Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 15

Tài liệu Lí luận văn học chị Loan đã viết ngày chị lớp 11

( phần giải thích và bình luận bằng lí luận văn học, đọc lại thấy vẫn còn rất thơ ngây, còn nhiều
chỗ muốn “nhúng tay” vào sửa nhưng thôi, mình cứ đọc những gì nó là tự nhiên hơn cả nhé.)

Đề bài: “Chỉ khi nhà văn được thôi thúc bởi ước muốn nói lên sự thật cao cả... Sống cuộc
sống của nhân dân, đau nỗi đau của mọi người, niềm vui của họ, hòa nhập hết mình vào
những mối quan tâm lo lắng của họ, khi ấy nhà văn mới có được cuốn sách chân chính làm
rung động trái tim độc giả” ( M. Sô-lô-khốp )

Bằng trải nghiệm văn học của anh chị, hãy làm sáng tỏ.

BÀI LÀM

Trong diễn từ đạt giải Nobel của mình, Ernest Hemingway- người sáng lập ra “nguyên lí tảng
băng trôi” đã từng viết: “Tác phẩm văn học chân chính không phải chỉ là bản ghi chép về nhân
loại mà còn là chỗ dựa tinh thần để nhân loại sinh tồn và vượt qua tất cả” Và để làm ra một “di
sản tinh thần” có ý nghĩa như thế thì nhà văn phải có sứ mệnh như thế nào? Đáp án cho câu hỏi
này tôi tìm thấy trong lời bàn của nhà văn M.Sô-lô-khốp: “Chỉ khi nhà văn được thôi thúc bởi
ước muốn nói lên sự thật cao cả... Sống cuộc sống của nhân dân, đau nỗi đau của mọi người,
niềm vui của họ, hòa nhập hết mình vào những mối quan tâm lo lắng của họ, khi ấy nhà văn mới
có được cuốn sách chân chính làm rung động trái tim độc giả”

M.Gorki quan niệm: “Bản chất mỗi con người đều là nghệ sĩ”. Nhưng đâu phải ai cũng có thể trở
thành nghệ sĩ vì họ đâu bị “thôi thúc bởi ước muốn nói lên sự thật cao cả”. Lương tâm và trách
nhiệm của người cầm bút không cho phép họ biến tác phẩm của mình thành “ánh trăng xanh
huyền ảo che phủ cả những cảnh tầm thường xấu xa”. Nhà nghệ sĩ phải phản ánh hiện thực của
cuộc sống nhưng phải là thứ hiện thực được khúc xạ qua thế giới quan. Phản ánh đơn thuần thì
nghệ thuật chỉ làm công việc của một chiếc máy ảnh, người ta không đòi hỏi ở “một cuốn sách
chân chính làm rung động trái tim độc giả” một thứ hiện thực theo kiểu máy móc đơn thuần. Ước
muốn nói lên sự thật cao cả thể hiện tầm nhìn của nhà văn đối với hiện thực cuộc đời anh ta đang
sống, thể hiện bản lĩnh của một ngòi bút chân chính muốn loại bỏ ra khỏi xã hội những tầm
thường xấu xa. Trong bài “Nhỏ to” của “Thi nhân Việt Nam” Hoài Thanh, Hoài Chân đã đề cao:
“lòng trung thực mà ít nhất cũng phải giữ trọn trong văn chương.” Phải chăng, nhà văn nhận thức
được “cái thôi thúc mình nói lên sự thật cao cả” mà đến hôm nay ta vẫn còn thấy những nhân vật
của Vũ Trọng Phụng bước ra từ trang sách. Những Xuân Tóc Đỏ, cô Tuyết, Nghị Lại... Tác
phẩm của “ông vua phóng sự đất Bắc” ấy đã vạch trần một xã hội giả dối, “chó đểu” đầy ung
nhọt băng hoại về đạo đức. Nói về những sự thật không phải để hạ bệ con người mà để cảnh tỉnh
con người trên bước đường đi tới tương lai. Viết những điều ngay thẳng cho xã hội, đôi khi khiến
các nhà văn của chúng ta phải trả giá đắt. Nhưng thời gian sẽ trả lại giá trị cho những tác phẩm
đích thực vì “lương tri của người đọc” là tiêu chuẩn vững chắc nhất cho những giá trị văn nghệ.
Tôi còn nhớ nhà phê bình văn học Nga Bielinxki từng nói: “ Bất cứ thi sĩ nào cũng không thể trở
nên vĩ đại nếu họ chỉ miêu tả ở mình, những nỗi đau cao cả hay niềm vui đích thực ở mình” Ước
muốn nói lên “sự thật cao cả” nhưng phải là cuộc sống của nhân dân, cuộc sống của con người
nói chung bởi lẽ “Văn học và cuộc sống bao giờ cũng là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm
là con người”. Vậy nên người nghệ sĩ phải “Sống cuộc sống của nhân dân, đau nỗi đau của mọi
người, niềm vui của họ, hòa nhập hết mình vào những mối quan tâm lo lắng của họ”. Không chỉ
dừng lại ở trải nghiệm mà còn phải thể nghiệm để có thể hiểu thấu con ngui. “Con người luôn là
bí mật” khối bí mật ấy không dễ dàng khám phá. Nó đòi hỏi nhà văn phải “sống”, “đau”, “vui”
và cuối cùng là “hòa nhập”. Tất cả những cảm xúc phong phú đa dạng của nhân loại mới có thể
làm ra “cuốn sách chân chính làm rung động mọi trái tim”. M.Gorki chẳng từng coi trường đời là
“trường đại học chân chính của tôi”. Nguyễn Minh Châu chẳng từng yêu cầu: “Nhà văn phải là
thứ côn trùng dùng cái râu của mình để thăm dò không khí thời đại. Nhưng muốn trở thành một
nhà văn lớn thì anh phải đào sâu vào sự sống dân tộc mình, nhân dân mình”. Sống là điều kiện
cần và đủ để nhà văn có thể “đau nỗi đau của người”, “vui niềm vui của họ”, “hòa nhập hết mình
vào những mối quan tâm lo lắng của họ”. Điều đó cần ở nhà văn “trái tim nhân đạo bao la”, lòng
yêu thương con người và khát vọng kiến tạo cuộc đời công bình và tươi đẹp hơn. Phải chăng vì
lẽ ấy mà tác phẩm của Nguyên Hồng vẫn “làm rung động trái tim độc giả”. “Nhà văn của phụ nữ
và trẻ em ấy” đã đổ bao nhiêu nước mắt xuống Tám Bính để người đàn bà ấy ám ảnh mãi trong
tâm trí ta ? Phải chăng vì lẽ ấy mà Bảo Ninh vẫn còn xuất hiện như con người đã sống, đã thấu
hiểu về những người lính- những con người của lịch sử để lại và mãi mãi quặn đau vì một “Nỗi
buồn chiến tranh”. Chính nhà văn Sô-lô- khốp khi nói ra điều này cũng đã trải nghiệm cuộc đời
sâu sắc, hơn ai hết ông hiểu về sức sống mãnh liệt của một ngòi bút chân chính là “sống”, là
“đau”, là “hòa nhập” để thấu thị “mối quan tâm lo lắng của họ”. Chính nhà văn Nga ấy chẳng
từng nhìn ra giọt nước mắt lặng thầm của người chiến sĩ hồng quân trong đêm. Một tính cách
Nga khiêm nhường và dũng cảm đã làm ta mãi thổn thức cùng “Số phận con người”.

