Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 48

ĐÁP ÁN ĐỌC HIỂU VÀ NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

TẬP 1
ĐỀ 1
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Thành công đến từ việc bạn biết chủ động trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh. Nhiều
trường hợp, sự chủ động rất quan trọng. Nó sẽ giúp bạn ứng phó linh hoạt, vượt qua khó khăn
và thay đổi kịp thời để chớp lấy thời cơ. Thiếu tính chủ động thì cho dù có kiến thức, có tầm
nhìn thì sự do dự cũng sẽ làm lỡ mất cơ hội.
Người có tính chủ động sẽ suy nghĩ, hành động độc lập, làm chủ được tình thế. Khi có vấn
đề xảy ra trước hết họ nhìn nhận chính bản thân mình, tìm ra khó khăn để vượt qua.
Tính chủ động không phải là làm bừa mà là dám nghĩ, dám nói và dám làm. Nếu bạn dám
hành động, hành động có suy nghĩ, chủ động và kiên quyết thì mọi việc đều dẫn đến thành công.
Những người có tính chủ động là những người tự tin và biết mình cần làm gì trong cuộc
sống. Họ theo đuổi đam mê bằng tất cả lòng nhiệt huyết và quyết tâm, không những thế họ còn
thành công trên hầu hết mọi phương diện của cuộc sống, đặc biệt khi có cạnh tranh. Trong một
xã hội đang ngày càng phát triển, bạn cần phải chủ động để không bị tụt lùi.
(Vân Anh – https://petrotimes.vn/hay-tu-cua-chinh-minh-
554998.html)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích ?
Câu 2. Theo tác giả, người chủ động khi có vấn đề xảy ra, họ sẽ làm gì?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: “Tính chủ động không phải là làm bừa mà là
dám nghĩ, dám nói và dám làm”.
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “Trong một xã hội đang ngày càng phát triển,
bạn cần phải chủ động để không bị tụt lùi” không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải biết chủ động trong cuộc sống.

ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là: Nghị luận
2. Theo tác giả, người chủ động, khi có vấn đề xảy ra, trước hết họ nhìn nhận chính bản
thân mình, tìm ra khó khăn để vượt qua.
Câu 3. Câu nói: “Tính chủ động không phải là làm bừa mà là dám nghĩ, dám nói và dám
làm” có thể hiểu là: Tính chủ động không phải là theo đuổi hoặc thực hiện một việc gì đó một
cách ngẫu hứng, tùy tiện; trái lại, chủ động là khi bạn phải có sự chuẩn bị, tính toán từ trước.
Chính sự chuẩn bị này sẽ tạo cho bạn sự tự tin, lòng can đảm để “dám nghĩ, dám nói, dám làm”.
Câu 4. Tôi đồng tình với quan điểm trên. Vì: Trong một xã hội phát triển, sự cạnh tranh sẽ
trở nên mạnh mẽ, khốc liệt. Nếu bạn không chủ động, bạn sẽ không thể trang bị được cho mình
những kĩ năng, kiến thức cần thiết, không nắm bắt được những cơ hội trong đời, do vậy, bạn sẽ
trở nên tụt hậu.
II. LÀM VĂN
Có ai đó từng nói rằng: “Chuyện tốt đến với những người chờ đợi, nhưng chuyện còn tốt
hơn sẽ đến với những người bước ra đón chúng”. Hãy mở cánh cửa của cuộc đời mình, mạnh
dạn bước tới để làm điều bạn muốn, để đưa chuyến xe cuộc đời của bạn đến với cái đích của
hạnh phúc và thành công. Hãy chủ động! Đó là điều vô cùng cần thiết trong cuộc sống của mỗi
con người. Chủ động có thể được hiểu là việc bản thân có ý thức chuẩn bị, tính toán, suy nghĩ và
mạnh dạn tự bắt tay vào làm một việc gì đó mà không chờ đợi hoàn cảnh hoặc không bị ép buộc
bởi ý muốn của người khác. Khi sống chủ động, chúng ta sẽ luôn có thái độ tự tin trước hầu hết
mọi tình huống xảy ra trong cuộc sống. Đơn giản là vì, khi sống chủ động, tức là ta đã có sự suy
nghĩ, chuẩn bị phương án cho các tình huống khác nhau. Và do vậy, dù có tình huống xấu xảy
ra, ta đã có cách để đối phó, hoặc ít nhất cũng đã có sự chuẩn bị tâm lí sẵn sàng. Người sống chủ
động còn là người có thể nắm bắt được những cơ hội tốt nhất. Họ đã luôn tự ý thức rèn luyện
bản thân, nâng cao trình độ, họ đã luôn làm cho mình ở tư thế “sẵn sàng chiến đấu”. Do vậy, khi
cơ hội tới, họ sẽ không cần phải do dự, sợ hãi, họ tự tin bước đến và nắm lấy cơ hội của mình.
Người sống chủ động cũng là người ít phạm phải những sai lầm trong cuộc sống. Điều này đến
từ việc họ đã luôn chuẩn bị, luôn lên kế hoạch từ trước. Mọi đường đi nước bước của họ đã
được tính toán kĩ càng, cho nên họ sẽ ít khi đi lệch đường ray. Không chỉ vậy, người sống chủ
động còn là người sẽ luôn trạng thái tinh thần vui vẻ. Thay vì để cho hoàn cảnh “giật dây” như
một con rối nước, họ lại cầm lấy sợi dây để điều khiển mọi thứ theo ý muốn của họ, do vậy họ
luôn mang tâm lí tích cực, tự tin. Sách báo hàng ngày vẫn luôn có những bài viết ca ngợi những
con người biết sống chủ động. Steven Job là một ví dụ. Ngay từ khi còn là sinh viên đã biết
được đam mê công nghệ của mình, đã sẵn sàng bỏ dở con đường đại học êm đềm để chủ động
dấn thân vào lĩnh vực mà mình mơ ước, và tất nhiên, sự chủ động ấy đã khiến ông trở thành
người vĩ đại. Sự chủ động là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh khốc
liệt như ngày nay. Là những công dân của thời đại công nghệ, mỗi người học sinh hôm nay cần
phải ngay lập tức hình thành cho mình một lối sống chủ động, cả trong học tập lẫn trong mọi
lĩnh vực sinh hoạt hằng ngày, để khi bước ra đời, chúng ta có thể tự tin chìa tay ra phía trước để
bắt lấy mọi cơ hội tốt đẹp của cuộc sống.

ĐỀ 2
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
… Đất nước
Của những dòng sông
Gọi tên nghe mát rượi tâm hồn
Ngọt lịm những giọng hò xứ sở
Trong sáng như trời xanh, mượt mà như nhung lụa
Đất nước
Của những người mẹ
Mặc áo thay vai
Hạt lúa củ khoai
Bền bỉ nuôi chồng, nuôi con chiến đấu
Đất nước
Của những người con gái con trai
Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép
Xa nhau không hề rơi nước mắt
Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt…
(Trích Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi!, Nam Hà)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào ?
Câu 2. Tác giả đã dùng những hình ảnh nào để nói về đất nước ?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong những câu thơ
dưới đây:
“Đất nước
Của những người con gái con trai
Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép” ?
Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét về tình cảm của tác giả đối với đất nước được thể hiện trong
đoạn trích.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: Tuổi trẻ cần làm gì để thể hiện lòng yêu nước ?
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Đoạn trích được viết theo thể thơ: Tự do
2. Tác giả dùng những hình ảnh: dòng sông; những người mẹ; những người con gái, con trai
để nói về đất nước.
3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ:
- Biện pháp tu từ: So sánh / Liệt kê
- Tác dụng: Làm nổi bật vẻ đẹp của tuổi trẻ Việt Nam. Họ vừa đẹp lại vừa anh dũng, kiên
cường
4. Tác giả ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam. Qua đó thể hiện lòng yêu mến,
niềm tự hào đối với đất nước.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
“Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta”
(Hồ Chí Minh). Lòng yêu nước, từ xưa, đã trở thành một sợi chỉ đỏ xuyên suốt dòng chảy của
lịch sử dân tộc. Trong chiến tranh, lòng yêu nước đã “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ”
để nhấn chìm bè lũ xâm lăng. Ngày hôm nay, được sống trong thời đại của hòa bình, tuổi trẻ
không được vô ơn, mà vẫn phải tiếp nối truyền thống yêu nước đó bằng những việc làm ý nghĩa.
“Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, để thể hiện lòng yêu nước, trước hết, tuổi trẻ
hôm nay cần phải ghi nhớ truyền thống hào hùng của dân tộc, ghi nhớ công ơn của các bậc tiền
nhân. Lòng yêu nước mà không gắn với tình yêu truyền thống thì sẽ như một cái cây mà gốc rễ
không bám chắc vào mặt đất, sớm muộn gì cũng khô héo, gục ngã. Yêu nước cũng có nghĩa là
phải biết ra sức học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội. Chỉ khi trở thành người
có ích, chúng ta mới có thể cống hiến để xây dựng đất nước đẹp giàu. Trong thời đại hôm nay,
yêu nước còn là phải lên tiếng đấu tranh để chống lại những cái xấu, cái ác trong xã hội, để làm
trong sạch xã hội, đưa đất nước ngày một tiến đến sự văn minh, nhân đạo và hạnh phúc. Một
con người yêu nước cũng cần phải là một con người biết yêu thương những người xung quanh,
yêu thương đồng bào của mình, biết chung tay góp sức để giúp đỡ mọi người trong cơn khó
khăn hoạn nạn, đúng với tinh thần “Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải
thương nhau cùng” mà ông cha xưa đã dạy chúng ta. Thế hệ trẻ hôm nay có rất nhiều những tấm
gương sáng ngời về lòng yêu nước. Đó có thể là một người lính sẵn sàng lên đường để bảo vệ
biển đảo quê hương, là những thanh niên xung phong lặn lội đến những bản làng xa xôi để dạy
trẻ em học chữ, là những cậu học trò đã vượt lên nghịch cảnh để đem lại vinh quang cho gia
đình, cho quê hương. Đất Nước thật to lớn nhưng cũng thật gần gũi, mỗi chúng ta hãy luôn cố
gắng làm mọi điều thiết thực nhất, ý nghĩa nhất để cho đất nước Việt Nam ngày một giàu đẹp,
“sánh vai với các cường quốc năm châu”.

ĐỀ 3
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
[…] Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
(Trích Lời mẹ dặn – Phùng Quán)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào ?
Câu 2. Xác định một biện pháp tu từ được sử dụng trong những dòng thơ sau và nêu tác
dụng:
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về nội dung của những câu thơ sau:
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã ?
Câu 4. Bài học ý nghĩa nhất mà anh/chị rút ra được sau khi đọc đoạn trích trên là gì ? (1,0
điểm)
II. LÀM VĂN (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải có lòng trung thực trong cuộc sống.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Đoạn trích được viết theo thể thơ: Tự do
2. Biện pháp tu từ cú pháp được sử dụng trong bốn câu thơ là: Điệp cấu trúc / Lặp cấu trúc
3. Hai câu thơ: “Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi / Sét nổ trên đầu không
xô tôi ngã” có thể hiểu là:
- Cám dỗ của công danh không thể khiến tôi nói sai sự thật.
- Sức mạnh uy quyền không làm tôi run sợ, khuất phục.
4. Bài học ý nghĩa nhất: Sống phải có lòng trung thực.
II. LÀM VĂN (2.0 điểm)
Nếu ví nhân cách con người là một khu vườn, thì lòng trung thực chính là người gác cổng
cho khu vườn đó. Nói một cách đơn giản hơn, nếu một con người mà thiếu đi lòng trung thực,
thì coi như anh ta cũng đã đánh mất nhân cách của mình vậy. Từ đó ta thấy, lòng trung thực là
một tính cách vô cùng cần thiết trong cuộc sống. Trung thực có thể hiểu là sống một cách ngay
thẳng, mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động đều phản ánh sự thật khách quan. Sống trung thực sẽ
giúp chúng ta đánh giá một cách khách quan về bản thân, nhận ra được đâu là ưu, đâu là nhược,
từ đó có hướng phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm. Người trung thực là người không
che dấu khuyết điểm, họ mạnh dạn soi ánh sáng của lòng can đảm vào tận sâu thẳm hồn mình để
trả lời cho câu hỏi mình là ai, mình đang ở đâu, từ đó mà họ hiểu bản thân mình hơn ai hết.
Trung thực giúp chúng ta có cái nhìn khách quan về mọi vấn đề, từ đó có thái độ và hướng giải
quyết đúng đắn. Người sống trung thực cũng là người có được niềm tin từ người khác, từ đó
thiết lập và duy trì được các mối quan hệ tốt đẹp. Chẳng ai lại thích chơi với một người dối trá,
một người nói một đằng làm một nẻo, một người bội nghĩa quên tình. Là con người, ai cũng
thích những người mà lời nói và hành động là nhất quán. Lòng tin tưởng sẽ nảy mầm trên mảnh
đất màu mỡ của lòng trung thực, và những mùa quả bội thu chính là một mối quan hệ thân thiết,
lâu dài. Lòng trung thức giúp chúng ta dám đối mặt và đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái giả
dối..., làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Người có lòng trung thực là người không nói để
làm vừa lòng người khác, họ lên tiếng để bảo vệ chân lí, bảo vệ lẽ phải. Chính vì lẽ đó mà họ sẽ
giúp bài trừ cái tiêu cực, cổ vũ cái tích cực, làm cho cuộc sống ngày một nhân văn hơn. Từ xưa
tới nay, chính những người có lòng trung thực đã góp phần đẩy bánh xe lịch sử tiến lên phía
trước. Scrate, với lòng trung thực vô song, đã sẵn sàng uống thuốc độc chết để bảo vệ cho
những tín điều của mình. Galileo, Copecnic đã bất chấp mọi hiểm nguy, kể cả cái chết để cho
chân lí được sống mãi. Không có những con người dám trung thực như họ, sự tiến bộ của nhân
loại có khi chậm lại đến cả trăm năm. Thế hệ trẻ hôm nay, nhất là những người học sinh, phải ý
thức được tầm quan trọng của lòng trung thực, phải rèn luyện cho mình bản tính trung thực, nhất
là trong học tập, có như vậy, mai này chúng ta mới sống một cuộc đời ý nghĩa.

ĐỀ 4
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
... Đã đến lúc chúng ta cần phải đối diện với sự thật rằng, im lặng trước cái sai chính là
mầm mống nuôi dưỡng cho sự xuất hiện của những cái sai khác. Đã đến lúc chúng ta không thể
trốn tránh được thực tế nghiệt ngã rằng im lặng có thể cho ta sự yên ổn tạm thời, nhưng dần
dần nó sẽ xói mòn lương tâm, làm thui chột ý chí phản biện, tinh thần hướng thiện, sức mạnh
đấu tranh cho cái đúng của không chỉ bản thân ta mà cả của những người quanh ta. Sự yên ổn
ấy, đáng tiếc thay chắc chắn sẽ không kéo dài lâu. Nó sẽ mau chóng qua đi và trả lại cho ta
những mất mát, tổn thương với cấp số nhân so với chút yên bình giả tạo.
Phá vỡ thói quen im lặng là một quá trình đấu tranh dai dẳng và khắc nghiệt trong bản
thân mỗi chúng ta. Hãy bắt đầu bằng việc lục vấn bản thân mỗi khi bằng lòng im lặng trước cái
sai. Hãy kiên trì tìm đáp án cho câu hỏi “cái sai ấy, nếu mãi tồn tại, sẽ dẫn chúng ta về đâu?”.
Hãy thử đặt câu hỏi liệu có một ngày nào đó, sự im lặng khiến chúng ta hay những người thân
của chúng ta trở thành nạn nhân của một quyết định sai lầm nào đó được nuôi dưỡng bởi chính
sự im lặng của chúng ta? Hãy thử mường tượng đáng nhẽ viễn cảnh đó sẽ không xảy ra nếu sự
im lặng của chúng ta được thay thế bằng những góp ý, việc làm cụ thể.
Hãy bắt đầu phá vỡ thói quen im lặng bằng những lời nói, việc làm cụ thể để bảo vệ lẽ phải,
bảo vệ những sự thật mà trái tim bạn luôn gọi tên. Hãy bắt đầu từ việc ca ngợi những giá trị tốt
đẹp, cốt lõi, hướng thiện được hun đúc bởi cả cộng đồng, được rèn trải qua nhiều thế hệ. Hãy
bắt đầu bằng việc lên tiếng bảo vệ, đứng về phía những người/nhóm người thiệt thòi, yếu thế.
Hãy đấu tranh, phản biện lại mọi hình thức kì thị, phân biệt đối xử, góp phần đem lại sự công
bằng, sự thừa nhận của cộng đồng.
(Sự tàn nhẫn của im lặng, Nguyễn Công Thảo, http://dienngon,vn)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích ?
Câu 2. Theo tác giả, để phá vỡ thói quen im lặng thì bản thân mỗi chúng ta cần phải làm gì?
Câu 3. Theo anh/chị, việc tác giả nhiều lần sử dụng từ ngữ "Hãy bắt đầu" góp phần mang lại
hiệu quả nghệ thuật gì ?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: “im lặng trước cái sai này chính là mầm mống nuôi
dưỡng cho sự xuất hiện của những cái sai khác” ? Vì sao ?
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của anh/chị về việc cần thiết phải đấu tranh với những vấn đề tiêu cực trong cuộc sống.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là : Nghị luận
2. Theo tác giả, để phá vỡ thói quen im lặng thì bản thân mỗi chúng ta hãy bắt đầu bằng
việc lục vấn bản thân mỗi khi bằng lòng im lặng trước cái sai. Hãy kiên trì tìm đáp án cho câu
hỏi “cái sai ấy, nếu mãi tồn tại, sẽ dẫn chúng ta về đâu?”. Hãy thử đặt câu hỏi liệu có một ngày
nào đó, sự im lặng khiến chúng ta hay những người thân của chúng ta trở thành nạn nhân của
một quyết định sai lầm nào đó được nuôi dưỡng bởi chính sự im lặng của chúng ta? Hãy thử
mường tượng đáng nhẽ viễn cảnh đó sẽ không xảy ra nếu sự im lặng của chúng ta được thay thế
bằng những góp ý, việc làm cụ thể.
3. Việc tác giả nhiều lần sử dụng từ ngữ "Hãy bắt đầu" có tác dụng kêu gọi hành động, cổ
vũ và thúc giục mọi người hãy ngay lập tức có những việc làm cụ thể, thiết thực để phá vỡ thói
quen im lặng trước những vấn đề tiêu cực trong cuộc sống.
4. Đồng tình. Vì khi ta im lặng trước một sự sai trái, thì cái sai đó sẽ không bị tiêu diệt, trái
lại nó sẽ tồn tại và thậm chí còn được nhân rộng ra, đẻ ra những cái sai tiếp theo.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Cuộc sống là sự tồn tại của hai mặt đối lập: tích cực và tiêu cực, và muốn cho xã hội tiến bộ,
thì cái tích cực phải không ngừng chiếu ánh áng của mình vào vùng đêm của cái tiêu cực, từng
chút một lấn át nó, xua tan nó. Nói vậy để thấy, việc đấu tranh với những vấn đề tiêu cực trong
cuộc sống là điều vô cùng cần thiết của mỗi con người. Chỉ khi chúng ta đấu tranh với những
cái tiêu cực, chúng ta mới làm cho bản thân và xã hội trở nên lành mạnh, tốt đẹp, và sự lành
mạnh, tốt đẹp đó là điều kiện tiên quyết để phát triển. Một cái tôi khiếm khuyết, một xã hội đầy
rẫy cái xấu xa thì nói đến chuyện tiến bộ, văn minh là điều không tưởng. Đấu tranh với những
vấn đề tiêu cực trong cuộc sống cũng giúp chúng ta rèn luyện cho mình một tính cách trung
thực, một bản lĩnh vững vàng. Ta dám cất lên tiếng nói, bắt tay hành động để lên án và loại trừ
cái xấu mà không sợ hãi bất cứ một thế lực hắc ám nào. Ta sẽ lớn lên, sẽ mạnh mẽ, nhờ sức
mạnh của chính nghĩa. Khi ta dám lên tiếng đấu tranh với những vấn đề tiêu cực trong cuộc
sống, cũng chính là ta đã và đang tạo ra một bầu không khí tinh thần lành mạnh cho các thế hệ
tương lai, ở đó, con cháu của chúng ta sẽ được sống một cuộc sống chất lượng hơn và nhân văn
hơn. Xưa nay, những con người dám đấu tranh với những tiêu cực trong cuộc sống cũng luôn
được mọi người yêu mến kính trọng. Là một công dân của xã hội hiện đại, nơi mà dòng chảy
kinh tế ồ ạt đe dọa xói mòn những giá trị văn hóa, đạo đức, nơi mà cái xấu, cái ác đang có cơ hội
sinh sôi, chúng ta cần đặt ra cho bản thân mình trách nhiệm lên tiếng đấu tranh chống lại những
mặt tiêu cực, để lành mạnh hóa cuộc sống, để xã hội ngày một văn minh hơn, NGƯỜI hơn.

