Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 30

CHỨC NĂNG VĂN HỌC

1. Dẫn chứng 1

“Mục đích chính của nghệ thuật là nói lên sự thật về tâm hồn con người.

Nghệ thuật là chiếc kính hiển vi mà người nghệ sĩ dùng để soi vào những

điều bí ẩn của tâm hồn mình và trình bày những điều bí ẩn chung cho con

người ”(Lev Tolstoy).Văn học cho ta thấy những điều nên được thấy ở trong

xã hội, những điều ẩn sâu mà mắt thường chưa tỏ rõ, từ đó người đọc có thể

nhận thức được về thế giới xung quanh, về vũ trụ bao la, rộng lớn quanh

mình. Nhưng không chỉ dừng ở đó, văn chương còn mổ xẻ cho ta từng tầng

bậc bên trong con người, những bản chất ở bề sâu, những khoảng lặng nơi

tâm tưởng con người. Đến với truyện ngắn “Phiên chợ Giát” của Nguyễn

Minh Châu ta thấy sự biến dạng từ sâu trong tâm hồn của Lão Khúng, lão

mơ thấy chính lão bị đánh bằng búa tạ, chính lão là một con bò! Lão tự nhìn

thấy mình trong cái thân hình nửa bò nửa người, máu me đầm đìa, mà lão

vẫn bình thản y như thân thủ một cái điều đương nhiên mà trong những khi

thức lão không hề được biết. Hình ảnh lão Khúng biến dạng trong giấc mơ

chính là hình ảnh thật của lão - một kiếp trâu bò nửa người nửa vật của

người nông dân, chẳng thể phân định. Lão nhận ra, cuộc đời mình không

khác gì một con bò hoang, thật đắng cay làm sao! Thật đắng cay sao cho một

kiếp người khi gần đất xa trời mới nhận ra mình đã sống không khác là bao

kiếp trâu bò không biết sự vất vả có được đền đáp hay không. Sau giấc mơ
ấy, lão tỉnh dậy và quyết định thả con bò khoang về rừng, về chốn tự do

nguyên thuỷ, giải thoát cho bò khoang một kiếp đẽo cày, cũng là giải thoát

chính mình khỏi mảnh ruộng, khỏi nghề nông, khỏi những ngày quá vãng.

Nhưng rồi con bò khoang vẫn trở về, như một thất bại của sự ảo tưởng tự do

hoang dã của lão Khúng, tựa chàng Don Quixote và chiếc cối xay gió của

những năm thế kỉ XV. Qua tác phẩm “Phiên chợ Giát” Nguyễn Minh Châu

đã thể hiện bi kịch của người nông dân – Lão Khúng muốn vượt thoát số

phận của mình nhưng bi kịch này lại nối tiếp bi kịch khác và chẳng có gì có

thể thay đổi được số phận của lão. Người nông dân cụ thể ở đây là lão

Khúng phải đối mặt với những nỗi đau đớn của số phận của mình. Sự đau

đớn ấy như những nhát dao “phạt ngang cuộc đời của lão”. Bi kịch của lão

cũng là bi kịch tiểu biểu cho người nông dân lúc bấy giờ. Cho dù là chiến

tranh hay là kiếp mưu sinh thì người nông dân luôn chịu đau khổ và những

bi kịch đau đớn.

2. Dẫn chứng 2

“Tôi muốn tác phẩm của tôi giúp mọi người trở nên tốt hơn , có tâm hồn thuần

khiết, tôi muốn chúng góp phần khơi dậy tình yêu con người, đồng loại và ý muốn

đấu tranh mãnh liệt cho những lí tưởng của chủ nghĩa nhân đạo và sự tiến bộ của

loài người.” đó là lời của văn nhân nổi tiếng người Nga - Sholokhov khi ông nói

về mong muốn tối cao nhất của một nhà văn khi sáng tạo nên một tác phẩm văn
học. Và hẳn vậy, khi ta đọc văn, cái ta cần là những tư tưởng được rung lên ở các

cung bậc tình cảm trong trái tim ướt át chứ chẳng cần những tư tưởng nằm thẳng

đơ trên trang giấy. Ta cần sự rung cảm ở bề sâu tâm hồn, những bài học về lẽ sống

ở đời như làn nước ngọt ấm rót tưới vào người ta, để từ đó nảy lên hạt mầm của

những thiện lương tốt đẹp. Đọc truyện ngắn “Cái Mũi” của nhà văn Ryunosuke

Akutagawa, ta cảm thấy xót thương cho nhà sư Zenchi, bởi ông thật khổ, ông khổ

khi phải giả vờ “chẳng hề bận tâm đến cái mũi” vì lòng tự trọng, vì “không muốn

mọi người nghĩ rằng ông phải sầu muộn vì cái mũi của mình”. Ta cũng thấy giận

dữ vì sự dè bỉu của những người xung quanh ông từ khi mũi ông còn dài “lủng

lẳng” cho đến lúc nó đã ngắn lại. Từ điều đó, ta biết được rằng lời nói có thể ảnh

hưởng đến một người sâu sắc như thế nào và ẩn sâu trong chúng ta luôn có những

phần tính nết rắn rết thóa mạ người khác. Nhưng đứng ở góc độ khác từ nhà sư

Zenchi ta cũng nhận ra được nỗi sợ hãi, tự ti ẩn sâu trong mỗi con người, nhà sư

Zenchi vờ như “chẳng hề bận tâm” đến cái mũi bởi vì một lí do duy nhất là ông

quá bận tâm đến cái mũi của mình. Ông cố tìm sự an ủi trong những pho Kinh

Phật dày cộp, mong tìm được một sự dẫn dụ về một cái mũi dài, một người như

ông, khát khao rằng giá như tìm được một “Mục Liên hay Sa Liên cũng có một cái

mũi dài”. Đó là sĩ diện, sự tự ti, mặc cảm chôn chặt trong lòng mỗi con người ta,

để người khác dẫn dắt và rồi không vững được tâm thức của mình, cũng giống như

nhà sư Zenchi ông vẫn không thoát được hố sâu mà mình tự tạo ra, ông vẫn mắc

kẹt tại đó cùng với cái mũi dài và bản tính quá để ý để sự đánh giá của người khác.

Từ truyện ngắn “Cái Mũi” của R.Akutagawa ta nhận ra được sự châm biếm nhẹ
nhàng nhưng mang tính phù phiếm, vị kỉ của loài người. Ta nhận thức được bản

chất bề sâu trong mỗi con người và từ đó ta tự nhận thức về chính mình và tự giáo

huấn bản thân để ngày càng hoàn thiện và tỏa sáng. Và đây chẳng phải là sứ mệnh

cao đẹp của văn chương hay sao? Hướng con người đến cái cao thượng, cái đẹp,

cái nhân đạo của lòng người, đưa ra những niềm đau nhân loại nhưng để lại những

dấu ấn của tình yêu thương, tình người thật sự để ta trân trọng và sống tốt hơn.