Văn học nghệ thuật là địa hạt để cho ta nhìn thấy những “tồn tại vắng mặt”. Những con người
vẫn tồn tại trong cuộc đời mà không một ai lắng nghe, thấu hiểu. Nhà văn là người sống rất sâu
với cuộc đời nên họ nghe thấy, họ xúc cảm. Và khi đó một cuốn sách chân chính làm rung động
trái tim độc giả ra đời. Nó là kết tinh của nguồn huyết kệ, của những nhiệt tình thiết tha vì con
người, cho con người.

Đề bài: Lã Nguyên trong “Nguyễn Minh Châu và những trăn trở trong đổi mới tư duy
nghệ thuật” đã từng quan niệm: “Nhà văn chân chính có sứ mệnh khơi nguồn cho dòng
sông văn học đổ ra đại dương nhân bản bao la”.

Bằng trải nghiệm văn học của anh chị, hãy làm sáng tỏ.

BÀI LÀM:

“Trên thế giới có hai loại sức mạnh: thanh gươm và cây bút. Thanh gươm thì đoạt thành chiếm
đất, cây bút thì chinh phục lòng người. Rốt cuộc cây bút mạnh hơn thanh gươm” ( Napoleong ).
Làm được điều này không phải dễ dàng, đó là nhiệm vụ và cũng là thiên chức với người nghệ sĩ
khi “hoài thai” nên “những đứa con tinh thần”riêng của mình. Bàn về điều này, Lã Nguyên trong
“Nguyễn Minh Châu và những trăn trở trong đổi mới tư duy nghệ thuật” đã từng quan niệm:
“Nhà văn chân chính có sứ mệnh khơi nguồn cho dòng sông văn học đổ ra đại dương nhân bản
bao la”. Nhận định của ông đã nói một cách hình ảnh về thiên chức, trách nhiệm của nhà văn
trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.

Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu đã từng quan niệm: “Thơ tình cảm, thơ trái tim” bởi lẽ đối với ông
đó là những chiếc lá mà người nghệ sĩ thả vào dòng thời gian vô tận. Một nhà văn chỉ cần thả
một chiếc lá ấy thôi cũng đủ để sống mãi với năm tháng. Trách nhiệm của nhà văn không hề đơn
giản, họ mang sứ mệnh “khơi nguồn cho dòng sông văn học đổ ra đại dương nhân bản bao la”.
Tư duy nghệ thuật là một bộ phận của hoạt động nghệ thuật nhằm khái quát hóa hiện thực và giải
quyết nhiệm vụ thẩm mỹ. Hay nói một cách khác đó là cách nhìn nhận về thế giới và con người
của người nghệ sĩ và được thể hiện qua các hình thức nghệ thuật khác nhau. Tư duy nghệ thuật
không thể vượt ra ngoài các quy luật của chân thiện mĩ, quy luật nhân bản: quy luật của cái chân
thiện mĩ, quy luật nhân bản là cái gốc của mọi sự khám phá, sáng tạo; là hệ quy chiếu của các giá
trị. Thế nên, dù có đổi mới tư duy nghệ thuật thì cũng không thể vượt ra khỏi những giá trị gốc
này. Xuất phát từ đó, Lã Nguyên coi nhiệm vụ của nhà văn chân chính là “khơi nguồn” những
giá trị nhân bản. Mọi dòng sông đều đổ về biển rộng, cũng như mọi khám phá sáng tạo đều có
đích hướng về, những vấn đề thuộc về con người, nhân sinh, nhân bản. Bởi lẽ, con người là một
trung tâm khám phá của văn học nghệ thuật. Văn học có thể viết về mọi vấn đề của đời sống,
mọi hình thức sáng tạo, nhưng đều hướng tới là để đặt ra và cắt nghĩa những vấn đề của nhân
sinh. Văn học chân chính phải là thứ văn chương vị đời, nhà văn chân chính phải là nhà văn vì
con người, tác phẩm mới đạt tới tầm nhân bản.

Đường đi của nghệ thuật là đường đi thẳng vào trái tim con người, không vòng vèo xa xôi không
nhiều ngã rẽ. Người nghệ sĩ cũng như con tằm, sau khi ăn hết bao thứ dâu xanh của đời thì nhả ra
thứ tơ óng mịn, là kết tinh của quá trình “thai nghén” lâu dài. Rồi cũng chính từ thứ tơ mượt mà
ấy dệt nên những trang sách mang giá trị nhân bản bao la. Nhà văn chân chính phải là nhà văn
biết sống và viết về con người, vì con người, lúc đó tác phẩm mới đạt đến tầm nhân bản. Và tất
nhiên, những giá trị có tính nhân bản đó không thể chỉ bó hẹp trong một không gian nhỏ hẹp mà
nó sẽ vượt không gian thời gian để hòa nhịp với những giá trị lớn lao của thế giới loài người.
Viết về nhà văn với những tình cảm, tâm tư, Chế Lan Viên trong “Di cảo thơ” khẳng định:

“ Anh đem hết những lo âu, suy tư, hạnh phúc khổ đau một thời làm củi

Phải hun đúc một đời mới cháy được một mồi

Ngồi lên chất liệu đời mình

Rót vào đấy xăng của thời đại

Lấy mình ra làm lửa châm mồi


Bài thơ bừng sáng”

Thơ ca nói riêng hay văn học nói chung đều phải có những yếu tố quan trọng như vậy mới hình
thành. Suy cho cùng, người nghệ sĩ phải là một kiểu “Jesus về tinh thần” ( Lê Ngọc Trà ) thì mới
có thể “khơi nguồn cho dòng sông văn học đổ ra đại dương nhân bản bao la “

Nhà văn Sô- lô-khốp không chỉ nhìn thấy một tinh thần Nga hùng dũng và kiên cường nơi chiến
trận như nhân vật Xô-cô- lốp trong “Số phận con người” mà ông còn thấy cả những giọt nước
mắt âm thầm hàng đêm “chảy ước thẫm cả gối” khi nhớ về vợ và con trai đã khuất trong chiến
tranh. Nhà văn Hemingway không thấy đằng sau bộ xương cá kiếm khổng lồ là một sự thất bại
như những người dân trong làng của lão Santiago mà thấy được khát vọng rèn mũi lao ra khơi
của ông già nghị lực ấy. Ca ngợi nhà văn Hemingway , Giang Nam từng viết:

“ Có phải con người- sự hoàn thiện tuyệt vời và nỗi đau muôn thưở

Đã cho ngòi bút anh sức mạnh vượt thời gian”

Đó chẳng phải là “dòng sông văn học” đã đổ ra “đại dương nhân bản” hay sao?