ĐỀ 5
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Trong dòng đời vội vã có nhiều người dường như đã quên đi tình nghĩa giữa người với
người. Nhưng đã là cuộc đời thì đâu phải chỉ trải đầy hoa hồng, đâu phải ai sinh ra cũng có
được cuộc sống giàu sang, có được gia đình hạnh phúc toàn diện mà còn đó nhiều mảnh đời
đau thương, bất hạnh cần chúng ta sẻ chia, giúp đỡ. Chúng ta đâu chỉ sống riêng cho mình, mà
còn phải biết quan tâm tới những người khác. (Đó chính là sự “cho” và “nhận” trong cuộc đời
này).
“Cho” và “nhận” là hai khái niệm tưởng chừng như đơn giản nhưng số người có thể cân
bằng được nó lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ai cũng có thể nói “Những ai biết yêu
thương sẽ sống tốt đẹp hơn” hay “Đúng thế, cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”. Nhưng tự bản
thân mình, ta đã làm được những gì ngoài lời nói? Cho nên, giữa nói và làm lại là hai chuyện
hoàn toàn khác nhau. Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi
mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình. Đâu phải ai cũng quên mình vì người
khác. Nhưng xin đừng quá chú trọng đến cái tôi của chính bản thân mình. Xin hãy sống vì mọi
người để cuộc sống không đơn điệu và để trái tim có những nhịp đập yêu thương.
Cuộc sống này có qua nhiều điều bất ngờ nhưng cái quan trọng nhất thực sự tồn tại là tình
yêu thương. Sống không chỉ là nhận mà còn phải biết cho đi. Chính lúc ta cho đi nhiều nhất lại
là lúc ta được nhận lại nhiều nhất.
(Trích “Lời khuyên cuộc sống”)

Thực hiện các yêu cầu:


Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính, thao tác lập luận chính được sử dụng trong
đoạn trích ?
Câu 2. Theo tác giả, sự "cho đi" có ý nghĩa như thế nào ?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về thông điệp: Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ
thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình ?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm "Chính lúc ta cho đi nhiều nhất lại là lúc ta được
nhận lại nhiều nhất" không ? Vì sao ?
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ
suy nghĩ của anh/chị về sức mạnh của lòng vị tha trong cuộc sống.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là: Nghị luận
2. Theo tác giả, sự "cho đi" có ý nghĩa là: Chính lúc ta cho đi nhiều nhất lại là lúc ta được
nhận lại nhiều nhất.
3. Thông điệp: “Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà
không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình” có thể hiểu là: Chỉ khi chúng ta cho đi
một cách vô điều kiện, tức là không tính toán, không mong chờ trả ơn, thì khi đó, tâm hồn chúng
ta mới thực sự không bị day dứt bởi sự tiếc nuối, cũng không bực bội khi không được đáp trả;
chỉ khi ấy, chúng ta mới sống hoàn toàn với cái tâm thế thanh thản, hạnh phúc vì mình đã làm
được một việc ý nghĩa cho người khác.
4. Đồng tình. Vì lúc ta cho đi nhiều nhất, cũng chính là lúc có nhiều người nhận được sự
yêu thương, sự giúp đỡ của ta nhất, và những người ấy sẽ đáp lại tấm lòng của ta bằng sự yêu
thương, bằng sự biết ơn. Thêm nữa, khi ta cho đi nhiều nhất, cũng có nghĩa là ta đã dẹp bỏ được
lòng tham, sự ích kỉ, ta biết sống bố thí, như vậy, tâm hồn ta cũng trở nên tốt đẹp hơn.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
“Chúng ta là thiên thần chỉ có một chiếc cánh, và chúng ta phải ôm lấy nhau để học cách
bay”. Điều đó cũng có nghĩa là, mỗi chúng ta đều là những kẻ bất toàn, và hãy học cách chấp
nhận sự bất toàn của người khác, để nâng đỡ nhau bằng lòng vị tha của chính mình. Sự vị tha,
do vậy, là một điều có ý nghĩa, làm nên sức mạnh diệu kì trong cuộc sống. Khi ta có lòng vị tha,
ta có thể chấp nhận và tha thứ cho lỗi lầm của người khác, và do vậy, ta sẽ không làm cho họ bị
tổn thương. Ta sẽ mở ra cho họ một cơ hội để họ có thể sửa chữa lỗi lầm của mình. Khi ta vị tha
với người, cũng đồng nghĩa với việc ta đã giúp chính ta mở rộng cõi lòng mình. Một người sống
vị tha sẽ làm cho tâm hồn mình ngày càng trở nên bao dung hơn, sống cao đẹp hơn, thánh thiện
hơn, do vậy mà cuộc sống sẽ trở nên an yên, hạnh phúc hơn. Lòng vị tha cũng là một chất keo
kết dính con người, giúp con người tạo lập và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp. Đối với một
người xa lạ, khi chúng ta sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm của họ, thì khi ấy, một mối giao
tình đã được khai sinh. Đối với những người ta đã quen biết, lòng vị tha giúp họ yêu mến ta hơn,
gắn bó với ta hơn, bởi họ hiểu sự độ lượng của ta, bởi họ biết ta yêu thương họ đến nhường nào.
Đức Phật đã từng tha thứ cho những kẻ chửi mắng ngài; chúa Jesu đã từng tha thứ cho những kẻ
đóng đinh ngài. Những bậc vĩ nhân ấy là những tấm gương bất tử về lòng vị tha trong cuộc
sống. Trong thời đại ngày nay, khi mà đồng tiền lên ngôi, khi mà sự bon chen, ích kỉ ngày một
phổ biến, thì lòng vị tha lại cần thiết hơn bao giờ hết. Mỗi chúng ta, hãy bồi đắp lòng vị tha của
chính mình, để cho cuộc sống trở nên nhân văn, ý nghĩa.

ĐỀ 6
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Hãy thức dậy, đất đai!
cho áo em tôi không còn vá vai
cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn...
xin bắt đầu từ cơm no, áo ấm
rồi thì đi xa hơn - đẹp, và giàu, và sung sướng hơn
Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non
châu báu vô biên dưới thềm lục địa
rừng đại ngàn bạc vàng là thế
phù sa muôn đời như sữa mẹ
sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể
còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?
lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?
***
Lúc này ta làm thơ cho nhau
đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt
ta ca hát quá nhiều về tiềm lực
tiềm lực còn ngủ yên...
(Trích Đánh thức tiềm lực, Ánh trăng - Cát trắng - Mẹ và em, Nguyễn Duy, NXB Hội Nhà
văn, 2015, tr. 289-290)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những yếu tố nào thuộc về tiềm lực tự nhiên
của đất nước?
Câu 3. Nêu hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ trong đoạn trích.
Câu 4. Theo anh/chị, quan điểm của tác giả trong hai dòng thơ: “ta ca hát quá nhiều về tiềm
lực/tiềm lực còn ngủ yên” có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ)
trình bày suy nghĩ về vấn đề: Mỗi cá nhân cần làm gì để đánh thức tiềm lực của đất nước ?
BÀI LÀM
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
1. Đoạn trích được viết theo thể thơ: Tự do
2. Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những yếu tố thuộc về tiềm lực tự nhiên của đất
nước là: đất đai, khoáng sản, rừng, phù sa, sông, bể.
3. Hiệu quả của câu hỏi tu từ được sử dụng trong đoạn trích là: tạo giọng điệu suy tư; bộc lộ
sự trăn trở của tác giả trước thực trạng đất nước giàu tài nguyên nhưng vẫn còn nghèo.
4. Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm, miễn là có lý giải thuyết phục.
II. LÀM VĂN (2.0 điểm)
“Lòng đất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?” – đó là câu hỏi đầy trăn trở của nhà thơ Nguyễn
Duy, khi mà tiềm lực giàu có của đất nước vẫn chưa được khai thác và phát huy đúng mức. Để
cho mặt đất trở nên giàu có, việc khai thác tiềm lực là điều cần thực hiện, và đó là trách nhiệm
thuộc về mỗi cá nhân, mỗi một công dân của đất nước. Để đánh thức những tiềm lực còn ngủ
yên, trước hết, mỗi cá nhân cần nhận ra vai trò quan trọng của tiềm lực. Tiềm lực chính là
nguyên liệu nền tảng để trên đó, chúng ta tiến hành khai thác, chế biến, làm ra sản phẩm, làm ra
của cải vật chất cho đất nước. Đất nước Việt Nam vốn giàu tiềm lực, đó là một lợi thế mà thiên
nhiên đã ưu ái ban tặng, chúng ta cần chung tay để biến nó thành giá trị thực tiễn. Để đánh thức
tiềm lực của đất nước, thì yếu tố con người là khâu quyết định. Mỗi chúng ta, những công dân
của đất nước, cần có những hành động thiết thực, cụ thể: trau dồi kiến thức, kỹ năng, đóng góp
công sức vào việc khai thác và sử dụng tiềm lực của đất nước, để tạo ra được giá trị lớn nhất.
Mỗi cá nhân cũng cần chung tay tuyên truyền, nâng cao nhận thức của những người xung quanh
mình, khiến cho ai ai cũng đều nhận ra vai trò của tiềm lực, nhận ra vai trò của mình trong việc
đánh thức tiềm lực. Có như thế, chúng ta mới tạo nên được một sức mạnh tập thể to lớn, để có
thể lấy cái giàu có của lòng đất mà làm giàu cho đất nước, làm giàu cho cuộc sống của chính
mình. Là một người học sinh trong thời đại kinh tế thị trường, ngay từ lúc này, chúng ta cần ý
thức được tầm quan trọng của tiềm lực, để khi bước vào cuộc sống, chúng ta sẽ có những việc
làm hữu ích trong việc đánh thức tiềm lực của nước nhà.

ĐỀ 7
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Đã bao giờ bạn nghe câu: “Cuộc đời là một cuộc đua ma-ra-tông”? Nó có ý nghĩa khuyến
khích mọi người tiếp tục cố gắng khi công việc trở nên khó khăn và cần có thái độ kiên nhẫn
nhưng ngoan cường trong cuộc sống. Tuy vậy với tôi, điều đó không hẳn là đúng. Cuộc đời
không phải là một chặng đua dài. Nó thật sự là một chuỗi các chặng đua ngắn, chặng này nối
tiếp chặng kia. Mỗi nhiệm vụ có những thách thức riêng. Để thành công, bạn chỉ cần tiếp tục cố
gắng. (...)
Nhà thám hiểm Christopher Columbus từng phải đối mặt với những khó khăn không lường
trước được khi đi tàu về hướng tây để tìm đường tới châu Á. Ông cùng đoàn thủy thủ phải
chống chọi với những cơn bão, chịu cảnh đói khát và thiếu thốn, thậm chí phải đấu tranh với
tâm trạng vô cùng chán nản. Thủy thủ đoàn của ba chiếc tàu gần như sắp nổi loạn. Nhưng
Columbus rất kiên trì. Ngày qua ngày, Columbus kiên trì viết bản tường trình chuyến đi: "Hôm
nay chúng tôi lại tiếp tục đi”. Và lòng kiên trì của ông đã được đền đáp. Ông không tìm ra con
đường ngắn nhất để tới châu lục với những người Ấn Độ có nguồn gia vị giàu có; thay vào đó
ông đã khám phá được châu Mỹ. Trong suốt cuộc hành trình, tâm điểm của ông luôn rõ ràng -
mỗi ngày đều phải hoàn thành một đoạn đường. Giành thắng lợi trên mỗi chặng đua ngắn, đó
chính là bí quyết thành công. Nhà tư vấn quản lý Laddie F. Hutar khẳng định: “Thành công
bao gồm một chuỗi các thắng lợi nhỏ mỗi ngày”.
(Trích Tài năng thôi chưa đủ, John C.MaxWell, NXB Lao động - Xã hội, 2008, tư 198 - 199)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Dựa vào đoạn trích, hãy cho biết tác giả thể hiện quan niệm như thế nào về cuộc đời?
Câu 3. Anh/Chị có đồng tình với quan niệm: “Thành công bao gồm một chuỗi các thắng lợi
nhỏ mỗi ngày” không ? Vì sao ?
Câu 4. Bài học ý nghĩa nhất mà anh/chị rút ra sau khi đọc đoạn trích là gì ?

II. LÀM VĂN (2,0 điểm)


Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải nỗ lực trong cuộc sống.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là: Nghị luận
2. Căn cứ vào đoạn trích, ta thấy tác giả thể hiện quan niệm về cuộc đời là: Cuộc đời không
phải là một chặng đua dài. Nó thật sự là một chuỗi các chặng đua ngắn, chặng này nối tiếp
chặng kia. Mỗi nhiệm vụ có những thách thức riêng.
3. Đồng tình. Vì cuộc đời này không phải là một con đường thẳng, mà nó bao gồm nhiều
chặng, mỗi chặng chúng ta sẽ phải đối mặt với những khó khăn khác nhau. Để thành công,
chúng ta phải vượt qua từng chặng, xử lý các khó khăn của từng giai đoạn. Khi chúng ta cứ nỗ
lực và giành được chiến thắng trên từng chặng đó, chúng ta sẽ đạt được thành công cuối cùng.
4. Bài học ý nghĩa nhất sau khi đọc đoạn trích: Để thành công, chúng ta cần nỗ lực mỗi
ngày.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
“Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”, thành công là một tên
gọi khác của sự nỗ lực. Chúng ta sinh ra trên đời này là để tiến về phía trước, và nếu không nỗ
lực, bạn sẽ bị đào thải. Sự nỗ lực, do vậy, là vô cùng cần thiết trong cuộc sống. Nỗ lực có thể
được hiểu là gắng sức để làm một điều gì đó. Khi ta nỗ lực, ta sẽ mở rộng, nâng cao giới hạn của
bản thân. Khả năng của con người là vô biên, nó bị giới hạn chỉ vì chính ta không cố gắng, sự
lười biếng, ỷ lại, bằng lòng đã thiết lập những biên giới vững chắc, khiến tài năng của ta bị đóng
khung trong một phạm vi chật hẹp. Khi bạn nỗ lực, những biên giới ấy sẽ nới rộng dần ra, và
đến một ngày, bạn nhận ra mình thật phi thường. Khi ta nỗ lực, tất yếu, ta sẽ tiến đến và đạt
được mục tiêu mà ta đã đề ra. Từ khi chúng ta đặt ra mục tiêu cho đến khi đạt được nó là cả một
hành trình dài, và trên hành trình ấy, chính nỗ lực sẽ thúc đẩy ta dấn bước về phía trước. Sự nỗ
lực cũng giúp ta có bản lĩnh vững vàng, sức mạnh to lớn để có thể hiên ngang đối mặt và đạp
bằng mọi khó khăn, gian khổ. Đối với một người nỗ lực, thì khó khăn chỉ là những phép thử,
những khóa học bổ ích để họ tôi luyện bản lĩnh. Hầu hết những tấm gương thành công đều là
những con người có sự nỗ lực phi thường. Edison đã thất bại gần một ngàn lần trước khi tìm ra
chất liệu làm sợi tóc bóng đèn. Harland Sanders, ông chủ hãng gà rán lừng danh thế giới KFC
đã thất bại 1009 lần trước khi nếm được mùi vị thành công. Hãy nhớ rằng, thành công luôn có
cái giá của nó, cũng như quả ngọt phải nhờ vun trồng. Hiểu điều đó để ngay từ bây giờ, chúng ta
cần ý thức được tầm quan trọng của sự nỗ lực, để không ngừng tiến về phía trước.
ĐỀ 8
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Trong cuộc đời, mỗi chúng ta đều có ba kẻ thù cần phải tiêu diệt: Do dự, nghi ngờ và sợ
hãi. Ba kẻ thù này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi cảm thấy nghi ngờ và sợ hãi, tất yếu
bạn sẽ do dự trong việc đưa ra quyết định và hành động. Phân tích thất bại trong cuộc sống của
hơn 25 ngàn người, các chuyên gia cho biết: Do dự gần như đứng đầu danh sách những nguyên
nhân chủ yếu dẫn đến thất bại của họ.
Trái với do dự là tính quyết đoán và đây chính là một trong những biểu hiện của lòng dũng
cảm. Sự bất tử của mỗi người nằm ở việc họ có dám đưa ra quyết định hay không. Để có được
một quyết định rõ ràng, mỗi người cần phải có lòng dũng cảm và đôi khi phải cực kỳ can đảm.
Bên cạnh đó, giá trị của các quyết định lại phụ thuộc vào mức độ dũng cảm khi hành động.
Những quyết định vĩ đại làm nền móng cho văn minh nhân loại đã được đưa ra bất chấp rủi ro,
thậm chí bất chấp cả việc phải hy sinh tính mạng. Con người ta sẽ chẳng làm nên trò trống gì
nếu không có một ý tưởng táo bạo, một tư duy đột phá và lòng can đảm để hiện thực hóa chúng.
Chẳng thà bạn phạm sai lầm khi hành động còn hơn cứ ôm khư khư mối lo thất bại rồi chùn
bước. Cuộc đời bạn sẽ ra sao nếu bạn không bao giờ dám làm một điều gì lớn lao?
Lòng dũng cảm là tài sản vô giá mà tự nó đã tiềm ẩn sức mạnh vô hình có thể giúp con
người sống một cuộc đời đích thực. Với lòng dũng cảm bạn sẽ tự tạo ra cơ hội cho bản thân và
đủ bản lĩnh để đối mặt với những trở ngại cuộc sống. Tất cả chúng ta sinh ra đều có lòng dũng
cảm. Nhưng chỉ những ai biết tôi rèn và vận dụng nó thường xuyên thì mới có thể sở hữu lòng
dũng cảm thật sự.
Hãy vận dụng lòng dũng cảm để củng cố sức mạnh tinh thần của bạn. Hãy tìm cho mình
một hướng đi thích hợp và sống một cuộc đời ý nghĩa. Hãy thử những công việc mới và phá bỏ
các rào cản trong cuộc sống của bạn. Với lòng dũng cảm bạn sẽ vững vàng tiến về phía trước.
(Nhiều tác giả, Đánh thức khát vọng, NXB Hồng Đức 2018)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích ?
Câu 2. Theo tác giả, ba kẻ thù cần phải tiêu diệt trong cuộc đời là gì ?
Câu 3. Theo anh/chị, "các rào cản trong cuộc sống" mà tác giả nhắc tới trong văn bản có
nghĩa là gì ?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm: "Chẳng thà bạn phạm sai lầm khi hành động
còn hơn cứ ôm khư khư mối lo thất bại rồi chùn bước" không ? Vì sao ?
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ),
trình bày suy nghĩ của mình về sự cần thiết phải dấn thân trong cuộc sống.
BÀI LÀM
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là: Nghị luận
2. Theo tác giả, ba kẻ thù cần phải tiêu diệt trong cuộc đời là: Do dự, nghi ngờ và sợ hãi.
3. "Các rào cản trong cuộc sống" mà tác giả nhắc tới trong văn bản có nghĩa là các khó
khăn, thử thách trong cuộc sống.
4. Đồng tình. Vì: Phạm sai lầm trong hành động là điều không ai mong muốn, nhưng nó
đem lại nhiều lợi ích thiết thực: Nó là cho ta thêm trưởng thành, thêm bản lĩnh, thêm hiểu biết;
nó cho ta bài học kinh nghiệm để làm lại tốt hơn; nó cho ta hiểu hơn về ưu và khuyết điểm của
bản thân mình; nó chỉ ra cho ta cái chưa đúng trong cách thức, phương pháp làm việc. Đó là
những điều mà nếu ta ngồi yên, “ôm khư khư mối lo thất bại” sẽ không bao giờ ta có được.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Jack Ma nói: “Rất nhiều người thất bại bởi chữ đợi, chỉ có dấn thân mới tạo ra kết quả”.
Trên dòng nước dữ dội của cuộc sống hiện nay, con thuyền của bạn nhất định phải tiến lên phía
trước, nếu không muốn bị tụt hậu. Do đó, dấn thân là điều vô cùng cần thiết. Sự dấn thân khiến
chúng ta mở rộng vòng tròn an toàn của mình, điều này giúp ta tiếp cận và trải nghiệm thêm
nhiều điều mới mẻ, tăng vốn sống, vốn hiểu biết của bản thân. Sự dấn thân giúp rèn luyện bản
lĩnh. Khi ta ra khỏi vòng an toàn, ta sẽ phải đối mặt với những thử thách, khó khăn mới. Việc
chúng ta phải tìm cách vượt qua những trở ngại này sẽ tôi luyện ý chí, nghị lực, sự can trường
của mỗi chúng ta. Dấn thân còn là điều cần thiết vì nó mở ra những vận hội mới. Những mối
quan hệ tốt đẹp, những việc làm phù hợp với sở trường không thể đến với những người suốt
ngày đóng kín, khép mình trong những căn phòng nhỏ. Chỉ khi bước ra ngoài, nếm trải cuộc
đời, ta mới có cơ hội thay đổi cuộc đời. Sự dấn thân còn giúp chúng ta trở nên lành mạnh, tích
cực hơn, sống năng động, tràn đầy nhiệt huyết hơn. Và khi sống như vậy, chúng ta lại tràn đầy
năng lượng để sáng tạo, để cống hiến. Nếu Steven Job không dấn thân, hẳn chúng ta sẽ không
có được những chiếc Iphone tinh tế, chất lượng như hôm nay. Nếu Mark Juckerberg không dấn
thân, hẳn bây giờ chúng ta sẽ không có được sự kết nối tuyệt vời như trên Facebook. Chúng ta,
những người học sinh, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cũng phải biết sống dấn thân,
biết trải nghiệm những điều bổ ích, để sau này khi bước vào đời, chúng ta sẽ là những công dân
vững vàng trước thời cuộc, sống nhiệt huyết và thành công.

