải tự nhiên mà có, nó là cả một quá trình tích luỹ của những trải nghiệm
sống. Để sự trưởng thành thật sự trở nên giàu ý nghĩa, mỗi người chúng ta cần
phải điều chỉnh hành vi sống sao cho phù hợp và nhân văn.
- Thứ ba, văn bản cón là một bức thông điệp truyền đi về việc lưu giữ những
giá trị trong quá khứ. Mỗi người cần lưu giữ một quá khứ để làm động lực và
niềm tin vào tương lai, để biết được rằng, ngày hôm nay mình bắt đầu là do ngày
hôm qua gian khổ thế nào.

Câu 2.
1. Giải thích
- “Trưởng thành” là giai đoạn tiếp nối trong hành trình sống của mỗi con người. Nó
là giai đoạn chuyển tiếp từ một tâm hồn ngây ngô và thơ dại của trẻ em đến một tâm
hồn sâu sắc, mạnh mẽ và giàu tư duy của một người lớn cả về thể chất lẫn tâm hồn.
- “Điểm tựa” được hiểu là nơi vững chãi, đáng tin cậy và lớn lao để bất kì ai cũng
có thể nương náu hay dựa vào nhằm mưu tìm sự bình an và cảm giác an toàn.
- Ý kiến “Trưởng thành khi bạn đủ mạnh mẽ để trở thành điểm tựa, dù là điểm tựa
của bất cứ ai, kể cả chính bản thân mình” là một sự nhìn nhận quá trình tiếp nối trong
hành trình sống của con người khi đạt đến một dấu hiệu về sự chín chắn, vững chãi và
độc lập. Đây là một ý kiến hết sức sâu sắc và có sức gợi nhắc rất lớn.
2. Bàn luận
a. Trưởng thành là lúc bản thân điều chỉnh hành vi hướng về sự cao đẹp
- Khi bản thân của con người trưởng thành cũng chính là lúc bản thân phải cần ý
thức về việc lan toả những giá trị tích cực để làm nguồn động lực cho người khác.
Người trưởng thành là người không chỉ phát triển toàn diện về thể chất mà còn phải có
một tâm hồn đủ bản lĩnh, đủ tri thức và đủ sự lạc quan để mang đó đến cho những
người mình yêu thương.
- Khi trưởng thành, chúng ta sẽ rời xa lối sống ích kỉ, nhỏ nhen hay yếu đuối.
Chúng ta cần hiểu được rằng trưởng thành phải là lúc mình trở thành một nơi vững
chắc cho bất kì khi cần đến. Trưởng thành sẽ là giai đoạn hướng con người đến sự sẻ
chia, bao dung và rộng lượng.
- Người trưởng thành không những là người mạnh mẽ trong mắt người khác mà
còn phải là người đủ bản lĩnh để tự mình làm nơi dựa cho chính mình. Người trưởng
thành là người phải biết tự xoay sở, tự tìm con đường đi cho bản thân mỗi lúc vấp ngã
hay cần sự lựa chọn. Sự chính chắn nó đơn giản đến từ sự tự mình giải quyết các vấn
đề của chính mình mà không phải phụ thuộc hay dựa dẫm vào bất cứ ai.
b. Không có sự bao dung hay vẫn thích dựa dẫm thì mãi mãi không thể trưởng
thành.
- Nếu vẫn thích thể hiện, vẫn thích khẳng định bản thân mình và nuôi dưỡng cái
tôi cá nhân quá lớn thì những người đó là một dấu hiệu của sự chưa trưởng thành dù cơ
thể có trở nên già nua.
- Trưởng thành không phải được đánh giá bằng vẻ bề ngoài, nó là sự đánh giá từ
trong cách cư xử và trong tâm hồn.
- Hãy tránh xa những người "lớn xác" nhưng tâm hồn vẫn mãi không chịu trưởng
thành vì những người đó không phải là một mối quan hệ tốt đẹp để mình duy trì.
3. Bài học nhận thức và hành động
- Nhận ra tầm quan trọng của sự trưởng thành trong tâm hồn và nhận thức của mỗi
người trong đó có cả chính bản thân chúng ta.
- Cần hiểu về những biểu hiện quan trọng của sự trưởng thành để tự điều chỉnh
hành vi và nhận thức bản thân nhằm hướng về những điều cao đẹp.