Đề bài: “Mỗi tác phẩm lớn như rọi vào bên trong chúng ta một thứ ánh sáng riêng, không
bao giờ nhòa đi, ánh sáng ấy bây giờ biến thành của ta và chiếu tỏa lên mọi việc chúng ta
sống, mọi con người ta gặp, làm thay đổi hẳn mắt ta nhìn, óc ta nghĩ”

Bằng hiểu biết về văn học của anh chị. Hãy làm sáng tỏ

Đọc một tác phẩm nghệ thuật cảm giác như đứng trước một bến đò gió thổi, một khao khát muốn
sang sông, một thúc đẩy lên những vùng trời đẹp hơn, nhân tín hơn. Làm được điều đó chỉ có thể
là sức mạnh vĩ đại của văn chương chân chính. Bàn về điều này, nhà văn Nguyễn Đình Thi từng
khẳng định: “Mỗi tác phẩm lớn như rọi vào bên trong chúng ta một thứ ánh sáng riêng, không
bao giờ nhòa đi, ánh sáng ấy bây giờ biến thành của ta và chiếu tỏa lên mọi việc chúng ta sống,
mọi con người ta gặp, làm thay đổi hẳn mắt ta nhìn, óc ta nghĩ”. Chức năng văn học có sức cải
tạo lớn lao đối với nhận thức của mỗi chúng ta; và một tác phẩm lớn như thế phải chăng sẽ giúp
người đọc “làm người hoàn thiện hơn”.

Tôi còn nhớ Victor Hugo trong lời tựa “Những người khốn khổ” đã từng viết: “Khi nào những
người đàn ông còn sa đọa vì bán sức lao động, khi nào những người đàn bà còn quằn quại vì đói
khát, khi nào những đứa trẻ còn héo dài tuổi thơ trong tăm tối thì cuốn sách này còn có ích”. Có
lẽ thẳm sâu trong mỗi người nghệ sĩ đều ôm ấp một giấc mộng “đứa con tinh thần của mình” sẽ
giúp ích cho con người, sẽ cho họ một điểm tựa tâm hồn quý giá khi mà bị số phận đẩy đến cùng
đường. Một tác phẩm lớn mang trong mình tư tưởng lớn, tình cảm lớn và được viết bằng “huyết
lệ” tự cổ chí kim. Chính vì lẽ đó mà Nguyễn Đình Thi coi nó “như rọi vào bên trong chúng ta
một ánh sáng riêng”. So sánh với ánh sáng, là vô tình hay cố ý của tác giả khi gợi mở cho độc giả
liên tưởng sự sưởi ấm, soi sáng của một tác phẩm lớn. Thứ “ ánh sáng riêng” ấy len lỏi vào từng
ngõ ngách của tâm hồn ta. Không chỉ đơn thuần là “ánh sáng” mà còn “riêng” nữa. Mỗi tác phẩm
là một công trình không pha trộn mang đặc trưng phong cách nghệ thuật, “tạng tâm hồn” của
người nghệ sĩ. Thứ ánh sáng ấy “không bao giờ nhòa đi” bởi lẽ nó được khai sinh từ một tác
phẩm lớn. Người đọc tìm thấy mình trên trang giấy, tìm thấy tia nắng mà có thể soi rọi cho mình
những bài học “ trông nhìn và thưởng thức” .

Không chỉ dừng lại ở đó, “ánh sáng ấy biến thành của ta và chiếu tỏa lên mọi việc ta sống, mọi
con người ta thấy, làm cho thay đổi hẳn mắt ta nhìn, óc ta nghĩ”. Từ tác phẩm văn học thứ ánh
sáng đó biến thành của ta khi đã được chuyển qua quá trình tiếp nhận. Nếu không có giai đoạn
này thì một tác phẩm văn học thuần túy khi người nghệ sĩ sáng tạo không thể chuyển thành một
tác phẩm lớn. Và nếu không có giai đoạn này thì ánh sáng riêng của tác phẩm không thể chuyển
hóa vào bên trong người đọc. Từ đó mà “chiếu tỏa lên mọi việc”, “mọi con người ta thấy” đặc
biệt “làm cho thay đổi mắt ta nhìn, óc ta nghĩ”. Với câu văn giàu hình ảnh so sánh, nhà văn đã
khẳng định: Đọc các tác phẩm lớn, ta sẽ tiếp thu các tư tưởng, nội dung… mang bản sắc riêng
của từng tác giả. Đó có thể là những hiểu biết về tự nhiên và xã hội. Đó có thể là nhạc điệu trữ
tình khiến ta vui, buồn, giận, ghét… Nhưng vô hình chung, chúng đều hướng người đọc đến cái
“chân – thiện – mỹ”. Từ đó, các tác phẩm sẽ để lại giá trị lâu dài và ấn tượng sâu sắc trong lòng
người đọc. Đó là sức mạnh của văn học khi đến với người đọc bằng đời sống ngôn ngữ. Việc
thay đổi hẳn thế giới quan và cách thức nhìn nhận cuộc sống của con người hẳn không phải là
điều dễ dàng. Con người là một khối bí ẩn và ngay chính bản thân mình có thể còn chưa thấy
hiểu hết. “Ánh sáng riêng” của văn học soi rọi những “vùng biển tối” trong chính tâm hồn của
chúng ta, giáo dục người đọc “năng lực cảm nhận, năng lực cảm nhận nỗi đau thế thái nhân
tình”. Chính bởi khả năng “chiếu tỏa” và “thay đổi” mà Nguyễn Đình Thi nói tới làm tôi nhớ lại
Thạch Lam khi ông tin rằng: “Văn chương là thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có
vừa để thay đổi thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sáng và phong
phú hơn.” Chức năng văn học được nói tới xưa và nay suy cho cùng cũng cùng điểm đến “nhân
đạo hóa con người” từ việc “ thay đổi hẳn mắt ta nhìn, óc ta nghĩ”.

Tôi đã từng thờ ơ vô cảm với những người trong gia đình bao nhiêu khi cố tình viện ra hàng trăm
lí lẽ còn bận nhiều việc.Và cho đến khi đọc “Canh cá tràu” của Chế Lan Viên mới sực mình tỉnh
giấc và vấn đáp bản thân đã sống như thế nào: “ Ừ thế đó mà một đời xa cách mẹ/ Ba mươi năm
trở lại nhà nước mắt xuống mâm cơm”. Tôi đã từng buông dài trong những thất vọng khi bản
thân vấp ngã nhưng sau khi nhìn thấy hình ảnh lão Santiago vẫn có ý định rèn lại mũi lao sau khi
khỏe hẳn trong áng văn của Hê-minh-uê đã giúp tôi giật mình nhìn lại. Thì ra “con người có thể
bị hủy diệt chứ không bao giờ chịu đánh bại”. Mỗi một áng văn cho tôi cơ hội được tìm thấy
những gì là mình, những gì cho mình. Bởi lẽ đó mà Lev Tolstoy nói rằng: “Nghệ thuật là tấm
kính hiển vi mà nhìn vào đó con người thấy rõ hơn những biến động tinh vi trong lòng mình”.
Mỗi tác phẩm lớn thực sự “rọi vào bên trong chúng ta một ánh sáng riêng”, “chiếu tỏa lên mọi
việc chúng ta sống, mọi con người ta gặp, làm cho thay đổi mắt ta nhìn, óc ta nghĩ”.

Được coi là “con chim linh điểu của buổi tịch dương trên đồng cỏ nước Nga” ta tìm đến Sê-
khốp như tìm về một địa chỉ tin cận để tìm thấy chính mình. Những áng văn của ông thực sự thay
đổi hẳn “mắt ta nhìn, óc ta nghĩ”, thay đổi cậu bé Alếchxây Pescop thuở nào thành nhà văn
M.Gorki khi chăm chỉ đọc văn của ông từ lúc còn nhỏ. Và “ánh sáng riêng” “không bao giờ nhòa
đi” trong ta là khi đến với “Người trong bao”. Thứ ánh sáng không trộn lẫn từ nhân vật điển hình
Bê-li-cốp đã thay đổi hẳn “mắt ta nhìn, óc ta nghĩ”. Đó phải chăng là biểu hiện rõ nét nhất của “
một tác phẩm lớn” hay sao?