ĐỀ 9
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc bài thơ sau:
Ngày xưa chào mẹ, ta đi
Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười
Mười năm rồi lại thêm mười
Ta về ta khóc, mẹ cười… lạ không ?
“Ông ai thế? Tôi chào ông!”
Mẹ ta trí nhớ về… mênh mông rồi
“Ông có gặp thằng con tôi?
Hao hao... tôi nhớ... nó người… như ông”
Mẹ ta trở nhớ về không
Trả trăm năm lại bụi hồng... rồi đi.
(“Mẹ ta trả nhớ về không” – Đỗ Trung Quân)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào ?
Câu 2. Anh / chị hãy lí giải những trạng thái cảm xúc trái ngược của người mẹ và người con
trong bốn dòng thơ:
“Ngày xưa chào mẹ, ta đi
Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười
Mười năm rồi lại thêm mười
Ta về ta khóc, mẹ cười… lạ không ?”
Câu 3. Qua bài thơ, nhà thơ muốn bộc lộ nỗi niềm gì đối với người mẹ của mình ?
Câu 4. Bài học sâu sắc nhất mà anh/chị rút ra sau khi đọc đoạn trích là gì ?
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ nội dung bài thơ ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy
nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của tình mẫu tử trong cuộc sống.

ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Thể thơ: Lục bát
2. Lí giải những trạng thái cảm xúc trái ngược của người mẹ và người con trong 4 dòng thơ:
“Ngày xưa chào mẹ, ta đi
Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười
Mười năm rồi lại thêm mười
Ta về ta khóc, mẹ cười… lạ không ?”
- Buổi ra đi: người mẹ khóc vì phải xa con, vì lo lắng cho con; người con cười vì sắp được
dấn bước vào cuộc đời, làm một con người tự do, trưởng thành, được cống hiến sức trẻ cho đời.
- Lúc trở về: người con khóc vì xúc động khi được gặp lại mẹ, nỗi nhớ mẹ, nhớ nhà bao
nhiêu năm xa cách đã trào ra thành những giọt nước mắt; người mẹ cười như một cử chỉ xã giao
trước một người lạ, bởi “trí nhớ về… mênh mông rồi”.
3. Qua bài thơ, nhà thơ muốn bộc lộ tấm lòng yêu thương cũng như nỗi niềm day dứt của
người con đối với mẹ của mình.
4. Học sinh tự do rút ra bài học, miễn là hợp lí, liên quan đến nội dung bài thơ.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Có thể nói, trong cuộc sống này, không có thứ tình cảm nào lại kì diệu và thiêng liêng như
tình mẫu tử. Nó không chỉ là sự gắn bó ruột thịt máu mủ của hai con người, mà còn là thiên
chức, là mối dây ràng buộc tinh thần sâu xa mà Thượng Đế đã tạo ra. Tình cảm đầu tiên mà con
người được ân hưởng là tình mẫu tử, và cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, đó vẫn là thứ tình cảm
êm đềm và có sức mạnh cứu rỗi nhất. Tình mẫu tử giúp con người có một đời sống tâm hồn đầy
đủ, phong phú và ý nghĩa. Không được hưởng tình mẫu tử là một thiệt thòi không gì bù đắp nổi.
Nó sẽ khiến cho ta lớn lên như những cây xanh thiếu ánh sáng mặt trời. Trái lại, nếu có được sự
ấm áp của tình mẫu tử, ta sẽ lớn lên với một tâm hồn khỏe mạnh, một tinh thần tráng kiện, trở
thành một con người sâu sắc và trưởng thành. Tình mẫu tử cũng là chỗ dựa vững chắc để ta tựa
vào, giúp ta có sức mạnh để đối mặt với mọi bão giông, là nơi ta quay về, cảm thấy bình an, cảm
thấy được xoa dịu, được thứ tha sau những sai lầm vấp ngã. Mẹ vẫn luôn ở đó, bao dung, hiền
dịu, đón ta vào lòng như những ngày ta còn thơ bé, bao giờ cũng vậy, không hề đổi thay. Tình
mẫu tử là thiêng liêng, nên ta cần nâng niu, cần gìn giữ. Mỗi một người con hãy luôn biết yêu
thương bậc đã sinh thành nuôi nấng nên mình, để đền đáp công ơn vĩ đại của họ. “Ai còn mẹ xin
đừng làm mẹ khóc / Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”.

ĐỀ 10
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
“Sự trung thực là nền tảng cơ bản giữ cho những mối quan hệ được bền vững”- Ramsey
Clark.
Trung thực - ứng xử cao nhất của sự tôn trọng.
Một thái độ ứng xử tích cực, những thói quen tốt, cách nhìn lạc quan, khát khao theo đuổi
những mục tiêu, vv.. mới chỉ là điều kiện cần nhưng vẫn chưa đủ để đưa bạn đến thành công
nếu vẫn còn thiếu sự trung thực và chính trực. Bạn sẽ chẳng bao giờ cảm nhận trọn vẹn những
giá trị của bản thân khi chưa tìm thấy sự bình an trong tâm hồn mình. Viên đá đầu tiên và cần
thiết nhất của nền tảng đó là sự trung thực.
Vì sao tôi lại xem trọng tính trung thực đến thế? Đó là bởi vì tôi đã phải mất một thời gian
rất dài mới có thể nhận ra rằng sự trung thực chính là phần còn thiếu trong nỗ lực tìm kiếm sự
thành công và hoàn thiện bản thân tôi. Tôi không phải là một kẻ hay nói dối, một kẻ tham lam,
một tên trộm mà tôi chỉ thiếu tính trung thực mà thôi. Giống như nhiều người khác, tôi cũng
quan niệm “Ai cũng thế cả mà”, một chút không trung thực không có gì là xấu cả. Tôi đã tự lừa
dối mình. Dù muộn màng, nhưng rồi tôi cũng khám phá ra rằng không trung thực là một điều
rất tệ hại và để lại một hậu quả khôn lường. Ngay sau đó, tôi quyết định sẽ ngay thẳng, chính
trực trong tất cả mọi việc. Đó là một lựa chọn quan trọng làm thay đổi cuộc đời tôi."
(Theo Hal Urban, “Những bài học cuộc sống”)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn trích ?
Câu 2. Theo tác giả, làm thế nào để tìm thấy sự bình an trong tâm hồn ?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: “Sự trung thực là nền tảng cơ bản giữ cho những
mối quan hệ được bền vững” ?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: “Một chút không trung thực không có gì là xấu cả”
không ? Vì sao ?
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của mình về các giải pháp để hình thành tích cách trung thực.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn trích: Bình luận
2. Theo tác giả, để tìm thấy sự bình an trong tâm hồn thì “Viên đá đầu tiên và cần thiết nhất
của nền tảng đó là sự trung thực”.
3. Ý kiến: “Sự trung thực là nền tảng cơ bản giữ cho những mối quan hệ được bền vững” có
thể hiểu là: Các mối quan hệ luôn được xây dựng trên nền tảng của sự tin tưởng lẫn nhau, một
khi không còn tin tưởng nữa thì mối quạn hệ đó sẽ đổ vỡ. Điều đó cho thấy, sự trung thực đóng
vai trò quyết định cho sự tồn tại của một mối quan hệ.
4. Không đồng tình. Vì: Một nửa sự thật thì không còn là sự thật. Một chút không trung thực
cũng có nghĩa là gian dối. Một khi đã gian dối được một chút thì chúng ta sẽ có thể gian dối
nhiều hơn, và bao giờ sự gian dối cũng để lại hậu quả: hoặc cho chính mình, hoặc làm tổn
thương người khác.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Thomas Jefferson nói: “Lòng trung thực là chương đầu tiên của cuốn sách trí tuệ”. Điều đó
có nghĩa là, kẻ dối trá là kẻ ngu xuẩn, thiếu hiểu biết. Trung thực là điều tối quan trọng, nhưng
chúng ta cần làm gì để hình thành tính cách ấy? Khi bắt tay vào làm một việc gì, bạn phải ý thức
được sự cần thiết của việc làm đó. Hình thành tính cách trung thực cũng vậy. Bạn sẽ không thể
nỗ lực để xây dựng tính trung thực cho mình khi chưa hiểu rõ trung thực có tầm quan trọng như
thế nào trong cuộc sống của bạn. Hãy suy ngẫm về ý nghĩa của nó, về giá trị của nó, về những
mất mát nếu bạn không có được nó, rồi sau đó, hãy nỗ lực từng ngày để xây dựng tính cách
trung thực cho mình. Kế đến, để hình thành tính cách trung thực, bạn hãy chọn những người
trung thực để kết giao. “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Khi bạn bè của bạn
đều là những người trung thực, bạn cũng sẽ tự trọng để không trở thành dối trá. Lòng trung thực
cũng được hiình thành, bồi đắp qua những kiến thức mà ta tiếp thu được. Hãy tìm đến những
cuốn sách viết về ý nghĩa của lòng trung thực. Hãy lắng nghe những lời khuyên quý báu từ
những trải nghiệm, những sự hiểu biết sâu rộng của tác giả. Điều này sẽ giúp bạn có thêm động
lực để nói không với gian dối. Nếu là một người trung thực, bạn sẽ sống hết cuộc đời này với
một tâm thái an nhiên, hạnh phúc. Bởi vậy, hãy hình thành và nuôi dưỡng tính cách trung thực
ngay từ hôm nay!

ĐỀ 11
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Dưới đây là lời khuyên của triết gia Elbert Hubbard: “Mỗi khi bạn ra khỏi nhà, hãy ngẩng
cao đầu lên, hít thở thật sâu, hãy đón nhận ánh nắng mặt trời, chào đón bạn bè với nụ cười và
trao tâm hồn bạn cho người khác trong từng cái bắt tay. Đừng sợ bị hiểu lầm và đừng phí thời
gian nghĩ đến kẻ thù. Hãy tập trung vào những điều bạn muốn làm, không chùn bước, và bạn sẽ
tiến thẳng đến đích. Hãy nghĩ đến việc lớn lao và cao cả mà bạn muốn thực hiện trong đời. Rồi
ngày tháng trôi qua, bạn sẽ thấy mình tự nhiên nắm được những cơ hội cần thiết để thực hiện
mong muốn của mình, hệt như con tằm một khi đã nhả tơ thì sẽ miệt mài cho đến sợi tơ cuối
cùng. Bạn hãy hình dung hình ảnh một nhân tài, đầy nhiệt huyết, có ích cho xã hội mà bạn khao
khát trở thành. Hãy nuôi dưỡng hình ảnh này trong tâm trí, rồi dần dần bạn sẽ thấy mình đang
trở thành con người đặc biệt đó… Suy nghĩ chính là điểm mấu chốt. Đó chính là nguồn gốc của
mọi sáng tạo. Hãy duy trì một thái độ đúng đắn, một tinh thần dũng cảm, chân thành và vui vẻ.
Mọi cơ hội sẽ đến từ sự khát khao và mọi mong ước chân thành đều sẽ được đáp ứng. Hãy
ngẩng đầu thật cao và hiên ngang bước tới. Tất cả chúng ta đều là những nhân tài tiềm ẩn
trong tư chất của chính mình”.
(Dale Carnegie – Đắc nhân tâm, NXB Tổng hợp TP HCM, 2018, Tr. 113)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính, thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn
trích ?
Câu 2. Theo tác giả, chúng ta cần phải làm gì mỗi ngày để nắm được cơ hội ?
Câu 3. Việc tác giả so sánh: “hệt như con tằm một khi đã nhả tơ thì sẽ miệt mài cho đến sợi
tơ cuối cùng” mang đến cho anh chị bài học gì ?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: “Tất cả chúng ta đều là những nhân tài tiềm ẩn
trong tư chất của chính mình” không ? Tại sao ?
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của anh/chị về những điều cần làm ở hiện tại để có thể ngẩng đầu thật cao và hiên
ngang bước tới trong tương lai.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là: Nghị luận
Thao tác lập luận chính của đoạn trích là: Bình luận
2. Theo tác giả, để nắm bắt được cơ hội thì mỗi khi bạn ra khỏi nhà, hãy ngẩng cao đầu lên,
hít thở thật sâu, hãy đón nhận ánh nắng mặt trời, chào đón bạn bè với nụ cười và trao tâm hồn
bạn cho người khác trong từng cái bắt tay. Đừng sợ bị hiểu lầm và đừng phí thời gian nghĩ đến
kẻ thù. Hãy tập trung vào những điều bạn muốn làm, không chùn bước, và bạn sẽ tiến thẳng đến
đích. Hãy nghĩ đến việc lớn lao và cao cả mà bạn muốn thực hiện trong đời.
3. Việc tác giả so sánh: “hệt như con tằm một khi đã nhả tơ thì sẽ miệt mài cho đến sợi tơ
cuối cùng” mang đến bài học là: Khi chúng ta đã nỗ lực từng ngày, thì đến một lúc, cơ hội sẽ
liên tục xuất hiện trong cuộc đời, và lúc đó, thành công sẽ đến, một cách tự động và liên tục.
4. Đồng tình. Vì mỗi chúng ta sinh ra đều được ban cho một khả năng nào đó. Nếu chúng ta
phát hiện và bồi dưỡng được thiên hướng của mình, chúng ta sẽ trở thành nhân tài.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Ai trong chúng ta cũng muốn có cuộc sống thành công và hành phúc, cũng đều muốn được
“ngẩng đầu thật cao và hiên ngang bước tới” trong tương lai. Đó là điều không có gì phải bàn
cãi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là, để có được điều đó, thì ở thì hiện tại này, chúng ta cần
phải làm gì? Điều quan trọng nhất vẫn là phải ra sức học tập. Trong xã hội tri thức này, với một
cái đầu rỗng thì sẽ chẳng làm nên tích sự gì. “Học, học nữa, học mãi”. Học để trang bị cho mình
những hiểu biết cần thiết, có như vậy, khi bước vào đời, chúng ta mới tạo được chỗ đứng vững
vàng. Bên cạnh tri thức thì kĩ năng cũng quan trọng không kém. “Thành bại tại kĩ năng”, nghĩa
là những kiến thức đã học phải được đem ra ứng dụng, và ứng dụng một cách linh động, hiệu
quả, để tạo ra giá trị cao nhất. Để có thể “ngẩng đầu thật cao và hiên ngang bước tới” trong
tương lai, chúng ta cũng cần biết thiết lập và duy trì những mối quan hệ thân tình, tốt đẹp. “Con
người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội” (K. Mark), chúng ta muốn sinh tồn thì không thể đơn
độc, muốn thành công thì càng không thể một mình. Chúng ta phải gắn kết với người khác, để
hỗ trợ, bù đắp, tiếp sức cho nhau. “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Muốn đi xa, hãy đi cùng
nhau”, câu nói này quả là chí lí. Để có được một tương lai tốt đẹp, ngay từ bây giờ, chúng ta
cũng cần xác định được mục tiêu của chính mình. Giống như một cuộc hành trình, nếu không
biết đích đến, chúng ta sẽ không thể quyết đoán trong việc chọn hướng đi. Trái lại, khi đã nhắm
được mục tiêu, chúng ta sẽ cứ thế mà lao thẳng tới đích, bất chấp mọi khó khăn thử thách. Từ cổ
chí kim, những người thành công luôn là những người biết mình phải làm gì trong hiện tại. Là
người học sinh, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần bồi đắp cho mình một nền
tảng thật vững chắc, để có thể “ngẩng cao đầu và hiên ngang bước tới” trong tương lai.

