bt lớn hành chính

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 12

MỞ ĐẦU

Thủ tục hành chính là cơ sở và điều kiện để chủ thể quản lí quản lí hành chính
nhà nước giải quyết công việc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng
quản lí. Thủ tục hành chính được xây dựng và thực hiện theo những nguyên tắc
nhất định. Hiện nay, Đảng và Nhà nước từng bước cải cách thủ tục hành chính.
Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng đã đạt nhiều thành tựu to lớn. Để làm rõ vấn đề
này, em xin chọn đề tài: “Phân tích các nguyên tắc xây dựng và thực hiện thủ
tục hành chính, đánh giá việc cải cách hành chính ở nước ta hiện nay” làm bài
tập học kỳ của mình.

NỘI DUNG

I. Khái niệm thủ tục hành chính

Khái niệm “thủ tục” trong khoa học pháp lý thường được áp dụng ở khía cạnh
thực hiện quy phạm của luật vật chất. Theo C.Mác, thủ tục là hình thức sống của
đạo luật, và luật vật chất có hình thức thủ tục riêng của nó. Vì vậy, thủ tục ở đây
được hiểu là trình tự và cách thức thực hiện những hành động nhất định nhằm đạt
tới những hệ quả pháp lý mà phần quy định của quy phạm vật chất dự kiến trước.
Từ đó, có thể định nghĩa thủ tục hành chính là cách thức tổ chức thực hiện hoạt
động quản lý hành chính nhà nước theo đó cơ quan, cán bộ, công chức thực hiện
nhiệm vụ, cá nhân, tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật
trong quá trình giải quyết các công việc của quản lí hành chính nhà nước.

Mặc dù có nhiều thủ tục hành chính khác nhau nhưng do tính thống nhất của quản lý
hành chính nhà nước nên các thủ tục hành chính có một số đặc điểm chung sau đây:

Thứ nhất, thủ tục hành chính là thủ tục thực hiên các hoạt động quản lí nhà nước
hay thủ tục hành chính được thực hiện bởi các chủ thể quản lí hành chính nhà nước.
Các chủ thể đó là các cơ quan hành chính, các cán bộ, công chức, tổ chức xã hội, cá
nhân được nhà nước trao quyền.

Thứ hai, thủ tục hành chính do quy phạm pháp luật hành chính quy định. Quy
phạm pháp luật hành chính bao gồm quy phạm nội dung và quy phạm thủ tục. Quy
phạm nội dung trực tiếp quy định những quyền và nghĩa vụ của các chủ thể quản lí
và đối tượng quản lí hành chính nhà nước; quy phạm thủ tục quy định cách thức
thực hiện quy phạm nội dung.

Thứ ba, thủ tục hành chính có tính mề dẻo, linh hoạt. Thủ tục hành chính với tính
chất là cách thức tổ chức thực hiện các hoạt động quản lí đương nhiên phải linh
hoạt mới có thể tạo nên quy trình hợp lí cho từng hoạt động quản lí cụ thể, nếu
không thì sẽ làm xơ cúng hoạt động quản lí, kìm hãm quá trình phát triển của xã
hội, có thể dẫn đến việc đặt ra quá nhiều thủ tục hành chính không cấn thiết hoặc
thay đổi một cách tùy tiện làm cho hoạt động quản lí thiếu ổn định.

II. Các nguyên tắc xây dựng và thực hiện thủ tục hành chính

1. Nguyên tắc pháp chế

Đây là nguyên tắc bao trùm các nguyên tắc khác. Nó có cơ sở từ Khoản 1 Điều 8
Hiến pháp 2013: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp
luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật…”.