Đề bài: “ Văn học và cuộc sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người.
Mỗi tác phẩm văn học chỉ như một lát cắt, một tờ biên bản của một chặng đường đời sống
con người ta, trên con đường dài dặc đi đến cõi hoàn thiện” (Nguyễn Minh Châu). Anh chị
hãy bình luận và giải thích lời phát biểu trên.

Bằng trải nghiệm về văn học, anh chị hãy làm sáng tỏ

BÀI LÀM

“Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học” (Tố Hữu). Tác phẩm nghệ thuật nào
cũng bắt rễ từ hiện thực cuộc đời và trở về với với mảnh đất hiện thực giàu có ấy để bồi đắp
thêm cho nó. Bàn về mối quan hệ giữa văn học và cuộc sống, nhà văn Nguyễn Minh Châu quan
niệm : “Văn học và cuộc sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người. Mỗi tác
phẩm văn học chỉ như một lát cắt, một tờ biên bản của một chặng đường đời sống con người ta,
trên con đường dài dặc đi đến cõi hoàn thiện”. Phải chăng, sứ mệnh của người nghệ sĩ chân
chính là được khơi nguồn cho dòng chảy văn học đến được đại dương mênh mông rộng lớn của
“cõi hoàn thiện”?

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Minh Châu bằng thực tế nhiều năm chinh chiến trong “trường văn
trận bút” đã khẳng định: “Nhà văn phải là một thứ côn trùng dung cái râu của mình mà thăm dò
không khí thời đại. Nhưng muốn trở thành một nhà văn lớn anh phải ngụp lặn sâu vào đời sống
dân tộc mình”. Đó là lí do mà ông coi văn học và cuộc sống “là những vòng tròn đồng tâm”.
Người nghệ sĩ bằng cảm quan hiện thực sắc nhọn đưa vào trong tác phẩm thứ hiện thực đã được
khúc xạ qua lămg kính chủ quan, thứ hiện thực đã được tư tưởng hóa, tình cảm hóa. Đọc thơ, ta
không chỉ lắng nghe nhạc điệu câu chữ mà còn lắng nghe được cả khí thế thời đại oai hùng. Như
giây phút Chế Lan Viên viết:

“Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng

Không đâu và ngay cả trong những ngày đẹp nhất

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc

Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”

Nắm bắt được vai trò thiết yếu của hiện thực cuộc sống đối với thơ ca nói riêng và văn học nghệ
thuật nói chung. Chế Lan Viên chẳng từng tuyên ngôn bằng thơ:

“Cuộc sống đánh vào thơ trăm ngàn lớp sóng


Chớ ngồi trong phòng ăn bọt bể anh ơi”

Tuy nhiên, văn học nghệ thuật dẫu viết về muôn mặt của hiện thực mà thiếu đi trung tâm chính
của bức tranh ấy thì hiện thực đâu còn nghĩa lí gì. “Văn học và cuộc sống là những vòng tròn
đồng tâm mà tâm điểm là con người”. Lấy con người làm điểm tựa, văn học có chỗ đứng vững
chắc để nhìn ra thế giới ngoài kia vì hiện thực bao giờ cũng được phản ánh qua đôi mắt của con
người. Nguyễn Siêu đã từng cho rằng văn chương chân chính phải “chuyên chú ở con người”.
M.Gorki đã từng thốt lên :” Con người- hai tiếng ấy vang lên mới đẹp đẽ biết bao”. Hiện thực
trong tác phẩm không chỉ phản ánh ở bề mặt mà còn là hiện thực chiều sâu: Cái hiện thực của
tâm hồn con người. Văn học và nhà văn giúp cho chúng ta có cái nhìn bên trong để phát hiện,
nhìn thấu nỗi niềm sâu sa trong nội tâm của con người. Từ đó, thúc đẩy, nâng đỡ con người trên
hành trình đi đến chân thiện mĩ. “Mỗi tác phẩm văn học chỉ như một lát cắt, một tờ biên bản của
một chặng đời sống con người ta, trên con đường dài dằng dặc đi đến cõi hoàn thiện”. Phản ánh
hiện thực ở dạng tinh chất nhất, cái hiện thực mà qua đó ta nhìn thấy cả đại dương, nhìn thấy cả
sa mạc. “Một lát cắt”, “một tờ biên bản” đó là những gì nhỏ bé nhất có khả năng tái hiện đời
sống con người. Bản chất của cuộc sống được phản ánh trong văn học một cách cô đọng, qua đó
con người được nhìn thấy ở chiều sâu nhân bản. “Cõi hoàn thiện” mà Nguyễn Minh Châu nói
đến là đích cho mọi tác phẩm văn học chân chính. Tác phẩm văn học không chỉ là bản ghi chép
đơn thuần về nhân loại mà là điểm tựa để nhân loái inh tồn và vượt qua tất cả. Qua một nỗi lòng,
một cảnh ngộ, một chặng đời của nhân vật nhà văn bao giờ cũng nói với ta về nhân sinh quan.
Đó là mối quan hoài thường trực, là nơi trú ngụ của tấm lòng “nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”.

Giây phút chị em Liên chờ đợi đoàn tàu trên cái phố huyện buồn tẻ mà sự sống chỉ như đốm
sáng của con đom đóm, bong đêm thì dày đặc, mọi thứ xung quanh “mênh mang và yên lặng”
Thạch Lam đã tâm sự với chúng ta về khát vọng sống, khát vọng về Hà Nội phồn hoa trong tâm
hồn hai đứa trẻ. Những con người trong xóm ngụ cư nghèo kia đâu đã chịu “tắt lửa lòng”. Những
tâm hồn vẫn cháy sang hy vọng dù thực tại phũ phàng biết mấy. Một lát cắt, một đoạn “biên bản”
ghi lại cuộc đợi tàu bền bỉ chỉ trong một đêm ấy thôi mà cũng đủ để cho ta thấy “Hy vọng chính
là một nghệ thuật sống”. Là phương thuốc tinh thần đưa con người đi dần đến cái đẹp, cái hoàn
thiện.