- Hành động nhỏ từ những việc làm nhỏ khi còn ngồi trên ghế nhà trường như rèn
luyện tính yêu thương, quý mến bạn bè, sẵn sàng sẻ chia, sẵn sàng bao dung và tha thứ
cho bạn bè, người xung quanh; luôn thể hiện sự quan tâm, ủi ai và đoàn kết cùng tập
thể để tạo nên những điều tốt đẹp. Đó là sự tập luyện tính trưởng thành cho một người
học sinh để mai sau phát triển toàn diện.
Lưu ý: Học sinh cần phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.

Đề 1.
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận:
- Bằng Việt quê ở Hà Tây (nay là Hà Nội), thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành
trong thời kì kháng chiến chống Mĩ, thường viết về những kỉ niệm, ước mơ gần gũi
với cảm xúc tinh tế, giọng điệu trầm tĩnh sâu lắng, giàu chất suy tư, triết luận.
- Tác phẩm in chung với Lưu Quang Vũ trong tập Hương cây – Bếp lửa, được
sáng tác năm 1963, khi tác giả đang học ngành Luật ở nước ngoài.
- Dẫn vào vấn đề nghị luận: Phân tích đoạn thơ “Tám năm ròng cháu cùng bà
nhóm lửa…Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!” để làm rõ những yếu tố làm nên sự
trưởng thành của người cháu sau một thời gian sống cùng bà.
2. Cảm nhận đoạn thơ được chọn:
a. Nội dung:
 Ở cùng bà khiến cháu hiểu và thương bà hơn
- Tám năm ấy, “mẹ cùng cha bận công tác không về”, cháu ở cùng bà, cháu
lớn lên trong tình thương và sự chăm sóc nuôi dưỡng của bà. Hai câu thơ:
““Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe/ Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học”có
16 chữ mà chữ bà, chữ cháu đã chiếm đúng một nửa. Ngôn từ đã hội tụ tất cả
tình thương của bà dành cho cháu, gợi tả tình bà cháu quấn quýt yêu thương, một
tình thương ấp ủ, chở che. Hay nhất, hàm súc nhất là từ ngữ “cháu ở cùng bà”,
“bà bảo”, “bà dạy”, “bà chăm” đã diễn tả một cách sâu sắc tấm lòng đôn hậu,
tình thương bao la, sự chăm chút của bà đối với cháu nhỏ.
- Nghĩ về ngọn lửa hồng của bếp lửa, nghĩ về tiếng chim tu hú gọi bầy, đứa
cháu gọi nhắn thiết tha chim tu hú “kêu chi hoài”. Câu thơ cảm thán và câu hỏi tu
từ diễn tả nỗi thương nhớ bà bồi hồi tha thiết. Nhà thơ đắm chìm trong suy tưởng
để trò chuyện với con chim quê hương, trách nó không đến ở với bà để bà đỡ nhớ
cháu, đỡ cô đơn tuổi già. Câu thơ thật tự nhiên, cảm động, chân thành, năm chữ
“nghĩ thương bà khó nhọc” nói lên lòng biết ơn bà của đứa cháu đã và mang nặng
trong trái tim mình tình thương của bà dành cho cháu.
 Ở cùng bà giúp cháu nhận thức được nhiều điều quan trọng
- Một hình tượng rất tráng lệ. “Bếp lửa bà nhen” sớm sớm chiều chiều đã
sáng bừng lên thành ngọn lửa bất diệt, ngọn lửa của tình thương “luôn ủ sẵn”,
ngọn lửa của niềm tin vô cùng “dai dẳng” bền bỉ và bất diệt. Cùng với hình
tượng “ngọn lửa”, các từ ngữ chỉ thời gian: “rồi sớm rồi chiều”, các động từ:
“nhen”, “ủ sẵn” , “chứa” (chứa niềm tin dai dẳng) đã khẳng định ý chí, bản lĩnh
sống của bà.
- Điệp ngữ “một ngọn lửa” và kết cấu song hành đã làm cho giọng thơ vang
lên mạnh mẽ, đầy xúc động tự hào. Cuộc đời bà nhiều “lận đận”, trải qua nhiều
“nắng mưa” vất vả. Bà cần mẫn lo toan, chịu thương chịu khó, thức khuya dậy
sớm vì bát cơm, manh áo của con cháu trong gia đình. Vần thơ chứa đựng bao
nghĩa nặng tình sâu. Cháu vô cùng cảm phục và biết ơn bà vì bà không chỉ là
người giữ bếp giữ lửa mà còn là người nhóm bếp, thắp lửa.