Nguyên tắc pháp chế trước hết thể hiện là chỉ cơ quan nhà nước có thẩm quyền
mới có quyền định ra thủ tục hành chính. Hiện nay, thẩm quyền quy định thủ tục
hành chính tập trung vào các cơ quan nhà nước ở trung ương. Đối với một số quy
định thủ tục hành chính thuộc thầm quyền của bộ, ngành trung ương nhưng cần
phải có quy định riêng để phù hợp với đặc điểm của một số địa phương thì các bộ,
ngành có văn bản ủy quyền cho ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương quy định. Các quy định này phải có sự thống nhât của bộ, ngành quản lí về
lĩnh vực đó và phải được công bố công khai như quy định thủ tục hành chính của
bộ, ngành. Yêu cầu này nhằm xóa bỏ tình trạng quá nhiều thủ tục hành chính được
tạo ra vì lợi ích cụ bộ địa phương, ngành gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, thiếu
sự thống nhất về thủ tục hành chính nói chung. Nguyên tắc pháp chế đòi hỏi có sự
thống nhất tương đối giữa các thủ tục hành chính của những hoạt động quản lí
tương tự nhau. Chẳng hạn, theo Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 1995 thì
thủ tục giải quyết khiếu nại trong xử phại vi phạm hành chính có nhiều điểm khác
so với quy định trong Luật khiếu nại, tố cáo. Chính vì vậy, khi ban hành Pháp lệnh
xử lí vi phạm hành chính năm 2002 Ủy ban thường vụ Quốc hội đuy định việc
khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo
Luật khiếu nại, tố cáo.
Thứ hai, chỉ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thảm quyền mới có quyền thực hiện
thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục trong phạm vi thẩm quyền do pháp luật quy
định. Dưới góc độ quyền lực, thực hiện thủ tục hành chính là hoạt động sử dụng
quyền lực nhà nước. Mỗi chủ thể chỉ sử dụng quyền lực theo luật định. Do đó, các
thủ tục được thực hiện không đúng thẩm quyền thì việc thực hiện thủ tục đó không
hợp pháp và hiệu quả quản lí bị ảnh hưởng.

Thứ ba, thủ tục hành chính phải được thực hiện đúng pháp luật, từ đó tạo nên
tính khoa học, đồng bộ, thống nhất trong hoạt động quản lí hành chính nhà nước.
Một thủ tục hành chính cụ thể chỉ mất giá trị pháp lý khi bị cơ quan nhà nước có
thẩm quyền bãi bỏ.

2. Nguyên tắc khách quan

Nguyên tắc này thể hiện trước hết ở việc định ra thủ tục hành chính xuất phát từ
nhu cầu khách quan của hoạt động quản lí nhằm đưa ra những quy trình hợp lý,
thuận tiện nhất, mang lại kết quả cao nhất cho quản lí. Những hoạt động quản lí
phức tạp, có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng
của Nhà nước, cộng đồng, tổ chức, cá nhân mà những sai sót nhỏ cũng có thể gây
hậu quả bất lợi cho xã hội thì thủ tục cần chặt chẽ, chi tiết để định ra từng khâu,
từng bước, từng giai đoạn cụ thể của hoạt động đó. Ví dụ, thủ tục xử phạt vi phạm
hành chính, thủ tục giải quyết khiếu nại… Những hoạt động quản lí đơn giản, gián
tiếp tác động đến lợi ích khác nhau thì các thủ tục hành chính không cần quy định ở
mức chi tiết. Ví dụ, đối với hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật nếu quy định
thủ tục quá chặt chẽ sẽ rất khó khăn thực hiện và hiệu quả không cao.

Nguyên tắc khách quan còn đòi hỏi khi thực hiện thủ tục hành chính ở tất cả các
khâu, các bước, các giai đoạn đều phải dựa trên những căn cứ khoa học. Những kết
luận, quyết định được đưa ra phải phù hợp với quy luật khách quan về sự tồn tại
vận động của các sự việc, các hiện tượng, các lĩnh vực xã hội. Thực hiện thủ tục
hành chính phải đặt lợi ích của quản lí lên hàng đầu, không được tuyệt đối hóa lợi
ích của chủ thể cũng như đối tượng quản lí. Thủ tục hành chính càng không được
phục vụ những mục đích mang tính chủ quan của chủ thê quản lí. Ví dụ, khi lập
biên bản vi phạm hành chính nhằm mục đich ghi lại một cách trung thực những
tình tiết thực tế của vi phạm hành chính làm cơ sở cho xử phạt vừa hợp pháp vừa lí,
người lập biên bản không được mô tả, bình luận sự việc theo quan điểm, nhận định
mang tính chủ quan của cá nhân.