Giây phút mà nhà văn Hemingway đi vào chuyến ra khơi 84 ngày đêm của “ông già và biển cả”,
84 ngày chẳng có gì dài với một đời người nhưng nó là khoảng thời gian để ta nhìn thấy một ý
chí quật cường, một khát vọng chiếm lĩnh vĩ đại giữa ông già kiệt quệ sức lực với đàn cá mập.
Và cuối cùng những gì con người còn lại chỉ là một bộ xương cá khổng lồ, thế nhưng trong trang
văn của Hemingway “Con người có thể bị hủy diệt nhưng không bao giờ chịu đánh bại”. Và từ
đó nhà văn nâng đỡ cho con người niềm tin chân chính, khát vọng cao cả mà đi đến “cõi hoàn
thiện”. Thật không sai khi ta bảo rằng ‘Cuộc sống trong ngôn từ lâu dài hơn chính bản thân đời
người” Nhà nghệ sĩ qua trang văn mà gửi gắm vào đó khát vọng, ước mơ. Người đọc mỗi thời
đại sẽ tìm ra trong đó một con đường dẫn đến “cõi hoàn thiện”. Từ đây mà sự sống nhà văn được
kéo dài. Đã ai từng nói: “Trước sự ra đi của một nhà văn tôi nghĩ đến sự bất tử của một ngòi
bút”, điều đó chẳng đúng hay sao.
“Văn học và cuộc sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”. Thoát thai từ
đời sống, văn học viết về con người với những phương diện khác nhau. Viết về cái xấu, cái ác để
thức tỉnh con người, viết về điều tốt đẹp để nâng đỡ con người trên bước đường đi tới tương lai.
Tác phẩm văn học không bao giờ là sự diễn đạt dài dòng về cuộc đời ba vạn sáu ngàn ngày mà
nó chỉ là những khoảnh khắc mà ở đó sự sống đậm đặc nhất, bản chất con người được biểu hiện
đến tận cùng. Văn chương sẽ chỉ là trò tiêu khiển nếu nó than mây khốc gió. Nhà văn phải “sống
toàn tim, toàn trí, sống toàn hồn” để nhìn thấy bản chất con người trong cuộc đời đa sự. Nó
không phải là “ánh trăng xanh huyền ảo che cả những sự vật bình thường xấu xa”. Nó không
phải chiếc thuyền mơ mộng đẹp như bức họa tàu thời cổ mà khi gần lại mới thấy sự đời phức tạp
lắm thay.

Đề bài: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó
không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu
hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó” (Belinxky)

Bằng hiểu biết về văn học của anh chị. Hãy làm sáng tỏ.

Bài làm:

“Đọc thơ tình Heinrich Heiner” Hồng Ngát đã xúc động mà thốt lên:

“ Câu thơ đọc thuở còn thơ

Dư âm đến tận bây giờ còn đau”

Đó là sức mạnh kì diệu của văn chương nghệ thuật, là khả năng tác động diệu kì của mỗi tác
phẩm văn học chân chính. Làm được điều này không phải dễ dàng. Người nghệ sĩ phải vắt ra từ
trái tim mình những dòng ánh sáng yêu thương con người, những tâm tư thường trực trong lòng.
Có phải bởi những nhà văn, nhà thơ vĩ đại – những con người đã sống, đã sống hết mình và yêu
hết mình với cuộc đời, với con người bởi họ thấm thía sâu sắc rằng: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ
chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca
tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó”.

Sinh thời, “Thi sĩ Đau thương” Hàn Mặc Tử đã từng viết trong nỗi niềm thiết tha: “Không rên
xiết là thơ vô nghĩa lí ”. Bởi lẽ tác phẩm nghệ thuật bắt đầu từ sự gửi gắm ân tình và trái tim của
người nghệ sĩ chân chính. Hơn ai hết, anh phải ý thức được sứ mệnh của mình đó là sự “gửi gắm
tình cảm” ( Lê Ngọc Trà). Và cũng đi ra từ chân lí muôn đời ấy, câu nói của nhà phê bình nga
Bielinxky đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng, thậm chí, quyết định tư tưởng, tình cảm, hay
nói cách khác, cái tâm của người cầm bút quyết định sức sống của một tác phẩm nghệ thuật, ở
đây được hiểu là tác phẩm văn học. Tác phẩm văn học chỉ sống được trong những tư tưởng, tình
cảm mãnh liệt của người cầm bút mà thôi.

Tác phẩm văn học phản ánh cuộc sống nhưng không phải là sao chép hiện thực nguyên mẫu:
“Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả” là như vậy. Phản ánh
hiện thực máy móc, vô hồn thì áng văn chương đó chỉ làm được nhiệm vụ của một bức ảnh chụp.
Suy cho cùng, mỗi tác phẩm phải mang đến được “tiếng thét khổ đau”, “lời ca tụng hân hoan”
bởi người nghệ sĩ viết ra từ sự thôi thúc của trái tim. Raxpuchin nói rằng: “Nếu tôi viết, ấy là vì
tôi cảm thấy đau ở đâu đấy trong người, tôi cảm thấy một sự thiếu thốn nào đó. Phải tin rằng văn
học cần phải phô diễn cái gì đó đòi được viết ra đặc biệt là các hình tượng mà chỉ văn học mới có
thể khai thác và nói rõ”. Nghệ sĩ không có của để dành, anh sẵn sàng dâng trọn trái tim và vốn
sống của mình để phục vụ cho công cuộc sáng tạo. Tình cảm không chỉ là “khâu đầu tiên” mà
còn là “khâu cuối cùng” trong quá trình hình thành một tác phẩm văn học. Vậy làm sao để nghệ
thuật có thể lay động sâu xa tâm hồn người đọc, có thể khiến độc giả cùng vui, buồn, xôn xao,
giận hờn, đau khổ, căm phẫn… cùng nhân vật khi mà nhà văn không thực sự xúc cảm, không
viết từ chiều sâu con tim? “Nhà văn là người cho máu” cũng để nói về sáng tác là bằng tất cả trái
tim, tình cảm của mình, vui buồn với từng cảm xúc của nhân vật, sống cùng cuộc đời của nhân
vật. Như Lâm Ngữ Đường từng viết “Văn chương cổ kim đều viết bằng huyết lệ”, không rung
động bằng cả trái tim thì không có nghệ thuật. Giống như giây phút Nguyễn Bính thổn thức:
“Chị thương chị kiếp con chim lìa đàn”, giống như giây phút Dương Hướng viết về chiến tranh
chỉ qua lời kể của người trở về, qua từng tờ giấy báo tử vô hồn, và hiếm hoi với vài lần máy ném
bom bay lượn lờ trên không… ở đấy không có súng đạn đì đùng mà là những mảnh đời đong đầy
nước mắt. “Bến không chồng” hay “Lỡ bước sang ngang” chỉ là một trong số những áng văn mà
ở đó người nghệ sĩ đã thực sự ý thức “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ
để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan”.

Trở lại với quan niệm của Bielinky thì tác phẩm còn “chết” nếu nó “không đặt ra những câu hỏi
hoặc trả lời những câu hỏi đó”. Mỗi chỉnh thể nghệ thuật phải là những câu hỏi lơ lửng về cuộc
đời đa sự và cuộc sống đa đoan. Người nghệ sĩ phải cùng đối thoại với bạn đọc về những vấn đề
nhân sinh sâu sắc qua tác phẩm của mình “Ở nước nào cũng thế thôi, sự cảm thông và chia sẻ
giữa người đọc và người viết là trên hết” ( Bùi Hiển). Nếu chỉ có tình cảm, văn học sẽ không có
sức sống, sức hấp dẫn diệu kì. Tác phẩm văn học còn phải thể hiện được tư tưởng đúng đắn, sâu
sắc. Nhà văn phải đặt ra “câu hỏi của cuộc sống”. Tư tưởng của nhà văn quyết định tầm vóc và
giá trị một tác phẩm. Nhà văn phải đặt ra và giải quyết những vấn đề quan trọng về nhân sinh.
Đồng thời, tác phẩm cũng để lại day dứt, ám ảnh cho người đọc. Tôi bỗng nhớ tới câu hỏi mà
Nguyễn Minh Châu đặt ra trong “Chiếc thuyền ngoài xa”: Khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc
đời là bao xa và người nghệ sĩ làm sao để bắt lại hiện thực cận nhân tình chứ không chỉ là vẻ đẹp
truyệt vời mơ mộng ở bên ngoài? Những câu hỏi cứ liên tục được đặt ra để độc giả cùng trả lời
và qua đó thể hiện “mối quan hoài thường trực” của nhà văn về con người và cuộc sống.