ĐỀ 12
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Biết nói gì trước biển em ơi!
Trước cái xa xanh thanh khiết không lời
Cái hào hiệp ngang tàng của gió
Cái kiên nhẫn của nghìn đời sóng vỗ
Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời
Cái giản đơn sâu sắc như đời

Chân trời kia biển mãi gọi người đi


Bao khát vọng nửa chừng tan giữa sóng
Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng
Bao kiếp vùi trong đáy lặn mù tăm
Nhưng muôn đời vẫn những cánh buồm căng
Bay trên biển như bồ câu trên đất
Biển dư sức và người không biết mệt
Mũi thuyền lao mặt sóng lại cày bừa
Những chân trời ta vẫn mãi tìm đi.
(Trước biển – Vũ Quần Phương, Thơ Việt Nam 1945 – 1985, NXB Văn học, 1985, tr.391)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Anh/chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào:
“Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng
Bao kiếp vùi trong đáy lặn mù tăm”
Câu 3. Hãy cho biết hiệu quả của phép điệp trong các dòng thơ sau:
“Cái hào hiệp ngang tàng của gió
Cái kiên nhẫn của nghìn đời sóng vỗ
Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời
Cái giản đơn sâu sắc như đời”
Câu 4. Hành trình theo đuổi khát vọng của con người được thể hiện trong đoạn trích gợi cho
anh/chị suy nghĩ gì?
II. LÀM VĂN (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của anh/chị về sức mạnh của ý chí con người trong cuộc sống.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
1. Thể thơ: Tự do
2. Nội dung của các dòng thơ:
- Thể hiện sự vất vả, hy sinh của con người
- Bộc lộ niềm thương cảm của tác giả
3. Hiệu quả của phép điệp:
- Nhấn mạnh vẻ đẹp phong phú của biển cả
4. Hành trình theo đuổi khát vọng của con người được thể hiện trong đoạn trích gợi cho em
nhiều suy nghĩ:
- Đó là một hành trình gian khó, nhiều thách thức, thể hiện ý chí mạnh mẽ của con người
được tiếp nối qua các thế hệ.
- Nó cũng gợi cho em suy nghĩ về bản thân mình, về khát vọng và con đường theo đuổi khát
vọng của bản thân.
II. LÀM VĂN (2.0 điểm)
Điều gì đã khiến một vận động viên ma-ra-ton chạy về đích mà không bỏ cuộc giữa chừng?
Đó không phải là sức mạnh thể chất, bởi ai cũng sẽ bị xuống sức khi chạy một quãng đường dài
như thế. Chỉ có sức mạnh tinh thần, sức mạnh của ý chí mới khiến họ quyết tâm hoàn thành
chặng đua, với khả năng tốt nhất của mình. Đường đời thì cũng vậy mà thôi, và chí là một yếu
tố tạo nên sức mạnh kì diệu ở con người. Ý chí, hiểu đơn giản là sự cố gắng hết mình để đạt
được một điều gì đó. Khi có ý chí, ta sẽ có đủ sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn. Một người
không có ý chí thì sẽ thoái lui khi găp phải rào cản. Ngược lại, một người có ý chí thì sẽ đứng lại
một chút để nghiên cứu, sau đó từng bước một tìm cách vượt qua. Họ hiểu rằng, khó khăn là tất
yếu, là ý chí là vũ khí có thể xuyên thủng mọi vật cản. Ý chí cũng giúp cho con người đạt được
mục tiêu của chính mình. “Đường tuy gần không đi không bao giờ đến. Việc tuy nhỏ không làm
không bao giờ nên”. Người có ý chí hiểu rằng, để tới đích, không còn cách nào khác là phải
bước đi, và tiếp tục bước đi, dù cho mưa giông hay nắng lửa. Mệt mỏi thì có thể nghỉ ngơi,
nhưng rồi lại phải tiếp tục dấn bước. Chỉ có sự nỗ lực bền bỉ không ngừng ấy mới có thể giúp
họ, một ngày kia, chạm tới mơ ước của mình. Người có ý chí cũng sẽ luôn có một tâm thế sống
lạc quan tích cực. Họ biết rằng hoàn cảnh sẽ không tự thay đổi, chỉ có sức mạnh của con người
mới có thể thay đổi hoàn cảnh. Vì vậy họ tích cực hành động, chấp nhận khó khăn, coi nó như là
một trải nghiệm quý báu. Từ đó họ luôn vui vẻ, không than trời trách đất, không đổ lỗi cho ai. Ý
chí, xưa nay, vẫn là một yếu tố mà những người thành công luôn coi trọng, và rèn luyện suốt
cuộc đời. Nếu Nick Vujick không có ý chí, hẳn khi ý thức được về thân thể tàn tật của mình, anh
sẽ không muốn sống nữa. Nhưng anh đã dùng ý chí như một thứ đòn bẩy để nâng cuộc sống của
mình lên, và rồi anh đã gặt hái được vô vàn những điều tốt đẹp. Hỡi những người trẻ tuổi hôm
nay, nếu muốn ngày mai có được thành công, hạnh phúc, thì ngay hôm nay hãy mài dũa ý chí
của chính mình!

ĐỀ 13
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
[…] Và thật tình cờ cho tôi nhận ra
Xóm tôi vẻn vẹn hai mươi sáu ngôi nhà
Có mười sáu người đàn bà
Sau chiến tranh chồng không về nữa
Có mười sáu ngọn gió giọt mưa
Đêm đêm đi gõ cửa
Trong đó có nhà má tôi
Có mười sáu cuộc chiến tranh trong xóm còn âm ỉ
Dù đã mười năm giặc giã qua rồi.
(Trích “Có mười sáu cuộc chiến tranh” – Nguyễn Trọng Tín)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Đoạn trích được viết theo thể thơ nào ?
Câu 2. Chỉ ra một biện pháp tu từ được sử dụng trong những câu thơ sau:
“Có mười sáu ngọn gió giọt mưa
Đêm đêm đi gõ cửa
Trong đó có nhà má tôi”
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của hai câu thơ dưới đây:
“Có mười sáu cuộc chiến tranh trong xóm còn âm ỉ
Dù đã mười năm giặc giã qua rồi”.
Câu 4. Tác giả bộc lộ cảm xúc gì qua đoạn trích trên ?
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của anh / chị về vấn đề: Tuổi trẻ cần làm gì để hàn gắn vết thương chiến tranh ?
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Thế thơ: Tự do
2. Biện pháp tu từ: Nhân hóa/ Ẩn dụ
3. Hai câu thơ: “Có mười sáu cuộc chiến tranh trong xóm còn âm ỉ / Dù đã mười năm giặc
giã qua rồi” có thể hiểu là: Dù chiến tranh đã qua đi, nhưng những nỗi đau mà chiến tranh đã
gây ra vẫn còn đó, trong mười sáu ngôi nhà, với mười sáu người đàn bà có chồng chết trận.
4. Tác giả bộc lộ cảm xúc xót thương, đồng cảm với nỗi đau của những người phụ nữ góa
bụa, trong đó có cả người mẹ của mình.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Chiến tranh đã qua đi rất lâu, nhưng những vết thương nó để lại thì vẫn còn đó, hiển hiện
trên từng thân thể, trong sâu thẳm tâm hồn của biết bao người, trên cả dáng hình Tổ quốc.
Nhưng chúng ta không thể sống mãi với quá khứ đau thương. Chúng ta cần biết dẹp bỏ chúng
để hướng về phía trước. Chúng ta cần hàn gắn vết thương chiến tranh. Và đó là sứ mệnh của thế
hệ trẻ hôm nay. Để cho vết thương cũ lành da, tuổi trẻ trước hết cần ra sức học tập, rèn luyện để
đem tài trí của mình cống hiến, xây dựng đất nước, khắc phục những thiệt hại nghiêm trọng mà
chiến tranh đã để lại. Tuổi trẻ cũng cần xung kích trên mặt trận tình nguyện để giúp đỡ những số
phận bị thiệt thòi do chiến tranh đã gây ra. Đó có thể là những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hy
sinh cho Tổ quốc những đứa con ruột thịt; những người vợ liệt sĩ; những người thương binh đã
để lại một phần thân thể trên chiến trường; những nạn nhân của chất độc màu da cam… Tuổi trẻ
cần hết sức giúp đỡ họ. Để hàn gắn vết thương chiến tranh, tuổi trẻ cũng cần thực hiện sứ mệnh
gắn kết, hóa giải hận thù, sẵn sàng mở rộng vòng tay với mọi bạn bè khắp năm châu, để mở ra
vận hội mới cho đất nước. Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước, hãy sống sao cho xứng đáng với
sự kì vọng của nhân dân. Và một trong những việc làm để đáp ứng sự kì vọng đó chính là hàn
gắn những vết thương mà chiến tranh đã để lại.

ĐỀ 14
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
"Nhiều người vẫn thường tự hỏi tại sao mình lại bị ám ảnh trước tiền tài, địa vị, danh vọng
và nhiều ham muốn khác đến vậy? Câu trả lời là do họ không biết trân quý những gì họ đang
có. Khi những gì ta có xuất phát từ niềm khát khao mong mỏi thực sự, tâm trí ta sẽ không vướng
bận vào những suy nghĩ quẩn quanh, ta sẽ sống thực với cảm xúc của mình hơn. Đó cũng là khi
ta không phải đương đầu với cảm giác hoang mang lo lắng; không cảm thấy khiên cưỡng như
khi buộc bản thân làm những điều đáng chán. Tiền tài và địa vị không thể khỏa lấp sự trống
rỗng trong tâm hồn. Vì thế, trước khi làm một việc gì, hãy tự hỏi: "Ta đang muốn làm gì?".
Hãy sống thật với chính mình và tự tin vào những mặt mạnh của bản thân, nếu không bạn
sẽ lãng phí cuộc đời mình một cách vô nghĩa. Khi khoác lên mình chiếc mặt nạ hòng thu hút
tình cảm và sự quan tâm của người khác, bạn sẽ đánh mất điều quan trọng nhất – đó là con
người thật của mình. Tiền tài, địa vị tựa như một thứ chất kích thích. Nó làm nảy sinh trong mỗi
người ham muốn sở hữu để xoa dịu những khát khao mà họ chưa giành được hoặc để thỏa mãn
sự tò mò trong họ. Không nên để bản thân rơi vào cạm bẫy đó. Sống thực với chính mình tựa
như tấm khiên vững chắc giúp bạn không bị biến thành nạn nhân của sự ảo tưởng.
Trước đây, tôi từng sai lầm khi mải mê tìm kiếm mình trong cái nhìn của người khác để rồi
lạc lối trong mê cung của họ. Nhưng giờ đây, tôi hiểu rằng người ta chỉ có thể tìm thấy mình
trong chính những suy nghĩ và hành xử của bản thân. Con đường ấy, không ai khác mà chính ta
phải làm chủ lấy nó."
(Theo Quên hôm qua sống cho ngày mai - Tian Dayton)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích ?
Câu 2. Theo tác giả, tiền tài, địa vị có tác hại như thế nào ?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của câu nói: "Sống thực với chính mình tựa như
tấm khiên vững chắc giúp bạn không bị biến thành nạn nhân của sự ảo tưởng" ?
Câu 4. Anh/chị có đồng ý với quan điểm của tác giả: "Khi khoác lên mình chiếc mặt nạ
hòng thu hút tình cảm và sự quan tâm của người khác, bạn sẽ đánh mất điều quan trọng nhất –
đó là con người thật của mình" không ? Vì sao ?
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải trung thực với chính mình.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
2. Theo tác giả, tiền tài, địa vị có tác hại là: Tiền tài, địa vị tựa như một thứ chất kích thích.
Nó làm nảy sinh trong mỗi người ham muốn sở hữu để xoa dịu những khát khao mà họ chưa
giành được hoặc để thỏa mãn sự tò mò trong họ.
3. Câu nói: "Sống thực với chính mình tựa như tấm khiên vững chắc giúp bạn không bị biến
thành nạn nhân của sự ảo tưởng" có thể hiểu là: Khi ta sống thực với chính mình, ta sẽ hiểu
được bản thân, nhận ra điều mà mình thực sự mong muốn, thực sự đam mê, điều gì thực sự có ý
nghĩa đối với bản thân mình. Do đó, ta sẽ có cơ sở để khát vọng, để hành động mà không rơi
vào ảo tưởng.
4. Đồng tình. Vì mỗi người sinh ra là một cá thể duy nhất, với tính cách riêng biệt. Khi ta cố
làm vừa lòng người khác, nghĩa là ta phải thay đổi mình sao cho giống với họ, và khi làm như
vậy, chúng ta sẽ không còn là mình nữa.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Trung thực với người khác là tốt, nhưng trung thực với bản thân mình còn tốt hơn nhiều. Mà
đúng ra, một con người không trung thực với chính mình thì cũng chằng thể trung thực với
người khác. Trung thực với chính mình là điều tối quan trọng, tối cần thiết để làm người. Khi
chúng ta trung thực với chính mình, ta sẽ hiểu mình, biết được những tiềm năng, những giới hạn
của bản thân, để từ đó ra sức mài dũa sở trường, phá bỏ những giới hạn. Người trung thực với
chính mình cũng sẽ luôn sống có cá tính. Họ dám thể hiện những suy nghĩ của riêng mình, hành
động theo cách của mình mà không hề để cho dư luận chi phối. Với họ, việc không được sống
đúng với cảm xúc, không được làm những điều họ khát khao là một việc không thể chấp nhận
được, là một cuộc sống vô nghĩa. Người trung thực với chính mình cũng sẽ luôn có tâm hồn
thanh thản. Đúng như Gandhi nói: “Hạnh phúc chính là sự hòa hợp giữa suy nghĩ bên trong và
hành động bên ngoài”. Người trung thực với chính mình quả thật đã đạt được thứ hạnh phúc đó.
Họ không phải chịu cái bi kịch “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”. Họ luôn luôn được
sống là chính mình, nên từ họ sẽ toát ra sự bình yên. Người trung thực với chính mình cũng sẽ
được mọi người tin yêu, muốn kết giao tình cảm. Ở họ toát ra sự hồn nhiên, đáng yêu, tin cẩn
mà ai ai cũng muốn đến gần, cũng muốn được cùng họ gắn bó lâu dài. Trung thực với chính
mình là tối cần thiết, nhất là đối với những người học sinh. Chỉ khi trung thực với chính mình,
chúng ta mới biết được sở thích, đam mê của mình, từ đó mới xác định được hướng đi cho
tương lai.

ĐỀ 15
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
(1) Những người bạn gặp sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời bạn. Thành công hay thất bại, thậm
chí là những kinh nghiệm tồi tệ nhất cũng chính là bài học đáng giá nhất, sẽ giúp bạn nhận ra
được giá trị của chính mình. Nếu có ai đó làm tổn thương bạn, phản bội bạn hay lợi dụng tấm
lòng của bạn, hãy tha thứ cho họ bởi vì chính họ đã giúp bạn nhận ra được ý nghĩa của sự chân
thật và hơn nữa, bạn biết rộng mở tấm lòng với ai đó. Nhưng nếu có ai thương yêu bạn chân
thành, hãy yêu thương họ một cách vô điều kiện, không chỉ đơn thuần là họ đã yêu bạn mà họ
đang dạy bạn cách để yêu.
(2) Hãy trân trọng khoảnh khắc và hãy ghi nhớ từng khoảnh khắc - những cái mà sau này
bạn không còn có cơ hội để trải qua nữa. Tiếp xúc với những người mà bạn chưa từng nói
chuyện và hãy biết lắng nghe. Hãy để trái tim biết yêu thương người khác. Bầu trời cao vời vợi
vì thế hãy ngẩng đầu nhìn lên, tự tin vào bản thân. Hãy lắng nghe nhịp đập của trái tim mình:
“Bạn là một cá nhân tuyệt vời. Tự tin lên và trân trọng bản thân bạn, vì nếu bạn không tin bạn
thì ai sẽ làm điều ấy?”.
(3) Hãy sở hữu cuộc sống của bạn và đừng bao giờ hối tiếc về lối sống ấy. Nếu bạn thương
yêu ai đó thì hãy nói cho họ biết, dù rằng sẽ bị từ chối nhưng nó có thể làm cho một trái tim tan
nát có thể đập trở lại.
(Trích “Bài học cho cuộc sống” – theo bản dịch của Phan Đào Khương Như)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích ?
Câu 2. Phân tích hiệu quả nghệ thuật của câu hỏi tu từ được sử dụng trong câu: “Tự tin lên
và trân trọng bản thân bạn, vì nếu bạn không tin bạn thì ai sẽ làm điều ấy” ?
Câu 3. Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “những kinh nghiệm tồi tệ nhất cũng chính là
bài học đáng giá nhất, sẽ giúp bạn nhận ra được giá trị của chính mình” không ? Vì sao ?
Câu 4. Bài học mà anh/chị tâm đắc nhất sau khi đọc đoạn trích trên là gì ?
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải biết tha thứ trong cuộc sống.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận
2. Hiệu quả nghệ thuật của câu hỏi tu từ: Cổ vũ, kêu gọi mọi người hãy biết tự tin và trân
trọng bản thân mình; nhấn mạnh tầm quan trọng không thể thay thế của mỗi người trong việc tự
tin và trân trọng bản thân.
3. Đồng tình. Vì: trải nghiệm dù tồi tệ đến đâu cũng sẽ cho ta có thêm hiểu biết về bản thân:
giúp nhận ra đâu là ưu điểm, đâu là nhược điểm, từ đó khắc phục nhược điểm và phát huy ưu
điểm; thêm nữa, chỉ khi trải qua những kinh nghiệm tồi tệ, ta mới kiểm chứng được sức chịu
đựng, lòng can đảm và sự linh động của mình trước những tình huống khó khăn, từ đó nhận ra
được giá trị của bản thân.
4. Bài học tâm đắc nhất: Hãy sống sâu sắc, hết mình trong mỗi khoảnh khắc.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
“Nhân vô thập toàn”, con người không ai là hoàn hảo. Sống là quá trình nhọc nhằn để hoàn
thiện bản thân, và ai cũng nên, cũng phải cho người khác cơ hội để họ sửa chữa những lỗi lầm
của mình. Vâng! Chúng ta đang nói đến sự thứ tha trong cuộc sống – một trong những phẩm
tính quan trọng, là thước đo diện tích tâm hồn mỗi người. Khi biết tha thứ, ta đã đã thể hiện sự
đồng cảm, thấu hiểu đối với một con người. Ta hiểu rằng, chẳng ai trên đời này muốn phạm sai
lầm. Tuy nhiên, đôi khi vì nhận thức chưa sâu sắc, hoặc vì hoàn cảnh tác động, người ta đã hành
xử không đúng đắn. Tha thứ nghĩa là ta nói với họ rằng họ vẫn còn cơ hội để sửa chữa, rằng ta
không vì lỗi lầm của họ mà xa lánh họ. Và như vậy, ta đã khơi lại trong họ lòng tự tin, sự can
đảm để quay đầu, để hướng thiện. Sống biết tha thứ cũng giúp ta xây dựng và duy trì các mối
quan hệ tốt đẹp. Sẵn sàng thấu hiểu và cảm thông cho lỗi lầm của một ai đó, thì ta sẽ được họ
cảm mến, tin yêu. Người mới gặp một lần sẽ nhớ đến ta, người ta đã từng quen biết sẽ vì sự bao
dung của ta mà trân trọng tấm lòng của ta, muốn gắn bó với ta mãi mãi. Sống biết tha thứ cũng
làm cho tâm hồn ta thanh thản. Chấp nhặt nhỏ nhen, bắt lỗi người khác sẽ chỉ khiến ta dằn vặt,
day dứt lương tâm. Tha thứ giúp ta mở rộng tâm hồn để đón ngọn gió lành của cuộc sống. Ta
mỉm cười vì ai cũng có thể sai lầm, ta cũng vậy, nên trách móc nhau làm chi cho thêm mệt mỏi.
Từ cổ chí kim, ta đã thấy có biết bao tấm gương sáng ngời về sự tha thứ. Họ, nhờ lòng bao dung
của mình, mà đã được tôn sùng, yêu mến. Đức Phật, chúa Jesu, Gandhi, A. Lincoln,
Lutherking…, tất cả họ đều nhờ lòng vị tha mà bất tử. Tuổi trẻ hôm nay cần phải biết sống tha
thứ, phải làm cho cái tâm lượng của mình càng ngày càng trở nên rộng mở, có như thế chúng ta
mới có được một cuộc sống bình an và hạnh phúc.
TẬP 2
ĐỀ 1
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc bài thơ sau:
Sân ga Thanh Hóa chiều mưa đổ
Một người mẹ dắt con
Một em bé mắt tròn đen lay láy
Một bàn tay run run chìa ra đấy
Một thều thào như với riêng tôi:
“Ơi các ông, các bà, các anh, các chị
Ai làm ơn nuôi cháu nên người?”

Trả lời thế nào với cái nhìn đen láy


Với bàn tay run run chìa ra đấy?
Tôi nhận ra bàn tay vàng móng ấy
Tay cấy cày làm hột gạo nuôi tôi

Bây giờ đồng trắng nước trôi


Bàn tay chìa vào mặt tôi gấp gáp
Hay là chính mẹ tôi từ trong đất
Dắt đất lên để thử lòng tôi chăng?

Tôi giấu mặt vào giữa đám đông


Tay lần mãi cái hầu bao rỗng lép
Chả lẽ moi ra một nhúm ngôn từ đẹp
Trả vào cái lòng tay trũng như đồng chiêm
Đang ngửa lên?

Nhận về nuôi giúp mẹ đứa bé em?