3. Nguyên tắc công khái, minh bạch

Nếu thừa nhận thủ tục là cách thức tổ chức hoạt động quản lí thì yêu cầu về sự
công khai, minh bạch của thủ tục hành chính là tất yếu khách quan. Đây là một
trong những nguyên tắc được nêu trong các văn bản pháp luật và nhiều điều ước
quôc tế mà Việt Nam là thành viện hoặc thừa nhận.

Trong xây dựng thủ tục, nguyên tắc này thể hiện, Thứ nhất, trong trường hợp cần
thiết Nhà nước tạo điều kiện cho những đối tượng thực hiện đóng góp ý kiến. Điều
3 chương VI Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng
quốc Hoa Kì về quan hệ thương mại quy định: “Ở mức độ có thể, mỗi Bên cho phép
Bên kia và các công dân của Bên kia cơ hội đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng
luật, quy định và thủ tục hành chính có tính áp dụng chung…”. Thứ hai, nội dung
các thủ tục phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện. Thông thường, thủ tục hành chính
cần quy định rõ: trình tự, các hình thức thực hiện; hồ sơ, biểu mẫu, các tài liệu cần
thiết khác có liên quan; thời hạn giải quyết công việc; phí, lệ phí nếu có; các cơ
quan, tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục. Thứ ba, các thủ tục hành chính phải được
công bố cho người thực hiện thủ tục biết để có thể thực hiện dễ dàng. Ví dụ, Điều
150 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định việc đăng công báo
văn bản quy phạm pháp luật... Công bố thủ tục hành chính bao gồm công bố các
thủ tục mới xây dựng, công bố các thủ tục đã có nhưng chưa công bố. Nghị quyết
của Chính phủ số 38/CP ngày 4/5/1994 quy định: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, trong phạm vi quản lý của mình,
phải công bố công khai hệ thống các văn bản qui định thủ tục mới bằng nhiều hình
thức để mọi cơ quan, đơn vị, mọi người dân được biết và thực hiện”.

Trong thực hiện thủ tục hành chính, nguyên tắc này đòi hỏi công khia khóa quá
trình thực hiện thủ tục. Công khai họ tên, chức danh người có trách nhiệm giải
quyết công việc, địa điểm, thời hạn, kết quả giải quyết. Khi hận hồ sơ giải quyết
công việc của nhân dân thỉ phải có phiếu hẹn trả lời. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì
phải hướng dẫn cụ thể để người dân được biết. Trường hợp không giải quyết được
thì phải nói rõ lý do cho người dân được hiểu. Việc công khai hóa này làm cho
những cá nhân, tổ chức chủ động thực hiện những quyền và nghĩa vụ pháp luật quy
định để thủ tục được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi, dễ dàng giám sát hoạt động
của Nhà nước, giảm tình trạng cơ quan, cán bộ vô trách nhiệm, sách nhiễu nhân
dân; giúp cho hoạt động kiểm tra, giám sát trong bộ máy nhà nước thuận lợi, phân
định trách nhiệm rõ ràng.

4. Nguyên tắc đơn giản, tiết kiệm, nhanh chóng, kịp thời

Nguyên tắc này có quan hệ mật thiết với nguyên tắc khách quan. Các thủ tục
hành chính cần được xây dựng và thực hiện xuất phát từ yêu cầu khách quan của
hoạt động quản lí. Mỗi thủ tục hành chính chỉ bao gồm những khâu, những bước,
những giai đoạn với sự tham gia của những chủ thể thực sự cần thiết cho việc thực
hiện thủ tục không bị lãng phí thời gian., trí tuệ, công sức và những hoạt động
không thiết thực. Do đó, thủ tục hành hành chính vừa dễ thực hiện vưa góp phần
nâng cao hiệuquả quản lí. Chương trình tổng thể cải cách hành chính thủ tục hành
chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 còn định rõ: “Loại bỏ những thủ tục rườm
rà, chồngchéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho dân. Mở rộng cải
cách thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực, xóa bỏ kịp thời những quy định
khôngcần thiết về cấp phép và thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch, giám
định”. Nguyên tắc đơn giản không nên tuyệt đối hóa vì sự đơn giản hóa quá mức
các thủ tục hành chính có thể khiến cho thủ tục hành chính thiếu đi những hoạt
động cần thiết hay gây khó khăn cho hoạt động kiểm soát của nhà nước.