Đề bài: Các nhà văn, nhà thơ nhân đạo lớn thường gửi vào sáng tác một cách nhìn sâu sắc
về con người, cách nhìn này hướng đến đời sống nội tâm và cảm xúc.

Bằng hiểu biết về văn học của anh chị. Hãy làm sáng tỏ.

Bài làm:
“Cuộc sống còn tuyệt vời biết bao trong thực tế và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi
thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu buồn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở
đời.” ( trích Nhật kí Nguyễn Văn Thạc ). Làm được điều đó chính là bởi văn chương được ấp ủ
nơi trái tim người nghệ sĩ, cuộc dâu bể mà chúng ta nhìn thấy trong văn học là máu và nước mắt
của nhà văn. Trước khi rỏ từng giọt tâm hồn ra ngòi bút để viết nên những câu chữ đẹp đẽ tinh
khôi; mỗi nhà văn đều để dòng tư tưởng thấm xuyên qua con tim thổn thức để từ đó, thể hiện cái
nhìn sâu sắc về con người mà gửi vào trong sáng tác. Cái nhìn nghệ sĩ luôn đau đáu khôn nguôi
hướng đến đời sống nội tâm và cảm xúc, để dựng lên tượng đài cao đẹp và hùng vĩ của con
người trong văn chương muôn thuở, trong tình nhân đạo dạt dào.

Văn chương cổ chí kim đều bắt nguồn từ cuộc sống muôn màu muôn vẻ ngoài kia. Hiện thực
cuộc sống cần lao của nhân dân giúp người nghệ sĩ có cơ hội trải đời và thể nghiệm trong nghệ
thuật. Trước “cánh rừng đại ngàn”, trước “trái núi” cuộc đời, nhà nghệ sĩ phải lượng sức mình
nếu như “không ôm nổi trái núi thì hãy ôm trùm lấy một cành cây trên sườn núi ấy”. Anh đón
nhận hơi thở cuộc đời xung quanh mình, từ đó “chưng cất” chất liệu ấy để sáng tạo nghệ thuật.
Viết như một nhu cầu được giải tỏa cảm xúc, viết khi mà mọi mặt tư tưởng và vốn sống đã chín,
sức suy nghĩ sáng tạo mạnh nhất.

Các nhà văn, nhà thơ nhân đạo lớn là những con người đã đau, đã hiểu, đã đem tâm để thấu hết
mọi cảnh đời, mọi nỗi khổ thế gian. Nhà văn viết một tác phẩm để gửi gắm vào đó một cách nhìn
sâu sắc về con người – đối tượng của văn học – nghĩa là một phát hiện khám phá mới mẻ, độc
đáo, đầy ý nghĩa của riêng nhà văn về thế giới nhân sinh. Cách nhìn ấy, phát hiện ấỵ trước hết là
cách cảm về con người trong nỗi khổ, cả niềm vui và cái đẹp. Bàỵ tỏ tình thương, lòng trắc ẩn
trước đớn đau của cuộc đời và ca ngợi cái đẹp trong cuộc sống, đó là thiên chức của nhà văn.
Mỗi phút giây rung động trong tâm hồn là một lần ta sống thật với lòng mình, sống với tất cả bản
chất con người của mình. Con người hiện lên hoàn toàn nhất trong nội tâm và cảm xúc. Cố gắng
nắm bắt tài tình được đời sống bên trong của mỗi người, nhà văn mới có thể nói là đắc nhân tấm,
hiểu sâu sắc và có cái nhìn đúng đắn với nhân loại đông đúc này. Đó chính là phẩm chất cần thiết
của một nhà văn chân chính và cũng là “nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” (Sê-khốp). Một nhà văn
đích thực phải đồng thời là nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn và phải đặt cái tâm của mình lên trang
giấy. Nếu không có một trái tim ấm nóng những nhịp đập vì cuộc đời, nếu không có tấm lòng
nhân đạo thiết tha thì anh sẽ chỉ viết được tác phẩm: “bạn đọc xong rồi, dư luận im lặng. Nghe
như hòn gạch ném xuống giếng, sau tiếng rơi tõm vào lòng giếng là cái im lặng mênh mông”
( Tô Hoài ). Đối với người cầm bút, sự im lặng đó thật là đáng sợ, sự im lặng báo hiệu cái chết
của nghệ thuật.

Đối tượng của văn học chính là con người. Và như cách nói của Nguyễn Minh Châu thì “mỗi
con người đều chứa đựng trong lòng những nét đẹp đẽ, kì diệu đến nỗi cả một đời cũng chưa đủ
nhận thức, khám phá tất cả những cái đó”. Không chỉ biểu hiện ngoại hình nhân vật, văn học còn
thâm nhập để khám phá được bí ẩn giấu kín đằng sau cánh cửa thế giới tâm hồn, tức đời sống nội
tâm bên trong. Giây phút nhà họa sĩ trong truyện ngắn “Bức tranh” nhận ra “gương mặt bên
trong của chính mình” đang được lộn trái. Giây phút mà người đàn ông trong truyện ngắn của
Thạch Lam đứng giữa ranh giới mỏng manh như “sợi tóc” là thiện và ác. Tất cả những dằn vặt,
vui buồn hay mâu thuẫn đắng cay đều được nhà văn khám phá. Hướng tới “đời sống nội tâm và
cảm xúc” nắm bắt được điều này là yêu cầu cao nhất mà cũng là bản lĩnh, tài năng và sự tinh tế
của nhà văn. “Tiểu vũ trụ” bên trong mỗi con người luôn là điều bí ẩn thôi thúc nhà văn khám
phá. Không chỉ là nhìn nhận đơn thuần bề ngoài mà là thấu thị tới bề sau bề sâu, làm sáng tỏ thế
giới nội tâm của con người và gửi vào đó những thông điệp nghệ thuật. Mỗi sáng tác là đôi mắt
trân trọng và tin yêu những cái đẹp đẽ và giá trị vẫn tồn tại trong cuộc đời này. Tinh thần nhân
đạo trong các tác phẩm văn chương giống như những bậc thang nhỏ mà khi bước lên “ta tách
khỏi con thú để đến gần với con người hơn” ( M.Gorki )

Đề bài: “Nghệ thuật là những câu trả lời đầy thẩm mĩ cho con người, thay đổi, cải thiện thế
giới tinh thần của con người, nâng con người lên” ( Tố Hữu )

Anh chị hiểu ý kiến trên như thế nào, hãy làm sáng tỏ.

Bài làm:

Jhumpa Lahiri đã từng chia sẻ về nghề: “Trở thành người viết là làm một bước nhảy vọt, từ chỗ
lắng nghe sang cất tiếng: “Hãy nghe tôi này”. Và từ sự cất tiếng ấy mà nhà văn dễ dàng có thể
đem tiếng nói của mình đến với đông đảo người đọc. Không chỉ đơn thuần như những lời nói
thường trong sinh hoạt, tiếng nói văn nghệ tác động mạnh mẽ đến thế giới tinh thần con người.
Nghê thuật luôn ẩn chứa sức mạnh cao cả giống như cách mà Tố Hữu viết: “Nghệ thuật là những
câu trả lời đầy thẩm mĩ cho con người, thay đổi, cải thiện thế giới tinh thần của con người, nâng
con người lên”. Có thể nói đây là lời khẳng định đúng đắn về chức năng văn học nghệ thuật, là
bài học cho người nghệ sĩ trên con đường sáng tạo nghệ thuật.