Chữ nghĩa tôi không sàng thành gạo
Trong túi chỉ còn lạo xạo dăm bài thơ

Như đứa con bất hiếu tôi quay đi


Xin nhận lấy tròn đen hai con mắt
Hai con mắt trẻ thơ thành hai con ong đất
Đào thịt chui vào ngực tôi

Hai con ong tôi xin tự nguyện nuôi


Để cho mũi nọc ong độc địa
Xâm lên vách tim tôi một dòng mai mỉa:
“Cảm ơn lòng nhân ái của nhà thơ”
(Thơ tặng người ăn mày”, Nguyễn Duy)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào ?
Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ sau:
Chả lẽ moi ra một nhúm ngôn từ đẹp
Trả vào cái lòng tay trũng như đồng chiêm
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của hai dòng thơ sau:
Hai con mắt trẻ thơ thành hai con ong đất
Đào thịt chui vào ngực tôi
Câu 4. Qua bài thơ, nhà thơ muốn thể hiện cảm xúc gì trước người ăn mày ?
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết của lòng yêu thương trong cuộc sống.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Thể thơ: Tự do
2. Biện pháp tu từ: So sánh (cái lòng tay trũng như đồng chiêm)
Tác dụng:
- Làm cho cách miêu tả trở nên sinh động, giàu sức gợi
- Thể hiện được sự gầy guộc của bàn tay do sự đói khát mất mùa; vừa cho thấy sự van xin
cầu khẩn của em bé đối với nhà thơ.
3. Hai dòng thơ:
Hai con mắt trẻ thơ thành hai con ong đất
Đào thịt chui vào ngực tôi
Có thể hiểu là: Nỗi ám ảnh, day dứt khôn nguôi của nhà thơ trước khi phải chứng kiến cái
nhìn cầu xin sự giúp đỡ của em bé và sự bất lực của chính mình.
4. Cảm xúc của tác giả: Thể hiện nỗi xót thương, đồng cảm đối với hoàn cảnh của hai mẹ
con người ăn mày; sự áy náy, day dứt khi không thể giúp đỡ họ; nhận ra sự vô nghĩa của thơ ca
nghệ thuật trước những vấn đề thực tế của cuộc sống.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Gandhi, người anh hùng đã giải phóng dân tộc Ấn Độ bằng con đường bất bạo động từng
nói rằng: “Vũ khí mạnh nhất mà con người có trong tay là lòng yêu thương”. Lòng yêu thương,
quả thật, mềm mại như nước, nhưng lại cũng như nước, có sức mạnh không giới hạn. Lòng yêu
thương có thể giúp con người vượt qua nghịch cảnh. Khi nhận được lòng yêu thương, con người
thấy mình không còn cô độc và yếu đuối. Họ trở nên vững vàng hơn, bản lĩnh hơn trước những
sóng gió của cuộc đời. Mà không chỉ người nhận mới có được sức mạnh ấy, mà chính người cho
đi cũng cảm thấy mình trở nên mạnh mẽ hơn, cứ như thể khi yêu thương người khác, thì ta đã
làm đúng ý muốn của vũ trụ, và vũ trụ sẽ ban cho ta một nguồn năng lượng mới vậy. Lòng yêu
thương rất cần thiết trong cuộc sống còn bởi vì, khi có lòng yêu thương, con người sẽ sống lành
mạnh hơn, tốt đẹp hơn. Khi mỗi một cá nhân đều được tưới tắm đầy đủ tình yêu thương, họ sẽ
không sa ngã, không bi quan tiêu cực. Và như thế, xã hội cũng sẽ trở nên ấm áp và yên bình hơn
rất nhiều lần. Lòng yêu thương cũng giúp cho mỗi người sống một cuộc đời thanh thản. Hận
thù, oán ghét chỉ là cho tâm trí và sức lực hao mòn. Trái lại, tình yêu thương sẽ làm cho chúng
ta luôn sống trong trạng thái thanh thản, tích cực, tràn đầy năng lượng. Người sống biết yêu
thương, trên gương mặt của họ luôn ửng sáng một nụ cười ấm áp. Trong đại dịch Covid vừa
qua, có lẽ nhiều người đã cảm nhận được sức mạnh của lòng yêu thương. Chính sự giúp đỡ về
vật chất và tinh thần của cộng đồng đã giúp cho rất nhiều người dân vượt qua được nghịch cảnh.
Là một người học sinh, chúng ta cần nuôi dưỡng cho mình một tấm lòng trắc ẩn, giàu yêu
thương, để cho mỗi ngày chúng ta sống trên cõi đời này đều đong đầy ý nghĩa.

ĐỀ 2
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Lãng phí thời gian là mất tuyệt đối. Mất tiền có thể kiếm lại được tiền, mất xe có thể sắm lại
được xe nhưng mất thời gian thì chịu, đố ai có thể tìm lại được. Lãng phí thời gian là mất tuyệt
đối. Thời gian là một dòng chảy thẳng; không bao giờ dừng lại và cũng không bao giờ quay lui.
Mọi cơ hội, nếu bỏ qua là mất. Tuổi trẻ mà không làm được gì cho đời cho bản thân thì nó vẫn
xồng xộc đến với tuổi già. Thời gian là một dòng chảy đều đặn, lạnh lùng, chẳng bao giờ chờ
đợi sự chậm trễ. Hãy quý trọng thời gian, nhất là trong thời đại trí tuệ này; nền kinh tế trí thức
đã và đang làm cho thời gian trở nên vô giá. Chưa đầy một giờ, công nghệ Nhật Bản đã có thể
sản xuất một tấn thép, con tàu tốc hành của các nước phát triển, trong vài giờ, đã có thể vượt
qua được vài ngàn kilômét. Mọi biểu hiện đủng đỉnh rềnh ràng đều trở nên lạc lõng trong xu
thế toàn cầu hiện nay. Giải trí là cần thiết nhưng chơi bời quá mức, để thời gian trôi qua vô vị
là có tội với đời, với tương lai đất nước.
(Phong cách sống của người đời - Nhà báo Trường Giang. www.chungta.com)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích ?
Câu 2. Theo tác giả, vì sao lãng phí thời gian là mất tuyệt đối?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: “Mọi biểu hiện đủng đỉnh rềnh ràng đều trở nên
lạc lõng trong xu thế toàn cầu hiện nay” ?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm: “Giải trí là cần thiết nhưng chơi bời quá mức,
để thời gian trôi qua vô vị là có tội với đời, với tương lai đất nước” không ? Vì sao?
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ
của anh/chị về sự cần thiết phải biết sử dụng thời gian hợp lí.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận
2. Theo tác giả, mất thời gian là mất tuyệt đối vì: Thời gian là một dòng chảy thẳng; không
bao giờ dừng lại và cũng không bao giờ quay lui.
3. Ý kiến: “Mọi biểu hiện đủng đỉnh rềnh ràng đều trở nên lạc lõng trong xu thế toàn cầu
hiện nay” có thể hiểu là: đủng đỉnh, rềnh ràng có nghĩa là sự lười biếng, trì hoãn, hoặc sống
được chăng hay chớ, lãng phí thời gian vào những việc vô bổ. Xu thế toàn cầu hóa là xu thế phát
triển nhanh chóng, nếu chúng ta giữ lối sống như trên thì chúng ta sẽ trở nên tụt hậu, lạc đường.
4. Đồng tình. Vì:
- Làm việc thì cần có giải trí để thư giãn đầu óc, tái tạo năng lượng.
- Tuy nhiên, giải trí chỉ nên nhằm mục đích như trên, chứ nếu lấy giải trí làm mục đích của
cuộc sống, bỏ bê những việc làm ý nghĩa thì chúng ta sẽ không thể lo cho cuộc sống của bản
thân, từ đó, biến mình thành gánh nặng của người khác, của cuộc đời, của đất nước, do vậy, ta
sẽ trở thành kẻ có tội.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Trong cuộc đời này, có một thứ mà ta không bao giờ được phép lãng phí, đó chính là thời
gian, bởi nó là thứ một đi không trở lại. Ta phải tìm ra cách thức để sử dụng nó sao cho hợp lí,
để không phải hối tiếc về sau. Việc sử dụng hợp lí thời gian là vô cùng cần thiết, có ý nghĩa
sống còn đối với mỗi con người. Khi sử dụng thời gian hợp lí, ta sẽ đạt được mục tiêu mà mình
đã đề ra. Bởi khi đó, ta biết dành thời gian cho những việc cần làm, những việc giúp ta đến gần
với mơ ước và sẽ nói không với những việc vô bổ, những việc làm cản trở ta đến với mục tiêu.
Khi sử dụng thời gian hợp lí, ta sẽ thực hiện được một khối lượng công việc lớn hơn, với hiệu
quả cao hơn. Thời gian vốn là một dòng chảy vô hình. Tuy nhiên, người biết sử dụng thời gian
hợp lí sẽ chia nó ra thành từng đơn vị, và mỗi đơn vị như vậy sẽ gắn với một khối lượng công
việc nhất định. Họ lên kế hoạch để giờ nào, ngày nào làm việc gì, và như vậy, họ sẽ có hình
dung rõ ràng, có mục tiêu rõ ràng để có thể ngay lập tức bắt tay vào hành động, không do dự,
không trì hoãn, không phân tâm, do vậy làm được nhiều việc hơn, chất lượng công việc cao hơn.
Sử dụng thời gian hợp lí cũng khiến cho cuộc sống của ta luôn ở trạng thái cân bằng. Ta sẽ phân
bố được một cách cân đối giữa làm việc và nghỉ ngơi, giữa thời gian dành cho xã hội và cho gia
đình, cho bản thân. Ta luôn có sự hoạch định rõ ràng, nên không thái quá bất cứ một phương
diện nào. Từ xưa đến nay, có thể nói, những con người thành công luôn là bậc thầy trong việc sử
dụng thời gian hợp lí. Những tỉ phú nổi tiếng thế giới như Bill Gate, Steven Job, Jezz Bezoz…,
nếu không sử dụng thời gian hợp lí, có sẽ họ sẽ sớm bị phát điên bởi một khối lượng công việc
đồ sộ. Nhưng họ đã biết lên kế hoạch, biết cân bằng các lĩnh vực, và do vậy, họ vừa thành công
trong công việc, vừa vẫn đảm bảo được một cuộc sống riêng tư hạnh phúc. Đối với bản thân, là
một người học sinh, việc sử dụng thời gian hợp lí là điều vô cùng quan trọng. Một thời gian biểu
hợp lí mới có thể giúp chúng ta hoàn thành tốt các nhiệm vụ học tập trên lớn, cân bằng giữa học
và nghỉ ngơi, để vừa có kiến thức, lại vừa có sức khỏe, để thành công và hạnh phúc sau này.

ĐỀ 3
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc bài thơ sau:
Đông thì chật, ít thì thưa
Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân
Quanh năm chân đất đầu trần
Tác tao sau những vũ vần bão giông
Khi làm cây mác cây chông
Khi thành biển cả, khi không là gì
Thấp cao đâu có hề chi
Cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi
Ăn của đất, uống của trời
Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin
Ồn ào mà vẫn lặng im
Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn
Chỉ mong ấm áo no cơm
Chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành
Hoà vào trời đất mà xanh
Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân.
(Thường dân – Nguyễn Long)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào ?
Câu 2. Chỉ ra một biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau và nêu tác dụng:
“Khi làm cây mác cây chông
Khi thành biển cả, khi không là gì” ?
Câu 3. Tác giả bày tỏ thái độ như thế nào đối với người thường dân qua bài thơ ?
Câu 4. Anh / chị có hoàn toàn đồng tình với quan niệm của tác giả về người thường dân
được thể hiện trong bài thơ không ? Lí giải ?
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
quan điểm của anh/chị về vai trò của nhân dân trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Thể thơ: Lục bát
2. Biện pháp tu từ: Ẩn dụ
Tác dụng:
- Tăng sức gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt
- Làm nổi bật vai trò, sức mạnh to lớn của người thường dân trong hoàn cảnh đất nước chiến
tranh: họ xông pha trận mạc (“làm cây mác cây chông”), tạo nên sức mạnh to lớn (“thành biển
cả”).
- Bày tỏ thái độ trân trọng, yêu mến sự bình dị, khiêm nhường của họ trong cuộc sống thời
bình: “khi không là gì”.
3. Tác giả bày tỏ thái độ vừa trân trọng, tự hào, vừa thương cảm đối với những người
thường dân.
4. Đồng tình. Lí giải: Tác giả đã phản ánh một cách chân thực và sâu sắc về tâm tính, vai trò
của người thường dân trong mọi hoàn cảnh của đất nước.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ xưa đến nay, những bậc minh quân, thánh đế luôn ý thức được vai trò và sức mạnh to
lớn của nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Những triều đại nào biết “yên
dân”, yêu dân thì vững bền, những chế độ nào mà khinh dân, áp bức nhân dân thì nhanh chóng
sụp đổ. Nói như vậy để thấy, vận mệnh đất nước là do nhân dân định đoạt. Nhân dân là lực
lượng chính để sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống xã hội, phát triển đất nước. Nếu không có
nhân dân, một nền kinh tế không thể vận hành, một xã hội không thể tồn tại. Nhân dân cũng là
người sáng tạo, gìn giữ và lưu truyền những giá trị văn hóa. Nếu vật chất là yếu tố quyết định sự
sống còn, thì văn hóa lại là cái làm nên “tính cách”, làm nên bản sắc tinh thần của một dân tộc.
Cho nên, nếu không có nhân dân sáng tạo, giữ gìn và trao truyền các giá trị văn hóa, một đất
nước sẽ dễ dàng bị đồng hóa trước các làn sóng ngoại lai. Khi đất nước có chiến tranh, nhân dân
lại là tình nguyện tham gia chiến đấu và sản xuất, “vững tay súng, chắc tay cày”, hậu phương và
tiền tuyến một lòng để đánh giặc. Có thể nói, nhân dân chính là sinh mệnh của đất nước, hay nói
đúng hơn, nhân dân và đất nước đã hòa làm một. Mỗi một con người hôm nay phải luôn ý thức
được tầm vóc của nhân dân, sứ mệnh của nhân dân; phải luôn biết chăm lo cho lợi ích của nhân
dân, bởi chỉ một khi sức lực của nhân dân được mạnh khỏe, tinh thần của nhân dân được phấn
chấn, thì vận mệnh của đất nước mới ngày một hưng thịnh và vững bền.

ĐỀ 4
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Thành công đến từ việc bạn biết chủ động trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh. Nhiều
trường hợp, sự chủ động rất quan trọng. Nó sẽ giúp bạn ứng phó linh hoạt, vượt qua khó khăn
và thay đổi kịp thời để chớp lấy thời cơ. Thiếu tính chủ động thì cho dù có kiến thức, có tầm
nhìn thì sự do dự cũng sẽ làm lỡ mất cơ hội.
Người có tính chủ động sẽ suy nghĩ, hành động độc lập, làm chủ được tình thế. Khi có vấn
đề xảy ra trước hết họ nhìn nhận chính bản thân mình, tìm ra khó khăn để vượt qua.
Tính chủ động không phải là làm bừa mà là dám nghĩ, dám nói và dám làm. Nếu bạn dám
hành động, hành động có suy nghĩ, chủ động và kiên quyết thì mọi việc đều dẫn đến thành công.
Những người có tính chủ động là những người tự tin và biết mình cần làm gì trong cuộc
sống. Họ theo đuổi đam mê bằng tất cả lòng nhiệt huyết và quyết tâm, không những thế họ còn
thành công trên hầu hết mọi phương diện của cuộc sống, đặc biệt khi có cạnh tranh. Trong một
xã hội đang ngày càng phát triển, bạn cần phải chủ động để không bị tụt lùi.
(Vân Anh – https://petrotimes.vn/hay-tu-.......-cua-chinh-minh-554998.html/)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích ?
Câu 2. Theo tác giả, người chủ động khi có vấn đề xảy ra, họ sẽ làm gì ?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: “Tính chủ động không phải là làm bừa mà là
dám nghĩ, dám nói và dám làm”.
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “Trong một xã hội đang ngày càng phát triển,
bạn cần phải chủ động để không bị tụt lùi” không ? Vì sao ?
Câu 5. Bài học ý nghĩa nhất mà anh/chị rút ra sau khi đọc đoạn trích trên là gì ?
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: Làm thế nào để hình thành tâm thế sống chủ động?
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
2. Theo tác giả, người chủ động khi có vấn đề xảy ra, trước hết họ nhìn nhận chính bản
thân mình, tìm ra khó khăn để vượt qua.
3. Câu nói: “Tính chủ động không phải là làm bừa mà là dám nghĩ, dám nói và dám làm” có
thể hiểu là: Chủ động có nghĩa là phải suy nghĩ, tính toán, lên kế hoạch, các phương án hành
động hợp lí, từ sự chuẩn bị đó mà có đủ tự tin, dũng cảm để dám hành động. Trong khi làm bừa
thì hoàn toàn thiếu sự suy xét, tính toán, nên sẽ rơi vào bị động chứ không thể nào chủ động
được .
4. Đồng tình. Vì: Trong xã hội phát triển, tốc độ của cuộc sống là rất nhanh, sự cạnh tranh
giữa người với người cũng khốc liệt hơn bao giờ hết. Chúng ta phải bắt kịp với tốc độ đó. Phải
trau dồi kiến thức, kĩ năng, phải sẵn sàng cho mọi hoàn cảnh. Trái lại, nếu bị động, chờ đợi, trì
hoãn, thì chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau.
5. Bài học ý nghĩa nhất: Phải luôn chủ động trong mọi tình huống.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
So với việc nằm “há miệng chờ sung” thì việc chủ động leo lên cây và hái quả sẽ có xác suất
thành công cao hơn nhiều. Xác suất khác nhau ấy đến từ sự khác nhau về thái độ hành động:
một bên là bị động còn một bên là chủ động. Khi bạn chủ động, trong hầu hết mọi trường hợp,
bạn sẽ có được những gì bạn muốn. Tuy nhiên, để hình thành một tâm thế sống chủ động không
phải là một điều có thể làm được trong ngày một ngày hai. Bạn cần có thời gian và phương
pháp. Muốn có tâm thế sống chủ động, trước hết chúng ta phải nhận thức được về tầm quan
trọng của nó, nghĩa là trả lời được câu hỏi: Tâm thế sống chủ động sẽ đem lại cho ta những lợi
ích gì? Khi đã nhận thức được những lợi ích to lớn mà nó mang lại, ta mới có động lực để rèn
luyện cho mình cách sống ấy. Muốn có tâm thế sống chủ động, ta cũng cần phải hoàn thiện bản
thân mình trước. Một con người muốn chủ động trong mọi hoàn cảnh, thì không thể không có
ba yếu tố: kiến thức, kĩ năng và bản lĩnh. Chúng ta phải trau dồi ba yếu tố này, và khi đã có
được chúng, tâm thế của chúng ta sẽ mặc nhiên trở nên tự tin và chủ động hơn. Ta sẽ không
ngần ngại dấn bước để nắm bắt cơ hội. Để có tâm thế sống chủ động, chúng ta cũng phải thiết
lập các mối quan hệ với những người luôn chủ động trong cuộc sống. Kết giao với họ sẽ giúp ta
có thêm động lực, kinh nghiệm và phương pháp để nhanh chóng biết cách sống chủ động. Trong
cuộc sống có rất nhiều tấm gương đã ý thức được tầm quan trọng của lối sống chủ động và nỗ
lực xây dựng cho mình cách thế sống ấy. Đó là những tỉ phú nổi tiếng thế giới như Bill Gate,
Steven Job, Mark Juckerberg… Đó là những người truyền cảm hứng nổi tiếng như A. Lincohn,
Nick Vu Jick, Adam Khoo… Tất cả họ đều có được sự nghiệp đỉnh cao nhờ biết “trèo cây hái
quả” chứ không nằm há miệng chờ quả rụng. Đối với một người học sinh, việc xây dựng cho
mình một lối sống chủ động là điều tối cần thiết, để tạo nên một bệ phóng vững chắc cho bản
thân sau này.

ĐỀ 5
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng
cỏ và lúa, và hoa hoang quả dại
vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải
bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua.

Tuổi thơ tôi trắng muốt cánh cò


con sáo mỏ vàng con chào mào đỏ đít
con chim trả bắn mũi tên xanh biếc
con chích chòe đánh thức buổi ban mai.

Tuổi thơ tôi cứ ngỡ mất đi rồi


năm tháng trôi qua không bao giờ chảy lại
cả năm tháng mong manh mà vững chãi
con dấu đất đai tươi rói mãi đây này.