Trong các thủ tục hành chính thường có những khoảng thời gian pháp luật quy
định cho các hoạt động cần được tiến hành. Khoảng thời gian đó thường nhằm ràng
buộc trách nhiệm của các chủ thể của thủ tục, tạo điều kiện đồng thời bắt buộc các
chủ thể giải quyết dứt điểm từng vụ việc cụ thể. Nếu không có những quy định về
thời gian thì hoạt động quản lí sẽ trì trệ, các chủ thể sử dụng quyền lực nhà nước có
thể lẩn trốn trách nhiệm. Nhiều vụ việc lâu ngày không được giải quyết làm cho
việc giải quyết thiếu chính xác, mất tính thời sự, gây hậu quả khó khắc phục, xói
mòn lòng tin của nhân dân.

5. Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của các bên tham gia thủ tục hành chính

Nguyên tắc này chủ yếu được áp dụng trong các thủ tục giải quyết các tranh chấp
về quyền hoặc vi phạm pháp luật. Bất kì thủ tục hành chính nào cũng có sự tham
gia của chủ thể sử dụng quyền lực nhà nước và chủ thể phục tùng quyền lực nhà
nước. Cả hai bên tham gia dều quan hệ bình đẳng trước pháp luật. Mỗi bên đều có
thể làm xuất hiện thủ tục hành chính bằng việc đưa ra yêu cầu hợp pháp, mỗi bên
đều phải đáp ứng yêu cầu của bên kia. Trong quan hệ, mỗi bên đều có những quyền
và nghĩa vụ do pháp luật quy định, Nhà nước tạo điều kiện và đưa ra những bảo
đảm như nhau cho các bên thực hiện thủ tục thì chủ thể vi phạm pháp luật, bất kể là
chủ thể nào trong thủ tục, phải chịu trách nhiệm pháp lí về hành vi của mình.

6. Nguyên tắc trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong việc thực
hiện đúng đắn và nghiêm chỉnh thủ tục hành chính

Đây là nguyên tắc có ý nghĩa thực tiễn quan trọng và là nguyên nhân của tình
trạng thủ tục hành chính đã cải cách đến nay kể tư Nghị quyết số 38/CP ngày
4/5/1994 của Chính phủ nhưng vẫn còn rất trì trệ. Tuy vậy, một số địa phương cũng
đã có một số việc làm tốt trong cải cách thủ tục hành chính – tất cả là yếu tố con
người, trước hết là những người có thẩm quyền.

Nội dung của nguyên tắc bao hàm: người có trách nhiệm trong việc ban hành các
quyết định không đúng thủ tục do luật định có thể bị truy cứu trách nhiệm. Nếu
việc thi hành quyết định gây thiệt hại cho tài sản của cơ quan, tổ chức và công dân
thì phải bồi thường hoặc áp dụng các biện pháp khác nhằm khôi phục lại tình trạng
ban đầu trước khi thực hiện quyết định sai trái. Nghị định số 47/CP của Chính phủ
về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viến chức nhà nước, người có
thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra là một ví dụ điển hình.

7. Nguyên tắc bảo đảm sự tham gia rộng rãi, tích cực của công dân, cơ
quan, tổ chức

Thủ tục hành chính trước hết là thủ tục giải quyết yêu cầu, kiến nghị liên quan
đến quyền, lợi ích của công dân, cơ quan, tổ chức và công dân; cơ quan, tổ chức là
chủ thể tham gia thủ tục hành chính. Vì vậy, bảo đảm sự tham gia rộng rãi, tích cực
của họ không chỉ là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính hiệu quả, mà quan
trọng hơn là trong việc hoàn thiện thủ tục hành chính, vì họ là đối tượng chịu tác
động trực tiếp, tự bản thân thụ hưởng những điều tốt đẹp hoặc nếm trải những
phiền hà, nên họ là chủ thể thấy rõ nhất những điểm tích cực và khiếm khuyết của
thủ tục hành chính.
8. Nguyên tắc hạn chế số cấp giải quyết một công việc

Nguyên tắc này xuất phát từ một luận đề của khoa học quản lí: mỗi việc cần
được giải quyết dứt điểm ở một cấp hoặc chủ yếu ở một cấp.