3. Dẫn chứng 3

Thời gian vô hình trôi đi, vạn vật trên đời tất cả cũng đã đổi thay. Duy nhất chỉ có

mục đích và giá trị của văn chương là vẫn còn vẹn nguyên – hướng tới con người

và cuộc đời. “ Văn học vị nhân sinh”. Hiện thực xô bồ, tàn khốc đã làm cho lòng

người ngày càng lạnh lẽo, vô cảm. Và lúc này, văn học xuất hiện như “một thứ khí

giới thanh cao và tự đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế

giới giả dối và làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn!”

(Thạch Lam). Đến với tác phẩm “Giết con chim nhại” của nhà văn Harper Lee

người đọc lại càng hiểu biết sâu sắc hơn về điều này. “Giết con chim nhại” là câu

chuyện xoay quanh 2 đứa trẻ là Jean Louise “Scout” Finch và Jeremy Atticus

“Jem” Finch. Chúng lớn lên cùng nhau và có người cha làm luật sư. Diễn biến câu

chuyện trở nên hấp dẫn hơn khi người cha tiến hành bào chữa cho một người da

đen tên là Tom. Người này bị buộc tội cưỡng hiếp một cô gái người da trắng là
Mayella Ewell.Chính vì điều này đã làm cho hai người con của ông bị tẩy chay bởi

những đứa trẻ và người da trắng. Họ nói gia đình ông là mọi đen và không đáng

tồn tại trên đất nước của họ. Điều này khiến ông rất buồn vì đơn giản ông cho rằng

ai trên cuộc đời này cũng có quyền được tôn trọng. Phiên tòa xảy ra sau đó và

Tom đã bị buộc tội cưỡng hiếp. Nhưng sự thật rằng tất cả chỉ là lời nói dối của

Mayella Ewell. Cô và người bố của mình đã đỗ tội danh lên đầu Tom mà chút ăn

năn nào. Tom vì quá bất công trước kết quả của toà án mà bỏ trốn. Nhưng có lẽ ở

xã hội bấy giờ, người da màu rất khó tồn tại và sinh sống như người da trắng. Tom

bị bắn và chết ngay sau đó, để lại cho Aticus một nút thắt trong lòng. Xuyên suốt

câu chuyện chính là sự phân biệt chủng tộc vô cùng rõ ràng. Người da màu sống

tại Mỹ luôn đối mặt với những bất công và khinh thường từ người da trắng. Thậm

chí họ còn không có những quyền cơ bản của một con người. Nhưng qua đó chúng

ta cũng phần nào thấy được tấm lòng cao cả của ông Aticus. Ông không chỉ đứng

về lẽ phải mà còn có một tâm hồn hết sức lương thiện và cao cả. Tác phẩm đã

mang đến một thông điệp vô cùng ý nghĩa: Mỗi cá thể sống được tượng trưng như

những cánh chim nhại tự do. Không có ai hay bất kỳ một thế lực nào có quyền

xâm hại, làm tổn thương chúng ta. Sự công bằng và văn minh sẽ giúp ta có cách

cư xử đúng mực hơn. Đồng thời, tác phẩm “Giết con chim nhại” chính là nhân

chứng sống để tố cáo tội ác phân biệt chủng tộc. Cuộc sống dù có thay đổi đến đâu

thì cũng không thể tách rời khỏi văn chương, và cũng chỉ có văn chương mới có

thể làm cho cuộc sống vốn tăm tối này trở nên rực rỡ sắc màu, ngập tràn trong ánh

sáng của hi vọng. Thế nên, văn chương không cần phải là sự chắt chiu trong ngôn
từ hay sự bay bổng trong từng câu thơ. Văn chương chỉ có thể là một tiếng thét

khổ đau, tuyệt vọng được cất lên từ bể sâu của cuộc đời để từ đó giúp con người

cất lên tiếng nói của riêng mình. Đem ánh sáng vào bóng tối trái tim con người đó

là nhiệm vụ của người nghệ sĩ ( Robert Schuman).

4. Dẫn chứng 4

Văn chương chân chính không phải là kiếp ve sầu ngắn ngủi sau một mùa hạ cũng

chẳng giống như đó hoa chóng tàn mỗi độ thu sang mà đó là những nấc thang

nâng tầm giá trị nhân sinh, nghệ thuật trong tâm hồn con người qua dòng chảy lịch

sử. Đắm chìm vào từng câu chữ trong “Nỗi buồn chiến tranh”, ta bắt gặp nhân vật

Kiên trên hành trình chắp vá từng mảng kí ức vỡ vụn, sụp đổ. Chiến tranh không

như chúng ta hoài tưởng, nó hào hùng nhưng cũng rất đỗi đớn đau. Tưởng chừng

bước ra từ chiến địa, Kiên sẽ được thưởng thức bản hùng ca độc lập của dân tộc,

nhưng anh luôn mang cảm giác dằn vặt, giằng xé trong tâm hồn về một thời quá

vãng. Hòa nhịp vào cuộc sống mới, Kiên dường như bị “khớp”, bị bỏ rơi, bị lạc

loài ngay chính độc lập mà anh góp sức kiến tạo. Anh triền miên lún sâu trong hồi

ức chiến tranh và quay cuồng giữa bộn bề thực tại. Bỗng một ngày, anh “tỉnh

thức” khỏi cơn mộng mị tinh sương; bản năng của nghệ sĩ được khơi dậy, anh ngộ

ra phải có trách nhiệm với lịch sử, với dân tộc bằng nghề cầm bút. Kiên cho đó là

“thiên mệnh” của người nghệ sĩ để “làm sống dậy những linh hồn đã mai một,
những tình yêu đã tàn phai, làm bừng sáng lại những giấc mộng xưa”. Bởi thế, văn

học có khả năng lần tìm bản ngã của con người, thỏa mãn những ẩn ức trào dâng

và hơn hết là “phục dựng” nhân cách. Văn chương không chỉ “cứu cánh” mà còn

“cứu rỗi” nhân tâm cho chính người nghệ sĩ, bởi khi đó anh được nhìn ngắm, thấu

suốt chặng đường dài đã lướt qua. Và mỗi lần viết là mỗi lần anh lấy dĩ vãng làm

“dưỡng khí” cho hiện tại tốt đẹp hơn; anh như kẻ hành khất “bòn rút” quá khứ một

cách đáng thương, bởi tương lai không rủ lòng “bố thí” cho một chút hi vọng và

niềm tin. Càng lặn sâu trong nỗi buồn chiến tranh, anh càng trở nên xa lạ, lạc lõng