Người miền rừng bóng suối dáng cây


người mạn bể ăn sóng nói gió
người thành thị nét đường nét phổ
như tôi mang dấu ruộng dấu vườn
(Trích Tuổi thơ, Nguyễn Duy, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM, 2017, tr. 63-64)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào ?
Câu 2. Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong những dòng thơ sau:
Tuổi thơ tôi trắng muốt cánh cò
con sáo mỏ vàng con chào mào đỏ đít
con chim trả bắn mũi tên xanh biếc
con chích chòe đánh thức buổi ban mai
Câu 3. Những dòng thơ sau giúp anh/chị hiểu như thế nào về ảnh hưởng của quê hương đối
với mỗi người:
Người miền rừng bóng suối dáng cây
người mạn bể ăn sóng nói gió
Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét về tình cảm của tác giả đối với quê hương được thể hiện trong
đoạn trích.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của anh/chị về vai trò của quê hương đối với mỗi con người.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Thể thơ: Tự do
2. Biện pháp tu từ: Liệt kê các loài chim gắn bó với tuổi thơ (cánh cò, con sáo, chào mào,
chim trả, chim chích chòe).
3. Những dòng thơ:
Người miền rừng bóng suối dáng cây
người mạn bể ăn sóng nói gió
Cho thấy quê hương có ảnh hưởng sâu đậm tới mỗi con người, nó tác động đến con người từ
dáng hình cho đến giọng nói, tính cách. Người ở những miền quê khác nhau sẽ mang những nét
đặc trưng riêng: người miền núi thì cao lớn, người miền biển thì mạnh mẽ.
4. Nhận xét tình cảm của tác giả đối với quê hương: nhớ thương, trân trọng, biết ơn quê
hương của mình.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người
Những vần thơ giản dị mà da diết ấy của nhà thơ Đỗ Trung Quân đã nói lên vai trò quan
trọng, không gì thay thế được của quê hương đối với mỗi con người. Quê hương là nơi ta được
sinh ra. Đó là mảnh đất đầu tiên, nơi mà ta sống những năm tháng đầu đời trong trẻo và hồn
nhiên ở đó. Đó là mảnh đất ươm mầm cho những ước mơ tuổi nhỏ, là nơi gieo những hạt giống
đầu tiên vào tâm hồn ta, để hình thành nên tính cách ta sau này. Quê hương cũng là nơi có gia
đình ta, bố mẹ, anh chị của ta, bạn bè ta, hàng xóm láng giềng của ta. Đó là những mối dây gắn
bó thân thiết, gần gũi mà có khi mãi sau này ta cũng không bao giờ quên được. Quê hương, như
vậy, cũng trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc, để con người, sau này dù có phiêu bạt nơi đâu,
có gặp khó khăn thất bại, thì vẫn cảm thấy được che chở, cảm thấy bình yên khi trở về chốn cũ.
Quê hương là thiết thân, là quan trọng như vậy, cho nên mỗi người phải luôn có ý thức gắn bó
với quê hương mình, đồng thời cũng phải có những hành động thiết thực để góp phẩn bảo tồn
những giá trị tốt đẹp của quê hương, xây dựng và phát triển quê hương ngày một giàu đẹp.

ĐỀ 6
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
HÃY LÀ NGƯỜI VÔ LÝ
Một trong những câu nói tôi thích nhất của George Bernard Shaw là: “Người có lý điều
chỉnh bản thân theo thế giới; người vô lý kiên định điều chỉnh thế giới theo bản thân. Vì vậy,
mọi tiến bộ đều tùy thuộc vào người vô lý.” Hãy suy nghĩ về ý tưởng này trong chốc lát. Đó là
một ý tưởng lớn.
Tất nhiên, bạn cần thực tế và ứng xử khôn khéo khi làm việc trong môi trường của mình.
Tôi đồng ý rằng việc áp dụng các quan niệm phổ biến với người khác cũng quan trọng. Những
rủi ro ngu ngốc có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Nhưng như đã nói, đừng nên sợ hãi trước
thất bại hay thất vọng để rồi không dám ước mơ.
Đừng lúc nào cũng tỏ ra có lý và thực dụng, quá nhạy cảm đến nỗi bạn từ chối không chộp
lấy cơ hội ngàn vàng khi nó đến. Hãy đẩy xa giới hạn của những gì bạn nghĩ mình có thể thực
hiện. Đừng quên rằng những kẻ chỉ trích luôn cười nhạo tầm nhìn của nhiều nhà tư tưởng can
trường, nhiều nhà khai phá nổi tiếng. Đừng để ý đến những lời chỉ trích. Luôn ghi nhớ rằng
những tiến bộ vượt bậc mà con người đạt tới đều nhờ nỗ lực can trường của một người nào đó
từng bị chỉ trích rằng ý tưởng của họ là viễn vông, không thể trở thành hiện thực. Thế giới cần
nhiều người biết ước mơ. Cần người vô lý biết đấu tranh chống lại những gì thông thường. Cần
người chống lại sự cám dỗ của tính tự mãn và dám hành động theo cách họ vẫn luôn thực hiện.
Bạn có thể là một trong những người ấy. Từ ngày hôm nay.
(Trích Đời ngắn đừng ngủ dài, Robin Sharma, NXB Trẻ, 2014, Tr. 29)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích ?
Câu 2. Theo đoạn trích, người có lí và người vô lí khác nhau chỗ nào?
Câu 3. Anh/chị có đồng tình với quan niệm: “mọi tiến bộ đều tùy thuộc vào người vô lý”
không ? Vì sao ?
Câu 4. Bài học ý nghĩa nhất mà anh/chị rút ra sau khi đọc đoạn trích trên là gì ?
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải vượt qua giới hạn của bản thân.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
2. Theo đoạn trích, người có lí và người vô lí khác nhau ở chỗ: Người có lý điều chỉnh bản
thân theo thế giới; người vô lý kiên định điều chỉnh thế giới theo bản thân.
3. Tôi vừa đồng tình vừa không đồng tình.
- Đồng tình. Vì người vô lí chính là người sẽ có suy nghĩ và hành động khác với đám đông.
Chính họ là người sẽ có những ý tưởng, những thay đổi để thúc đẩy xã hội tiến bộ.
- Không đồng tình. Vì nếu sự vô lí dựa trên sự thiếu hiểu biết, sự kiêu căng, sự liều lĩnh, sự
cố tình khác người một cách bất chấp thì nó chỉ gây ra sự cản trở cho tiến bộ xã hội.
4. Bài học ý nghĩa nhất: Hãy dám ước mơ / Hãy dám mở rộng giới hạn của bản thân.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Một cái cây sẽ vươn cao đến chừng nào? Câu trả lời là cao nhất có thể. Một con người có
thể phát triển bản thân đến mức nào? Xin thưa, ở bất cứ mức nào anh ta muốn. Chúng ta kém
cỏi là bởi vì tự chúng ta cho rằng mình kém cỏi, tức là chúng ta đã tự đặt ra giới hạn cho mình.
Hãy phá vỡ giới hạn đó, và bạn sẽ nhận thấy điều kì diệu. Khi chúng ta vượt qua giới hạn của
bản thân, chúng ta sẽ phát hiện ra những khả năng mới của chính mình mà trước đây mình
tưởng là không hề tồn tại. Bạn nhận ra rằng mình cũng có thể làm được những việc lớn lao, gặt
hái được những thành quả kì vĩ. Bạn nhận ra rằng trước đây mình không làm được là do mình
thiếu tự tin mà thôi. Khi vượt qua giới hạn của bản thân, bản lĩnh của bạn cũng sẽ trở nên vững
vàng. Bạn bước ra khỏi vùng an toàn, bàn chân bạn bắt đầu đặt lên những vùng đất mới, bạn bị
đặt trước những cảnh huống mới, do vậy, bạn phải tư duy và hành động để thích nghi. Chính
điều này, được lặp đi lặp lại nhiều lần, sẽ làm cho bạn trở nên mạnh mẽ. Phá vỡ giới hạn của
bản thân cũng sẽ giúp bạn trở thành người có ích cho cộng đồng. Bạn sẽ là người say mê khám
phá những lĩnh vực mới, tạo ra những giá trị mới. Bạn nâng cao tầm vóc của mình, tài năng của
mình, và do vậy, cộng đồng cũng sẽ được thừa hưởng những thành quả của bạn. Adam Khoo
từng nghĩ rằng mình là một kẻ đần độn, mọi người xung quanh cũng nghĩ như thế, cho đến khi
cậu được truyền cảm hứng từ một lớp học kĩ năng, biết thay đổi cách suy nghĩ để nhận ra rằng ai
cũng có thể trở nên tài giỏi. Và khi những suy nghĩ đóng khung bản thân đã bị phá vỡ, cuộc đời
của cậu đã phát triển một cách thần kì. “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế”. Vâng, chính bạn cũng thế,
trong con người bạn là một thiên tài đang say ngủ. Hãy đánh thức nó ngay từ hôm nay.

ĐỀ 7
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
… với những thằng con trai mười tám tuổi
đất nước là nhịp tim có thể khác thường
là một làn mây mỏng đến bâng khuâng
là mùi mồ hôi thật thà của lính
đôi khi là một giọng nữ cao nghe từ Hà Nội
hay một bữa cơm rau rừng
chúng tôi không muốn chết vì hư danh
không thể chết vì tiền bạc
chúng tôi lạ xa với những tin tưởng điên cuồng
những liều thân vô ích
đất nước đẹp mênh mang
đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt
chỉ riêng cho Người, chúng tôi dám chết...
(Thử nói về hạnh phúc - Thanh Thảo, Từ một đến một trăm, NXB Tác phẩm mới, 1984)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích ?
Câu 2. Gọi tên một biện pháp tu từ được sử dụng trong những dòng thơ sau:
… với những thằng con trai mười tám tuổi
đất nước là nhịp tim có thể khác thường
là một làn mây mỏng đến bâng khuâng
là mùi mồ hôi thật thà của lính
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của hai dòng thơ cuối:
đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt
chỉ riêng cho Người, chúng tôi dám chết
Câu 4. Thông điệp mà anh/chị tâm đắc nhất sau khi đọc đoạn trích trên là gì ?
II. LÀM VĂN ( (2,0 điểm)
Từ nội dung của đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình
bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải có lý tưởng sống cao đẹp.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Thể thơ: Tự do
2. Biện pháp tu từ: Liệt kê
3. Hai dòng thơ:
đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt
chỉ riêng cho Người, chúng tôi dám chết
Có thể hiểu là: Đất Nước là một phần máu thịt của mỗi con người, là tất cà những gì gần gũi
mà lại thiêng liêng nhất, nó xứng đáng để con người hy sinh cuộc sống của mình để bảo vệ, giữ
gìn.
4. Thông điệp: Mỗi một con người hãy luôn luôn biết yêu đất nước và sẵn sàng hy sinh cho
đất nước.
II. LÀM VĂN ( (2,0 điểm)
Con người là một động vật kì diệu. Nếu các loài khác đều sống và chết đi theo một bản lập
trình có sẵn, thì con người lại có thể tự viết lên kịch bản của cuộc đời mình. Cuộc đời bạn sẽ trở
nên như thế nào, là do cách bạn đặt ra mục đích để hướng tới, và một mục đích, một lý tưởng
càng cao đẹp thì cuộc sống của bạn càng trở nên ý nghĩa. Khi có một lý tưởng sống cao đẹp,
chúng ta sẽ dồn hết tâm trí của mình để theo đuổi, thực hiện nó. Và như thế, cuộc đời của chúng
ta sẽ giống như một chiếc xe đã xác định được nơi cần đến, không còn băn khoăn, do dự hay lạc
lối. Lý tưởng sống cao đẹp cũng giúp nâng tầm vóc của con người lên. Chúng ta sẽ sống cao
thượng hơn, sâu sắc hơn. Chúng ta sẽ dẹp bỏ được những mối bận tâm nhỏ nhặt, dẹp bỏ được
những thứ tình cảm ích kỉ, hẹp hòi. Chúng ta sẽ trở nên “lớn” hơn, vĩ đại hơn trong quá trình
theo đuổi lí tưởng của mình. Việc đặt ra cho mình một lý tưởng cao đẹp cũng góp phần mở
rộng giới hạn bản thân, giúp chúng ta đánh thức những tiềm năng bấy lâu nay vẫn còn say ngủ,
để cho những ưu điểm, sở trường của chúng ta có cơ hội được phát huy. Trong xã hội, nếu ai
cũng sống với những lý tưởng cao đẹp thì xã hội đó hẳn sẽ giàu có và văn minh vượt bậc. Khi
đó, mọi người sẽ đều trở thành những công dân cao thượng trong một xã hội hạnh phúc. Lý
tưởng cao đẹp xưa nay luôn là ánh sáng dẫn đường cho những bậc vĩ nhân. Martin Luther King
đã theo đuổi lý tưởng bình đẳng sắc tộc; G. Woasington đã theo đuổi lý tưởng xây dựng một đất
nước dân chủ; Gandhi theo đuổi lý tưởng bất bạo động… và họ đã khiến cuộc đời mình thành
bất tử. Đối với học sinh, việc đề ra một lý tưởng sống cao đẹp là tối quan trọng. Nó sẽ là kim chỉ
nam cho mọi hành động, để nhanh chóng đưa ta đi đến hạnh phúc.

ĐỀ 8
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
(1) Trong mỗi chú bé đều âm ỉ giấc mơ bay lên. Tôi cũng thấy thế. Em chắc vẫn còn nuôi
giấc mơ đó. Nhưng khi lớn lên, đôi khi những tầng mây thâm thấp thôi cũng khiến ta như bị che
khuất tầm nhìn. Tệ hơn, những tầng mây sũng nước thậm chí có thể che khuất cả những giấc
mơ, đè nén khát vọng của mỗi người. Một ngày mây mù có thể khiến ta yếu ớt và bi lụy. Một
chút thất bại cũng như mây mù kéo đến, có thể làm em rút vào tổ kén u uất, bi quan. Ai đó nói
rằng cách tốt nhất để hóa giải khó khăn là đi xuyên qua nó. Đi xuyên qua mây mù bằng giấc mơ
phi công gìn giữ từ thơ bé. Đi xuyên qua gian khó bằng lòng lạc quan. Đi xuyên qua u mê bằng
khao khát hướng đến trí tuệ, thông sáng. Đi xuyên qua thất bại bằng sự điềm đạm trưởng thành.
(2) Vì triệu năm đã là như thế, cuộc đời có hôm nắng đẹp, có ngày mưa dầm, có tuần mây
đen như đè nặng, có khoảnh khắc u ám tối dạ, rỗng đầu, nhưng Mặt Trời vẫn mọc mỗi sớm mai.
Không phải ai cũng có thể trở thành phi công lái Airbus hay Boeing đúng y như giấc mơ tuổi
nhỏ. Nhưng ai cũng có thể học cách giữ cho mình giấc mơ bay xuyên qua những tầng mây, đón
nắng rọi sáng tâm hồn khiến nụ cười luôn nở trên môi mỗi người.
(Bay xuyên những tầng mây, Hà Nhân, NXB Văn học, 2016, tr.98)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích ?
Câu 2. Nêu hiệu quả của phép liệt kê được sử dụng trong đoạn văn sau: Vì triệu năm đã là
như thế, cuộc đời có hôm nắng đẹp, có ngày mưa dầm, có tuần mây đen như đè nặng, có
khoảnh khắc u ám tối dạ, rỗng đầu, nhưng Mặt Trời vẫn mọc mỗi sớm mai.
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu văn: Cách tốt nhất để hóa giải khó khăn là đi xuyên
qua nó ?
Câu 4. Điều anh/chị tâm đắc nhất từ đoạn trích trên là gì ? Vì sao ?
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ nội dung của phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ
của anh/chị về vai trò của ước mơ đối với tuổi trẻ.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận
2. Hiệu quả của phép liệt kê: Giúp người đọc nhận diện về những hoàn cảnh khác nhau của
cuộc đời: có lúc tươi đẹp, thuận lợi, có lúc khó khăn thử thách. Tuy nhiên rồi mọi khó khăn
cũng sẽ qua đi, vậy nên con người đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng.
3. Câu văn: Cách tốt nhất để hóa giải khó khăn là đi xuyên qua nó có thể hiểu là: cách tốt
nhất để chúng ta vượt qua khó khăn là đối mặt, tìm cách để giải quyết nó, chứ không nên né
tránh.
4. Điều tâm đắc nhất qua đoạn trích trên là: Ai cũng có thể học cách giữ cho mình giấc mơ
bay xuyên qua những tầng mây, đón nắng rọi sáng tâm hồn khiến nụ cười luôn nở trên môi mỗi
người. Vì: Câu văn này đã cổ vũ bản thân phải biết lạc quan, hy vọng trong mọi hoàn cảnh.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Nếu một ngày nào đó, bạn ngồi lại suy ngẫm và thấy mình không còn ước mơ về một điều
gì nữa, ngày ấy bạn đã chính thức đặt chân vào cõi chết. Quả vậy, ước mơ chính là tên gọi khác
của cuộc sống. Còn sống là còn phải ước mơ. Ước mơ, do vậy, có vai trò vô cùng quan trọng,
đặc biệt là đối với tuổi trẻ. Ước mơ có thể hiểu đơn giản là mục tiêu mà bạn hướng tới trong
tương lai. Khi có ước mơ, bạn sẽ có động lực để bắt tay vào học tập, làm việc. Bởi bạn biết rằng
ước mơ đang kêu gọi bạn ở phía trước, và chỉ bằng cách hành động, bạn mới với tới được ước
mơ của mình, biến nó thành hiện thực. Người có ước mơ cũng sẽ biết rõ mình phải làm gì và
không nên làm gì. Họ sẽ dồn thời gian và công sức vào những việc có ích, tức là nhứng việc
giúp họ đến gần hơn với ước mơ của mình, và tránh xa nhưng việc khiến họ sao nhãng ước mơ,
hoặc cản trở họ đến với ước mơ. Ước mơ cũng sẽ giúp cho con người có sức mạnh để đối mặt
và vượt qua khó khăn thử thách. Khi gặp khó khăn, một người sống có ước mơ sẽ nhìn về nó để
dấn bước, để xuyên qua thử thách, trong khi một người không có ước mơ thì không thấy có lý
do gì để tiếp tục, nên họ sẽ đầu hàng. Ước mơ cong giúp cho con người có đời sống tinh thần
thư thái. Khi chúng ta biết mình phải làm gì và đang làm vì mục đích gì, tâm trí chúng ta sẽ
không bị phân tán, rối bời bởi trăm ngàn suy nghĩ vô bổ, do vậy mà ta sẽ bình yên hơn. Luther
King nói: “Tôi có một ước mơ”, đó là ước mơ xóa tan sự kì thì màu da và chủng tộc, và ông đã
sống một cuộc đời lửa cháy với ước mơ đó của mình. Ước mơ đó đã thôi thúc ông sống mãnh
liệt và trở nên bất tử. Là học sinh, chúng ta cần biết sống có ước mơ. Và ngay từ hôm nay, hãy
bắt tay vào để hiện thực hóa ước mơ của chính mình.

ĐỀ 9
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
(1) Giấc mơ của anh hề
Thấy mình thành triệu phú
Giấc mơ người hát xẩm nhục nhằn
Thức dậy giữa lâu đài rực rỡ
Thằng bé mồ côi lạnh giá
Thấy trong tay chiếc bánh khổng lồ
Trên đá lạnh người tù
Gặp bầy chim cánh trắng
Kẻ u tối suốt đời cúi mặt
Bỗng thảnh thơi đứng dưới mặt trời.

(2) Giấc mơ đêm cứu vớt cho ngày


Trong hư ảo người sống phần thực nhất
Cái không thể nào tới được
Đã giục con người
Vươn đến những điều đạt tới
Những giấc mơ êm đềm
Những giấc mơ nổi loạn
Như cánh chim vẫy gọi những bàn tay.