Tác phẩm nghệ thuật không chỉ đơn giản là những con chữ trên trang giấy mà còn là di sản tinh
thần giá trị của nhà văn, là sản phẩm của người nghệ sĩ trên hành trình khai phá hiện thực, khám
phá thế giới tinh thần của con người, mang đến ánh sáng của chân- thiện –mĩ như Charles Dubos
khẳng định: “Văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng”. Vì thế nên trong cách nói
của Tố Hữu thì nghệ thuật phải là “những câu trả lời đầy thẩm mĩ” là như vậy. Sáng tạo văn học
trên nguyên tắc của cái đẹp, vừa truyền tải những bài học mà nhà văn gửi gắm vừa phải phù hợp
với tư tưởng thẩm mĩ của thời đại và từ đó “thay đổi, cải thiện thế giới tinh thần của con người,
nâng con người lên” . Nghệ thuật bao giờ cũng là bức thông điệp xanh , là giây phút mà người
nghệ sĩ say sưa trút cạn thâm tâm lên trang giấy rộng mở. Để rồi từ đó chúng ta nhận ra “cành
vàng đã bừng nở kì diệu sau những giây phút thăng hoa”. Sáng tạo nghệ thuật bao giờ cũng phải
cải biến thế giới tinh thần cho con người, trong “Mười năm cõng thơ leo núi” Thanh Thảo viết
rằng thơ ca nói riêng hay văn chương nói chung đều là “tiếng nói của tâm linh, tiếng nói của sự
chiêm nghiệm nhiều khi là cả đời người, của nhiều đời người". Những tập thơ có giá trị thực sự,
chúng có thể là "Kinh thánh của tâm hồn", là thứ "không thể mua và không thể bán. nhưng lại
không thể thiếu cho con người". Bởi vì những tác phẩm chân chính luôn cho chúng ta cơ hội
được đối diện với chính mình, được nhìn lại bản thân một cách bình thản, được kết nối giữa
những khoảng cách không gian và thời gian, tâm hồn với tâm hồn, chân trời của một người đến
chân trời của tất cả. Thông qua thế giới hình tượng, tác phẩm văn học chân chính mang đến
những bài học, triết lý nhân sinh sâu sắc, gửi gắm tư tưởng và tình cảm, ước mơ và khát vọng
của nhà văn đối với con người và cuộc sống, hướng con người đến các giá trị chân thiện mĩ, do
đó mà nâng con người lên, giúp con người hướng thượng, hướng thiện.

Hầu hết mọi người đều âm thầm tin rằng bản thân họ đang ấp ủ một cuốn sách và sẽ ngồi xuống
viết ngay khi họ có chút thì giờ. Song, sự thật trần trụi là: Nhiều người có những trải nghiệm mà
người khác có thể muốn đọc nhưng điều đó không giống với việc “trở thành nhà văn” bởi một
nhà văn đúng nghĩa phải đi từ những trải nghiệm và thể nghiệm cá nhân hướng con người đến
với ánh sáng văn minh của nhân loại. Những tác phẩm có khả năng “thay đổi, cải thiện thế giới
tinh thần của con người, nâng con người lên” như Tố Hữu quan niệm sẽ là cầu nối quá khứ- hiện
tại- tương lai, luôn giúp con người thấu hiểu những chân lí đời sống và hoàn thiện bản thân
mình. Chính Nguyên Ngọc cũng khẳng định” Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ
mãi mãi tính người cho con người.” Và với chức năng giáo dục mạnh mẽ của nghệ thuật thì ta
hoàn toàn có thể tin tưởng nếu có một phép lạ làm cho tất cả các tác phậm văn chương biến mất
thì Trái Đất này cũng chẳng còn mấy giá trị.

Đề bài: Trong Daghestan của tôi, Raxun Gamzatov từng nói: “Đừng nói trao cho tôi đề tài,
hãy nói trao cho tôi đôi mắt”

Còn Marcel Proust cho rằng: “Thế giới được tạo lập không chỉ một lần mà mỗi lần người
nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”

Anh chị hiểu ý kiến trên như thế nào, hãy làm sáng tỏ.

Bài làm:

Có nhà thơ là tiếng kèn xung trận, có nhà thơ là tiếng sáo véo von, có người lại là dòng thác lũ
xô đẩy bởi cùng chung suối nguồn hiện thực nhưng mỗi nhà thơ lại là một vũ trụ, một kì quan
riêng biệt. Mỗi tác phẩm ra đời là sản phẩm của những chủ thể sáng tạo khác nhau. Bàn về quá
trình sáng tạo của người nghệ sĩ trong Daghestan của tôi, Raxun Gamzatov từng nói: “Đừng nói
trao cho tôi đề tài, hãy nói trao cho tôi đôi mắt”. Còn Marcel Proust cho rằng: “Thế giới được tạo
lập không chỉ một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được
tạo lập”

Là người luôn tâm niệm: “một cuộc thám hiểm thực sự không cần một vùng đất mới mà cần một
đôi mắt mới” chính vì thế mà Rasul Gamzatov từng khuyên các nhà văn trẻ:“Đừng nói trao cho
tôi đề tài, hãy nói trao cho tôi đôi mắt”. Đôi mắt ( thế giới quan ) là một biểu hiện của phong
cách nghệ thuật bởi xét đến cùng thì “ phong cách không phải là vấn đề về kĩ thuật mà là vấn đề
về cách nhìn”. Hiện thực đời sống vô cùng phức tạp, đề tài là thuật ngữ dùng để chỉ phạm vi các
sự kiện tạo nên cơ sở chất liệu đời sống của tác phẩm nghệ thuật. Khái quát hơn, đề tài thể hiện
phạm vi miêu tả trực tiếp của tác phẩm. Trong sáng tạo, người nghệ sĩ đề cao đôi mắt hơn là đề
tài bởi “đôi mắt” là yếu tố đầu tiên, quyết định của một tác phẩm văn học. Đề tài thì muôn màu
muôn vẻ, nhưng nó được đưa vào trang viết như thế nào lại là vấn đề của “đôi mắt”. Hoài Thanh
đã từng khẳng định: “Cây trên rừng muôn ngàn lá không có hai lá hoàn toàn giống nhau, trong
rừng người cũng vậy: không có ai hoàn toàn giống nhau. Chân dung còn thế huống nữa là tinh
thần”. Bởi vì mỗi người nghệ sĩ có đời sống khác nhau, môi trường và đặc điểm tâm lí riêng biệt
nên chi phối đến “đôi mắt” theo từng khía cạnh độc đáo. Sigmund Freud tin rằng: “Mỗi một con
người, trong nội tâm là một nhà thơ, chỉ khi nào người cuối cùng chết đi, thì mới mất nhà thơ
cuối cùng”. Mỗi người nghệ sĩ là một vũ trụ bí ẩn và trong quá trình sáng tạo thì vai trò của họ
mới dần hiện ra rõ nét. Qua một nỗi lòng, một cảnh ngộ, một sự kiện trong đời sống thì nhà văn
lại gửi tới chúng ta một vấn đề về nhân sinh. Vấn đề đó bao giờ cũng được phản ánh qua tư
tưởng linh diệu và “đôi mắt’ cảm quan của người nghệ sĩ. “Đôi mắt” là vấn đề về cái nhìn, cách
nhìn, quan điểm lập trường và biểu hiện thế giới quan, nhân sinh quan của nhà văn. Và nó cũng
là yếu tố xác định phạm vi đề tài xây dựng trong chỉnh thể nghệ thuật. Đọc “Vang bóng một
thời” của Nguyễn Tuân, ta có thể hình dung ra một ‘đôi mắt” luôn hướng đến cái đẹp: “Qua
những loại người khác nhau, Nguyễn Tuân đều tìm thấy ở họ những nét đẹp của nghệ thuật, một
lối sống khá lập dị, cầu kì…đôi khi cái đẹp vị nghệ thuật của ông xuất hiện vào những trường
hợp khá oái oăm, tàn nhẫn: cái đẹp của một nghệ thuật “ném bút chì”, cái đẹp của những dòng
chữ một người tử tù, cái đẹp của một nghệ thuật “chém treo nghành” rất ngọt”. Tất cả tuy có
những biểu hiện khác nhau nhưng thống nhất trong lập trường nghệ thuật của Nguyễn Tuân –
người tôn thờ Cái Đẹp với hai chữ viết hoa. Nếu đôi mắt với con người là cửa sổ tâm hồn thì đôi
mắt của nhà văn lại là ô cửa để độc giả khám phá tác phẩm nghệ thuật một cách sâu sắc hơn.