với hiện tại như kẻ đi bên lề cuộc sống. Kiên chẳng què quặt, tổn thương về thể

xác nhưng người lính ấy lại là “thương binh” của tinh thần, và văn chương chính

là chiếc nạng giúp anh bớt “tàn” hơn. Thế nhưng, anh đã làm được gì cho lịch sử

khi số mệnh của đống bản thảo ẫy vẫn lộn xộn, vẫn tơi tả, vẫn âm thầm nằm trong

góc tối? Nhà văn ôm một thiên chức thật cao cả lớn lao, nhưng lại tỏ ra bất lực

ngay cả với bản thân mình, nên trọn đời anh phải sống một kiếp sống lầm lũi cô

đơn đầy tội nghiệp giữa dòng đời hối hả. Văn học nhận thức rằng số phận con

người gắn liền với hạnh phúc và đau khổ, dường như đó là tất cả những gì thật sự

ý nghĩa trong cuộc đời con người. Vì thế, văn học luôn quan tâm đến hạnh phúc

cũng như nỗi buồn của cá nhân con người, góp phần nâng cao giá trị con người,

bồi dưỡng nhân cách và hoàn thiện con người hơn. Tác phẩm “Nỗi buồn chiến

tranh” đã làm cho bức chân dung về con người văn học những năm gần đây đầy đủ

hơn bằng sự diễn tả quá trình tự ý thức của con người về lịch sử, về số phận bằng

việc them vào đó nỗi đau tinh thần, khao khát đến vô vọng về hạnh phúc và sự day
dứt, trăn trở không nguôi về quá khứ. Tác phẩm cũng là một minh chứng cho bản

chất của văn chương: là nỗi đau đời, là sự tiếc nuối không nguôi về thời gian, về

thân phận, về những gì không lặp lại.

5. Dẫn chứng 5

‘Chúa Ruồi’ của William Golding- nhà văn đạt giải Nobel 1980 , viết về những

đứa trẻ con, nhưng hoàn toàn không phải là một cuốn truyện thiếu nhi thuần tuý.

Nó đáng được đọc bởi bất kỳ ai ở độ tuổi nào, vì nó phơi bày bản chất của toàn thể

loài người chúng ta. Những chương sách chậm rãi từ hồn nhiên, trong sáng đến

ngột ngạt, u tối hẳn sẽ khiến vài độc giả giật mình tự vấn lại chính bản thân mình.

Vì xã hội trật tự văn minh hiếm khi cho ta cái cơ hội được khám phá những mảng

tăm tối nhất trong bản chất con người, Golding đã, thông qua một ‘Chúa Ruồi’ đầy

những phép ẩn dụ hãi hùng và ám ảnh, cho ta thấy tương lai khả dĩ của loài người

khi mọi chuẩn mực đạo đức và luật lệ đều biến mất. Tác giả đã rất tài tình và sâu

sắc tạo dựng nên hình ảnh con người trong bối cảnh hoang đảo: mạnh mẽ, quả

cảm trước những con ‘quái vật’ của thiên nhiên nhưng trần trụi, yếu đuối và bất

lực khi đối diện với chính con quỷ dữ của mình. Bằng những chi tiết về cuộc đi

săn của đám trẻ, nhà văn khắc hoạ vô cùng sống động vòng xoáy chết chóc của sự

buông thả: một chút vượt quá giới hạn ban đầu tích luỹ dần thành sự tha hoá

không lối thoát. Nhưng trên hết, hoang đảo chỉ là một bối cảnh đặc biệt để người

đọc hình dung một cách rõ ràng thông điệp của tác giả. Câu chuyện như trong
‘Chúa Ruồi’, không phải sống trên hoang đảo thì mới có thể xảy ra, mà phản ánh

thực tại ngay cả trong xã hội văn minh mà chúng ta đang sống. Mỗi mầm mống

thói quen xấu của con người, dù nhỏ nhặt và không đáng kể đến đâu, cũng sẽ có

ngày bùng lên thành một tội ác, và kết cục của loài người rồi cũng sẽ giống như

những đứa trẻ kia. Có những người nhằm vào lỗ hổng của luật pháp mà gian lận

một chút, ích kỷ một chút, tham lam một chút. Dù mỗi ngày không xấu xa hơn bao

nhiêu, nhưng rồi một ngày nhìn lại, họ giật mình thấy mình đã là một con người

nào đó khác, một người mà trước đây, trong những giấc mơ điên rồ nhất, họ chưa

bao giờ nghĩ mình có thể trở thành. Đến với tác phẩm “ Chúa Ruồi” người đọc đã

cảm nhận được nhiều bài học sâu sắc. Hình ảnh Jack và lũ trẻ tách đoàn lập nên

tòa thành mới là biểu hiện của sự tha hóa trong tâm hồn. Sự tha hóa ấy chính là

bản ngã của con người và ai trong chúng ta hầu như cũng đã từng làm điều đó.

Một lần nữa, tác phẩm đánh thẳng vào mặt tối bên trong, vào bản chất độc ác và

ích kỷ của loài người. Một người nếu chỉ biết nghĩ cho bản thân thì sự sống đó gần

như vô nghĩa. “ Nhân chi sơ tính bản thiện”. Con người sinh ra vốn lương thiện,

tốt đẹp, thế nhưng sau này lại bị xã hội đầy những mưu mô, hiểm nguy làm cho

thay đổi, tha hoá. Và văn học như một tia sáng rọi vào những tâm hồn đang tan vỡ

hay chuẩn bị tan vỡ đó, giúp con người tìm lại được lương tri đã biến mất, giữ lại

phần “người” của mình. Nhà văn Nguyên Ngọc cũng đã từng nói rằng: “Nghệ

thuật là phương thức tồn tại của con người, giữ cho con người mãi mãi là con

người, không sa xuống thành con vật.” Con người cần nghệ thuật như con chim
cần bầu trời tự do, như con cá khát vẫy vùng bể lớn. Con người sẽ không thể sống

được nếu một mai kia chẳng còn văn chương.

6. Dẫn chứng 6

Thiên thần và ác quỷ, thật không khó để nhận diện. Nhưng con người, lại thật khó

để cảm thấu các tranh tối, sáng, những mảng màu đan xen, khó để nhận chân được

cái đẹp và cái xấu. Và văn chương là ngôn ngữ của tâm hồn, là hàm dưỡng được

sống dậy từ những giấc mơ đào sâu sự đa đoan, thiện ác trong hồn người. Dẫu vậy,

liệu nhà văn có quyền năng vô biên khi tạo dựng nghệ thuật không chỉ để miêu tả

cái đẹp và cái xấu mà còn là cái đẹp siêu vượt thiện ác như trong “Bức bình phong

địa ngục” của Akutagawa Ryunosuke? Cốt truyện xoay quanh nhân vật Yoshihide,

hắn ta có tài năng, nhưng là cái tài bị cho là “tà phái”, bị đồn thổi như là “đã thề

ước điều gì với hồ ly tiên để đánh đổi lấy phúc lộc”. Bởi, Yoshihide không phải là

kẻ sĩ, y không hề đắn đo trong việc hành hạ người khác để đạt được mục đích của

mình, không hề e dè những điều mà thiên hạ kiêng kị, chỉ một lòng cố công tìm tòi