(3) Đời sống là bờ


Những giấc mơ là biển
Bờ không còn nếu chẳng có khơi xa....
(Trích Giấc mơ của anh hề - Lưu Quang Vũ)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào ?
Câu 2. Chỉ ra một biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến trong đoạn (1) ?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về nội dung của những dòng thơ sau:
Giấc mơ đêm cứu vớt cho ngày
Trong hư ảo người sống phần thực nhất
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với tác giả khi ông cho rằng:
Đời sống là bờ
Những giấc mơ là biển
Bờ không còn nếu chẳng có khơi xa…
Lý giải vì sao?
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết của những khát vọng trong cuộc sống.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Thể thơ: Tự do
2. Biện pháp tu từ: Liệt kê
3. Những dòng thơ:
Giấc mơ đêm cứu vớt cho ngày
Trong hư ảo người sống phần thực nhất
Có thể hiểu là:
- Những điều mà chúng ta không đạt được khi tỉnh thức, nó sẽ đến với chúng ta trong mơ,
đó là cách để giải tỏa chúng ta khỏi những ẩn ức.
- Giấc mơ cũng phản ánh những điều mà khi tỉnh thức, vì một lý do nào đó mà ta phải giấu
kín, không thể thổ lộ cùng ai.
4. Đồng tình. Vì: Quả thật, đời sống là cái hiện thực, là nơi ta có thể tồn tại, nhưng giấc mơ
lại là cái mở rộng tâm trí của ta, làm cho tâm hồn ta thêm phong phú, giàu có. Giấc mơ là liều
thuốc tinh thần xoa dịu hiện thực. Cho nên, nếu không có những giấc mơ, có lẽ cuộc sống của
con người sẽ thật buồn tẻ, thậm chí là không tồn tại.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Tầm vóc của một con người, ý nghĩa cuộc sống của họ được đo bằng những điều mà họ
khao khát. Hãy nói cho tôi biết khát vọng của anh là gì, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người như
thế nào. Khát vọng, do vậy, là một điều vô cùng cần thiết, không thể không có trong cuộc sống
của mỗi con người. Khát vọng có thể hiểu đơn giản là những điều tốt đẹp mà ta mong ước đạt
được. Khi một người sống có khát vọng, họ sẽ thấy mình có đủ bản lĩnh để đối mặt với mọi
nghịch cảnh. Họ hiểu rằng, khó khăn là điều tất yếu, và chỉ là điều tạm thời. Nếu vượt qua được
khó khăn, thì ở bên kia, vinh quang ngọt ngào đang chờ đợi họ. Do vậy họ sẽ có đủ nghị lực để
dấn bước. Khát vọng cũng giúp cho con người sống có mục đích, không lãng phí thời gian vào
những thứ độc hại, vô bổ. Khi ta đã biết mình sinh ra để sống vì điều gì, chỉ ta sẽ dành mọi
nguồn lực để đưa bản thân mình tiến về phía ấy. Những thứ cản trở ta, hoặc không nuôi dưỡng
khát vọng của ta, ta sẽ dễ dàng băng qua hoặc gạt bỏ. Sống có khát vọng là cần thiết, bởi nó còn
giúp ta đánh thức tiềm lực của bản thân, phát huy sở trường và khắc phục những khuyết điểm.
Khi ta có khát vọng, ta sẽ luôn muốn phát triển bản thân theo hướng ưu tú nhất, để hiện thực hóa
giấc mơ của mình, và do vậy, mọi tài năng, phẩm chất của ta sẽ có cơ hội tỏa sáng. Người sống
có khát vọng cũng sẽ lan toản những năng lượng tích cực cho người khác. Ở họ luôn toát ra sự
nhiệt huyết, đam mê, lòng khao khát. Ở gần họ, ta cũng sẽ được cái men say ấy thấm vào người,
khiến ta cũng sống một cách tích cực hơn. Nick Vu Jick có thể xem là một tấm gương về khát
vọng. Sinh ra với cơ thể khiếm khuyết, nhưng chính khát vọng trở thành người có ích, khát vọng
trở thành người truyền cảm hứng để vực dậy những tinh thần bi lụy, anh đã trở thành một trong
những diễn giả nổi tiếng nhất thế giới hiện nay. Những người trẻ hôm nay, đặc biệt là học sinh,
hãy phải biết không ngừng khát vọng, để cuộc sống thăng hoa. Nói như Steven Job: “Hãy cứ
khát khao, hãy cứ dại khờ”!

ĐỀ 10
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Miền trung
Câu ví dặm nằm nghiêng
Trên nắng và dưới cát
Đến câu hát cũng hai lần sàng lại
Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm

Miền trung
Bao giờ em về thăm
Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt
Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ
Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ
Không ai gieo mọc trắng mặt người

Miền trung
Eo đất này thắt đáy lưng ong
Cho tình người đọng mật
Em gắng về
Đừng để mẹ già mong...
(Trích Miền Trung, Hoàng Trần Cương, Thơ hay Việt Nam thế kỉ XX, NXB Văn hóa Thông
tin, 2006, tr.81-82)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào ?
Câu 2. Chỉ ra hai hình ảnh trong đoạn trích diễn tả sự khắc nghiệt của thiên nhiên miền
Trung.
Câu 3. Những dòng thơ sau giúp anh/chị hiểu gì về mảnh đất và con người miền Trung ?
Miền trung
Eo đất này thắt đáy lưng ong
Cho tình người đọng mật
Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét về tình cảm của tác giả đối với miền Trung được thể hiện trong
đoạn trích ?
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của anh/chị về sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Thể thơ: Tự do
2. Hai hình ảnh trong đoạn trích diễn tả sự khắc nghiệt của thiên nhiên miền Trung: Trên
nắng và dưới cát; Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ.
3. Những dòng thơ: Miền trung/ Eo đất này thắt đáy lưng ong/ Cho tình người đọng mật
vừa giúp ta hiểu được về dáng hình của giải đất miền Trung, vừa giúp hiểu được bản tính của
con người miền Trung: đó là những con người giàu tình nặng nghĩa.
4. Nhận xét về tình cảm của tác giả: Tác giả đã thể hiện một cách chân thành xúc động tình
cảm của mình đối với miền Trung, đó vừa là sự chia sẻ, cảm thông với điều kiện thiên nhiên
khắc nghiệt, với sự nghèo khó của miền Trung; vừa là thái độ trân trọng, ngợi ca những tấm
lòng giàu tình nghĩa của con người nơi đây.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Con người đến với trái đất này không phải để đơn độc, mà là để kết nối với nhau, và con
người không thể kết nối nếu không có tình người. Cũng bởi vì thế, tình người là một trong
những điều kiện tiên quyết để sinh tồn, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn thử thách.
Trong nghịch cảnh, khi nhận được sự quan tâm từ người khác, con người sẽ cảm thấy mình
không hề đơn độc. Vẫn còn có những người bên họ. Họ sẽ thấy mình vẫn có một vị trí quan
trọng trong lòng người khác. Và khi đó, họ sẽ tự tin, vững vàng để bước qua giông tố của cuộc
đời. Trong khó khăn thử thách, tình người cũng sẽ giúp cho những số phận bất hạnh có chỗ dựa
về mặt vật chất lẫn tinh thần,“một miếng khi đói bằng một gói khi no”, đôi khi chỉ là một lời
động viên an ủi, một cái nắm tay thật chặt, một ánh mắt khích lệ cũng có thể giúp cho một con
người đứng dậy, nhấc chân lên khỏi vũng bùn lầy để bước về phía ánh mặt trời. Trong khó khăn
thử thách, tình người còn giúp gắn kết ta với tha nhân. Một hành động nhân văn có thể khiến
cho hai con người xa lạ sát lại gần nhau, tạo nên những mối quan hệ vững chắc, thân thiết. Nếu
trong một xã hội mà tình người được lên ngôi, thì xã hội đó hẳn là một nơi tốt đẹp và đáng sống
hơn bất cứ đâu trên trái đất này. Trong đại dịch Covid vừa qua, ta đã được chứng kiến sức mạnh
của tình người trong khó khăn thử thách. Nhờ có tình yêu thương đùm bọc của cộng đồng, của
những tấm lòng nhân ái, mà rất nhiều cá nhân và gia đình đã thoát ra được khỏi hoàn cảnh ngặt
nghèo. Đối với bản thân em, em sẽ luôn tâm niệm một điều: phải luôn biết yêu thương người
khác, phải cần đối đãi với người khác bằng cả tấm lòng mình, để cho cuộc sống ngày một tốt
đẹp hơn.
ĐỀ 11
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Dưới đây là lời khuyên của triết gia Elbert Hubbard: “Mỗi khi bạn ra khỏi nhà, hãy ngẩng
cao đầu lên, hít thở thật sâu, hãy đón nhận ánh nắng mặt trời, chào đón bạn bè với nụ cười và
trao tâm hồn bạn cho người khác trong từng cái bắt tay. Đừng sợ bị hiểu lầm và đừng phí thời
gian nghĩ đến kẻ thù. Hãy tập trung vào những điều bạn muốn làm, không chùn bước, và bạn sẽ
tiến thẳng đến đích. Hãy nghĩ đến việc lớn lao và cao cả mà bạn muốn thực hiện trong đời. Rồi
ngày tháng trôi qua, bạn sẽ thấy mình tự nhiên nắm được những cơ hội cần thiết để thực hiện
mong muốn của mình, hệt như con tằm một khi đã nhả tơ thì sẽ miệt mài cho đến sợi tơ cuối
cùng. Bạn hãy hình dung hình ảnh một nhân tài, đầy nhiệt huyết, có ích cho xã hội mà bạn khao
khát trở thành. Hãy nuôi dưỡng hình ảnh này trong tâm trí, rồi dần dần bạn sẽ thấy mình đang
trở thành con người đặc biệt đó… Suy nghĩ chính là điểm mấu chốt. Đó chính là nguồn gốc của
mọi sáng tạo. Hãy duy trì một thái độ đúng đắn, một tinh thần dũng cảm, chân thành và vui vẻ.
Mọi cơ hội sẽ đến từ sự khát khao và mọi mong ước chân thành đều sẽ được đáp ứng. Hãy
ngẩng đầu thật cao và hiên ngang bước tới. Tất cả chúng ta đều là những nhân tài tiềm ẩn
trong tư chất của chính mình”.
(Dale Carnegie – Đắc nhân tâm, NXB Tổng hợp TP HCM, 2018, Tr. 113)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích ?
Câu 2. Theo tác giả, chúng ta cần phải làm gì mỗi ngày để nắm được cơ hội ?
Câu 3. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: “Tất cả chúng ta đều là những nhân tài tiềm ẩn
trong tư chất của chính mình” không ? Tại sao ?
Câu 4. Việc tác giả so sánh “hệt như con tằm một khi đã nhả tơ thì sẽ miệt mài cho đến sợi
tơ cuối cùng” mang đến cho anh chị bài học gì ?
II. LÀM VĂN (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải có tinh thần lạc quan trong cuộc sống.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
2. Theo tác giả, để nắm bắt được cơ hội, mỗi ngày chúng ta cần: Mỗi khi bạn ra khỏi nhà,
hãy ngẩng cao đầu lên, hít thở thật sâu, hãy đón nhận ánh nắng mặt trời, chào đón bạn bè với
nụ cười và trao tâm hồn bạn cho người khác trong từng cái bắt tay. Đừng sợ bị hiểu lầm và
đừng phí thời gian nghĩ đến kẻ thù. Hãy tập trung vào những điều bạn muốn làm, không chùn
bước, và bạn sẽ tiến thẳng đến đích. Hãy nghĩ đến việc lớn lao và cao cả mà bạn muốn thực
hiện trong đời.
3. Đồng tình. Vì: Mỗi chúng ta đều được tạo hóa ban cho một khả năng nào đó, và nếu
chúng ta đánh thức được nó, phát triển nó, thì chúng ta sẽ là những nhân tài trong lĩnh vực của
mình.
4. Việc tác giả so sánh “hệt như con tằm một khi đã nhả tơ thì sẽ miệt mài cho đến sợi tơ
cuối cùng” mang đến bài học là: Nếu ta lạc quan, nỗ lực hằng ngày, thì đến một thời điểm, thành
công sẽ đến với ta một cách liên tục, bền bỉ, như một thứ quán tính vậy.
II. LÀM VĂN (2.0 điểm)
Lạc quan có nghĩa là giữ cái nhìn vui vẻ, tích cực trước mọi hoàn cảnh. Đôi khi, chúng ta
không thay đổi được hoàn cảnh, nhưng chúng ta có thể thay đổi được cách nhìn, và từ việc thay
đổi cách nhìn đó, nó sẽ quyết định đến số phận của đời ta. Khi ta có tinh thần lạc quan, ta sẽ
bình thản hơn khi đối mặt với khó khăn thử thách. Người lạc quan là người đứng trên hoàn
cảnh. Họ biết rằng khó khăn là tất yếu, nhưng cũng chỉ là tạm thời. Nếu cứ bình tâm đón nhận
và tìm cách khắc phục, thì ở phía bên kia, ánh sáng đang chờ đợi. Tinh thần lạc quan cũng giúp
con người tỉnh táo hơn, sáng suốt hơn khi rơi vào tình huống xấu. Họ không hoảng loạn, không
suy sụp, họ vẫn giữ được sự cân bằng tâm trí, nên họ sẽ sớm tìm ra cách giải quyết cho mọi vấn
đề. Người có tinh thần lạc quan cũng sẽ luôn có đời sống vui vẻ, không những thế, họ còn lan
tỏa trạng thái tinh thần tích cực ấy sang cho người khác. Người ta còn nhận thấy rằng, một
người lạc quan là một người có sức khỏe tốt. Trong rất nhiều trường hợp, bệnh tật không đến từ
thực phẩm hay môi trường, mà đến từ những lo âu nội tâm. Người lạc quan luôn tin vào những
điều tốt đẹp, họ không lo âu thái quá và vô căn cứ, họ bình tĩnh suy xét thiệt hơn, và như vậy,
tinh thần họ lành mạnh, dẫn đến cơ thể họ cũng ít bệnh tật. Thomas Edison có thể coi là tấm
gương vĩ đại về tinh thần lạc quan. Sau khi thất bại đến 9999 lần trong việc tìm kiếm chất liệu
làm sợi tóc bóng đèn, có người đã chế giễu ông vì sự thất bại liên tiếp đó. Ông bình thản đáp:
Tôi không thất bại, 9999 lần kia tôi đã thành công trong việc nhận ra những chất liệu nào là
không thể dùng để làm sợi tóc bóng đèn. Lạc quan là thứ vũ khí mạnh nhất của con người. Một
người học sinh, ngay từ bây giờ, phải hình thành cho mình tinh thần ấy, để sống một cuộc đời
tươi vui và ý nghĩa.

ĐỀ 12
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Lịch sự với người bắt đầu bằng lịch sự với mình, và lịch sự với mình bắt đầu từ lịch sự với
thân thể, với bề ngoài, quần áo, cử chỉ, nói năng, đi đứng. Trong mối liên hệ mật thiết giữa thân
và tâm, cái miệng là sứ giả đặc biệt của lịch sự. Hơn ba mươi năm trước, khi lần đầu về lại quê
hương sau chiến tranh, tôi nhớ quay quắt một tiếng dường như biến mất trên môi mọi người,
tiếng “cảm ơn”.
Cái miệng mở ra một tiếng “cảm ơn” đem vui biết bao cho người nhận, mà cũng tỏ ra nỗi
vui biết bao trong lòng người cho. Lịch sự là đem vui đến cho người và cho mình.
Hãy nhìn đứa bé “cảm ơn” khi mình cho nó viên kẹo: Mắt nó sáng lên, miệng nó tươi, mình
cho kẹo mà tưởng như kẹo đang ngọt trong miệng mình. Làm sao có thể tưởng tượng được rằng
đứa bé nhận kẹo mà không nói một tiếng gì?
Cảm ơn là hai tiếng dạy con từ nhỏ để con biết mình là một thành phần của xã hội, biết có
mình và có người, biết nhận và biết cho, biết chia sẻ là luật của tương giao tương thân, biết đáp
lại một món quà bằng một món quà, dù nhỏ, dù chẳng có gì, nhưng trao gởi từ lòng.
Đẹp nhất của cái miệng để cho và để nhận là nụ cười. Cười khi nhận đã đẹp. Cười khi
không nhận gì cả lại càng đẹp hơn vì đấy là cho vô điều kiện cái gì quý nhất của tâm hồn. Ấy là
cách cho giữa hai người thương nhau. Thương ai, mình muốn người đó vui. Và cho vui, không
gì bằng tự mình vui.
Đời sống lứa đôi hạnh phúc khi mỗi người biết tự thề với mình phải vui bên cạnh người kia.
Mở rộng cách cho đó trong giao tiếp xã hội, lịch sự là đem vui đến cho người gần, đem vui đến
cho người gặp. Ai biết cười trong mọi hoàn cảnh, người đó chữa hết mọi thứ bệnh, nhất là cái
bệnh giận.
Một nụ cười xóa tan cơn giận nơi mình và nơi người khác. Lịch sự là một thứ thể thao làm
nhũn đi nhưng xng động, giống như khi ta vươn vai để giãn gân cốt. Con người khác con vật ở
chỗ ấy: Con vật hành động theo bản năng, hễ giận là xông tới; con người biết vượt lên trên bản
năng để cư xử với nhau đẹp hơn.
Lịch sự là sự chiến thắng bản năng để vun trồng mầm mống văn hó có sẵn trong tính người.
Lịch sự đó mới chính là lịch sự đích thực, lịch sự của nụ cười, không phải là thứ lịch sự rởm
của cái lưng khom xuống.
(Trích Cao Huy Thuần, Một ngày lịch sự, dẫn theo http://doanhnhansaigon.vn)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên ?
Câu 2. Theo tác giả, lịch sự với người bắt đầu từ đâu ?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: “Lịch sự là chiến thắng bản năng để vun trồng
mầm mống văn hóa có sẵn trong tính người” ?
Câu 4. Bài học ý nghĩa nhất mà anh/chị rút ra sau khi đọc đoạn trích trên là gì ?
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày
suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải biết lịch sự trong cuộc sống.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là: Nghị luận
2. Theo tác giả, Lịch sự với người bắt đầu bằng lịch sự với mình.
3. Ý kiến: “Lịch sự là chiến thắng bản năng để vun trồng mầm mống văn hóa có sẵn trong
tính người” có thể hiểu là: Xây dựng thói quen lịch sự cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải
biết kiểm soát bản thân, kìm nén những dục vọng thấp hèn, phát huy tính bản thiện, bổi đắp tri
thức và văn hóa, để làm cho bản thân mình trở nên cao đẹp hơn.
4. Bài học ý nghĩa nhất: Lịch sự với người bắt đầu bằng lịch sự với mình, và lịch sự với
mình bắt đầu từ lịch sự với thân thể, với bề ngoài, quần áo, cử chỉ, nói năng, đi đứng.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Con người là một động vật có văn hóa. Nó do tự nhiên sinh ra, nhưng trong quá trình sống,
nó lại là sản phẩm của xã hội. Và trong xã hội ấy, muốn xứng đáng với hai chữ con người, nó
phải học cách để làm người. Một trong những bài học đó là phép lịch sự trong ứng xử. Cũng cần
nói ngay rằng lịch sự ở đây nên hiểu theo nghĩa rộng, đó là cách ứng xử có văn hóa không chỉ
với người khác mà là còn với chính bản thân mình. Trong cuộc sống, lịch sự giúp chúng ta duy
trì một nếp sống chuẩn mực, đàng hoàng. Khi ta ý thức được rằng chính ta cũng phải lịch sự với
bản thân, ta sẽ không sống buông tuồng, phóng túng, nhếch nhác. Trái lại, ta sẽ chăm chút hơn
cho bản thân, sẽ đưa nó vào khuôn khổ để nó trở nên lành mạnh và tốt đẹp. Lịch sự cũng giúp
chúng ta có được sự tôn trọng từ người khác. Trong giao tiếp, đối đãi với người khác, nếu ta lịch
sự, ta sẽ không bao giờ làm cho người khác phiền lòng hay bị tổn thương. Ta luôn dành cho
người khác một sự tôn trọng rất lớn, và do vậy, ta sẽ được đáp lại. Lịch sự cũng giúp ta mở ra
những cơ hội mới trong cuộc sống. Trong những cuộc gặp gỡ, dù vô tình hay được sắp đặt, nếu
ta dùng phép lịch sự đối đãi với người khác, rất có thể họ sẽ quý mến ta, tin tưởng ta, và sẵn
sàng tạo điều kiện để ta có thể tiếp cận những thời cơ mới, lĩnh vực mới. Từ những bàn luận ở
trên, ta thấy lịch sự là vô cùng cần thiết trong cuộc sống của mỗi con người. Là một người học
sinh, đang ở độ tuổi hình thành nhân cách, chúng ta nên hình thành cho mình tính lịch sự, lịch
sự với chính mình và với mọi người, để trở thành một công dân văn hóa trong xã hội tương lai.