Nguyên tắc này liên quan chặt chẽ đến nhiều nguyên tắc khác, nhưng trước hết là
nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời và trách nhiệm của người có quyền và nghĩa vụ
giải quyết thủ tục hành chính. Nó đặc biệt quan tọng và có ý nghĩa thực tiễn lớn ở
nước ta. Bởi vì, rất thường thấy các quy định bùng nhùng, thẩm quyền và trách
nhiệm của người giải quyết không rõ, do vậy, các công việc cứ bị đùn đẩy từ cấp
này đến cấp khác, kéo dài mà không được giải quyết dứt điểm. Nguyên tắc này liên
quan chặt chẽ tới thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo “cơ chế một cửa”.

Giảm cấp xử lý đối với công việc, giảm đến một cấp là tối ưu nhất, thực sự giải
quyết công việc càng nhanh chóng, kịp thời, càng đơn giản, tiết kiệm về thời gian
và công, cửa, càng đỡ phiền hà… và do đó hiệu quả quản lí mới cao. Chính vì thế,
thực tiễn cải cáh thủ tục hành chính đang đặt ra vấn đề cơ chế “một cửa”. Hạn chế
số cấp quản lí thì càng xác định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm
quyền trong giải quyết thủ tục hành chính. Do đó, nguyên tắc này lien quan đặc biệt
chặt chẽ với nguyên tắc vừa nêu trên.

9. Nguyên tắc hiện thực, khả thi

Nguyên tắc này có nghĩa rằng thủ tục hành chính phải hợp lí, phù hợp với thực tế
cuộc sống, nghĩa là phải hiện thực, do đó mới có thể thi hành được, tức là khả thi.
Nguyên tắc này liên quan chặt chẽ với hầu hết các nguyên tắc trên và cũng là hệ quả của
các nguyên tắc đó, trừ nguyên tắc pháp chế, bình đẳng và nhanh chóng, kịp thời.

Bảo đảm tính pháp chế và nhanh chóng, kịp thời nhưng đôi khi không hợp lí, vì
tính pháp chế và yêu cầu nhanh chóng, kịp thời với tính hợp lí không phải lúc nào
cũng đồng nhất.Không hợp lí đến mức cao có thể sẽ là không hiện thực, không khả
thi. Nguyên tắc pháp chế quy định tại Khoản 5 Điều 7 của Nghị định số
63/2010/NĐ – CP quá dài, dàn trải, lẫn lộn: “Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp,
thống nhất, đồng bộ, hiệu quả của các quy định về thủ tục hành chính; thủ tục hành
chính phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định trên cơ sở bảo đảm
tính liên thông giữa các thủ tục hành chính liên quan, thực hiện phân công, phân
cấp rõ ràng, minh bạch, hợp lý; dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy
định về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cơ quan nào, cơ quan đó phải có
trách nhiệm hoàn chỉnh”.

II. Công cuộc cải cách hình chính ở nhà nước ta trong giai đoạn vừa qua

Công cuộc cải cách hành chính do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Nhà nước ta
thực hiện trong 15 năm qua đã đạt nhiều thành tựu to lớn, nhưng cũng có nhiều hạn
chế gây nhiều trở ngại cho hoạt động quản lí nhà nước.

1. Một số kết quả đạt được

Việc sửa đổi, bổ sung cũng như quy định mới về thủ tục hành chính theo hướng
đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện đối với nhân dân và doanh nghiệp, đã loại bỏ nhiều
khâu trung gian, những giấy tờ không cần thiết những thủ tục phiền phức, rút ngắn
thời gian giải quyết công việc của công dân, tổ chức, thiết thực góp phần cải thiện
môi trường đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, bảo đảm
sinh hoạt của dân.