“nhìn thấy nét đẹp nằm bên trong cái xấu”, mặc cho người đời coi y là điên rồ, ghê

tởm và khinh ghét y. Tham vọng mù quáng đã theo y vào cả trong giấc mơ, ám

ảnh y cả ngày lẫn đêm, hóa thành địa ngục thật sự trong giấc ngủ. Nhà văn đã để

cho nhân vật của mình say sưa sáng tạo nghệ thuật trong nền đam mê vô bờ bến

của mình, hắn ta tôn thờ nghệ thuật đến mức sẵn sàng hy sinh tất cả dẫu cho đó có

là tình thân. Yoshihide có một đứa con gái vàng ngọc, một đứa con gái mà y bảo

vệ bằng mọi cách cực đoan nhất và cũng ngu dại nhất. Bức tranh cuối cùng của
người họa sĩ được vẽ bằng viễn cảnh đứa con gái của ông ta đang ngồi trong xe

ngựa đang rực cháy và lao xuống dốc. Khuôn mặt đứa con gái đầy hoảng sợ, đau

khổ lại là chất liệu để Yoshihide kiến tạo nên một kiệt tác và những giá trị nghệ

thuật? Giây phút đứng trước chiếc xe bốc cháy, y không còn là một người cha mà

chỉ là một người đã bán linh hồn cho quỷ dữ, một nghệ sĩ đã bán linh hồn cho quỷ

dữ. Thế nhưng, khi thoả mãn về mặt nghệ thuật ông lại bị ám ảnh, dằn vặt khôn

nguôi. Sau khi hoàn thành bức tranh, y đã tự vẫn. Và rồi, khi y chết đi tên của y đã

chìm vào quên lãng, dẫu là khi còn sống, Yoshihide khiến tất cả phải nhớ lấy tên

mình, kể cả trong giới hội hoạ đến những người bình thường. Đó là cái chết thật

sự, không chỉ của Yoshihide mà là của thứ nghệ thuật Yoshihide. Ngàn vạn câu

hỏi, những công trình nghệ thuật đẹp đẽ được tạo nên từ máu, nước mắt và đau

khổ của con người thì liệu có còn là nghệ thuật không? Văn chương phải “ác” như

“Bức bình phong địa ngục” kia ư? Kiến tạo nên những điều kinh khủng của tâm

hồn con người, phản ánh cái ác, cái tồi tệ mới là giá trị văn chương ư?

7. Dẫn chứng 7

Tác phẩm “ Khu vưòn bí mật” của Frances H hấp dẫn người đọc khi gợi ra chủ đề

về thiên nhiên và con người, mối liên hệ của sự sống, thiên nhiên phản ánh nội của

con người. Đằng sau những con chữ là hình ảnh của một liên kết bền chặt, sâu sắc

và quan trọng giữa thiên nhiên và con người. Lần đầu tiên đến trang viên của

Graven, khi băng qua vùng đất hoang, Marry không thể yêu cái nơi với những
cánh đồng hoang, trống trãi, mênh mông, một đại dương đen ngòm, trải rộng. Dần

dần, trái tim nhỏ bé bắt đầu biết yêu thương ai đó thì cánh đồng cũng dần thay đổi

theo và khi tình yêu thương lơn dần thì khu vườn bí mật lại tái sinh them một lần

nữa. Dưới sự chăm sóc của Marry và Dickon, họ đã gieo hi vọng, tình yêu vào

những hạt mầm, họ đã hăng say chăm sóc để hồi sinh khu vườn mà còn là hồi sinh

cho cậu chủ Colin ốm yếu, bác Archibald u sầu và cả trang viên hoang vu. Nhà

văn đã đưa thiên nhiên trở thành một người bạn của con người. Thiên nhiên đâu

chỉ là những cảnh vật, sinh vật chỉ tồn tại mà thực ra thiên nhiên luôn sống, luôn

biết cách yêu thương con người, những ai yêu chúng , mà khi nhìn lại bản thân

chúng ta của hiện tại, chúng ta có thực sự coi tự nhiên là bạn, liệu chúng ta có thực

sự yêu quý và bảo vệ thiên nhiên? Xã hội ngày càng phát triển với nhịp sống hối

hả, bận rộn, thiên nhiên dần rơi vào lãng quên, Con người chưa kịp nhận ra thì đã

phải gánh chịu những trừng phạt của thiên nhiên như: Thiên tai, dịch bệnh,.. Đọc

tác phẩm “Khu vườn bí mật”, người đọc rung động bởi phép màu đến từ tình yêu

thương, những màu sắc trong trẻo, đẹp đẽ, dịu dàng của thế giới tự nhiên, dần dần

hàn gắn vết thương, thổi một luồng sinh khí tươi mát làm dịu tâm hồn, tái sinh

cuộc sống. Cuộc sống được hoà mình vào thiên nhiên, muông thú, cây cỏ, ta sẽ

nhận ra là người bạn tối để chia sẻ, để hấp dẫn, để chữa lành, thiên nhiên luôn ban

tặng phép màu cho mọi người. Nhà văn đã cho độc giả nhận thấy hạnh phúc chẳng

nằm ở đâu xa, nó nằm ở quanh ta, trong từng hơi thở, từng ngọn cỏ, từng hạt mầm,

từng chiếc lá. “ Hạnh phúc ở ngay trong bản thân mình, nơi mình, xung quanh

mình, dưới chân mình.”


8. Dẫn chứng 8

Tác phẩm “ Xa ngoài kia nơi loài tôm hát” của Delia Owens là câu chuyện về cô

bé tên Kya, cô bé lớn lên giữa cỏ vươn lên trong nước và nước trôi vào trong bầu

trời. Đầm lầy trở thành mẹ của cô thay cho người mẹ ruột , bên cạnh đó là một

cộng đồng người văn minh với đầy đủ tiện nghi , máy móc hiện đại nhưng lại vô

cùng hung hãn, ích kỉ và vô tâm khi kì thị một cá thể nhỏ bé dám sống khác biệt

với mình. Còn Kya nâng niu, yêu thương thế giới mình đang sống, nơi thiên nhiên

sẵn sàng ôm cô vào lòng, nuôi dưỡng cô cả về thể chất và tinh thần. Cô gái yêu

thiên nhiên, sống hoà hợp với thiên nhiên, dành cả một đời để quan sát, ghi chép

về các loài sinh vật, đấu tranh hết mình để bảo tồn thiên nhiên, đầm lầy. Khi thế

giới đang dần được bê tông hoá cùng với tiến trình hiện đại hoá, những không gian

dành cho thiên nhiên dần bị thu hẹp, các loài chim và hoang thú cũng không còn

đất để phát triển tự nhiên, dần dần vắng bóng. Nhân loại đang đứng trước nhiều

mối đe doạ từ biến đổi khí hậu, nguồn thực phẩm, thiên tai,… Vấn đề môi sinh trở

thành sống còn và là mối quan tâm hàng đầu của các nhà khoa học. Văn chương

cũng cùng chung sứ mệnh. Văn học sinh thái ra đời. Tác phẩm văn học sinh thái

lấy tự nhiên làm trung tâm, quan tâm đến số phận của nó làm ảnh hưởng đến con

người và con người ảnh hưởng đến tự nhiên.Tư tưởng ấy là trách nhiệm sinh thái.

Phân tích căn nguyên đạo đức phản ánh sinh thái là một giá trị ngang hàng với giả

trị con người.