Nghệ thuật vốn là hoạt động tinh thần đặc biệt chứ không phải là sản xuất hàng loạt bởi sáng tác
của nhà văn là tạo ra một thế giới sinh động. Thế nên Marcel Proust cho rằng: “Thế giới được tạo
lập không chỉ một lần mà mỗi khi một người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện là một lần thế giới được
tạo lập”.Cách nói này cũng mang nội dung tương tự như Raxun Gamzatov bởi lẽ “thơ ca là mở
ra được một cái gì mà trước nhà thơ đó, trước câu thơ đó vẫn như bị phong kín” ( Nguyễn Tuân).
Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, không phải công việc “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi
đào’. Mỗi người nghệ sĩ là một thế giới, một tiểu vũ trụ riêng vì thế mà hiện thực cuộc sống
trong trang viết cũng được khám phá một cách độc đáo. Cùng viết về tình yêu nhưng cái khát
vọng xen lẫn âu lo của Xuân Quỳnh lại không giống với Xuân Diệu: “ Dữ dội và dịu êm/ ồn ào
và lặng lẽ”. Cùng viết về tình yêu nhưng thơ tình Puskin lại mang những điểm riêng biệt với thơ
tình của Henrich Heiner: “Tôi yêu em, chân thành đằm thắm/ Cầu em được người tình như tôi đã
yêu em’. “Thế giới được tạo lập không phải một lần” là nằm ở chỗ đó. Văn chương chân chính
không có những con đường mòn và để có thể sống mãi với mai hậu thì người nghệ sĩ cầ ý thức
được: “Nghệ thuật là tự khơi lấy một dòng sông” ( Nam Cao).

Đề bài: “Không có gì làm chúng ta lớn bằng một nỗi đau lớn”

Anh chị hiểu ý kiến trên như thế nào, hãy làm sáng tỏ.

Bài làm:
“Tôi viết ra trong nỗi khổ đau

Trong niềm say mê buồn thảm

Những bài thơ tuyệt vọng

Là niềm an ủi của riêng tôi”

( Đơ-noay)

Công việc của những người nghệ sĩ chân chính là đốt lửa tâm hồn mình, lấy trái tim mình để làm
bài thơ rực cháy. Nỗi đau đời và đau người ấy là sự biểu hiện rõ nhất của “nghệ thuật kí thác tấm
lòng”. Xưa kia, thi sĩ Hàn Mặc Tử từng quằn quại trong những mảnh vỡ của máu, nước mắt để
“Xin dâng máu này đang tươi/ Này đây tiếng khóc giọng cười chen nhau”. Những nỗi đau lớn
được người nghệ sĩ gửi gắm trong tác phẩm không chỉ đơn thuần là cách “giải tỏa nội tâm” khi
trong lòng tràn ngập khổ đau mà còn khiến độc giả lớn lên về tinh thần: “Không có gì làm chúng
ta lớn bằng một nỗi đau lớn”.

Người nghệ sĩ đứng trước “những điều trông thấy” mà “đau đớn lòng”. Xét cho cùng, nỗi đau
lớn ấy cũng là sản phẩm của một tâm hồn đa sầu đa cảm, sản phẩm của một kiểu “Jesus về tinh
thần” ( Lê Ngọc Trà ). Người nghệ sĩ có quyền sống sung sướng hơn người khác về mặt vật chất
nhưng anh không có quyền đau khổ, dằn vặt ít hơn họ về mặt tinh thần. Nỗi đau lớn được chắt ra
từ buồng tim không ngừng đập vì cuộc đời, chắt ra từ tâm hồn lớn, tình cảm lớn. Và nỗi đau của
người nghệ sĩ là kết quả của quá trình lắng nghe những tâm tình của đời sống con người, những
tiếng than vãn của đại chúng. Thật không sai khi Bielinxki nói rằng: “Bất cứ thi sĩ nào cũng sẽ
không thể trở thành vĩ đại nếu chỉ miêu tả ở mình, nỗi đau khổ hay niềm hạnh phúc của mình”.
Nỗi đau lớn chỉ có thể xuất hiện ở một nhà nhân đạo vĩ đại và một tác phẩm đậm đà giá trị nhân
bản. Và những đứa con tinh thần ấy sẽ sống hoài sống mãi trong tâm trí người đọc. Câu chuyện
“Cây hồ cầm” của Rothschild kể về một người đàn ông tên Ivanov, sau khi người vợ của mình
chết, ông đã nhỏ bao nhiêu nước mắt vào cây đàn. Chính vì lí do đó mà sau khi ông qua đời, cây
đàn mà ông để lại bao giờ cũng làm người nghe rớt nước mắt. Phải chăng tác phẩm nghệ thuật là
như vậy? Một nỗi đau lớn có tác động mạnh mẽ đến những người đón nhận là như thế.

Nỗi đau lớn của người nghệ sĩ làm chúng ta lớn. Hay chính việc chúng ta lớn lên về mặt tinh
thần ấy là sự đánh giá vị trí trên văn đàn của mỗi nhà văn. Qua mỗi tác phẩm văn chương khiến
chúng ta lớn lên về mặt nhận thức, thanh lọc về mặt tâm hồn. Nhận thức quan trọng nhất của văn
chương là sự nhận thức chính mình. “Mỗi tác phẩm như dòng phù sa nhen nhóm lên phẩm chất
con người của chính mình” ( M.Gorki). Mong mỏi của nhà văn là được độc giả đón nhận tác
phẩm một cách trân quý và giữ gìn. “Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm những người viết quên đi
hết mọi nỗi nhọc nhằn, tiếp tục dâng hiến cho đời những gì là tinh hoa nhất, là quý báu nhất.” Và
“Không có gì làm cho chúng ta lớn bằng nỗi đau lớn” bởi người thi sĩ làm tròn nhiệm vụ ở thế
gian này, nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời. Người bắt chúng ta
phải mua bằng giá máu, phải hiểu rằng: “Tuyệt vời là khúc thương tâm/ Biết bao tiếng nấc thành
ngâm muôn đời”.

You might also like