Việc rà soát thủ tục hành chính, làm bộc lộ nhu cầu và nội dung đổi mới quy chế làm
việc của cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo hướng tập trung năng lực và điều
kiện hoạt động vào chức năng quản lý hành chính nhà nước; phân biệt rõ các hoạt động
quản lý nhà nước với hoạt động sự nghiệp; khắc phục cơ chế "xin - cho"; tăng cường
công tác phối hợp, bảo đảm thông tin thông suốt; hạn chế tình trạng đùn đẩy công việc.
Thông qua rà soát thủ tục hành chính đã phát hiện nhiều bất hợp lý trong quy định về
chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong bộ máy hành chính. Cải
cách thủ tục hành chính gắn liền với việc mở rộng tính công khai, minh bạch của các
quyết định hành chính tạo điều kiện để nhân dân và các doanh nghiệp - các đối tượng
quản lý kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan chuyên môn và cán bộ, công chức
với tư cách là những chủ thể quản lý. Kết quả của công tác cải cách thủ tục hành
chính những năm qua có tác động trực tiếp đến việc đổi mới quy trình ra quyết định
của các cơ quan nhà nước, trong đó có quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp
luật. Trước hết là gắn mục tiêu quy định với điều kiện bảo đảm tính khả thi, chú ý
xử lý mối quan hệ giữa nội dung và hình thức giữa đặc điểm đặc thù của pháp luật
nước ta và những vấn đề mang tính thông lệ chung…
2. Những hạn chế tồn tại:

Mặc dù đã qua nhiều năm cải cách nhưng cho đến thời điểm hiện tại, thủ tục
hành chính trên hầu hết các lĩnh vực vẫn còn tồn tại nhiều bất hợp lý, rườm rà,
phức tạp, chồng chéo, phân tán, thiếu thống nhất, thiếu công khai.

Quá trình cải cách chủ yếu dừng lại ở những biện pháp tình thế, vướng đâu gỡ
đó, thiếu một giải pháp toàn diện, cơ bản để có thể giải quyết tận gốc những
nguyên nhân sâu xa làm phát sinh những bất hợp lý cả về nội dung và hình thức
của các quy trình, thủ tục, nên hiệu quả không cao, kết quả không vững chắc.
Khuynh hướng cải cách để nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, cho người thực
thi công vụ hơn là tháo gỡ cho dân, cho doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục.

Cũng như cải cách hành chính nói chung, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung thủ tục
hành chính trong những năm qua, không bảo đảm tính đồng bộ. Tình trạng “giấy
phép con” không giảm và xuất hiện nhiều biến tướng của “giấy phép con” ngoài
các quy định của pháp luật
3. Nguyên nhân của những tồn tại và hạn chế

Trên nhiều lĩnh vực, những biểu hiện của cơ chế tập trung quan liêu còn phổ
biến chưa được xóa bỏ tận gốc. Trên không ít làm việc của đời sống kinh tế - xã
hội, quan hệ "xin - cho" thậm chí còn phổ biến. Không ít vấn đề lý luận và thực tiễn
liên quan đến nội dung quản lý nhà nước trong điều kiện cơ chế kinh tế mới chưa
được làm rõ để trên cơ sở đó định ra lộ trình và giải pháp cải cách phù hợp. -
Những biểu hiện bất hợp lý trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước chậm được xem
xét khắc phục một cách triệt để; chế độ công chức, công vụ không rõ ràng.

Cải cách thủ tục hành chính đụng chạm trực tiếp đến lợi ích của các bộ, ngành và
địa phương cũng như lợi ích của bản thân cán bộ, công chức nên trong nhiều
trường hợp còn biểu hiện làm cầm chừng, thiếu kiên quyết, thậm chí tránh né. Nhận
thức về tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của công tác cải cách thủ tục hành chính
chưa ngang tầm, nhất là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Năng lực, trình độ
của đội ngũ cán bộ, công chức ở các cấp, các ngành, nhất là ở địa phương còn hạn
chế, bất cập, trong khi việc hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn chưa cụ thể và
không thường xuyên.
3. Một số giải pháp khắc phục những hanh chế, tồn tại

Cần phải xác định thật rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của cải cách thủ tục
hành chính trong nội dung tổng thể của cải cách hành chính nói chung. Cải cách thủ
tục hành chính phải tiến hành đồng thời với đổi mới cơ chế, chính sách, hoàn thiện
chức năng quản lý nhà nước, tăng cường phân công, phâp cấp quản lý, điều chỉnh
trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan hành chính cũng như chế độ công vụ. -
Thiết lập cơ chế giám sát thường xuyên, có hiệu quả đảng viên cán bộ, công chức
trong tiếp nhận, xử lý công việc của dân và doanh nghiệp.

Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết hoàn thiện mô hình "một cửa" trong giải quyết công
việc của dân và doanh nghiệp, và mở rộng áp dụng mô hình này vào các quan hệ
tiếp nhận và xử lý công việc giữa các cơ quan hành chính với nhau. Gắn liền đồng
bộ cải cách thủ tục hành chính với đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành của các
cơ quan hành chính nhà nước. Để tạo cơ sở pháp lý vững chắc, nhất quán, có hiệu
quả cao đề nghị nghiên cứu xây dựng pháp lệnh hoặc luật về thủ tục hành chính.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thu hút và phát huy vai trò của nhân dân, các tổ
chức xã hội, các hiệp hội vào công cuộc cải cách thủ tục hành chính, phát hiện
những bất hợp lý về thủ tục hành chính và giám sát các cơ quan hành chính nhà
nước, giám sát người thi hành công vụ trong việc thực hiện thủ tục hành chính.

KẾT LUẬN

Như vậy, thủ tục hành chính có vai trò quan trọng trong hoạt động quả lí hành
chính nhà nước, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước. Thực hiện cải
cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng là một chủ
trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm từng bước xây dựng Nhà nước thành
công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Nhưng công
cuộc cải cách thủ tục hành chính vẫn còn nhiều bất cập, hi vọng rằng trong thời
gian tới Đảng và Nhà nước khắc phục được những tồn tại, phát huy vai trò của thủ
tục hành chính nhà nước.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hiến pháp 2013

2. Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 1995

3. Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2002

4. Luật khiếu nại, tố cáo 1998

5. Luật khiếu nại 2011

6. Luật tố cáo 2011

7. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015

8. Nghị định số 47/CP ngày 3/5/1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi
thường thiệt hại do công chức, viến chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ
quan tiến hành tố tụng.

9. Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010 của Chính phủ : Về kiểm soát
thủ tục hành chính

10. Nghị quyết 38/CP ngày 4/5/1994 về cải cách một bước thủ tục hành chính
trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức.

11. Nghị quyết của Chính phủ số 30c/2011/NQ-CP ban hành chương trình cải
cách thủ tục hành chính giai đọan 2011 - 2020.

12. Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010
ban hành kèm theo Quyết định 136/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

13. Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lí nhà nước giai
đoạn 2007 - 2010 (được phê duyệt bởi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số
30/QĐ-TTg ngày 10/01/2007).

14. Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc
Hoa Kì về quan hệ thương mại.

15. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hành chính Việt Nam, Nxb.
Công anh nhân dân, Hà Nội, 2015.
16. Khoa luật – Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật hành chính Việt Nam,
Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2005.

17. Học viện hành chính quốc gia, Giáo trình thủ tục hành chính, Nxb. Khoa học
và kỹ thuật, Hà Nội, 2007.

18. Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, Giáo trình luật hành chính Việt Nam,
Nxb. Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh, 2013.

19. Nguyễn Cửu Việt, Giáo trình luật hành chính Việt Nam, Nxb.Đại học quốc
gia Hà Nội, Hà Nội, 2013.

20. PTS. Phạm Hồng Thái – PTS. Đinh Văn Mậu, Luật hành chính Việt Nam,
Nxb. TP Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 1996.

21. PTS. Phạm Hồng Thái – PTS. Đinh Văn Mậu,Nhập môn hành chính nhà
nước, Nxb. TP Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 1996

22. Học viện hành chính quốc gia, Về nền hành chính nhà nước Việt Nam –
những kinh nghiệm xây dựng và phát triển, Nxb. Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội,
1996.

23. Nguyễn Thị Thúy, Cải cách thủ tục hành chính nhằm thực hiện quyền và
nghĩa vụ công dân, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội,
2010.

24. ThS. Hoàng Văn Sao, Nguyên tắc xây dựng và thực hiện thủ tục hành chính,
Hội thảo khoa học Trường Đại học Luật Hà Nội, 2009.

25. Thủ tục hành chính - phương tiện quan trọng bảo đảm thực hiện quyền công
dân ở nước ta, Tạp chí dân chủ và pháp luật, số 6/2000.

You might also like