9. Dẫn chứng 9

Thế giới đang ngày mất cân bằng, biến đổi liên tục và con người ngày càng trở nên

mong manh, dễ vỡ. Tác phẩm đã gợi lên khoảng cách địa lý, tình cảm do lối tư

duy, văn hoá, suy nghĩ, tư tưởng ở hai không gian sống: Mỹ và Việt Nam. Cô gái

không tự nói Tiếng Việt vì đã có điện thoại dịch hộ. Hai mẹ con ruột thịt nhưng

rào cản về ngôn ngữ khiến sự an ủi về tình thân nhiều lúc trở nên xa cách, bà mẹ

học cách thích nghi nhưng bà chua xót nhận ra rằng , con gái “ Không thể đừng là

một sản phẩm của xã hội.” Hai con người trong một gia đình thụ hưởng hai nền

giáo dục khác nhau đã có những ứng xử khác nhau. Một bên lựa chọn cách sống

truyền thống, lựa chọn tư tưởng và hành động vì gia phong, không thể sống cho

mình. Một bên là sống cho mình: muốn được làm tự mình, khẳng định căn cước và

ý thức về giới nhưng là cho người khác. Phương thức sinh tồn của con người sẽ

quyết định cách người ta sống, tồn tại. Lý Lan đã có những băn khoăn, suy nghĩ,

suy nghiệm: “ Tạo hoá sinh ra con người, muốn loài là tốt đẹp, hoàn hảo, chỉ vì

con người với lí trí, dục vọng, ích kỉ: đã làm khuất lấp đi vẻ đẹp tự nhiên ấy”. Nhà

văn đã thể hiện lối viết của mình và hướng về phương thức sống giản đơn, thuận

tự nhiên, thể hiện lối sống chậm. Sự phản tĩnh về dục vọng, ích kỉ ở con người là

cách con người trở về với bản tính tự nhiên, với : “nhân tri sơ”.
10. Dẫn chứng 10

“ Đất rừng phương Nam” (Đoàn Giỏi) là hình ảnh một cậu bé thành phố lưu lạc về

miền sông nước, lấy con mắt chiêm ngưỡng, lạ lung, tò mò của ngườ thành phố để

nhìn vẻ đẹp sông nước mênh mông, giàu có. Sáng tác của Đoàn Giỏi đem lại sự

hấp dẫn bởi một không gian hoang sơ với bầu sấu, lưng sấu, bởi miệt vườn sông

nước nhưng miệt vườn Nam Bộ trong sáng tác Nguyễn Ngọc Tư được cảm nhận

qua hầu hết các nhân vật sống, lớn lên và vật lộn trên mảnh đất của mình. Đó là

cái nhìn của người trong cuộc, đứng trước sự đổi thay phai nhạt của quê hương.

Những người dân hằng ngày đối diện với bờ kênh, con rạch, mảnh ruộng nên cảm

nhận về những tai hoạ của tự nhiên: đất lở, núi lở, hạn hán, xâm nhập mặn, mùa

nước nổi kéo dài. Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn của miệt vườn Nam Bộ nhưng thi

thoảng lắm mới thấy được hình ảnh cây trái xum xuê còn hầu như là sự phai màu

của đất, sự biến mất của tự nhiên tươi đẹp như trong “ Cánh đồng bất tận” mở ra

một bức tranh khô hạn “ mùa hạ hung hãn dường như đã gom hết nắng đổ xuống

nơi này”, “một mùa hạ nóng bỏng bất thường”, nắng vàng trên những cánh đồng

hoang lạc, nắng giữa trưa nóng rát, “nắng như tát lửa”, mười ba tháng nắng hạ liên

tiếp, “nắng quay quắt như vắt, như vo con người thành những hòn đá khô khốc có

thể lăn cộc cạch, thậm chí làm cho nước mắt cũng ráo hoảnh, dường như nước mắt

cũng bị cái nắng dai dẳng rút cạn, bay hơi đi. Là nhà văn của miền sông nước,

Nguyễn Ngọc Tư phát hiện ra rằng, nước là yếu tố quan trọng nhất cấu thành nên

hệ sinh thái tự nhiên. Nhà văn phát hiện ra nghịch cảnh, dừng chân bên bờ sông

lớn mênh mông, mỉa mai thay, người ở đây không có nước để dùng. Tính cảnh
thiếu nước sạch trong “ Cánh đồng bất tận” : “ Họ đi mua nước ngọt bằng xuồng,

chèo, nín thở để nước khỏi sánh ra ngoài… tụt xuống ao tắm táp thứ nước chua lét

vì phèn rồi xối lại đúng hai gào. Nước vo gạo dùng để rửa rau, nước rửa rau xong

dành rửa cá”. Phát hiện của Nguyễn Ngọc Tư đã chạm vào những vấn đề thiết cốt

của môi trường: Nước ở đây như nước mắt, đời sống nhọc nhằn bởi hạn hán kéo

dài khiến cho con người cũng khô cằn, cũng ráo hoảnh. Con người như những hòn

đá cộc cạch, trơ trọi, khô khốc. Nguyễn Ngọc Tư viết về tình cảnh sống “ cứ mỗi

năm nước đuổi lại sớm hơn, mùa mỗi năm lại dài hơn, nước theo sông ngày càng

vào sâu hơn, trên bờ bãi ngấm vào chân ruộng… Đất tới đâu, nước theo tới đó, cơi

nhà tới đâu, nước ngập tới đó”. Hay có những trang viết khắc khoải, đầy nỗi đau.

“Đêm nằm nghe tiếng đất lở. Con người, sinh vật, dường như bị bứng lìa ra khỏi

mặt đất, vì nước đuổi đã hai tháng rồi, đến con người cũng phờ phạc đi: chỉ được

tắm khô, giữa bữa cảm bất chợt thèm ớt, không có bóng cây để mắc võng nằm,

chết cũng chờ nước rút mới đem âm thổ và nhiều khi vô lí đến mức chết vì them

rau, chết vì khát, vì them tắm, vì thèm vị của trái ổi chát, vì giành nhau cành củi

trên sông. Và ông bán xôi cũng phải thốt lên lên “ thời thế loạn rồi, đất không còn

thì thứ gì còn.” Nỗi khắc khoải, những tâm sự chua chát này ta gặp trong: “ Sầu

trên đỉnh Duvien”, “Khói trời lộng lẫy”. Con người là một phần của hệ sinh thái,

cuộc sống của con người tuỳ thuộc vào thế giới tự nhiên. Khi chỉnh thể sinh thái

của tạo hoá bị huỷ hoại thì sự sống của bản thân sẽ bị đe doạ, cả thể chất lẫn tinh

thần. Thế giới sinh vật là một dây chuyền sống cực kì tế nhị và con người không

thể phá huỷ một mắt xích trong dây chuyền này mà không bị trừng phạt trong tập
truyện Nguyễn Ngọc Tư bao giờ cũng xuất hiện hình ảnh thiên nhiên. Trong

“Cánh đồng bất tận”, thiên nhiên bao la, trải dài, vĩnh cửu; “Gió lẽ” – lấy cái đơn