ĐỀ 13
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Chúng ta thường tự nhủ mình không hề phán xét mà chỉ quan sát người khác thôi. Nhưng
đó chẳng khác nào một lời nói dối. Tập trung chú ý vào thất bại, sự hèn hạ của người khác
đồng nghĩa với việc ta đang thổi phồng chúng lên quá mức, từ đó, làm tổn thương họ.
Tất nhiên, điều ngược lại cũng có tác dụng tương tự. Nếu lựa chọn nhìn vào điểm tốt vốn dĩ
luôn tồn tại trong người khác, chúng ta sẽ củng cố thêm điểm tốt ấy cho họ, cho bản thân chúng
ta cũng như cho cả cộng đồng; chúng ta sẽ giúp những điều tốt đẹp, dù nhỏ bé nhất, lan tỏa
khắp nơi. Chúng ta luôn có quyền lựa chọn nhìn vào điểm tốt trong mọi người. Đó là lối tư duy
ta nên rèn luyện vì lợi ích của xã hội.
Thật may mắn vì chúng ta có thể cảm nhận được lợi ích của sự chuyển biến này ngay lập
tức. Đôi khi ta cần phải quyết định lại; nhưng mỗi khi lựa chọn nhìn nhận điều tốt đẹp ở người
khác, thay vì chú tâm vào khuyết điểm, chúng ta sẽ cảm thấy mình trở nên tốt bụng hơn, khoan
dung hơn. Và điều đó sẽ tiếp sức cho hy vọng. Sự tự tin, hạnh phúc và lòng nhiệt thành của ta
càng tăng lên bao nhiêu thì chúng ta càng cảm thấy thanh thản bấy nhiêu.
Một vài người còn tin rằng, khi nhìn nhận điều tốt đẹp ở người khác là chúng ta đã làm
trọn ý nguyện của Thượng đế, bởi lẽ đó chính là cách Thượng đế nhìn nhận con người. Dù ý
tưởng này phù hợp với niềm tin của bạn hay không cũng chẳng quan trọng. Lời khuyên mấu
chốt tôi muốn đề cập ở đây là cần ý thức được rằng, tâm trạng của mình sẽ thay đổi khi ta cư
xử hòa nhã và nhiệt tình với mọi người xung quanh, thay vì hạ thấp họ bằng phán xét. Bạn nên
biết con người luôn cảm nhận được sự phán xét dù họ có thể không nhìn thấy hay nghe thấy.
Nói một cách đơn giản, thái độ phán xét khiến thế giới của chúng ta nhỏ hẹp. Phương pháp dễ
dàng nhất để thay đổi tư duy của chúng ta là nhờ đến tình yêu thương và lòng bao dung.
(Theo Khi ta thay đổi thế giới sẽ đổi thay – Karen Casey, NXB tổng hợp thành phố Hồ Chí
Minh)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích ?
Câu 2. Theo tác giả, vì sao chúng ta nên nhìn vào điểm tốt của người khác ?
Câu 3. Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “Phương pháp dễ dàng nhất để thay đổi tư duy
của chúng ta là nhờ đến tình yêu thương và lòng bao dung” không ? Tại sao?
Câu 4. Thông điệp nào từ đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/chị ?
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ nội dung của đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình
bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải có lòng bao dung trong cuộc sống.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là: Nghị luận
2. Theo tác giả, chúng ta nên nhìn vào điểm tốt của người khác vì: chúng ta sẽ củng cố thêm
điểm tốt ấy cho họ, cho bản thân chúng ta cũng như cho cả cộng đồng; chúng ta sẽ giúp những
điều tốt đẹp, dù nhỏ bé nhất, lan tỏa khắp nơi.
3. Đồng tình. Vì thứ nhất, tình yêu thương và lòng bao dung là thứ ta có thể cho đi mà
không hề mất mát gì cả, thậm chí ta còn được nhận lại nhiều hơn; thứ nữa, khi ta cho đi tình yêu
thương và lòng bao dung, ta sẽ luôn nhìn thấy những điều tích cực, tốt đẹp ở người khác. Do
vậy, tư duy của ta cũng sẽ tích cực hơn.
4. Thông điệp ý nghĩa nhất: Hãy nhìn vào những điều tích cực ở người khác.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Bầu trời rộng lớn bởi nó bao chứa vạn vật. Biển cả mênh mông vì nó chấp nhận mọi con
sông đổ về. Lòng bao dung khiến con người trở nên cao cả. Quả thật, bao dung là điều vô cùng
cần thiết. Bao dung có thể hiểu đơn giản là luôn nhìn nhận những khiếm khuyết của người khác
bằng một thái độ tích cực. Lòng bao dung giúp cho người khác có cơ hội để sửa sai. Con người
không ai là hoàn hảo, ai cũng có thể phạm sai lầm. Tuy nhiên, nếu không được tha thứ, lỗi lầm
đó có thể sẽ hủy hoại cuộc sống của người khác. Trái lại, nếu ta bao dung, ta sẽ cho họ niềm tin,
để họ có đủ sức mạnh để làm lại từ đầu. Bao dung không chỉ có lợi ích to lớn đối với người
khác, mà nó còn là cần thiết đối với chính bản thân người bao dung. Vì không chấp nhặt, không
nhỏ nhen, hẹp hòi, nên người có lòng bao dung sẽ luôn có đời sống tinh thần thanh thản, cân
bằng. Hơn nữa, họ còn được người khác kính phục, yêu mến. Trong xã hội, lòng bao dung giúp
cho quan hệ giữa người với người trở nên ấm áp, bớt đi những điều tiêu cực. Xã hội do vậy sẽ
lành mạnh và nhân văn hơn. Có rất nhiều tấm gương sáng về lòng bao dung đã được người đời
ca ngợi. Chúa Jesu khi bị đóng đinh lên cây thập tự, đã không những không oán hận những kẻ
hại mình, trái lại, Ngài còn cầu xin sự tha thứ cho họ. Đó quả là đức bao dung của thánh nhân.
Là người học sinh, ngay từ khi còn cắp sách tới trường, chúng ta hãy hình thành và nuôi dưỡng
lòng bao dung, để cho tâm hồn và nhân cách của ta càng ngày càng trở nên nhân văn và sâu sắc.

ĐỀ 14
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Những rủi ro lớn và lâu ta gọi là nghịch cảnh; mà nghịch cảnh thường giữ một chức vụ
quan trọng trong sự thành công. Bệnh tật liên miên là một nghịch cảnh phải không bạn? Nhưng
nếu Voltaire không đau vặt, về già phải nằm trên giường quanh năm thì chắc gì ông đã sáng tác
được nhiều như vậy?… Charles Darwin nhờ tàn tật mà lập nên sự nghiệp. Ông nói: “Nếu thân
tôi không là cái xác vô dụng, chưa chắc tôi đã có đủ sức mạnh tinh thần để biểu minh lí thuyết
của tôi". Nhiều bạn trẻ thường phàn nàn với tôi vì cảnh nhà nghèo túng, học không được lâu và
làm ăn cũng không được. Nghèo túng là một nghịch cảnh thật, nhưng biết lợi dụng nó thì nó lại
là một tay sai đắc lực giúp ta thành công. Chính vì nghèo khổ, người ta mới ham tự học, thấy
cần phải tự học. J.J. Rousseau trên mười tuổi đã phải đi lang thang khắp nơi, làm đủ các nghề
để kiếm ăn, nhờ có chí, biết tự học trong lúc rảnh mà nổi danh là một triết gia, ảnh hưởng lớn
đến thế giới. Một người hỏi ông: “ông học tại những trường nào mà giỏi như vậy?”, ông đáp:
“Học trong trường nghịch cảnh”. Elibu Burrit mười sáu tuổi tập nghề thợ rèn, mỗi ngày đập
sắt mười một giờ mà còn có thì giờ học ngoại ngữ, sau ông thông 18 sinh ngữ và 32 thổ ngữ,
thiên hạ gọi là “nhà bác học thợ rèn”. Những người không chịu học, đọc truyện ông chắc phải
mắc cỡ. Trên đường doanh nghiệp, cảnh nghèo thường kích thích hoạt động chứ không phải
luôn luôn là một trở ngại. Hầu hết những ông vua thép, vua báo, vua dầu lửa, vua xe hơi ở Âu –
Mĩ đều xuất thân hàn vi hơn bạn và tôi. Họ đã phải bán báo, đánh giày, lượm rác, làm bồi
phòng,… chỉ nhờ hai bàn tay trắng mà làm nên sự nghiệp. Cổ nhân đã nhận xét đúng: “Không
ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, vì hễ nghèo thì bị tủi nhục, bị hiếp đáp nên người ta quyết
tâm thắng nó, tận lực cải thiện đời sống, đem cả tâm trí ra phấn đấu đến cùng, và sớm muộn gì
người ta cũng thắng, cũng hoá giàu. Vả lại, có nghèo người ta mới dám mạo hiểm để làm lớn,
không sợ thất bại, thắng thì được tất cả mà thua thì chẳng mất gì. Giàu có sinh nhút nhát, lười
biếng nên một người Pháp đã nói: “Những con ngựa mập không chạy được nhanh” và một nhà
doanh nghiệp nọ phàn nàn với bạn như vầy: “Tôi biết thằng con tôi, nó có nhiều đức tính lắm,
song nó có một cái bất lợi rất lớn là nó sinh trong một nhà giàu”.
(Nguyễn Hiến Lê, Rèn nghị lực để lập thân)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính, thao tác lập luận chính được sử dụng trong
đoạn trích ?
Câu 2. Theo tác giả, thế nào là nghịch cảnh ?
Câu 3. Anh/chị có đồng tình với quan niệm: "Nghịch cảnh thường giữ một chức vụ quan
trọng trong sự thành công" không ? Vì sao ?
Câu 4. Bài học ý nghĩa nhất mà anh/chị rút ra sau khi đọc đoạn trích trên là gì ?
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy
nghĩ của anh/chị về sự cần thiết của nghịch cảnh đối với cuộc sống của mỗi con người.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Thao tác lập luận chính: Bình luận
2. Theo tác giả, Những rủi ro lớn và lâu ta gọi là nghịch cảnh.
3. Đồng tình. Vì: Khi trải qua nghịch cảnh, ta sẽ trưởng thành hơn về hiểu biết, về bản lĩnh,
ta sẽ rút được những kinh nghiệm quý báu để hành động một cách hợp lí và hiệu quả hơn.
4. Bài học: Hãy coi nghịch cảnh là một cơ hội để phát triển bản thân.
II. LÀM VĂN (2,0 điểm)
Nghịch cảnh thường được hiểu là những khó khăn trắc trở trong cuộc sống. Mà đã gọi là
khó khăn trắc trở thì nó đâu có ích gì cho ta? Không hẳn vậy! Nếu cuộc đời này mà thiếu đi
những khó khăn, trắc trở ấy, thì hẳn chúng ta sẽ không thể nếm trải được cái cảm giác gọi là
hạnh phúc ở đời. Nghịch cảnh chính là thuốc thử của cuộc sống đối với bản thân mỗi chúng ta.
Nhờ nghịch cảnh mà chúng ta mới đánh giá được bản lĩnh của mình, giới hạn của mình, từ đó
mà có những điều chỉnh cần thiết để tiến bộ. Nghịch cảnh cũng giúp đánh thức những tiềm năng
còn say ngủ trong ta. Hẳn nếu cuộc sống quá thuận lợi, ta sẽ không bao giờ sử dụng hết sức lực
và trí tuệ của chính mình. Chỉ khi vấp phải nghịch cảnh, ta mới phải vươn lên, vươn lên nữa, và
trong quá trình nỗ lực không ngừng ấy, ta thấy khả năng của mình thật là vô hạn. Nghịch cảnh là
trường học vĩ đại, dạy cho ta những bài học vô giá về sự được mất trong cuộc sống, về cái giá
phải trả cho thành công, và do vậy, nó cũng giúp ta nếm trải được vị ngọt ngào của chiến thắng.
Những người trải qua nghịch cảnh cũng thường được ban cho sự sâu sắc, tinh tế, khả năng cảm
thông, thấu hiểu và sẻ chia với những khó khăn, mất mát của người khác. Họ đã từng như thế,
nên họ bao dung hơn với những lỗi lầm, họ kiên nhẫn hơn với thất bại của người khác. Và cũng
chính vì vậy, họ được mọi người trân trọng, yêu mến nhiều hơn. Những bậc vĩ nhân xưa và nay
đều coi trọng nghịch cảnh. J.J. Rousseau, Charles Darwin, Elibu Burrit… đều trưởng thành từ
nghịch cảnh, nhờ có thái độ đúng đắn trước nghịch cảnh mà họ trở nên vĩ đại. Tuổi trẻ hôm nay
cũng cần nhận thức được vai trò của nghịch cảnh, để khi lâm vào khó khăn, ta sẽ bình thản hơn
để đối mặt, để vượt qua, để thu nhận từ nó những bài học quý giá, giúp ta trưởng thành hơn trên
mỗi bước đường đời.

ĐỀ 15
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Theo kết quả khảo sát gần đây của Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn tâm lí (Trường Đại học
Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), có đến 65,4% sinh viên năm thứ nhất
tại một số trường đại học chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành mình học; 50,8% không
biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào tuyển dụng họ. Khi được hỏi về mức độ thoả mãn với
nghề đã chọn, có đến 75,6% sinh viên cho biết họ ít thoả mãn với sự lựa chọn của mình, “vào
học rồi mới biết mình không hợp”; 32,4% sinh viên muốn được thi lại vào năm sau… Kết quả
này cho thấy có nhiều bạn trẻ không chọn đúng nghề như mong muốn.
Những sai lầm chủ quan trong việc lựa chọn ngành học thường bắt đầu từ quan niệm mang
nặng tính thực dụng: Ngành này có dễ xin việc làm, có thu nhập cao, có được làm việc ở thành
phố hay không?
Sai lầm có thể đến với người chọn nghề theo truyền thống gia đình, theo sự thành đạt của
người thân, theo sự rủ rê của bạn bè… mà không quan tâm đến sự phù hợp của nghề đối với
năng lực, nguyện vọng bản thân. Thậm chí, nhiều thí sinh không tự chọn ngành, chọn nghề để
đăng ký thi đại học mà người lựa chọn, người làm hồ sơ chính là bố mẹ của thí sinh.
Ngoài ra, một sai lầm phổ biến nữa là chọn nghề hời hợt theo kiểu “nước đến chân mới
nhảy”. Nhiều học sinh đến năm lớp 12 vẫn chưa tìm hiểu và chưa quyết định chọn nghề. Bởi
vậy, có khá nhiều thí sinh nộp 4, 5 bộ hồ sơ, thậm chí có người đã nộp 9 – 13 bộ để “chống
trượt”.
Việc chọn sai nghề khiến bản thân khó phát huy năng lực, giảm năng suất và hiệu quả lao
động, từ đó dẫn tới tâm lí chán nản, thất vọng, thiếu tự tin, mất dần động lực làm việc.
Lúc ấy, nếu muốn bắt đầu với nghề khác thì phải chịu tốn kém, mất thời gian học nghề
mới… Đối với xã hội, việc có nhiều cá nhân lựa chọn sai nghề sẽ gây lãng phí cho công tác đào
tạo và đào tạo lại, năng suất lao động không cao, nảy sinh nhiều xáo trộn cho hoạt động của
các doanh nghiệp, tổ chức (có nhiều người bỏ nghề, chuyển nghề).
(Trích "3/4 sinh viên chọn nhầm ngành học" – Nhã Anh, theo http:// www.petrotimes.vn)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích ?
Câu 2. Căn cứ vào đoạn trích, hãy cho biết việc lựa chọn sai nghề dẫn đến hậu quả gì ?
Câu 3. Anh/ Chị có đồng tình với quan điểm: “Việc chọn sai nghề khiến bản thân khó phát
huy năng lực" không? Vì sao?
Câu 4. Bài học ý nghĩa nhất mà anh/chị rút ra sau khi đọc đoạn trích trên là gì ?
II. LÀM VĂN ( (2,0 điểm)
Từ nội dung của đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình
bày suy nghĩ của anh/chị về các giải pháp để lựa chọn đúng ngành nghề.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
2. Căn cứ vào đoạn trích ta thấy, việc lựa chọn sai nghề dẫn đến: bản thân khó phát huy
năng lực, giảm năng suất và hiệu quả lao động, từ đó dẫn tới tâm lí chán nản, thất vọng, thiếu
tự tin, mất dần động lực làm việc; Đối với xã hội, việc có nhiều cá nhân lựa chọn sai nghề sẽ
gây lãng phí cho công tác đào tạo và đào tạo lại, năng suất lao động không cao, nảy sinh nhiều
xáo trộn cho hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức (có nhiều người bỏ nghề, chuyển nghề).
3. Đồng tình. Vì khi chọn sai nghề, ta sẽ phải làm những công việc không phù hợp với sở
trường của mình. Chính điều đó sẽ khiến cho năng lực không được phát huy, thậm chí thui chột.
4. Bài học ý nghĩa: Hãy lựa chọn ngành nghề đúng với sở trường, năng lực, đam mê của bản
thân.
II. LÀM VĂN ( (2,0 điểm)
Ngành nghề, đối với một con người là quan trọng. Bởi nó không chỉ là phương kế sinh nhai,
mà hơn thế nữa, còn quyết định đến chất lượng cuộc sống của mỗi con người. Lựa chọn đúng
thì cuộc sống sẽ ý nghĩa, hạnh phúc. Lựa chọn sai thì sẽ như bị đày ải, khổ nhọc. Nhưng làm thế
nào để có thể lựa chọn đúng ngành nghề? Trước hết, ta phải hiểu rõ bản thân mình. Phải đánh
giá và phát hiện được sở trường, năng lực của bản thân, để từ đó có hướng lựa chọn công việc
phù hợp. Ta chọn đúng ngành nghề là khi ta được làm những việc mà mình có thể làm giỏi nhất,
cảm thấy thoải mái và vui vẻ nhất. Muốn lựa chọn đúng ngành nghề, ta cũng cần phải có sự trải
nghiệm. Đôi khi, có những công việc, lúc này ta tưởng là sở trường, là đam mê, nhưng sau một
thời gian, ta lại nhận ra nó không phải để dành cho mình. Cho nên, có những giai đoạn ta cũng
cần mạnh dạn thử thách ở một số lĩnh vực ngành nghề khác nhau, để tìm ra cái mình thực sự yêu
thích. Để lựa chọn đúng ngành nghề, ta cũng cần phải tham khảo ý kiến của bạn bè, thầy cô, gia
đình. Tham khảo không phải là để bị định hướng, mà là để hiểu hơn về bản thân mình. Có đôi
khi chính ta lại là người hiểu bản thân mình ít nhất, trong khi người khác lại có cái nhìn chính
xác hơn. Họ sẽ tư vấn cho ta về hướng lựa chọn nghề nghiệp cho mình. Nói tóm lại, nghề
nghiệp là “người bạn đời” của mỗi chúng ta. Bởi vậy, hãy lựa chọn thật đúng đắn để có thể có
được một “cuộc hôn nhân” bền lâu và hạnh phúc.

You might also like