- Điệp từ “nhóm” có điểm chung là cùng gắn với hành động nhóm bếp,
nhóm lửa của bà nhưng lại khác nhau ở những ý nghĩa cụ thể: khi thì nhóm bếp
lửa ấp iu, nồng đượm để sưởi ấm cho bà cháu qua cái lạnh của sương sớm, nhóm
bếp luộc khoai, luộc sắn cho cháu ăn đỡ đói lòng mà như còn đem đến cho đứa
cháu nhỏ cái ngọt bùi của sắn khoai, của tình thương vô hạn của bà. Đến câu tiếp
theo thì lòng bà còn mở rộng hơn cùng với nồi xôi gạo mới là tình cảm xóm làng
đoàn kết, gắn bó, chia ngọt sẻ bùi và đến câu thứ tư thì hoàn toàn mang nghĩa
trừu tượng (từ “nhóm” mang nghĩa chuyển): “Nhóm dậy... tâm tình tuổi nhỏ”.
Tâm hồn, tình cảm, sự trưởng thành dần theo năm tháng của cháu đã sáng bừng
lên từ ngọn lửa do bà “nhóm” suốt mất chục năm trời.
- Chính từ đó mà, theo mạch suy ngẫm, nhà thơ đi lên khái quát rất tự nhiên
và hợp lý: “Ôi kỳ diệu và thiêng liêng - bếp lửa”. Đúng vậy, vì bếp lửa thật giản
dị , bình thường và phổ biến trong mọi gia đình Việt Nam, nhưng bếp lửa cũng
thật cao quý, kỳ diệu và thiêng liêng. Bếp lửa của bà kì lạ vì không gì có thể dập
tắt được, cháy lên trong mọi cảnh ngộ. Bếp lửa của bà thiêng liêng vì nơi ấy ấp ủ
và sáng lên mãi tình cảm bà cháu, khiến cháu yêu gia đình, gắn bó với quê
hương.
b. Nghệ thuật: Đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung viết theo thể thơ tự do
phù hợp với giọng điệu tha thiết, tình cảm xúc động bồi hồi, suy tưởng, kết hợp
nhuần nhuyễn giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự và nghị luận, sáng tạo hình ảnh
bếp lửa vừa cụ thể vừa gần gũi, vừa giàu cảm xúc vừa mang ý nghĩa biểu tượng.
3. Nêu ra những tác động của bài thơ (hoặc khổ thơ, đoạn thơ) đối với bản thân:
- Từ những kỉ niệm ấu thơ ấm áp tình bà cháu, nhà thơ cho ta hiểu thêm về những
phụ nữ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến thần thánh. Sự cống hiến hy sinh của
các anh hùng liệt sĩ to lớn bao nhiêu thì nỗi đau và hy sinh thầm lặng của những người
phụ nữ ở hậu phương cũng lớn lao bấy nhiêu. Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc,
những người phụ nữ Việt Nam anh hùng nhân hậu, tần tảo, thầm lặng với nỗi đau mất
chồng, mất con nơi chiến trường để dệt thêu lên những trang sử hào hùng, chói lọi của
mảnh đất hình chữ S.
- Nhận thức rõ hơn về vai trò của ông bà: ông bà và cháu là mối quan hệ có giá trị
vừa truyền thống vừa hiện đại. Ngoài tình yêu thương, sự chăm sóc và kỳ vọng dành
cho các cháu, ông bà còn dạy các cháu những giá trị đạo đức, cách đối nhân xử thế để
làm hành trang cho các cháu bước vào cuộc sống tương lai. Vì thế, ông bà như là
chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là những người đem những tinh hoa của thế hệ
đi trước truyền dạy lại cho con cháu mai sau giữ gìn và phát huy.
- Đối với con cháu, yêu thương, kính trọng, hiếu thảo dành cho ông bà bổn phận
và trách nhiệm của chúng ta. Đó chính là tấm lòng yêu thương chăm sóc ông bà, luôn
luôn đối xử chân thành, kính trọng hết mực và tình cảm yêu thương kính trọng ấy phải
xuất phát từ tận đáy lòng để ông bà thấy sự quan tâm của con cháu với người cao tuổi
để họ vui vẻ, yêu đời, sống lâu dài với chúng bên cháu con.
4. Gợi ý tác phẩm có thể liên hệ so sánh: Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), Dế
Mèn phiêu lưu kí (Tô Hoài, Con chào mào (Mai Văn Phấn), Hai loại khác biệt
(Giong-mi Mun), …

Đề 2. Gợi ý tác phẩm: Robinson Crusoe (Daniel Defoe), Mỗi lần vấp ngã là một lần
trưởng thành (Liêu Trí Phong), Dũng cảm đối mặt với khó khăn (trong bộ sách Nhật
ký trưởng thành của đứa trẻ ngoan, Trương Cần),…

You might also like