độc của tự nhiên để biểu hiện sự cô đơn của con người, trong “ Khói trời lộng lẫy”

– những gì thuộc về tự nhiên đều thoáng đãng, đẹp đẽ, lộng lẫy, những gì cảm

nhận của Hương trong “ Cánh đồng bất tận” là những vấn đề thuộc về thế giới

hôm nay, về thời đại mình: “ Những cánh đồng trở thành đô thị, những cánh đồng

hao hắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát, đã hắt hủi cây lúa, và gián

tiếp từ chối đàn vịt. Đất dưới chân chúng tôi thu hẹp dần.” Trong “Khói trời lộng

lẫy” người đọc cảm nhận được tiếng nói khẩn thiết, mãnh liệt về một tấm lòng tha

thiết với thiên nhiên, mê đắm trước vẻ đẹp của cành hoa, ngọn cỏ, đau đớn, chua

chát trước sự tàn hại của con người, lắng nghe tiếng kêu cứu từ tự nhiên , cảm giác

mất mát thật rõ rang, hơn bao giờ hết, con người cũng bất lực trước những mất

mát, sự run rẫy của nỗi buồn, có quá nhiều thứ không bao giờ thấy lại ngoài đời.

Loài người đang nếu kéo trong vô vọng, trước sự biến mất dần của tự nhiên. Môi

trường sống bị huỷ hoại nên con người cũng bị tách rời, mất tích, cắt khúc vào

khoảng không mênh mông. Trang viết của Nguyễn Ngọc Tư là nỗi ai hoài trước vẻ

đẹp tự nhiên ngày một nhạt phai, phập phồng nỗi lo âu vì hiểm hoạ tự nhiên đang

đe doạ cuộc sống người dân ở Cực Nam Tổ quốc.

11. Dẫn chứng 11


Lê Đạt đã từng nói: “ Đọc một câu thơ hay ta thường có cảm giác như đứng trước

một bến đò nổi gió, một khao khát sang sông, một thúc đẩy phát triển đời.” Thật

vậy, thơ ca đâu phải là quả bóng bay cao vời vợi nằm ngoài tầm với. Thơ ca luôn

nồng nàn và ấm áp hơi thở cuộc đời, len vào tâm hồn người đọc những cảm xúc

dạt dào chảy mãi không thôi:

“ Đất nước

Phải chặt tre, đóng cọc mà giữ lấy !

Đất nước

Phải đan phên, đổ đất mà giữ lấy !

Đât nước

Phải phá nhà, chặt cây vườn vác ra mà giữ lấy !

Đất nước

Phải neo người xuống sông, chặn nước mà giữ lấy !

Đất nước

Đất nước không thể trôi được !”

Đọc những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm, ta cảm nhận văn chương đã tự bao

giờ bầu bạn cùng con người, đồng hành với con người trong suốt đời, trong suốt

hành trình của lịch sử dân tộc. Tác phẩm văn học cho ta nhìn về cội nguồn của

mình. Đọc thơ Nguyễn Khoa Điềm, nó cổ vũ, thúc giục, thắp lửa trong lòng người

một niềm “khao khát sang sông” bởi đất nước được hình thành từ xương máu, từ

công sức của bao con người bình dị, thầm lặng , vô danh. Để làm nên dáng hình

xứ sở là máu , là nước mắt, là mồ hôi: “ Ôi đất nước 4000 năm đi đâu tôi cũng
thấy / Những cuộc đời đã hoá núi sông ta” . Cảm xúc thơ của Nguyễn Khoa Điềm

đã chạm đến trái tim của người đọc, đánh thức tình cảm dân tộc để chúng ta thêm

trân quý mảnh đất này, biết vun đắp và giữ gìn nó. Như nhà thơ Nguyễn Đình Thi

đã từng phát biểu: “ Nghệ thuật không đứng bên ngoài trỏ vẽ cho chúng ta con

đường đi, nghệ thuật phải vào đốt lửa bên trong lòng chúng ta, khiến chúng ta

bước lên con đường ấy.”

12.Dẫn chứng 12

Văn chương có sức mạnh kết nối rất lớn. Ta ngồi một chỗ vẫn có thể giao lưu

được với con người mọi thời đại, mọi dân tộc, trong quá khứ, ở hiện tại hay tận

tương lai. Đọc “Bài học đầu cho con” của nhà thơ Đỗ Trung Quân, ta như được

tặng một tấm vé ngược về quá khứ, chạy nhảy giữa tuổi thơ trong không gian làng

quê yên bình với cầu tre, con đò, dòng sông êm đềm sóng vỗ. Để từ đó ta nhận ra

rằng: mỗi người đều có một miền ký ức xinh đẹp lung linh. Cuộc sống hối hả, tấp

nập, đôi chân tay có lúc chạy theo danh vọng và đồng tiền mà đánh rơi ký ức. Ký

ức chỉ nằm đâu đó chứ không bỏ ta mà đi, một khi ta tìm về thì ký ức vẫn sẵn sàng

ánh lên những giọt sáng và hơi ấm yêu thương ru ta vào những bình yên, tiếp sức

cho ta trên bước đường kế tiếp:

“Quê hương là chùm khế ngọt

Tuổi thơ con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước ven sông”…


Và từ đó, ta hốt hoảng nhận ra rằng, dường như mình đã bội bạc với quê hương.

Cuộc sống thị thành, những sản phẩm của khoa học, kỹ thuật hiện đại đã làm mình

quên đi “nón lá nghiêng che” của mẹ, “vàng hoa bí”, “hồng tím giậu mồng tơi”

của bà, “màu hoa sen trắng tinh khôi” mọc lên giữa lòng đất bùn màu mỡ:

“Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ…”

“Nếu ai không nhớ” cội nguồn thì sẽ chẳng bao giờ nên người, mọi sự thành công

đều chẳng còn ý nghĩa nữa đối với mỗi chúng ta. Lời thơ nhẹ nhàng nhưng sâu sắc

như một lời cảnh tỉnh những người sống giữa những xa hoa, phát triển mà quên

lãng quê hương máu thịt của mình.

Rõ ràng, văn chương tiếp thêm cho chúng ta những tình cảm mới. Mạch nguồn

cảm xúc của con người như một dòng nước, đôi khi bị nghẽn lại bởi những hòn đá

to, đôi khi chảy xuôi, êm ả giữa muôn nghìn hoa cỏ. Văn chương đã khơi thông

nguồn cảm xúc của con người. Trong xã hội ngày nay, những áp lực đã khiến con

người trở nên vô cảm hơn. Căn bệnh vô cảm đã dần đánh mất phần “Người”, để

chúng ta sống như một “cỗ máy”, theo kiểu “đèn nhà ai nấy sáng”. Chúng ta thờ ơ

với những hoàn cảnh khốn khổ, chịu nhiều bất công trong cuộc sống. Văn chương

là một trong những phương thuốc chữa trị căn bệnh đó của con người. Bởi lẽ văn

học mang giá trị cứu rỗi, cảm hóa lòng người, khiến con người dạt dào tình cảm

hơn. Văn học đã nhân đạo hóa con người, khiến con người tốt hơn mỗi ngày, nó
“làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu

được con người nhiều hơn” (M.L.Kalinine).

13. Dẫn chứng 13

Nhà thơ Mai Văn Phấn quan niệm: “ Thơ ca nhằm khai mở tiếng nói mới, hoặc

tìm lại thuở hoàn nguyên đã mất.” Tiếng nói mới ấy là một xu hướng sinh thái,

phản ánh quy luật vận động phát triển của văn chương. Từ đề tài cho thấy chủ đề

sinh thái là thái độ quan tâm, tôn trọng môi trường- trái đất, là ý thức bảo vệ môi

sinh và phải nhận thức con người và trái đất song hành quyền lợi tồn tại:

“ Ta nương tựa vào nhau

Nay đã có vẻ không cần nhau nữa!

Đất rùng mình phận đất…

Người rùng mình phận người…”

(Đỗ Hồng Ngọc)

Còn theo Laurence Buell (Anh) : “ Văn học sinh thái là văn học viết vì một thế

giới lâm nguy” nên cảm hứng cơ bản của thơ sinh thái là cảm hứng phê phán. Phê

phán thói cẩu thả, vô ơn, vô đạo của con người gây nên thảm hoạ sinh thái. Bao

nhiêu cảm xúc giận dữ, ai oán, đau đớn, dằn vặt, buồn thương xót xa..

“Rừng xưa, giờ đã về đâu

Hỏi ai đây giữa ngàn lau bạc đầu?

Ngàn lau xao xác u sầu:

Rừn xưa đã hoá nỗi đau nhân tình…


(Trần Bá Tiến)

Nhưng tất cả đều dồn vào chiếc túi phê phán:

“Người rùng mình hỏi vì sao động đất sóng thần cứ triền mien hết ngày này sang

ngày khác

Vì sao núi lửa cứ phun trào?

Vì sao băng tan vì sao bão táp?

Vì sao trẻ con người già bị cuốn trôi bị thiêu đốt thành phố tan hoang cửa nhà đổ

nát như món đồ chơi của một đứa đang giận dữ?

Vì sao và vì sao?

( Đỗ Hồng Ngọc)

Từ cảm hứng và chủ đề , thơ sinh thái nói riêng và văn chương nói chung góp

tiếng nói phản biện để lay gọi, thức tỉnh thái độ, thay đổi tư duy của con người về

môi trường. Có thể nói cảm hứng là điểm gặp gỡ của văn học sinh thái với văn học

hiện thực phê phán.

14. Dẫn chứng 14

Hoài Thanh đã từng phát biểu: “ Văn chương gây cho ta những tình cảm ta chưa

có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có.” Đến với thơ, người đọc được sống

trong muôn vàn khung bậc cảm xúc: yêu thương, căm giận, xót xa, nghẹn ngào,

xao xuyến, bâng khuâng bởi thơ là đời, thơ là hoa nảy nở từ mảnh đất cuộc đời dạt

dào nhựa sống. Thơ chẳng còn là thơ nữa nếu nó không phải là một lời thức tỉnh
về cuộc đời, nếu nó không làm cho người đọc mở ra một vùng trời mới tốt đẹp

hơn, nhân tính hơn:

“ Đi bạn ơi, đi! Sống đủ đầy

Sống trào sinh lực bất men say

Sống tung sóng gió thanh cao mới

Sống mạnh đi dù trong một phút giây

Đi bạn ơi, đi! Cả cuộc đời

Của ta nào chỉ của ta thôi

Đã vay dòng máu thơm thiên cổ

Phải trả cho ta mạch giống nòi.”

( Đi – Tố Hữu)

Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị. Thơ Tố Hữu bao giờ cũng khơi dậy tình cảm

dân tộc với khát vọng lớn và lẽ sống lớn. Những vần thơ của Tố Hữu như một lời

thúc giục con người ta thoát khỏi cuộc sống bế tắc, để hướng đến cuộc sống tươi

đẹp hơn

15.Mở bài- Kết bài

a. Mở bài

“Thế gian bị bủa vây

Bởi bức màu tối ám

Nhưng còn đi đêm nay

Vầng trăng kia toả rạng


Khiến tội thêm đoạ đày.”

“Thất đại tội” ở con người và sự tạp nham của cuộc đời đã tạo nên bức

màu tối ám khiến thế gian bị bủa vây. Trầm mình trong sự rệu rã, quay

cuồng trong những vòng tuần hoàn không có điểm dừng, con người giờ

chẳng thể phân biệt được cái đúng sai, cái thực ảo. Và nghệ thuật xuất

hiện, soi rọi tâm hồn ta, khiến ta phải thành thật với chính mình, với bản

ngã đang được giấu kín kia, bởi lẽ “Nghệ thuật không phải là ánh trăng

lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật có thể chỉ

là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than.” (Nam Cao)

Nghệ thuật không phải là một tôn giáo, nhưng con người vẫn thường

chọn nghệ thuật là nơi tự thú của mình. Không khô khan giáo điều, nghệ

thuật chính là điểm tựa để con người nhận thức thế giới, hoàn thiện

nhân cách, và cảm nhận cái đẹp của sự sống. (Dẫn đề bài)

b. Kết bài

Ai rồi cũng có cho mình một cơ hội để niềm tin cất cánh, và để đôi cánh

ấy thỏa sức vẫy vùng giữa nền trời cao rộng, chúng ta cần sự gợi mở từ

những trang văn. Văn học đã đi vào cuộc sống với sứ mệnh chữa lành

và cảm hoá nhân loại. Nó đưa rước những linh hồn lạc lõng tìm được

nơi an trú, nó phả vào thời đại những hơi thở ấm nồng, và đôi khi,

những trái tim ngoài kia vẫn còn nguyên nhịp đập, là bởi vì họ còn văn

chương để bám víu…


16.Giải thích lí luận

Văn chương là thứ bùa màu nhiệm và bí ẩn, có sức cuốn hút và mê đắm lòng

người bởi nó là kết tinh của triệu vì tinh tú , của vạn giọt nước trong, của nghìn

viên ngọc quý giữa lòng cuộc sống. Nhà văn chính là người chắt chiu những vẻ

đẹp tiềm ẩn, gạn đục khơi trong, đãi cát tìm vàng để sáng tạo ra tác phẩm của

mình. Thế nhưng, để tác phẩm của anh có thể vượt qua sự sàng lọc khắc nghiệt

của không gian và thời gian, có thể “vẹn nguyên qua trăm lần thử lửa” thì chỉ

mang trong mình dấu ấn của thời đại thôi là chưa đủ, mà tác phẩm ấy cốt yếu

cần khả năng “vượt lên trên tất cả bờ cõi và giới hạn”, “phải là tác phẩm chung

cho cả loài người” (Nam Cao). Nói thế có nghĩa là, ước mong nhức nhối của

người nghệ sĩ không đâu khác chính là có thể thai nghén nên một tác phẩm ẩn

chứa những giá trị lớn lao, muôn thuở của nhân sinh. Bởi mối hận tâm nghìn

đời mà văn chương hướng đến chính là con người, văn chương phải bám sâu

vào mảnh đất nhân tâm mà lấy làm tiến. Đóng vai là người thư kí trung thành

của thời đại, nhà văn đã quan sát tỉ mỉ, thấu hiểu lòng người và cả tri thức của

nhân loại, cứ như “trong bụng có ba vạn cuốn sách”. Nhờ vậy người đọc mới

có thể ngắm nhìn cuộc sống 300 năm trước, ngồi ở Maxcova để được sờ tay

vào những cột đá hoa ở Akaropon thông qua những thiên truyện; ngược dòng

lịch sử để hiểu về thời bao cấp Tây Ta lẫn lộn, con người bị tha hóa đến cùng

cực dưới ngòi bút của Vũ Trọng Phụng. Văn chương giúp ta nhận ra , hiểu
thêm về tri thức của nền văn minh nhân loại, đáp ứng nhu cầu hiểu biết của con

người về thế giới trong dòng chảy lịch sử, nhìn thấu bờ vực thiện ác, cho con

người hiểu rằng không có ranh giới đúng sai mà bên trong mỗi chúng ta đều có

“rồng phượng lẫn rắn rết”. Do đó, nhà văn phải như những người chiến sĩ trinh

sát với chiếc cần ăng - ten nắm bắt nhanh nhạy trăm nghìn tín hiệu, làn sóng

biến động của xã hội đồng thời hiểu thật sâu để "thả vào trang hoa" những tư

tưởng đúng đắn và sâu sắc đến người đọc, giúp người đọc không chỉ hiểu

người mà còn hiểu mình. Bên cạnh đó nhà văn Nguyễn Khãi đã từng viết: “

Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thuỷ

chung.” Nếu chỉ dừng lại ở việc phản ánh cái nhất thời , những giá trị thuộc về

một trường văn hoá nhất định chắc chắn sẽ chẳng thể mang sức mạnh cảm hoá

con người ở mọi thời. Văn chương khi tồn tại phải thực thi sứ mệnh giúp nhân

loại nhìn thấy được những rạng đông sáng ngời ẩn giấu nơi ngõ ngách nào đó

của cõi trần gian. Âm điệu của văn chương chính là hợp xướng của dàn đồng

ca nhiệm màu về tình yêu thương chạm khẽ đến ngưỡng rung động vĩnh hằng.

Văn chương sống để làm chi nếu nó không có ích cho đời sống, sống để làm

chi nếu nó không thể nâng vui những kiếp người lầm than bị nhấn chìm trong

bể khổ? Tựa như cơn gió mát lành xua đi cái nóng ran của ngày hè oi ả, tựa

như chiếc áo ấm bao bọc lấy những mảnh đời bất hạnh giữa đêm đông, văn học

làm công việc nâng đỡ và vỗ về vạn kiếp nhân sinh của bể dâu cuộc đời. Văn

học lên tiếng , văn học cất lời, văn học “bênh vực cho những con người không
có ai bênh vực” như một sứ mệnh cao cả mà mỗi nhà văn, mỗi nhà thơ dù ở

thời đại nào cũng gắng sức mang nặng trên vai.

17.Văn học phê bình sinh thái

Hòa với dòng chảy văn chương nhân loại, Việt Nam cũng xuất hiện văn chương

sinh thái và phê bình sinh thái. Tác phẩm văn học sinh thái lấy tự nhiên làm đối

tượng trung tâm, quan tâm đến số phận của nó ảnh hưởng đến con người và con

người ảnh hưởng đến tự nhiên, phơi bày thực trạng để lên tiếng cảnh báo và đánh

động ý thức bảo vệ tự nhiên. Một tác phẩm có thể không có hình tượng tự nhiên

nhưng có góc nhìn sinh thái, tư tưởng sinh thái thì vẫn xem là văn học sinh thái.

Tư tưởng ấy là trách nhiệm sinh thái, phân tích căn nguyên đạo đức phản sinh thái;

nhìn nhận sinh thái là một giá trị ngang hàng với các giá trị con người… nói chung

là “lý tưởng sinh thái”. Giáo sư Đại học Havard- Buyiell cho rằng: “ Văn học sinh

thái là văn học được viết vì thế giới đang trong nguy cơ. Văn học sinh thái ở một

nghĩa nào đó là bật đèn đỏ phòng ngừa tai nạn sinh thái của nhân loại, là sự thể

hiện những vấn đề mà các nhà văn thời đại toàn cầu hoá quan tâm đến sự nghiêm

trọng của vận mệnh toàn cầu và sự lo lắng vô hạn trong sáng tác, cũng là sự phản

tĩnh giá trị sinh thái nhân loại trước những nguy cơ mà thế giới đang đối mặt.”

Trong một xã hội hiện đại cùng với tốc độ đô thị hoá và sự phát triển nhanh chóng

của khoa học kĩ thuật, con người đang ngày càng khai thác tự nhiên quá mức,

khiến cho tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Thiên nhiên trả thù con người không chỉ
bằng các thảm hoạ thiên tai, dịch bệnh, các bệnh hiểm nghèo..mà đáng sợ hơn trả

thù bằng sự biến mất của chính nó. “ Cái dây chuyền sống huyền diệu của tạo hoá

đang ngày bị phá huỷ.” Văn học phê bình sinh thái không còn là vấn đề của mỗi

quốc gia, dân tộc mà nó còn là vấn đề mang tính nhân loại bởi sinh thái đã ảnh

hưởng đến toàn bộ sự sống trên Trái Đất. Văn học quan tâm đến sự sống cho nên

xét cho cùng, phê bình sinh thái lại liên quan đến bản thể của văn học.

18. Đánh giá

“Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó

không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra

những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó” (Bêlinxki). Tìm đến những tác phẩm

văn học người đọc đâu chỉ mong chờ vài phút giây giải trí bông quơ. Trang sách

đóng lại tác phẩm nghệ thuật mới mở ra “cuộc đời là điểm khởi đầu và là điểm đi

tới của văn chương”. Mỗi tác phẩm như một nấc thang nâng đỡ bước chân người

đọc sách phần con để đi đến phần người càng đọc nhiều chúng ta càng thấy bản

thân mình hơn một trang sách cuộc đời lại được mở ra lại một ước mơ một khát

vọng một niềm tin mới bắt đầu. Mỗi tác phẩm để đạt được giá trị đích thực của nó

thì người nghệ sĩ ấy phải vừa có tâm vừa có tài họ là “người cho máu”. Một nghệ

sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy (Sê-Khốp). Họ mở rộng

tâm hồn ra đón nhận những vang vọng của cuộc đời những cung bậc tình cảm đa

dạng sâu kín của con người họ giúp bạn đọc nhận ra những buồn vui yêu ghét, lời
ca tụng hân hoan hay tiếng thét khổ đau mỗi tác phẩm được viết ra giống như phát

minh ra một liều thuốc mới khiến con người trở nên tốt đẹp hơn toàn diện hơn.

You might also like